Thursday, February 26, 2015

“Những con cừu mù quáng” mang tên “nhóm chống phản động”. (Lê Tuấn - VNTB)





Lê Tuấn  -  VNTB

(VNTB) - Nhóm bạn trẻ “chống phản động” và những kẻ chăn dắt đã sử dụng chửi như là phương pháp sát nhất, gần nhất, thường xuyên nhất được dùng đến, từ trên facebook cá nhân, đến video đăng tải, chửi bất kể ai, bất kể người nào, ở mọi hoàn cảnh, chửi như chưa bao giờ được chửi, cứ “người lớn” gắn nhãn “phản động” là các bạn trẻ là đồng thanh: Chửi! – Tạm gọi là “chửi trước khi suy nghĩ.”

Ngày 10/2/2015, Nguyễn Hoàng Thế Đức (sinh viên năm cuối ngành học CNTT (ĐHSP Kỹ thuật Hưng Yên), một bạn trẻ năng nổ trong nhóm “hội luận Vietvison” (đồng hướng với Hoàng Thị Nhật Lệ, Trần Nhật Quang, Đỗ Anh Minh…) đã bị phòng hình sự CA Hà Nội bắt vì tội “đe dọa giết người”, chưa kể xúc phạm nhân phẩm, danh dự nặng nề đối với bà Lê Hiền Đức (84 tuổi), người từng được tổ chức Minh bạch Thế giới (2008) ghi nhận vì sự cống hiến của mình trong công tác phòng chống tham nhũng.

Kết luận của phòng hình sự CA Hà Nội cho biết, Nguyễn Hoàng Thế Đức bị bệnh tự kỷ.

Thế Đức - bệnh tự kỷ của nhóm “chống phản động”

Sẵn sàng đe dọa, nhục mạ nhân phẩm, danh dự, khủng bố, hiếu chiến bằng ngôn ngữ trên mạng và hành vi vô giáo dục ngoài đời, nhưng lại ngây ngô về lý luận, không nhận thức được hậu quả dù đang là sinh viên trên ghế nhà trường. Đó là các yếu tố tìm thấy được ở những bạn trẻ “chống phản động” được dẫn dắt bởi ông Trần Nhật Quang (những người người đồng hướng với ông Quang). Kết quả của quá trình dẫn dắt, bồi dưỡng đó, sinh viên – thanh niên Nguyễn Hoàng Thế Đức ra đời, như là một điển hình tiêu biểu cho nhóm bạn trẻ nhiệt huyết, nhưng luôn thiếu suy nghĩ (ngu dốt).

Nguyễn Hoàng Thế Đức – với ngôn ngữ mạt sát người đáng tuổi bà mình, người được CA Hà Nội cho rằng bị… tự kỷ.

Phải thừa nhận như thế, thì tính chất điển hình đó đã bao trùm và tạo nên một nhóm “Hội luận” Vietvison đầy tự kỷ, với hàng mớ câu chữ lý thuyết cảm tính và ngô nghê về tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa được lắp ghép vụng về lại với nhau. Với những giọng điệu, chiêu trò “vạch mặt, ngăn chặn phản động” đầy ngớ ngẩn và kỳ thị cực đoan (giai cấp, sự kiện biên giới 1979, Hoàng Sa, Trường Sa, Việt Nam Cộng Hòa), khiến mỗi cá nhân tham gia vào hội “chống phản động” như tự ám thị về năng lực, trình độ của mình. Mộng tưởng về sự chú ý của mọi người, “nổi tiếng” của mình trên facebook, trên youtube (qua kênh Vietvision).

Dễ dàng nhận ra điều đó, khi các bạn trẻ “chống phản động” sử dụng chửi như là phương pháp sát nhất, gần nhất, thường xuyên nhất trên facebook cá nhân, video đăng tải, chửi bất kể ai, bất kể người nào, ở mọi hoàn cảnh, chửi như chưa bao giờ được chửi, cứ “người lớn” gắn nhãn “phản động” là các bạn trẻ là đồng thanh: Chửi! – Tạm gọi là “chửi trước khi suy nghĩ.” Do đó, cái được gọi là hội luận, thảo luận chỉ là sự lấp liếm về mặt mạt sát danh dự, nhân phẩm con người mà nhóm bạn trẻ này đang bị dắt mũi đi theo. Nó không khác gì phiên bản chửi của ông Đông La, người liên tục mạt sát nhà văn Nguyên Ngọc, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, giáo sư Nguyễn Huệ Chi... Tất nhiên, lúc đầu người ta còn chú ý, về sau ai cũng mặc niệm: “Kệ, chắc nó trừ mình ra.”

Đó là sự tái lặp về hình ảnh la hét điên cuồng, phỉ báng vô căn cứ của một số cá nhân, nhóm người tự cho mình là “đấu tranh dân chủ” ở trong nước và nước ngoài thời kỳ đầu trước đây.

Chính vì chửi là sự bất lực trước tình thái nước nhà, bất lực về lý luận và khả năng đóng góp xã hội. Nên nó biến mỗi con người tham gia vào trong “hội luận” trở thành những kẻ thất bại về mặt xã hội (loser) lúc nào không hay (*)!

Do vậy, cái cách Nguyễn Hoàng Thế Đức tổng xỉ vả công dân chống tham nhũng, (mà tôi cá rằng, người mà Thế Đức gọi là “con cave” bằng hoặc hơn tuổi đời ông bà của cậu) chính là biểu hiện cho chính tính chất thất bại đó! Là cái cách “chống phản động” duy nhất mà Thế Đức và “đồng chí” của mình có thể sử dụng đến?

Cave, “rân chủ” và tuổi trẻ bị chăn dắt

Những “đứa trẻ” hội luận “chống phản động” làm người ta hình dung ngay đến hàng tá “hồng vệ binh” thời cách mạng văn hóa Trung Quốc, những thanh – trung niên đầy nhiệt huyết nhưng vì sự cuồng tín về mặt đảng phái và hạn chế về tầm nhìn thời cuộc nên đã bị lợi dụng như những công cụ nhằm mục đích phá hoại. Chính những “hồng vệ binh” từng được chú ý, sợ hãi và được đưa lên mây đó đã phá nát nền văn hóa, gây hỗn loạn về mặt xã hội, kinh tế của Trung Quốc trong giai đoạn 1966-1976, khiến lòng dân đến với Đảng Cộng sản Trung Quốc (một trong những yếu tố cơ bản duy trì chính thể) có lúc tưởng như rạn nứt hoàn toàn.

Điều đó giúp dễ hình dung phần nào bản chất “cuồng”, và sự hạn chế trong tầm nhìn hạn chế của những bạn trẻ hội luận “chống phản động” ở Việt Nam hiện tại - Những cá nhân mông muội, và bị dẫn dắt như những con rối trong luận điểm trao đổi, hành vi ứng xử xã hội. Trở thành những con vẹt học thuộc bài nay sẵn sàng sử dụng bạo lực bên ngoài, và lặp đi lặp lại những luận điệu ngôn ngữ rất riêng: cave, bọn phản động, rận chủ, ngụy con…

Theo đó, những thanh niên “chống phản động” cùng rơi vào hội chứng nan y chung về mặt nhận thức (điếc-mù-câm) với thời cuộc. Những cá nhân đầy hoang cuồng, mỏng manh, nhạy cảm, cơ hội…  vẫn ngày đêm mải mê “hội thẩm” với nhau. Điều đó càng nổi bật hơn khi đặt trong bối cảnh thế giới phẳng, thông tin đa chiều, và chiến tranh đã lùi xa, khi trí thức ngày càng được phổ rộng.

Liệu rằng, các bạn trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường bị lợi dụng bởi những kẻ “người lớn”?

Như một sự ví von đúng mực, nhóm tuổi trẻ “chống phản động” là sự nâng cấp phiên bản từ thành viên mạng lưới đa cấp, nơi các cá nhân tham gia bán rẻ giá trị hình ảnh, giá trị tuổi trẻ vào những việc vô bổ… 

Ngu dốt + Nhiệt tình = Phá hoại

Vào tháng 10/2014, tôi viết bài “Dư luận viên Sài Gòn: Bài học đầu về dân chủ”, trong đó có nhấn mạnh: “Tuy nhiên, bày tỏ chính kiến, hay “phản bác sự xuyên tạc, sai lệch” của đối phương đối với một sự kiện, hiện tượng bất kỳ trong nền xã hội – chính trị nước nhà phải thực hiện trên các nguyên tắc của quyền tự do ngôn luận. Trong đó, có nguyên tắc tôn trọng nhân phẩm, danh dự của đối phương trước, trong và sau khi đối thoại. Đó cũng là cách thức tôn trọng chính bản thân người bày tỏ chính kiến và là yếu tố đầu tiên để thu hút sự lắng nghe của người khác. Bởi nếu không có nó, thì cuộc “hội luận, phản bác” hay những ngôn từ đẹp đẽ nào đó cuối cùng sẽ bị phá hỏng bởi yếu tố chửi bới, vu khống, lăng mạ mà thôi.”

Nguyễn Hoàng Thế Đức là sản phẩm chính hãng của nhóm “chửi phản động” do Trần Nhật Quang và chính cậu nhào nặn nên

Nhưng đổi lại, những bạn trẻ sôi nổi nhưng đầy nông nổi như Hoàng Thị Nhật Lệ đã phản hồi lại bài viết “Dư luận viên Sài Gòn: Bài học đầu về dân chủ” trên facebook cá nhân một cách thiếu thiện chí (dùng những cụm từ thiếu tôn trọng như rân chủ) và nhiều nhận định kỳ khôi trước, sau đó. Kết quả là sự “háu đá” đầy ảo tưởng đó đã đã tạo nên “Nguyễn Hoàng Thế Đức”; “Hoàng Thị Nhật Lệ”; “Đỗ Anh Minh”; “Trần Nhật Quang” như ngày hôm nay! – Những con người với lời nói, những hành vi vượt quá giới hạn hiểu biết và trách nhiệm của bản thân.

Ví như Điều 258 với sự mập mờ về ngôn ngữ không chỉ dành bắt những kẻ “phản động” mà bắt cả những ai “không phản động”. Vụ việc Người Cao Tuổi gần đây là một minh chứng rõ nét cho cái sự phi lý và xâm hại quyền con người nghiêm trọng bên trong dãy số 258 đó. Thế nhưng, Hoàng Thị Nhật Lệ, lại dẫn đầu nhóm bạn đã tìm mọi cách ủng hộ điều khoản 258 đó, mặc dù, việc ủng hộ chỉ gửi đến một số cơ quan nhà nước đơn thuần, nhưng nó cũng cho thấy sự ngu muội và ngây thơ về ý niệm 258, khi các bạn trẻ “chống phản động” chỉ biết: nếu có nhóm người phản đối thì cần phải ủng hộ và ngược lại.

Hay gần đây, các thanh, trung niên “chống phản động” không chỉ sử dụng lời nói, mà cả hành vi để can thiệp thô bạo, thậm chí chà đạp lên các giá trị, ý niệm sống cơ bản trong ứng thế giữa người với người, khiến cho các vụ tưởng niệm người mất cũng bị quấy rối, đập phá, giật phá băng hoa, hay tìm mọi cách gây sự với những người đang vận động cho quyền con người tại Việt Nam.

Còn rất rất nhiều những hành vi kỳ quặc, ngớ ngẩn và đầy mông muội của nhóm thanh niên “chống phản động”, ở một mức độ nào đó, nhóm thanh niên này ẩn chứa mầm họa bảo vệ sự ung nhọt của xã hội, một thứ ung nhọt chỉ biết ký sinh trên sự thắng thế của quyền lực, độc tài và tham nhũng. Và bằng cách nào đó, chính những “thanh niên nhiệt huyết” trong công cuộc “chống phản động như Lệ, Đức, Minh, Quang đã góp phần tích cực làm nên những tư dinh sa hoa của ông cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu… gây sốc dư luận, làm nên những bữa cơm thiếu thịt của trẻ vùng cao Tây Bắc, những chiếc cầu đu người ở Tây Nguyên, những vụ xâm lấn đất đai của các ông tướng tại miền Trung…

V.I. Lenin: “Lòng nhiệt tình cộng với sự ngu dốt bằng sự phá hoại.” – Nhóm bạn trẻ “chống phản động” đã làm nổi bật cho câu nói đó, và quả thực, sự ngu dốt trong việc làm, lời nói từ trước đến nay, đã trở thành một sự phá hoại ngầm.

Cũng cần nhấn mạnh, sự phá hoại ở đây không những nhằm vào phong trào truyền bá và chuyển tiếp các quyền con người, giá trị tự do – dân chủ cơ bản ở Việt Nam, tạo ung nhọt xã hội, mà còn phá hoại giá trị bản thân, tạo ác cảm ngày càng lớn của người dân vào Đảng, nhà nước, gây ra sự khinh bỉ đối với những ai đang làm nghề dư luận viên xã hội… thì lại nhiều. Đó hẳn là một sự phá hoại ngược, mà các bạn trẻ “nhiệt huyết quên mình” đã không nghĩ được nhiều đến thế.

