Wednesday, February 29, 2012

BAN TÔN GIÁO ĐÃ LÀM GÌ TRONG NĂM 2011 ? (Từ Lê, VRNs)



Từ Lê , VRNs 
Đăng bởi admin lúc 12:00 Chiều 29/02/12

VRNs (29.02.2012) – Sài Gòn – Theo hội nghị triển khai công tác năm 2012 vừa diễn ra hôm qua, 28.02.2012, thì năm 2011 Ban tôn giáo đã hạn chế sự phát triển tôn giáo.
“Theo báo cáo tổng kết năm 2011 của Ban Tôn giáo Chính phủ, thực hiện Chỉ thị 01/2005/CT-TTg về một số công tác đối với đạo Tin lành, năm qua ngành đã có bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước, hạn chế sự phát triển không bình thường của đạo Tin lành, đồng thời làm chuyển biến căn bản tình hình đạo Tin lành theo hướng ổn định hơn, giảm khiếu kiện và các vụ việc phản ứng phức tạp”. Đó là khẳng định trong bài viết Không để xảy ra ‘điểm nóng’ về tôn giáo đăng trên Vietnamnet.vn, ngày 28.02.2012.

Ở đây có hai phân câu đáng lưu ý: “Sự phát triển không bình thường của đạo Tin Lành” và “làm chuyển biến căn bản tình hình đạo Tin lành theo hướng ổn định hơn”.

1. Thế nào là “Sự phát triển không bình thường của đạo Tin Lành”? Tin Lành phát triển quá nhanh ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam (gọi là Ba Tây, đây là dự án lớn cấp chính phủ, tiêu tốn tiền thuế của dân rất nhiều, một trong những mục tiêu là ngăn chặn sự phát triển quá nhanh của các tôn giáo, chú ý đặc biệt đến Tin Lành và Công giáo) thật sự phản ánh điều gi?
Câu trả lời thường đơn giản là “kẻ xấu lợi dụng tôn giáo, lôi kéo người dân tộc thiếu nhận thức chống lại nhà nước”. Tại sao gọi là câu trả lời đơn giản? Thưa vì câu trả lời đó có sẵn trong nghị quyết đảng CSVN, đã được cấp trên tuyên truyền, chứ không hề có một cuộc nghiên cứu mang tính khoa học xã hội về tôn giáo nào để đánh giá thực chất vấn đề.
Do đó mặc dù tuyên truyền rất nhiều theo hướng không nên theo Tin Lành, nếu muốn theo đạo thì theo Công giáo (đây là thủ đoạn chia rẽ tôn giáo của nhà cầm quyền), hoặc nếu muốn theo Tin lành thì chỉ được theo Tin Lành chính thống hay thuần tuý (?) Thế nào là Tin Lành chính thống hay thuần tuý? Ở Việt Nam, thuật ngữ này ám chỉ Tổng hội thánh Tin Lành Miền Bắc VN và Tổng liên hội thánh Tin Lành Miền Nam VN. Còn tốt hơn cả là trở về với tập tục cổ xưa của dân tộc mình.

Tập tục cổ xưa của dân tộc mình là gì? Thưa không còn ai biết rõ ! Vì sao? Vì từ năm 1954 ở Miền Bắc và từ năm 1975 ở Miền Nam, những phong tục thờ cúng và văn hoá các sắc tộc thiểu số bị gọi là mê tín và lạc hậu. Đón nhận chính quyền mới thì phải bỏ đi những cái mê tín và lạc hậu đó. Đã bao nhiêu bộ ching chêng (cồng chiêng là cách gọi Kinh hoá, cũng là một cách tước đoạt văn hoá của sắc tộc thiểu số) quý, cổ xưa bị mang ra cân ký bán đồng. Bao nhiêu chum, ché, ghè quý bị mang đập, tha trôi sông suối, trang phục bị miệt thị và buộc phải thay bằng những chiếc áo mặc sau hai lần giặt đã cuốn tít lên qua rốn, còn quần thì ống màu xanh, ống màu đỏ. Những tư tế bị gọi là thầy mo, thầy cúng một cách chế giễu, như là đầu mối của sự ngu muội.

Mãi sau năm 1995, thành ngữ “giữ gìn bản sắc dân tộc” mới được các cán bộ tuyên truyền lảm nhảm, vì cái gì là bản sắc văn hoá, cái gì là dân tộc, chắc chắn các vị đó chẳng biết !

Cán bộ nhà nước đang cưa bỏ thánh giá trên nóc một nhà nguyện Tin Lành ở Kontum, ngày 15.09.2011

Tất cả chỉ nhằm “hạn chế sự phát triển” tôn giáo mà thôi. Còn phát triển bị xem là “không bình thường” là đương nhiên với một xã hội vô thần, vô tôn giáo.

2. Còn “làm chuyển biến căn bản tình hình đạo Tin lành theo hướng ổn định hơn” nghĩa là sao? Nghĩa là rập khuôn theo ý nhà cầm quyền vô thần. Tôn giáo bị rập vào khuôn vô tôn giáo thì liệu có còn là tôn giáo không?

Tại sao có Tin Lành?
Vào thế kỷ XVI, tại Đức quốc, Ngài Martin Luther, một kinh sĩ Dòng Augustine tại Erfurt, giáo sư thần học đã không đồng ý với Giáo hội về những điểm liên quan đến giáo lý của ân sủng. Luther hiểu rằng sự xưng công chính hoàn toàn là công việc của Thiên Chúa. Trái với giáo huấn thời đó dạy rằng hành vi công chính của người tín hữu là những hành động cùng thực thi với sự hợp tác của Thiên Chúa. Và một vấn đề khác như ơn tha tội, việc xưng tội, ơn xá hay ơn toàn xá … Mức độ tranh luận đưa đến đỉnh điểm, ngài Martin Luther đưa ra 95 luận đề, Toà thánh rút phép thông công. Từ đó đạo Tin lành xuất hiện với tên Protestant (Thệ phản) tại Đức.
Cũng trong thế kỷ XVI đó, Vua Henry VII hình thành nên Anh giáo tại Anh, Ngài Jean Calvin lập ra Tin Lành tại Pháp,… Từ đó đến nay đạo Tin Lành (gọi theo kiểu VN) hình thành nên rất nhiều hội thánh, mỗi hội thánh độc lập với nhau, về tổ chức, và khác nhau một phần nào đó về giáo lý, ít nhất là trong cách diễn tả kinh nghiệm đức tin.
Do đó, tự thân – ngay từ nguyên thuỷ – Tin Lành không bị giới hạn trong một tổ chức tôn giáo duy nhất như Công giáo. Nên việc nhà cầm quyền chấp nhận Hội thánh Tin Lành này, mà không công nhận Hội thánh Tin Lành kia là vi phạm tự do tôn giáo ngay từ trong căn bản giáo lý. Việc bắt họ bỏ hội thánh Tin Lành để chỉ theo một vài tổ chức Tin Lành do nhà nước công nhận vô tình nhà nước đã gây ra thế kẹt cho các hội thánh đó, vì mọi người sẽ cho đó là các Giáo hội quốc doanh, mà quốc doanh ở nước CHXHCNVN là vô thần, không tôn giáo, nên có lập ra tôn giáo thì bản chất là tôn giáo trá hình.

Chẳng lẻ thành tích năm 2011 của Ban tôn giáo chính phủ VN là kiềm hãm, bách hại các tôn giáo thật để ép buộc người dân vào những tôn giáo trá hình?

Vụ triệt hạ 4 nhà thờ Tin Lành ở Kontum vào ngày 15 tháng 09 năm 2011, việc triệt hạ nhà mục vụ và huấn luyện thần học của GH Mennonite tại quận 2, Sài Gòn, để họ phải tạm di cư về Bình Dương, sau đó lại tiếp tục đàn áp Mennonite tại Bình Dương… là những bằng chứng minh hoạ rõ nhất cho chính sách “hạn chế sự phát triển không bình thường của đạo Tin lành, đồng thời làm chuyển biến căn bản tình hình đạo Tin lành theo hướng ổn định”.

Những hành động tiêu diệt tôn giáo không chỉ có đối với các Hội thánh Tin Lành mới, mà còn với cả các đạo Phật giáo VN Thống Nhất, Phật giáo Hoà Hảo Thuần tuý, và ngay với Công giáo vừa diễn ra tại Kontum.

Từ Lê

.
.
.

No comments: