Trần Văn Huỳnh
Thứ Hai, 06/02/2012
Kính gửi: Dân Luận
Tôi là Trần Văn Huỳnh, cha của Trần Huỳnh Duy Thức. Tôi vừa gửi đến các cơ quan thuộc Liên minh Châu Âu (EU) một bức thư với mong muốn có được sự cải thiện về các quyền con người tại Việt Nam.
Nội dung bức thư như dưới đây và được gửi đến:
- Bà Helle Thorning Schmidt, Thủ tướng Đan Mạch - nước giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng EU hiện nay.
- Ông Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu.
- Ông Rolf Timans, Giám đốc Vụ Nhân quyền và Dân chủ thuộc Tổng vụ Đối ngoại Châu Âu (EEAS). Ông Timans là người dẫn đầu Đoàn EU đối thoại về Nhân quyền với Việt Nam hôm 12/1 vừa rồi tại Hà Nội.
- Văn phòng Phái đoàn EU tại Việt Nam.
- Các Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Quốc tế.
Tôi xin được gửi đến Dân Luận toàn văn bức thư này, mong Dân Luận phổ biến để giúp mong muốn trên của tôi và nhiều người được sớm thành hiện thực.
Xin cảm ơn và kính chào,
Trần Văn Huỳnh
-------------------------------
Toàn văn bức thư:
Việt Nam, ngày 5 tháng 1 năm 2012
Kính gửi: - Liên minh Châu Âu
- Nghị viện Châu Âu
- Tổng vụ Đối ngoại Châu Âu
- Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam
Đồng kính gửi: Các Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền Quốc tế
V/v: Cải thiện rõ rệt về Nhân quyền ở Việt Nam
Thưa các Ngài,
Tôi là Trần Văn Huỳnh, một công dân Việt Nam 75 tuổi đang sống tại thành phố HCM. Việt Nam.
Bằng bức thư này, tôi trông đợi sự chú trọng và sự trợ giúp có triển vọng hơn từ các ngài để có thể dẫn tới những sự cải thiện rõ ràng về nhân quyền ở Việt Nam. Tôi quan tâm nhiều hơn đến tác động của các quyền thiêng liêng này không chỉ vì sự xâm phạm các quyền này đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tôi và gia đình, mà còn bởi vì sự ủng hộ chân thành cho các quyền bất khả xâm phạm này là cách duy nhất sẽ đưa đất nước chúng tôi thoát khỏi sự khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay đang khiến ngày càng nhiều người phải lao đao. Đây chính xác là hiện trạng kinh tế và xã hội mà con trai tôi đã sớm nhận biết rõ và cảnh báo liên tục từ năm 2006. Kể từ đó, con tôi đã nỗ lực không tiếc sức để thu hút sự quan tâm và thừa nhận của người dân Việt Nam, nhà nước, chính phủ và đảng cầm quyền về các rủi ro, các nguy cơ và các mối nguy hại mà các chính sách vĩ mô lúc đó sẽ dẫn tới.
Con tôi cũng đã phân tích căn nguyên của các vấn đề này mà chủ yếu là do thiếu tự do và dân chủ. Do vậy con tôi đã kêu gọi Chính quyền hãy thực lòng tôn trọng các quyền con người cho người Việt để tránh được khủng hoảng và có sự phát triển bền vững. Thật bất hạnh, việc này chính là nguyên nhân sâu xa đằng sau vụ án đã dẫn đến việc kết tội "lật đổ chính quyền nhân dân" với bản án 31,5 năm tù và 14 năm quản chế dành cho con tôi và những người bạn: Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định và Lê Thăng Long. Đại tá Trần Anh Kim cũng nhận 5,5 năm tù và 3 năm quản chế trong một vụ án khác có liên quan. Cộng đồng quốc tế, bao gồm Liên minh Châu Âu đã lên án gay gắt các vụ án này.
Con tôi là Trần Huỳnh Duy Thức - một doanh nhân, kỹ sư CNTT, nhà kinh tế học, một blogger được nhiều người biết (Trần Đông Chấn) và hơn thế là một nhà hoạt động đã can đảm và không mệt mỏi tranh đấu cho quyền con người và sự phát triển bền vững trong hòa bình cho Việt Nam và cho hòa bình thế giới. Thức và những người bạn nói trên cùng nhau truyền bá về nhà nước pháp quyền mà đối với người dân chính là các quyền con người của họ là vốn có tự nhiên và được tôn trọng bởi luật pháp quốc tế và bởi Hiến pháp Việt Nam; và đối với chính quyền chính là trách nhiệm của nó phải bảo vệ tối thượng các quyền không thể phân chia này cho người dân được tự do thụ hưởng. Do đó, họ thỉnh nguyện người dân chúng tôi hãy hiểu rõ quyền của mình và sử dụng các quyền đó mà không phải chờ sự ban phát hay cho phép nào cả, và họ đề nghị Chính quyền phải bảo đảm bảo vệ trên thực tế các quyền như vậy cho từng người dân, chứ không chỉ trên danh nghĩa.
Thật tai họa, các nhà hoạt động này đã bị bỏ tù trong khi khủng hoảng thì đang hoành hành khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo.
Như tôi biết, thúc đẩy và tôn trọng quyền con người và nhà nước pháp quyền là chủ đề tập trung tại vòng Đối thoại cấp thủ đô đầu tiên về Nhân quyền giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam tại Hà Nội hôm 12/1/2012 vừa rồi. Đó là vì Liên minh Châu Âu đã tái khẳng định rằng nó có tầm quan trọng thiết yếu cho sự phát triển của chính Việt Nam và là phương diện quyết định đối với các quan hệ song phương. Tôi rất hoan nghênh cách tiếp cận này của Liên minh Châu Âu vì nó chắc chắn sẽ đưa Việt Nam đến một sự giàu đẹp mà Thức và những người bạn của mình mong muốn cho đất nước. Cũng như hầu hết những người Việt Nam khác. Do vậy, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ công chúng đối với Con đường họ đã chọn - Con đường Việt Nam như tên một quyển sách mà họ cùng viết.
Tuy nhiên, chính quyền đã tiếp đãi họ bằng cơm tù trong khi phái đoàn đối thoại của Liên minh Châu Âu lại được đón tiếp nồng nhiệt và trọng thể. Đây không chỉ là sự mỉa mai, mà còn là sự phân biệt đối xử và bất công. Đây là thực trạng về thành tích nhân quyền ở Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện.
Vì chúng tôi không có cách nào làm cho chính quyền nhân dân của chúng tôi lắng nghe sự quan ngại của mình, chúng tôi lấy làm tiếc đành phải nhờ các ngài làm việc đó. Tôi hy vọng rằng các ngài có thể làm cho chính quyền Việt Nam hiểu rõ rằng: khi thực lòng ủng hộ các quyền con người và tự do căn bản cho người dân chúng tôi và xã hội thì nền kinh tế đất nước sẽ mau chóng khắc phục được khủng hoảng, và rằng "Tôn trọng quyền con người và các nguyên lý dân chủ là nền tảng cho sự hợp tác giữa các bên và cho các điều khoản của Hiệp định này, và nó cấu thành nên một yếu tố thiết yếu của Hiệp định" như được qui định tại điều đầu tiên của Hiệp định Hợp tác giữa Cộng đồng Châu Âu và Việt Nam năm 1995. Đó không phải là các nguyên tắc do Phương Tây áp đặt. Mà đó thực sự là quy luật tự nhiên khách quan mà bất kỳ đất nước nào cũng phải tuân thủ để có được dân chủ và thịnh vượng một cách vững chắc. Chính sự phát triển của Việt Nam thời gian qua đã cung cấp bằng chứng cho quy luật này - nhờ sự cải thiện đáng kể về nhân quyền trong thập kỷ từ 1994, kinh tế và xã hội Việt Nam đã phát triển ổn định và ấn tượng trong thời kỳ đó. Nhưng các phương diện này đã đang ngày càng xấu đi cùng với sự tôn trọng các quyền con người ở Việt Nam từ 2005 đến nay.
Bởi thế sự cải thiện rõ rệt về nhân quyền là yêu cầu bức thiết hiện nay của đất nước chúng tôi. Tôi biết nhiều người Việt Nam hoan nghênh việc tôn trọng quyền con người, nhà nước pháp quyền và các quy luật dân chủ vẫn là nền tảng và cấu thành nên yếu tố thiết yếu cho Hiệp định Đối tác và Hợp tác mới giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam. Nên chúng tôi đề nghị và rất trông đợi rằng các ngài sẽ thực thi hiệu quả hiệp định này để nhanh chóng hiện thực hóa nhà nước pháp quyền và nhân quyền của người Việt Nam, mà minh chứng rõ ràng nhất của việc này là sự trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Anh Kim và tất cả các tù nhân chính trị, bao gồm mà chưa đầy đủ: Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương, Bùi Thị Minh Hằng, v.v... Tất cả họ đã tự tin thực hành các quyền con người được ghi trân trọng trong Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cũng được long trọng bảo vệ bởi Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Nhân quyền, hiến chương Liên minh Châu Âu và nhiều luật quốc tế khác.
Hơn thế nữa, Chính quyền của chúng tôi nên để cho những người này chung tay xây dựng đất nước. Tôi tin rằng chỉ khi đó, với cách trọng dụng nhân tài như vậy thì Việt Nam chúng tôi mới có thể nhanh chóng vượt qua được tình trạng ngày càng trầm trọng của khủng hoảng kinh tế để đẩy lùi khó khăn cho hàng triệu người, ngăn chặn một thời kỳ hỗn loạn đang dường như khó tránh khỏi. Rất nhiều người Việt Nam tin như vậy, và tôi nghĩ các ngài cũng tin như thế.
Thưa các ngài,
Tôi hy vọng rằng các ngài và Nghị viện Châu Âu sẽ quan tâm đến kiến nghị của chúng tôi và có hành động thích hợp. Rất cảm ơn các ngài.
Trân trọng kính chào.
Thay mặt cho tôi và con trai tôi
Trần Văn Huỳnh
Ghi chú: để có thêm thông tin về Trần Huỳnh Duy Thức và tác phẩm của Thức, vui lòng viếng thăm: http://tranfami.wordpress.com.
.
.
.
No comments:
Post a Comment