Trại súc vật

Trong khi Hội Nhà báo độc lập Việt Nam vẫn cố gắng duy trì một thái độ tích cực trong xây dựng văn hóa đối thoại giữa các chính kiến khác nhau, trong đó, đã đăng bài của Nhật Lệ trên VNTB như một minh chứng rõ nét cho việc nói và làm đó. Bỏ qua sự miệt thị từ nhóm trẻ “chống phản động” đối với tổ chức Hội.

Sinh viên Hoàng Thị Nhật Lệ - và ứng xử quá kém trong một cuộc trao đổi.

Thì các thanh niên “chống phản động” lại tìm cách chối bỏ tinh thần đối thoại, chỉ ngày đêm lặp lại giai điệu “chống phản động và thế lực thù địch” đầy sự nông nổi. Và như thế, vô tình, mỗi cá nhân tham gia đã bán rẻ giá trị tuổi trẻ, trí thức của mình để bám víu vào một giá trị ảo. Giá trị ảo vốn chỉ dành cho những con người thiếu lập trường, ý chí phấn đấu trong xã hội, những thanh – trung niên với thân xác già cỗi đang nằm trong sự bảo bọc của gia đình, thích thú vì được giải tỏa bất lực ngoài cuộc sống trên mạng, gây ra sự chú ý, thích thú vì được “tôn vinh” bằng ngôn ngữ trên mây, thích thú vì mớ lý luận ngô nghê được dọn sẵn bởi “người lớn” và được làm một công cụ hơn là một con người!

Trần Nhật Quang, người bênh vực, khuyến khích cho thói vô giáo dục của thanh niên “nhiệt huyết quên mình” - Nguyễn Hoàng Thế Đức.

Nhưng điều đáng lên án hơn cả là, ngay khi Nguyễn Hoàng Thế Đức được công an Hà Nội mời lên làm việc, ông Trần Nhật Quang (kẻ chăn dắt) liền nhanh nhảu động viên/ tung hô công khai Thế Đức, là “Nhiệt huyết quên mình”. Cái cách mà ông Trần Nhật Quang tung hô, cố che giấu, biện bạch cho sự vô văn hóa, lệch lạc trong suy nghĩ, giao tiếp của cậu sinh viên năm cuối đối với một người đáng tuổi bà cậu ta, có chiều dài hoạt động cách mạng, phấn đấu, cống hiến không ngừng cho xã hội có phải chính là cách giáo dục người lớn mà ông Trần Nhật Quang muốn trao tặng riêng cho những đứa trẻ “hội luận”?

Nếu đúng, hẳn đó là sự vô liêm sĩ trong cách hành xử của ông Trần Nhật Quang! Và tạo ra nguy cơ mầm mống cực đoan trong hành vi xã hội về sau này ở những cá nhân tham gia “chống phản động” bây giờ.

Quang, Lệ, Đức, Minh và hàng tá “đứa trẻ” vẫn đang lạc lõng trong thế giới ảo, và lạc loài ở thế giới thực.

Những con cừu mù quáng, thiếu hiểu biết của Trại súc vật (*).

---

(*) Trong cuốn tiểu thuyết trào phúng Trại súc vật của George Orwell có đề cập đến những con cừu mù quáng ủng hộ lý tưởng độc tài, tham nhũng và ngụy biện của Napoleon, những con lừa chỉ biết nhắc đi nhắc lại “bốn chân tốt, hai chân xấu” trên sự hiểu biết hạn chế của chúng và bị lợi dụng để chống lại những con vật khác.

(*) Sinh viên – thanh niên “nhiệt huyết quên mình” Nguyễn Hoàng Thế Đức, với mớ lý luận ngô nghê đã từng phải đi tìm việc bốc vác ở chợ Long Biên (Hà Nội) để kiếm tiền học lại. Hẳn là, cái quy trình học lại đó, cái ngôn ngữ “cave” đó, đến từ những hoạt động, hội luận, thảo luận “chống phản động” đầy vô bổ và mang tính chất phỉ báng, côn đồ đó.











No comments: