Saturday, February 28, 2015

Khí đốt, xung đột khác giữa Ukraina với Nga (Thanh Phương - RFI)





Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày 27-02-2015 Sửa đổi ngày 27-02-2015 14:32

Nga xác nhận sẽ tham gia vào cuộc họp ba bên vào ngày 02/03/2015 ở Bruxelles để tìm cách giải quyết tranh chấp giữa Matxcơva với Kiev về vấn đề công ty Gazprom cung cấp khí đốt cho phe ly khai Ukraina. Ngoài xung đột quân sự, khí đốt đang có nguy cơ trở thành xung đột khác giữa Nga với Ukraina.

Uỷ ban châu Âu đã đề nghị mở cuộc họp tay ba tại Bruxelles vì lo ngại cho nguồn cung cấp năng lượng cho các nước Liên hiệp châu Âu trong trường hợp Nga cắt nguồn khí đốt cho Ukraina.

Thật ra thì từ lâu giữa Matxcơva với Ukraina vẫn bất đồng với nhau trên vấn đề khí đốt, nhưng căng thẳng giữa hai bên đã gia tăng kể từ khi tập đoàn khí đốt của Nga Gazprom vào tuần trước bắt đầu cung cấp trực tiếp khí đốt cho các vùng nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân ly khai, với lý do là Kiev đã ngưng cung cấp cho các vùng này. Phiến quân thân Nga cáo buộc Ukraina đã ngưng cung cấp khí đốt mà không báo trước cho các vùng ly khai. Chính quyền Kiev thì khẳng định là các đường ống dẫn khí đốt đã bị phá hũy do các trận giao tranh trong vùng.

Nga cho rằng việc cung cấp khí đốt nói trên là trong khuôn khổ hợp đồng ký kết vào tháng 10/2014 giữa Gazprom với tập đoàn Ukraina Naftogaz, qua trung gian của Uỷ ban châu Âu và chính quyền Kiev phải thanh toán lượng khí đốt đó vì họ xem những vùng này vẫn thuộc lãnh thổ Ukraina. Nhưng tập đoàn khí đốt Ukraina không chịu trả tiền, vì cho rằng họ không thể kiểm soát được là bao nhiêu khí đốt đã được cung cấp và lượng khí đốt này được sử dụng vào việc gì.

Chính quyền Kiev cũng từ chối trả thêm tiền để mua khí đốt Nga, ngoài số tiền mà họ đã thanh toán cho Matxcơva. Nhưng đối với Gazprom, số tiền còn lại không đủ để họ tiếp tục cung cấp khí đốt cho Ukraina kể từ đầu tuần tới.

Theo một chuyên gia Nga được hãng tin AFP trích dẫn hôm qua, việc tập đoàn Gazprom đòi Ukraina trả tiền khí đốt ở miền Đông là một cách để Matxcơva gây thêm áp lực lên Kiev. Nói cách khác, Gazprom chỉ là một công cụ chính trị của điện Kremlin, chứ thật ra trong chuyện này, quyền lợi thương mại chỉ là thứ yếu. Nhưng một số chuyên gia khác thì nghĩ rằng, khi đòi Ukraina trả thêm tiền, tập đoàn Gazprom muốn đạt đến một khuôn khổ pháp lý để đưa vào đó việc cung cấp khí đốt cho phiến quân thân Nga.

Dầu sao, nếu xảy ra khủng hoảng mới về khí đốt, Ukraina sẽ không phải là nạn nhân duy nhất, mà châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng lây. Hiện giờ 15% khí đốt tiêu thụ ở Liên hiệp châu Âu phải trung chuyển qua Ukraina. Hai cuộc khủng khoảng khí đốt lần trước giữa Kiev và Matxcơva vào năm 2006 và 2009 đã từng ảnh hưởng đến người tiêu dùng châu Âu. Như vậy là lời đe dọa cắt nguồn khí đốt cho Ukraina cũng là một cách để bắt bí không chỉ Ukraina, mà cả châu Âu.

Chính vì vậy mà Uỷ ban châu Âu phải một lần nữa đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Ukraina và Nga, với việc đề nghị một cuộc họp ba bên ngày thứ hai tới tại Bruxelles








No comments: