Được đăng ngày Thứ năm, 26
Tháng 2 2015 07:31
Nguyễn Bá Thanh là cựu Chủ tịch
thành phố Đà Nẵng, cựu Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng, một cán bộ cao cấp của
Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) với cương vị là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng
Ban Nội chính Trung ương (ngoài ra, ông còn là “ứng cử viên hụt” của vị trí Ủy
viên Bộ Chính trị); và bây giờ là… cố Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư
ĐCSVN của khóa XI, với “chủ trương” chống tham nhũng, đã tái lập Ban Nội chính
Trung ương nhằm thực hiện chủ trương của mình (và cũng không ngoài mục đích làm
“đối trọng” với Ban Thanh tra Chính phủ). Và Nguyễn Bá Thanh đã được chọn làm
Trưởng Ban Nội chính đầu tiên sau khi Đảng trưởng Trọng “tái lập thành công”
Ban Nội Chính Trung ương.
Vì sao Nguyễn Bá Thanh được chọn?
Vì Nguyễn Bá Thanh, khi ở “lãnh địa” của mình, đã có tiếng “dám nói dám làm”,
đã có “thành tích” biến Đà Nẵng thành một thành phố kiểu mẫu và phát triển. Tuy
nhiên, từ khi ra Hà Nội nhận chức Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho đến khi
chết, “sự nghiệp chính trị” là một sự thất bại liên tiếp và sự trả giá… cực đắt
bằng mạng sống của chính mình.
Đầu tiên là phát biểu “hốt liền,
hốt hết”, nhưng chưa kịp “hốt” thì đã bị “hốt” trước, khi Thanh tra Chính phủ
ngày 17/01/2013 tổ chức họp báo, tiết lộ thông tin Đà Nẵng đã “giao đất, đấu
giá, chuyển quyền sử dụng đất không đúng nguyên tắc khiến ngân sách Nhà nước thất
thu hơn 3.400 tỷ đồng”.
Tiếp đến, vụ “đại án Vinalines”
đến hồi “gay cấn” thì ngày 14/12/2013 ông tới tham dự trực tiếp phiên tòa. Một
sự kiện cho thấy dường như cho thấy ông (Ban Nội chính) đang nắm thế chủ động.
Rồi sau đó, tại phiên tòa ngày 07/01/2014, Dương Chí Dũng khai người báo tin
cho mình đi trốn là Thượng tướng Phạm Quý Ngọ và đã hối lộ ông Ngọ hơn 500.000
USD lại làm cho công luận thấy rằng Ban Nội chính ở vào thế rất… “thượng
phong”. Nhưng cái chết “đột ngột” của tướng Ngọ khiến vụ án rơi vào… bế tắc. Lần
này, Nguyễn Bá Thanh lại tiếp tục thất bại.
Sau khi thất bại ở “sự kiện
Vinalines”, dường như Nguyễn Bá Thanh đã nhận ra “thất thế” của mình khi ngày
21/05/2014 Nguyễn Bá Thanh kín đáo đến dự tòa xử bầu Kiên và đồng phạm rồi...
thôi, chứ không công khai như vụ Vinalines nữa.
Và rồi dần sau đó, Nguyễn Bá
Thanh “nổi lên” với thông tin bệnh tật của chính mình hơn là thông tin về
“thành tích” chống tham nhũng trong vai trò là Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Nhưng với thông tin bệnh tật của
Nguyễn Bá Thanh, thì đó lại là một sự… “thất bại” nữa của Trưởng Ban Nội chính
Trung ương.
Vào tháng 5 năm 2014, thông tin
sức khỏe của Nguyễn Bá Thanh chỉ được Trưởng Ban Bảo vệ - Chăm sóc sức khoẻ
Trung ương là Nguyễn Quốc Triệu cho biết là ông bị bệnh “rối loạn sinh tủy”,
ngoài ra không cho biết gì thêm.
Sau đó, những thông tin tiếp
theo cho biết ông đã sang Singapore điều trị vào tháng 6 và tháng 7, cuối cùng
là sang Hoa Kỳ vào trung tuần tháng 08/2014, nhưng cũng không cho biết gì thêm
với thông tin rõ ràng về sức khỏe của ông.
Cuối cùng, khi ông được đưa về
Đà Nẵng, dù không có bằng chứng bằng hình ảnh cũng như âm thanh nhưng báo Thanh
Niên vẫn đưa tin: "Ông Thân Đức Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người
gặp và đưa ông Nguyễn Bá Thanh từ máy bay xuống và vào xe cứu thương, kể với
Thanh Niên Online rằng trông ông Nguyễn Bá Thanh vẫn tỉnh táo, nhận biết nhiều
người. Ông Nguyễn Bá Thanh còn hóm hỉnh đùa với ông Nam rằng: 'Tao khỏe mà có
chi đâu'" ( thanhnien.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/ong-nguyen-ba-thanh-ve-den-da-nang-524328.html ) thì cũng là một kiểu đưa tin… thất
bại, vì không chứng cứ (chưa kể câu “'Tao khỏe mà có chi đâu” là một câu mà ông
Thân Đức Nam nói với báo chí là một câu đáng phân tích. Chẳng hạn, Nguyễn Bá
Thanh có hay “xưng hô” với ông Thân Đức Nam như vậy không? Sự thân thiết giữa
ông Thân Đức Nam và ông Nguyễn Bá Thanh đến mức nào mà ông Thanh “xưng hô” như
vậy, trong khi ông Nam và Thanh là hai đảng viên (ĐCSVN), đáng lẽ phải “xưng
hô” là “đồng chí” mới đúng…).
Đến khi chết, ngày mà ông chết
cũng là một ngày… “thất bại”, thứ Sáu ngày 13.
Nhưng đó chỉ mới là một góc
nhìn. Ở một góc nhìn khác, ta có thể nhận thấy, từ khi ở Đà Nẵng cho đến khi ra
Hà Nội công tác, Nguyễn Bá Thanh vẫn luôn được một số lượng nhất định người dân
thương mến (không chỉ riêng người dân ở “lãnh địa” của ông). Đó là một cái “được”
của ông. Rồi chẳng hạn đám tang của Nguyễn Bá Thanh, “Ngay từ trước khi lễ viếng
diễn ra, đã hàng nghìn người dân đến trước cổng nhà ông xếp hàng đợi đến giờ để
vào viếng. Tất cả người dân đều xếp hàng ngay ngắn bên phải cửa nhà ông
Nguyễn Bá Thanh, rất nhiều người mang theo vòng hoa để kín cả một khu đất
trước nhà ông, tất cả đều mang theo một nỗi tiếc thương vô hạn” . Lúc đưa tang
vào ngày 30 tết cũng có hàng ngàn người đưa tiễn. Và “thành công” lớn lao nhất
là Nguyễn Bá Thanh đã được báo chí gọi bằng những câu, cú có từ “dân” hoặc
“lòng dân”. Đó là điều quan trọng cần nói đến.
Đến đây, nếu kết luận, chúng ta
kết luận được là Nguyễn Bá Thanh quá tội nghiệp, quá đáng thương, quá đáng quý…
Khi làm lãnh đạo tại Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh đã làm cho Đà Nẵng trở nên giàu
có, nổi tiếng trong cả nước với “tác phẩm” cầu Sông Hàn; giúp đỡ người neo đơn
ăn tết, thưởng quà học sinh đạt giải… Khi ra Hà Nội, Nguyễn Bá Thanh lại không
những vì tỉnh (thành phố) mình mà còn vì nhân dân cả nước chống tham nhũng để
giúp dân, đến nỗi phải hy sinh. Thật! Còn gì để đáng nói hơn?
Tuy vậy, kết luận trên mới là
“một nửa sự thật”, còn một nửa sự thật là Nguyễn Bá Thanh cũng giống những lãnh
Cộng sản khác, của nổi của chìm của Nguyễn Bá Thanh vẫn phải ít, nhà riêng của
Nguyễn Bá Thanh tại địa chỉ 189 Cách Mạng Tháng 8, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng và khu
resort Sandy Beach, có khách sạn hạng 4 sao (mà Nguyễn Bá Thanh có cổ phần) có
cả một số phòng đặc biệt dành riêng cho mình. Đây là tài sản mà một
cán bộ thanh liêm (“đầy tớ của nhân dân”) không thể nào sở hữu được cho
dù ông nhịn ăn và dành dụm cả đời.
Tiếp theo, thành tích của ông
Thanh trong việc xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố “xanh, sạch, đẹp” cũng được
thổi phồng quá mức. Thực tế, Nguyễn Bá Thanh đã bán gần như hết sạch đất đai tại
thành phố này cho các công ty ngoại quốc theo các thời hạn kéo dài từ 50 năm trở
lên (trong đó, không ngoài việc bán cả cho Trung Quốc). Rồi mặt khác, sự “trong
sạch” và “công minh” của Nguyễn Bá Thanh ở đâu khi ông Thanh đã sắp xếp để “cơ
cấu” đứa con Nguyễn Bá Cảnh, 31 tuổi, được vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố
Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010 – 2015 vào ngày 01/08/2014 (2 tuần trước khi sang Hoa Kỳ
chữa bệnh).
Viết đến đây, chúng ta có thể
đưa ra nhận xét gì về cái chết của Nguyễn Bá Thanh? Đó là, cái chết của Nguyễn
Bá Thanh, xét về mặt “Đảng, Nhà nước và Chính phủ”, là một sự “thành công tốt đẹp”.
Bằng chứng là có một phần người dân đã thông cảm và tiếc thương cho ông (qua
các phương tiện báo chí, truyền thông, mạng xã hội của tất cả mọi “lề” và qua
việc phúng viếng ông tại nhà riêng cũng như đưa tiễn ông tới nơi an nghỉ cuối
cùng). Còn xét về mặt các nhà đấu tranh dân chủ, các tổ chức đấu tranh dân chủ,
cái chết của Nguyễn Bá Thanh cho thấy rằng, sự bưng bít thông tin của ĐCSVN vẫn
còn thành công lắm, sự thổi phồng “thành tích” của một ai đó mà Đảng còn muốn
“thổi” để bám víu vào đó vẫn còn thành công lắm! (mà đó lại là “sở trường” của
ĐCSVN).
Phan Gia Minh
26/02/2015
26/02/2015
No comments:
Post a Comment