Saturday, February 28, 2015

Văn minh hóa đô thị (Peter F. Drucker)





Peter F. Drucker
Nguyễn Quang A chuyển ngữ
Posted on Feb 27, 2015

VĂN MINH HÓA đô thị sẽ ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu trong tất cả các nước – và đặc biệt ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh, và Nhật Bản. Tuy nhiên, cả chính phủ lẫn doanh nghiệp đều không thể lo liệu cho các cộng đồng mới mà mỗi thành phố lớn trên thế giới cần đến. Đó là nhiệm vụ của tổ chức phi chính phủ, phi kinh doanh, phi lợi nhuận.

Khi tôi sinh ra, vài năm trước khi nổ ra Chiến tranh Thế giới I, ít hơn 5 phần trăm dân cư – 1 trong mỗi 20 người sống khi đó – đã sống và làm việc trong một thành phố. Thành phố vẫn đã là ngoại lệ, một ốc đảo nhỏ trong thế giới nông thôn. Và ngay cả ở các nước công nghiệp hóa nhất và đô thị hóa nhất như Anh hay Bỉ, dân cư nông thôn đã vẫn hầu như là đa số.

Năm mươi năm trước, vào cuối Chiến Tranh Thế giới II, một phần tư dân cư Mỹ vẫn ở nông thôn – và ở Nhật Bản, người dân sống ở nông thôn vẫn đã chiếm ba phần năm toàn bộ dân số. Ngày nay ở cả hai nước – và ở mọi nước phát triển khác – dân cư nông thôn đã co lại còn ít hơn 5 phần trăm, và vẫn đang co lại. Và ngang thế, trong thế giới đang phát triển, chính các đô thị là cái đang tăng lên. Ngay cả ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước lớn vẫn chủ yếu là nông thôn, các đô thị đang tăng lên trong khi dân cư nông thôn nhiều nhất đang duy trì mình. Và ở tất cả các nước đang phát triển người dân sống ở nông thôn không còn đợi được nữa để chuyển vào thành phố, cho dù ở đó không có công ăn việc làm, và nhà ở cho họ.

Tiền lệ duy nhất về sự biến đổi nhân khẩu học này là cái đã xảy ra khoảng mười ngàn năm trước, khi tổ tiên xa của chúng ta đầu tiên định cư trên đất và trở thành những người chăn nuôi và nông dân. Nhưng sự biến đổi đó kéo dài vài ngàn năm. Sự biến đổi của chúng ta xảy ra trong thời gian ít hơn một thế kỷ. Không có tiền lệ cận đại nào cho nó – và rất ít định chế và, chao ôi, rất ít trường hợp thành công. Và chìa khóa cho sự sống sót và sức khỏe của xã hội con người đô thị mới này là sự phát triển các cộng đồng trong thành phố.

Thực tế về Cuộc sống Nông thôn

TRong một xã hội nông thôn các cộng đồng là “cho trước” đối với cá nhân. Cộng đồng là một sự thực, bất luận là gia đình hay tôn giáo, là giai cấp hay đẳng cấp xã hội. Có rất ít tính di động trong xã hội nông thôn, và cái có ở đó hầu hết là hướng xuống.

Xã hội thôn quê đã được lãng mạn hóa trong hàng ngàn năm, đặc biệt ở Phương Tây, nơi các cộng đồng thôn quê thường được miêu tả là thanh bình. Tuy nhiên, cộng đồng trong xã hội thôn quê thực sự cả là ép buộc và cưỡng bách. Một thí dụ gần đây. Gia đình tôi và tôi đã sống ở nông thôn Vermont mới 50 năm trước, vào cuối các năm 1940. Vào thời gian đó nhân vật được ưa thích nhất trong quốc gia đã là nhân viên trực điện thoại địa phương trong quảng cáo của Công ty Bell Telephone. Cô ta, quảng cáo bảo chúng ta mỗi ngày, đã gắn cộng đồng lại với nhau, phục vụ nó, và luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ.

Thực tế hơi khác. Ở nông thôn Vermont, khi đó chúng tôi vẫn chỉ có tổng đài điện thoại nhân công. Khi bạn nhấc điện thoại bạn không có tín hiệu âm thanh. Nhưng chí ít – bạn hy vọng- bạn sẽ kiếm được một trong những nhân viên trực điện thoại phục vụ cộng đồng, tuyệt diệu đó. Nhưng cuối cùng, vào khoảng 1947 hay 1948, khi điện thoại quay số đến vùng nông thôn Vermont, đã có ăn mừng kỷ niệm phổ biến. Đúng, nhân viên điện thoại đã luôn ở đó. Nhưng, thí dụ, khi bạn gọi để gặp Dr. Wilson, bác sĩ nhi khoa, vì một đứa con của bạn bị sốt cao, cô nhân viên điện thoại sẽ nói, “Ông không thể gặp Dr. Wilson bây giờ; ông ta đang với bạn gái”. Hay “Ông không cần Dr. Wilson; con ông không bị ốm. Hãy đợi đến sáng mai để xem liệu nó còn sốt cao không”. Cộng đồng đã không chỉ cưỡng bách; nó xâm phạm.

Và điều này giải thích vì sao, trong hàng ngàn năm, ước mơ của dân nông thôn đã là trốn vào thành phố. Stadtluft Macht Frei [không khí đô thị giải thoát] là một câu tục ngữ Đức cổ từ thế kỷ 11 hay 12. Kẻ nông nô xoay xở để trốn từ nông thôn và được nhận vào một thành phố thì trở thành người tự do, trở thành một công dân. Và chúng ta, cũng vậy, có một bức tranh thanh bình về thành phố – và nó cũng phi thực tế như bức tranh thanh bình về đời sống thôn quê.

Vì cái làm cho thành phố hấp dẫn cũng làm cho nó vô chính phủ – tính nặc danh; việc thiếu các cộng đồng cưỡng bách. Thành phố quả thực là trung tâm văn hóa. Chính ở đó các nghệ sĩ và các học giả có thể làm việc và thịnh vượng. Chính xác vì nó đã không có cộng đồng, nó tạo tính di động hướng lên. Nhưng dưới cái lớp mỏng của các nhà chuyên nghiệp, các nghệ sĩ, và các học giả đó, dưới các nhà buôn giàu có và các thợ thủ công lành nghề trong các phường hội thủ công của họ, đã là tình trạng bất ổn về đạo đức và xã hội. Đĩ điếm, cướp bóc và vô pháp luật. Và đời sống đô thị cũng có nghĩa là bị phơi ra cho bệnh tật và bệnh dịch. Cho đến khoảng 100 năm qua, đã chẳng có thành phố nào trên thế giới duy trì được mức dân cư riêng của mình; tất cả đã phụ thuộc vào những người chuyển từ vùng quê lên. Chỉ đến thế kỷ 19, với cấp nước hiện đại, thoát nước hiện đại, tiêm chủng và kiểm dịch, mà tuổi thọ trung bình ở đô thị mới bắt đầu tiến gần tuổi thọ trung bình ở thôn quê.

Điều này đã đúng với Rome của Caesars, với Constantinople xứ Byzantine, với Florence của Medici, với Paris của Louis XIV (như được miêu tả rất xuất sắc trong Ba Chàng Ngự lâm của Dumas – cuốn sách bán chạy vĩ đại nhất của thế kỷ 19). Nhưng nó cũng đã đúng cả với London của Dickens. Trong thành phố “văn hóa cao” rực rỡ. Nhưng nó là lớp nước mỏng bên trên một đầm lầy hôi thối. Và chẳng trong thành phố nào, trước khoảng 1880, một phụ nữ khả kính dám đi ra một mình vào bất cứ lúc nào trong ngày. Cũng chẳng an toàn cho đàn ông đi bộ về nhà vào ban đêm.

Nhu cầu về Cộng đồng

ThÀNH PHỐ hấp dẫn chính xác bởi vì nó đã chào mời sự tự do khỏi cộng đồng nông thôn ép buộc và cưỡng bách. Nhưng nó đã mang tính phá hủy vì nó đã không cung cấp bất cứ cộng đồng nào của chính nó.

Nếu không có các cộng đồng xây dựng, sẽ có các cộng đồng phá hủy.

Và con người cần cộng đồng. Nếu không sẵn có các cộng đồng cho các mục đích xây dựng, thì sẽ có các cộng đồng phá hủy, giết người – các băng nhóm của nước Anh thời Victoria, hay các băng nhóm đe dọa mọi cơ cấu xã hội của thành phố lớn ở Mỹ ngày nay (và ngày càng tăng của mọi thành phố lớn trên thế giới).

Tác phẩm đầu tiên chỉ ra rằng con người cần cộng đồng là một trong những tác phẩm cổ điển vĩ đại của xã hội học, cuốn Gemeinschaft und Gesellschaft [Cộng đồng và Xã hội] của Ferdinand Toennies, được xuất bản năm 1887. Nhưng cộng đồng mà Toennies, hơn một thế kỷ trước, vẫn hy vọng duy trì – cộng đồng hữu cơ của xã hội nông thôn truyền thống – đã qua rồi, và đã qua vĩnh viễn. Nhiệm vụ ngày nay, vì thế, là tạo ra các cộng đồng đô thị – cái gì đó trước kia chưa hề tồn tại. Thay cho các cộng đồng truyền thống của lịch sử, các cộng đồng của chúng ta cần phải là tự do và tự nguyện. Nhưng chúng cũng phải cung cấp cho cá nhân trong đô thị một cơ hội để đạt được, để đóng góp, để có ý nghĩa.

Từ Chiến tranh Thế giới I – và chắc chắn từ cuối Chiến tranh Thế giới II – đa số người trong tất cả các nước, bất luận dân chủ hay chuyên chế, đều đã tin rằng chính phủ phải và có thể cung cấp nhu cầu cộng đồng của một xã hội đô thị thông qua các “chương trình xã hội”. Bây giờ chúng ta biết rằng điều này chủ yếu đã là ảo tưởng. Các chương trình xã hội của năm mươi năm qua, nhìn chung, đã không thành công. Chúng tất nhiên đã không lấp đầy khoảng trống do sự biến mất của cộng đồng truyền thống tạo ra. Nhu cầu chắc chắn vẫn còn đó. Và tiền cũng vậy (và ở nhiều nước đã có rất nhiều tiền). Nhưng kết quả ở mọi nơi đều ít ỏi.

Nhưng cũng rõ ngang vậy rằng khu vực tư nhân, kinh doanh, cũng chẳng thể thỏa mãn nhu cầu đó. Thực ra một lần tôi đã nghĩ rằng nó có thể và sẽ thỏa mãn. Hơn 50 năm trước, trong cuốn sách Tương lai của Con người Công nghiệp – The Future of Industrial Man, in năm 1943, của mình tôi đã đề xuất cái khi đó tôi gọi là “cộng đồng nhà máy tự quản”, cộng đồng bên trong tổ chức xã hội mới, trong doanh nghiệp kinh doanh lớn. Nó đã hoạt động, nhưng chỉ ở một nước duy nhất, Nhật Bản. Và ngay ở đó, bây giờ đã rõ, nó không phải là câu trả lời. Thứ nhất, không doanh nghiệp nào có thể thực sự đem lại sự an toàn – “công ăn việc làm suốt đời” của người Nhật nhanh chóng tỏ ra là một ảo tưởng nguy hiểm. Trên hết, tuy vậy, công ăn việc làm suốt đời, và với nó là “cộng đồng nhà máy tự quản” không hợp với thực tế của một xã hội tri thức. Tại đó khu vực tư nhân ngày càng trở thành một cách kiếm sống hơn là một cách tạo cuộc sống. Nó sẽ và phải đem lại thành công vật chất và thành tích cá nhân. Nhưng doanh nghiệp kinh doanh rõ ràng là cái, 110 năm trước, Toennies đã gọi là một “xã hội” hơn là một “cộng đồng”.

Câu trả lời Duy nhất

CHỈ khu vực xã hội, tức là, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận có thể tạo ra cái bây giờ chúng ta cần, các cộng đồng cho các công dân – và đặc biệt cho những người lao động tri thức được giáo dục cao những người ngày càng chi phối các xã hội phát triển. Một lý do cho việc này là, chỉ các tổ chức phi lợi nhuận có thể cung cấp tính đa dạng to lớn về các cộng đồng mà chúng ta cần – từ các nhà thờ đến các hiệp hội nghề nghiệp, từ các tổ chức chăm lo cho những người vô gia cư đến các câu lạc bộ sức khỏe – nếu có các cộng đồng được lựa chọn một cách tự do cho mỗi người. Các tổ chức phi lợi nhuận cũng là các tổ chức duy nhất có thể thỏa mãn nhu cầu thứ hai của thành phố, nhu cầu về bổn phận công dân hiệu quả cho dân cư của nó. Chỉ các định chế khu vực xã hội mới có thể tạo ra các cơ hội để là một tình nguyện viên, và như thế cho phép các cá nhân có cả một lĩnh vực trong đó họ kiểm soát và một lĩnh vực trong đó họ tạo ra một sự khác biệt.

Thế kỷ 20, đang kết thúc, đã chứng kiến một sự tăng trưởng bùng nổ của cả chính phủ lẫn kinh doanh – đặc biệt ở các nước phát triển. Cái thế kỷ 21 đang ló rạng cần trên hết là một sự tăng trưởng bùng nổ ngang thế của khu vực xã hội về xây dựng các cộng đồng trong môi trường xã hội nổi trội mới, trong thành phố.

————
Peter F. Drucker là một giáo viên, nhà văn, và cố vấn cho các giám đốc điều hành cấp cao trong hơn 50 năm. Ông đồng thời là tác giả của 29 đầu sách. Peter Drucker là  Giáo sư Khoa học xã hội tại trường Claremont Graduate, Claremont, California (12/97)
————–







No comments: