Wednesday, February 29, 2012

NHÌN VỀ TRUNG QUỐC [Kỳ 3 & cuối) - (Phạm Hy Sơn)



Phạm Hy Sơn
28-2-2012

III – Trung Quốc đi về đâu?

Như phần trên chúng tôi đã nói truyền thống Trung Quốc là đầu óc phong kiến, thống trị! Những kẻ độc tài đeo mặt nạ dân chủ như Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch, Lý Quang Diệu… cũng như bất cứ những kẻ độc tài nào từ xưa tới nay, họ không bao giờ quên củng cố quyền lực và bằng mọi cách bảo vệ quyền lợi bản thân, gia đình, phe, đảng.
Sau cái chết của Mao là cuộc đấu tranh quyền lực giữa hai phe: phe Đặng Tiểu Bình, Lý Tiên Niệm, Hoa Quốc Phong… và bọn “Bọn bốn tên” (Tứ nhân bang”) do Giang Thanh, vợ thứ ba của Mao, cầm đầu. Khi “Bọn bốn tên” bị diệt thì Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh tụ tối cao với chủ trương thực tiễn “mèo trắng, mèo đen mèo nào bắt chuột hay cũng tốt” để cứu Đảng Cộng sản và xã hội Trung Quốc đang bên bờ vực thẳm.
Đó là tính thế bắt buộc, không còn con đường nào khác vì Đặng đã từng nói trong dịp đi tuần thú phương nam (Nam tuần giảng thoại) năm 1992: Không cải cách Trung Quốc chỉ có nước chết mà thôi.”!
Sau khi thanh toán xong bọn “Bọn bốn tên”, năm 1979 Đặng Tiểu Bình tung ra kế hoạch “Bốn hiện đại hóa” với chủ thuyết “Chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc”, có nghĩa là Đảng Cộng sản tiếp tục cầm quyền, chỉ thay đổi kinh tế, còn quyền hành và chủ quyền quốc gia cũng như quyền sống người dân vẫn nằm trong tay Đảng Cộng sản. Cuộc đổi mới này thực chất là chủ thuyết của Marx về kinh tế được thay thế bằng chủ nghĩa Tư bản phương Tây. Mấy tiếng “Chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Trung Quốc” dùng để lừa bịp dân chúng, đồng thời giúp cho những người Cộng sản khỏi ngượng mặt khi vẫn nắm chặt quyền hành.
Cánh cửa đóng kín trước đây giờ được mở ra để mời gọi tư bản khắp bốn phương tới đầu tư với tất cả mọi ưu đãi và dễ dãi!
Tư bản từ châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore… đổ vào khai thác công nhân rẻ mạt và một thị trường tiêu thụ khổng lồ 1,3 tỷ người. Hàng trăm, rồi hàng ngàn tỷ Mỹ kim từ nước ngoài đổ vào mỗi năm thông qua giấy phép và sự sắp xếp, thỏa hiệp với những người Cộng sản cầm quyền.
Từ năm 1979 đến nay, hơn 30 năm, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành cường quốc thứ hai về kinh tế năm 2010, đứng sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên chính quyền hiện nay giữ nguyên chế độ độc tài đảng trị mang truyền thống phong kiến đã không theo kịp với những thay đổi kinh tế và xã hội.
Vì vậy, hiện nay Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn:

- Xã hội tan rã vì không có đạo đức:
Đạo đức là căn bản của con người và xã hội. Đạo đức giữ cho con người không tàn ác, giết người, tham lam, lường gạt, thù hằn, hoang dâm, lười biếng…; đạo đức dạy con người sống ngay thẳng, thực thà, thương yêu, tha thứ, đoàn kết, giúp đỡ, che chở lẫn nhau…. Đó là chất keo gắn kết nền tảng của xã hội. Không có đạo đức thì những người có quyền thế sẽ trở nên tham lam, tàn ác, lạm quyền, tìm mọi cách bóc lột người dân để thỏa lòng dục; dân chúng thì chỉ biết nghĩ đến cái lợi cho bản thân, gia đình, gian dối, lừa gạt, trộm cướp, thù hằn, tranh giành đâm chém nhau.
Chủ nghĩa Cộng sản không xây dựng xã hội đặt nên tảng trên đạo đức, trái lại chủ trương dùng căm thù để đấu tranh: con thù cha, vợ thù chồng, anh em thù nhau, xóm làng đấu tố, đánh đập, giết hại nhau (rõ nhất trong đấu tố cải cách ruộng đất). Chính quyền không cai trị dân bằng chính đạo mà bằng tà đạo: thủ đoạn, dối trá, tàn bạo. Từ những lãnh tụ lớn như Staline, Mao Trạch Đông giết hàng chục triệu người (Staline: 21,5 triệu, Mao: 78 triệu) đến các lãnh tụ nho nhỏ như Pol Pot, Ieng Sary, Khiêu Samphan cũng giết tới hai triệu trong số bảy triệu dân Khmer chỉ trong vài năm cầm quyền. Ở Nga cũng như ở Trung Quốc, cả một bộ máy tuyên truyền vĩ đại tung hô những kẻ sát nhân và hoang dâm, vô luân như Mao, Staline là thần thánh để lường gạt dân chúng. Nếu vẫn còn chế độ Khmer đỏ ở Campuchia không bị sụp đổ thì Pol Pot, Khiêu Samphan, Iang Sary… cũng sẽ được bộ máy tuyên truyền tôn là thần thánh và có cả lăng tẩm như Staline, Mao Trạch Đông sau khi chết.
Thiết chế Mao ngự trị của cho đến bây giờ kéo dài đã hơn 60 năm, con người và xã hội Trung Quốc bị phá sản về đạo đức.
Mới đây cả thế giới xúc động khi hay tin bé Vương Duyệt Duyệt, hai tuổi, đang thơ thẩn chơi trong khu chợ ở Quảng Đông bị một chiếc xe tải cán qua người bỏ đi, chiếc xe thứ hai thản nhiên cán tiếp và rồi người thứ nhất, người thứ hai… cho đến người thứ 18 vẫn thản nhiên bước qua không ai ngừng lại giúp đỡ em. Kết quả là dù sau đó được chở tới bệnh viện nhưng không cứu em sống được vì đã quá trễ.
Để kiếm nhiều lời, xí nghiệp của nhà nước cũng như tư nhân bỏ cả chất độc vào thực phẩm đem bán cho người tiêu dùng. Tập đoàn sản xuất sữa Mông Ngưu của nhà nước năm 2008 bỏ mélanie vào sửa làm trẻ con uống chết 6 và bị bệnh thận lên tới 300 ngàn em, mới đây lại phát hiện trong sữa, trong dầu ăn có chất Aflatoxine là chất độc gây ung thư gan. Ngoài ra còn có dầu ăn tái chế hứng từ miệng cống các nhà hàng, nấm gây ung thư, thịt heo gây ung thư, đậu hũ giả, rượu giả…. Đầy dẫy những kẻ cầm quyền tham lam, tàn ác đã cướp đất của dân còn đánh đập, cho xe ủi đất cán chết khi người ta chống đối!
Quyền hành tập trung, của cải tập trung đưa đến cảnh kẻ no, người đói; kẻ đầy quyền hành, kẻ khốn khổ vì bị áp bức thì xã hội không ổn định được!

- Nạn con ông cháu cha:
Hai vụ đụng xe của con hai ông Tướng cả nước Trung Hoa và thế giới đều biết. Lý Khải Minh 22 tuổi, say rượu lái xe đâm chết sinh viên Trần Hiến Phượng bị những người đi đường xúm lại bắt giữ đã thách thức: “Có giỏi cứ đi kiện đi, cha tao là Lý Cường đấy.” (Lý Cường là tướng Công an). Ít tháng sau, ngày 06-9-2011, Lý Thiên Dực 15 tuổi, không bằng lái, con trai Thiếu tướng Lý Song Giang lái chiếc xe hơi sang trọng của Đức BMW đụng một cặp nam nữ. Khi mọi người nói kêu cảnh sát, Lý Thiên Dực nhảy xuống tay đánh, miệng chửi: “Ai bảo chúng mày dám gọi cảnh sát?”.
Cái nạn con các ông lớn hoành hành như thế chỉ làm người ta tức giận nhưng nguyên nhân chính làm phân hóa xã hội Trung Hoa là con cái các ông lớn thì lại làm ông lớn, theo “truyền thống” “con vua thì lại làm vua”. Tập Cận Bình đang sửa soạn thay Hồ Cẩm Đào trong năm nay là con của Tập Cận Huân, nguyên Phó Thủ tướng và Phó Chủ tịch nước; Bạc Hy Lai từng là Bộ trưởng Thương mại, hiện là Bí thư thành phố Trùng Khánh, Ủy viên Bộ Chính trị, đang vận động vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị trong năm nay; Mao Tân Dư, cháu nội Mao Trạch Đông mới 40 tuổi đã được thăng cấp tướng… Cái lối cha truyền con nối đó được áp dụng trong các ngành, mọi cấp từ trung ương tới địa phương.
Theo sau chữ quyền chữ lợi, con cái những ông lớn còn dựa vào thế lực gia đình để làm giàu. Những người này được dân chúng Trung Hoa gọi là “phú nhị đại”, tức thế hệ thứ hai giàu có. Theo số liệu tại Trung Quốc thì 90% tỷ phú Mỹ kim là con cái giới lãnh đạo, họ được giữ những chức vụ quan trọng trong các công ty quốc doanh bổng lộc nhiều, được đặc quyền đặc lợi đầu tư, đấu thầu ở những ngành địa ốc, ngân hàng, xây dựng….

- Nạn cường hào:
Hai chữ “cường hào” được người Cộng sản Trung Quốc triệt để khai thác để tuyên truyền lôi kéo nông dân chống lại những người giàu có, quyền thế đè nén dân chúng ở nông thôn thời trước. Nhưng hiện nay nạn cường hào ác bá xảy ra cả ở nông thôn lẫn thành thị làm người dân khốn đốn khi họ bị cướp nhà, cướp đất! Từ khi có “bốn hiện đại hóa”, đất đai trở nên đắt giá vì cần phải mở mang đô thị, lập các khu công nghiệp, các khu thương mại, các khu giải trí…. Đây là cơ hội để những kẻ có quyền hành tìm cách cướp đoạt đất của người dân.
Thông tấn xã AFP ngày 20-1-2010 đưa tin ông Zhang Weixing thuộc xã Xiashuixi tố cáo viên Chủ tịch xã tên Lishining chiếm 3,3 mẫu đất của ông ta để xây nhà trên đó. Khi bị phản kháng viên chức này thuê côn đồ đánh ông ta. Còn dân trong xã than rằng Lishning làm họ khốn khổ vì bị y chiếm đất, tống tiền và bắt nạt. Cách nay hơn 1 tháng (tháng 12-2011), 13.000 ngàn dân làng Ô Khảm thuộc thành phố Lục Phong, Quảng Đông, biểu tình đòi “nợ máu” vì bọn cường hào ở địa phương giết chết ông Tiết Kim Ba. Nạn nhân bị lột da ngực, đập dập các đầu ngón tay vì đã dám đứng lên chống lại việc chính quyền địa phương trưng thu đất để bán cho các công ty địa ốc. Dân làng Ô Khảm tố cáo họ chỉ được bồi thường với số tiền rẻ mạt là 5% so với giá thị trường. Mới đây, ngày 20-01-2012 dân làng Hoàng Cương gần đó cũng kéo nhau lên thành phố Quảng Châu biểu tình tố cáo Bí thư đảng Cộng sản xã nhận 63 triệu Mỹ kim đút lót để lấy đất của dân bán cho công ty địa ốc. Còn biết bao nhiêu người bị bọn cường hào ác bá hãm hại như ở Hà Nam ngày 03-01-2011 một phụ nữ có hai con nhỏ bị xe ủi đất đè chết và trước đó một tuần một thôn trưởng bị công an căng ra cho xe tải chạy qua cán chết, ba anh em nhà họ Bạch ở Vĩnh Niên, tỉnh Hà Bắc cùng tự thiêu ngày 03-11-2011 khi chính quyền tỉnh đem xe ủi đất và 300 côn đồ cộng với công an tới đánh đập dân làng để giải tỏa 400 mẫu đất.

Đây chỉ là một vài vụ tiêu biểu mà báo chí được biết. Có cả hàng trăm ngàn vụ, hàng trăm ngàn nạn nhân tức tưởi trong oan khuất không được ai biết đến từ bao nhiêu năm nay!
Một cuộc điều tra của Đại học Nhân dân Bắc Kinh công bố trên báo 21st Century Business Herald xuất bản tại Bắc Kinh ngày 07-02-2012 đưa ra số liệu như sau:

- Từ năm 1990 đến nay có 584 triệu người dân Trung Hoa bị cướp đất, tương đương 43% dân số. – Hơn 130 triệu 612 người không được bồi thường hay bị chính quyền địa phương quỵt tiền bồi thường.

- Giá bồi thường rẻ mạt: Một mẫu Trung Hoa (667m2) bồi thường khoảng 3.000 đô la (18.739 nguyên) xong bán cho các công ty kinh doanh 123.000 đô la (778.000 nguyên) cao gấp hơn 40 lần. Tình trạng nông dân như vậy, số phận của công nhân cũng chẳng khá hơn.

- Nạn bóc lột công nhân: Tư bản ngoại quốc được chính quyền liên kết để cùng bóc lột công nhân. Người lao động phải làm việc trong những điều kiện khắc nghiệt nhiều khi 14, 15 giờ một ngày, không có ngày nghỉ cuối tuần; nghỉ bệnh, nghỉ sanh là bị sa thải. Năm 2010, đại công ty FoxConn của Đài Loan chuyên lắp ráp đồ điện tử cho các công ty Nhật, Mỹ về computer lập nhiều nhà máy ở Thành Đô và Thẩm Quyến với hơn một triệu công nhân bị nhốt trong doanh trại như các trại lính, ăn ở tại chỗ, mua sắm tại chỗ…. Họ bị làm việc căng thẳng có khi 7 ngày/tuần, bị các xếp chửi mắng, hạch xách, đe dọa trừng phạt, sa thải nên hàng loạt công nhân ở tuổi 20, 21 tự tử. Tình trạng này kéo dài làm chấn động thế giới với lòng thương cảm và phẫn nộ! Tuần báo New York Times số cuối tháng 01/2012 còn nhắc lại tình trạng khắc nghiệt này: “Môi trường làm việc tệ hại và những vấn đề nghiêm trọng về mặt an toàn, có nguy cơ tử vong”.
Đầu tháng 3 năm 2011, Tổ chức Lao động và Nhân quyền Toàn cầu tố cáo tệ nạn này tại nhà máy Vũ Uy ở Đông Quan chuyên sản xuất phụ tùng plastic cho hãng xe Ford của Mỹ, bắt công nhân làm việc 14 giờ/ngày, 7 ngày 1 tuần với lương 80 cents/giờ. Ai bảo vệ, bênh vực họ khi cán bộ công đoàn là những đảng viên Cộng sản đã liên kết với người ngoại quốc để được chia chác tiền bạc.

- Ô nhiễm môi trường sống: Một số người nhận xét vì đặt nặng vấn đề tăng trưởng nên chính quyền Trung Quốc lơ là với nạn ô nhiễm, điều đó chỉ đúng vài phần trăm. Nguyên nhân chính là nạn tham nhũng, cứ có tiền là trót lọt; ngược lại dù có đạt tiêu chuẩn môi trường cũng chẳng có giấy phép. Thứ đến là trình độ thấp kém không phải chỉ ở cấp huyện, xã, tỉnh, thành phố mà cả ở ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, v.v. Vụ xây đập thủy điện trên sông Dương Tử là một bằng chứng. Đến nay thì những nguồn nước ở phía dưới đập bị cạn kiệt và con đập bị đe dọa bởi biết bao nhiêu cây cối, đá, sỏi, đất từ thượng nguồn đổ về lấp dần đi. Trên thế giới có 20 thành phố ô nhiễm nhất thì Trung Quốc chiếm 13 và thủ đô Bắc Kinh đứng đầu!
Nguy hiểm nhất là những nhà máy đổ chất thải chứa chất độc ra sông rạch mà không được khử trước, những nhà máy gây ra bụi và khói độc cho những vùng dân cư ở xung quanh. Theo phóng viên báo Le Figaro tại Bắc Kinh, mỗi năm có khoảng 50 ngàn vụ dân chúng phản đối ô nhiễm. Chỉ nói mới đây, ngày 14-8-2011, 20 ngàn dân cư thành phố Đại Liên ồ ạt biểu tình chống nhà máy hóa chất gây ô nhiễm; ngày 18-9-2011 hàng ngàn người dân thành phố Hải Ninh, Chiết Giang bắt đầu 3 ngày biểu tình và đập phá văn phòng, lật xe cộ của công ty sản xuất pin mặt trời Jinco Solar vì gây ô nhiễm làm cá nuôi trong khu vực bị chết và 31 người chết vì ung thư; vụ mới đây nhất là ngày 15-01-2012 người ta thấy cá chết nổi lềnh bềnh trên sông mới phát giác nước sông Liễu (Liễu Giang) bị nhiễm độc 20 tấn cadmium do một hầm mỏ thải ra làm 3 triệu 700 ngàn dân thành phố Liễu Châu không có nước uống. Đây chỉ là những vụ tiêu biểu từ trước tới nay trong cái thảm trạng này.

- Nạn tham nhũng: Độc tài và tham nhũng là hai con quỷ song sinh, hiếm khi đơn lẻ và thằng em cuối cùng làm hại thằng anh. Cách nay mấy tháng, Raul Castro lãnh tụ Đảng Cộng sản Cuba tuyên bố “Tham nhũng còn nguy hiểm hơn cả bọn phản động”. Ngày 30-01-2012, đại hội bất thường Đảng Cộng sản Cuba dưới sự lãnh đạo của ông đã đi đến một số quyết định quan trọng, trong đó có vấn đề chống tham nhũng. Ở Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhiều lần kêu gọi khẩn thiết chống tham nhũng và mới đây, ngày 10-01-2012, cơ quan Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản xác định: “Công cuộc chống tham nhũng cần phải đạt thêm nhiều kết quả hơn trước” để lập thành tích cho Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhưng càng chống thì càng tham! Từ một viên bí thư xã đến các bí thư tỉnh, huyện, Ủy viên Bộ Chính trị chóp bu chẳng nhiều thì ít tham nhũng. Tham nhũng không phải vài trăm, vài ngàn Mỹ kim mà hàng chục, hàng trăm triệu đô la! Hai ngày liên tiếp 20, 21 tháng 01/2012 hàng ngàn dân xã Hoàng Cương, Quảng Đông, biểu tình tố cáo viên bí thư xã nhận hối lộ 63 triệu đô la, tháng 3/2011 Bộ trưởng Giao thông bị điều tra vì tham nhũng 121 triệu đô la trong việc cấp giấy phép cho xe lửa cao tốc. Những Ủy viên Bộ Chính trị như Trần Hy Đồng (Bí thư Bắc Kinh), Trần Lương Vũ (Bí thư Thượng Hải) đều bị đưa ra tòa vì tham nhũng. Phó Chủ tịch tỉnh Sơn Đông Hoàng Thắng có tới 46 căn nhà cho 46 người tình. Không tham nhũng làm sao con cái của các tướng lãnh và cán bộ cao cấp lái xe Ferrari, Porche giá hàng trăm ngàn đô la và được gửi đi học ở nước ngoài?
Theo thống kê của cơ quan Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc, năm 2009 có 106.000 viên chức bị kết tội tham ô liên quan đến 34,4 tỷ đô la bằng 1/3 Tổng sản lượng quốc nội/năm của Việt Nam. Theo điều tra của Cơ quan Tổng Thanh tra Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố tháng 01-2011 thì tệ nạn này lan tràn trong tất cả bộ máy Đảng và nhà nước ở mọi ngành, mọi cấp (trường học, bệnh viện, cơ quan từ thiện Hồng Thập Tự, công an, quân đội, báo chí, xây dựng, nông nghiệp, lương thực, thuốc men…). Trong năm 2010, cơ quan này nhận được 1 triệu 400 ngàn đơn tố cáo và hồ sơ tham nhũng, có trên 500 ngàn cán bộ từ cấp huyện trở lên bị án tù, không thấy nói gì đến cấp xã là cấp chính quyền được trải rộng khắp nước và là nơi cường hào đỏ hoành hành nhiều nhất. Không biết số tiền các cán bộ tham ô là bao nhiêu trong năm 2010, nhưng theo báo cáo của cơ quan Thanh tra này công bố tháng 6/200 thì từ năm 1990 đến 2008 có 17.000 quan chức rời khỏi Trung Quốc đem theo 124 tỷ đô la, lớn hơn Tổng sản lượng quốc nội/năm của Việt Nam khoảng 24 tỷ. Số cán bộ tham nhũng và số tiền bất chính còn nằm trong nước chắc chắn phải cao hơn gấp nhiều lần.
Ngoài việc bóc lột dân, nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền bóc lột lẫn nhau cũng rất khốc liệt. Ở Suihua, một cán bộ trả 100 ngàn đô la cho ban tổ chức đảng để làm bí thư, một cán bộ khác trả 44 ngàn cho chức vụ nhỏ hơn nhưng hai năm sau kiếm được 740 ngàn. Trong quân đội, cột trụ của chế độ, nạn tham nhũng cũng không buông tha, chỉ cần khoảng 6.000 nhân dân tệ (# 1.000 đô la) có thể mua được cái lon trung sĩ. Theo Mc Gregor, tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một loại thuế lan tỏa giữa giai cấp lãnh đạo.
Trên đây là những nguyên nhân gây ra bất công xã hội do những kẻ cầm quyền lợi dụng quyền thế thâm lạm, đục khoét tài nguyên quốc gia và bóc lột dân chúng qua tham ô, hối lộ cũng như cướp đất, cướp nhà của dân để làm giàu và đẩy người dân đến chỗ nghèo khó.

- Hố ngăn cách giàu nghèo: Tuy Trung Quốc đã vượt Nhật vào giữa năm 2010 trở thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới nhưng theo Tiến sĩ Trình Hiểu Nông từng là cố vấn của cố Thủ tướng Triệu Tử Dương thì hiện nay “nhiều người Trung Quốc hiện không đủ tiền mua thịt cá mà tiền mua rau cũng không có. Nhiều người phải đợi chợ gần tan để mua rẻ một ít rau trái cho có cái ăn qua ngày!”. Trong khi đó thì có những người giàu có tiệc tùng với rượu champagne đổ ra thùng uống không hết. Hầu hết họ thuộc giới cầm quyền lợi dụng chức vụ mà giàu có, thứ đến là con cái, thân thuộc của họ và sau cùng là những người liên kết, cộng tác làm ăn với họ để cùng chia chác.

Theo số liệu được những nhà nghiên cứu về Trung Quốc sưu tầm và tiết lộ trong năm 2011 thì:
- 70% tổng sản lượng quốc gia (4.115,02 tỷ đô la) do 0,2% dân số (#2,5 triệu) nắm giữ; dân số còn lại là 99,8% chia nhau 30% (Báo cáo tháng 7/2011 của cơ quan tư vấn Boston Consulting Group).
- Tổng sản lượng quốc nội năm 2010 là 5.878,6 tỷ đô la, nhưng tài sản trong các tập đoàn quốc doanh do các Hoàng Tử Đỏ nắm giữ chiếm 61,7% = 3.627,09 tỷ đô la.
Do đó có khoảng 900 triệu người dân Trung Hoa sống trong nghèo khó với lợi tức 2 hay 3 đô la/ngày, có những người chỉ có 1 hay 2 đô la. Những người này sống đói khát như người dân Phi Châu miền nam sa mạc Sahara! (Nguyễn Xuân Nghĩa, RFI ngày 22-2-2011).
Trong hoàn cảnh xã hội như thế, những người có lương tri không thể không lên tiếng và dân chúng dù chết cũng phải nói lên nỗi bất mãn của họ.

P. H. S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

*
*
Phạm Hy Sơn
29-2-2012

- Người dân chống đối: Vì bị bóc lột sức lao động, vì bị tước đoạt đất đai nhà cửa, vì bị thuế má nặng nề, bị nộp tiền đút lót, vì bị sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng phá hoại mùa màng, gia súc và gây chết chóc cho con người, dân chúng Trung Hoa đã nổi lên phản đối tìm con đưòng sống mặc cho bị giết chết, bị bỏ tù, trù dập, hành hạ. Chống đối càng ngày càng nhiều và nếu những năm trước chỉ mang tính cách thỉnh nguyện, đòi hỏi thì thời gian gần đây có tính chất nổi dậy quyết liệt như tấn công lực lượng cảnh sát bằng gậy gộc, bom xăng; đập phá, đốt cháy trụ sở Đảng Cộng sản, cơ quan chính quyền; đập phá, đốt nhà máy và xe cộ.
Đi xa hơn, giữa tháng 12 vừa qua 20.000 dân làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông lật đổ chính quyền Xã, lập cơ quan tự quản và biểu tình với những biểu ngữ được giơ cao: “Đả đảo chế độ độc tài”, “Trả lại quyền cho người dân”, “Giết hết quan chức tham nhũng”, “Máu trả nợ máu”.
Năm 1993 có 8.700 vụ biểu tình phản đối thì năm 2006 có 60.000 vụ, năm 2007 có 80 ngàn vụ. Đó là theo thống kê chính thức của chính phủ Trung Quốc. Hai, ba năm gần đây người ta ước tính những cuộc phản kháng đã lên tới 187 ngàn vụ. Những tháng cuối năm 2011 những cuộc biểu tình gia tăng cường độ từ chống tăng thuế, chống ô nhiễm, chống cướp đất, chống đàn áp…. Theo báo Le Monde số cuối tháng 11/2011 thì tháng 11 là tháng có nhiều xáo trộn nhất từ trước tới nay.
Người dân Trung Hoa sống dưới chế độ độc tài đã khốn khổ thì những dân tộc bị xâm lăng và đang bị đồng hóa như Nội Mông, Mãn Châu, Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Tạng còn cùng cực như thế nào dưới gọng kìm kìm kẹp của bọn xâm lược! Dân bản xứ phải học tiếng Bắc Kinh, sách vở như Toán, Vật lý, Hóa học, Sử, Địa… đều viết bằng tiếng Bắc Kinh, đền thờ và chùa chiền bị phá hủy, cấm tu hành và giảng giáo lý, ồ ạt đưa người Hán đến chiếm đất định cư. Mới trong vòng có năm, sáu chục năm nay, Nội Mông, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ… dân bản xứ trở thành thiểu số, chỉ chiếm 20%, còn lại 80% là thực dân gốc Hán! Từ hàng chục năm nay người Mông Cổ, Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng nổi lên và bị đàn áp dã man.
Người Duy Ngô Nhĩ Hồi giáo đã chọn bạo động đấu tranh tấn công vào các đồn cảnh sát, giết hàng trăm thực dân Hán thì người Tây Tạng Phật Giáo dưới sự lãnh đạo của Đức Đạt Lai Lạt Ma dùng phương pháp bất bạo động để tranh đấu trước cảnh hàng ngàn nhà sư, tu sinh phải hoàn tục, bị giết, bị tù,bị mất tích… chùa chiền bị công an khám xét thường xuyên nên từ tháng 3 đến tháng 12/2011 có 12 người tự thiêu, đa số là nhà sư. Đầu năm nay, mới hơn 1 tháng đã có 7 nhà sư tự thiêu. Người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ cũng trong hoàn cảnh tương tự: ngày 31-12-2011 khoảng 1.000 công an Trung Quốc tới triệt hạ đền thờ Hồi Giáo tại Ninh Hạ đã xung đột với mấy trăm người dân phản đối. Cảnh sát đàn áp làm 2 người chết, 50 người bị thương, khoảng 100 người mất tích!
Thế giới làm ngơ trước những sự tàn bạo này vì cái lợi kinh tế, vì miếng ăn, cái áo. Những dân tộc bị Trung Quốc thống trị này không khác gì con nhái bén nhỏ bé đang nằm trong miệng con rắn độc và rồi sẽ bị nuốt chửng. Có ai thương xót họ không!?
Những biện pháp đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc: Như chúng tôi đã trình bày ở phần trước, năm 1979 Đặng Tiểu Bình chỉ cải cách về kinh tế còn quyền thống trị dân chúng vẫn nằm trong tay những người Cộng sản. Bằng chứng là khi dân chúng và sinh viên, học sinh biểu tình đòi mở rộng dân chủ đã bị Đặng Tiểu Bình, từ hậu trường, ra lệnh đàn áp thẳng tay bằng xe tăng, súng máy tại Thiên An Môn ngày 04-06-1989 làm 3.000 người bị giết. Thủ tướng Triệu Tử Dương và Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang bị quản thúc cho đến chết vì không đồng tình với biện pháp tàn ác ấy.
Chúng ta nhớ lại chủ nghĩa Marx-Lenin chủ trương tranh đấu bằng căm thù và bạo động. Ngay từ ban đầu, khi chưa nắm chính quyền, những người Cộng sản đã dùng phương pháp khủng bố, bắt cóc, thủ tiêu làm rối loạn chính quyền địch rồi dùng tuyên truyền, đe dọa để kéo người dân về phía mình hoặc làm họ sợ hãi phải nghe theo. Khi đã nắm chính quyền, phương pháp khủng bố ấy vẫn được triệt để áp dụng bằng công an, mật vụ, quân đội để duy trì quyền lực. Ở những nước Cộng sản như Nga Xô, Trung Quốc, v.v., chính quyền xếp loại sẵn dân chúng thành nhiều thành phần từ nhiệt thành, trung thành, không ưa, tình nghi, chống đối… để mỗi khi có thể gặp nguy cơ bất ổn họ ra tay trấn áp trước nên mới có những đợt thanh trừng dân chúng theo chỉ tiêu như dưới thời Stalin, Mao Trạch Đông có hàng chục triệu người bị giết ở Nga và Trung Quốc, không biết bao nhiêu trăm triệu người bị tù đày.
Khi Đặng Tiểu Bình mở cửa, có nghĩa là bức màn sắt được kéo lên, không thể tàn sát dân chúng theo chỉ tiêu nữa nhưng nếu cần thì vẫn phải làm như vụ đàn áp ở Thiên An Môn để nắm chặt quyền hành.

Đảng Cộng sản Trung Quốc dù đã mở cửa nhưng vẫn áp dụng triệt để những chính sách có từ thời Mao Trạch Đông:

1- Tàn sát để khủng bố: Thời Mao bức màn sắt đóng kín, kẻ cầm quyền tha hồ tàn sát, bắt bớ hàng trăm ngàn, hàng triệu người thế giới không ai biết. Đó là khủng bố đen. Ngày nay không thể làm thế được vì đã phải mở cửa để làm ăn buôn bán, người Cộng sản hậu Mao áp dụng phương pháp khủng bố trắng: giết một người hàng vạn người sợ (sát nhất nhân vạn nhân cụ). Từ dùng xã hội đen, tội phạm hình sự, côn đồ đánh đập, phá nhà của những người chống chính quyền đến chuyện thỉnh thoảng tại trụ sở xã, đồn công an huyện, thành phố lại có những người lúc vào thì sống lúc ra là cái xác không hồn, thân thể bầm tím hay vỡ sọ, gãy nát chân tay, dập sườn dù chỉ là những cái tội nhỏ như vi phạm giao thông, cãi cọ, ăn cắp vặt… như ông Tiết Kim Ba ở xã Ô Khảm bị lột da ngực, các đầu ngón tay tím máu hay một thôn trưởng ở tỉnh Hà Nam vì bênh vực dân làng trong việc đòi bồi thường đất mà bị công an bắt căng ra giữa đường cho xe tải chạy qua cán chết cuối năm 2010. Chỉ tội cho những người chẳng may bị bắt vào lúc chính quyền Trung Quốc đang cần thi hánh sách lược khủng bố!

2- Hai cột trụ của chế độ là quân đội và công an mật vụ luôn luôn được xử dụng trong việc đàn áp dân chúng. Cả hai được chế độ ưu đãi và tuyển lựa kỹ càng trong các gia đình đảng viên hoặc được các cơ sở đề nghị, đặc biệt ngành công an mật vụ có những gia đình” tam đại, tứ đại đồng ngành”. Quân đội Trung Quốc có quân số đông nhất thế giới ước tính khoảng 2,3 triệu là lượng được Đảng nắm chặt va quan tâm đặc biệt. Chủ tịch hay Tổng Bí thư Đảng luôn luôn là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, mỗi đơn vị đều có đại diện Đảng (ủy viên chính trị) giám sát và mọi quyết định của đơn vị phải được viên chức này chấp thuận. Ngành công an mật vụ là lực lượng tin cậy và mạnh thứ hai sau quân đội với ngân sách năm 2010 là 514 tỷ nhân dân tệ. Nếu quân đội Trung Quốc với ngân sách năm 2010 là 532 tỷ NDT phải chi tiêu rất nhiều về doanh trại, căn cứ và mua sắm vũ khí đắt tiền như xe tăng, đại bác, hỏa tiễn đặc biệt như oanh tạc tơ, chiến hạm, tàu sân bay… giá từ vài triệu, vài trăm triệu Mỹ kim/1 cái và nuôi được 2,3 triệu quân thì ngân sách ngành công an phải có ít nhất 5 hay 6 triệu người vì tiền trang bị rất ít.
80 triệu đảng viên cộng với 8 triệu công an quân đội cộng với Quản Lý khu phố và dân quân(hay du kích) thì tính trung bình khoảng 14, 15 người dân Trung Hoa có 1 cán bộ quản lý!

3-  Nắm chặt các phương tiện truyền thông như truyền hình, truyền thanh, báo chí, truyền tin(điện thoại, bưu điện) để truyền đặt mệnh lệnh và áp đặt tư tưởng đến dân chúng. Dân phải nghe và không được quyền lên tiếng. Những lời kêu than, phản kháng không có điều kiện được nói lên như trong thế giới tự do. Vì thế, dân chúng bị bưng bít, ở đâu biết đó. Hiện nay thế giới đi vào kỷ nguyên Internet với các trang web site, e-mail, điện thoại di động liên lạc vòng quanh trái đất trong vài giây rất tiện lợi cho mọi người trong công việc làm ăn, trao đổi tư tưởng, học hành, nghiên cứu. Ở Trung Quốc hiện nay những phương tiện này bị giới hạn và theo dõi nghiêm ngặt. Vì cuộc nổi dậy của người dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương năm 2009, Facebook và Twister bị chận ở Trung Quốc ngày 6-9-2009. Khi Cách Mạng Hoa Lài bùng nổ đầu năm 2011, Internet bị kiểm soát, phóng viên quốc tế bị giới hạn hoạt động. Cuối năm 2011 khi nông dân, công nhân rầm rộ biểu tình thì báo chí Trung Quốc ra ngày 10-12-2011 đăng tin ông Vương Bá Thuần, Phó Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách thông tin và internet tuyên bố: ”Tất cả các vùng, miền, tỉnh phải sử dụng những biện pháp cứng rắn và hiệu quả để củng cố việc xây dựng và quản lý nền văn hóa mạng”. Tiếp theo, ngày 8-02-2012 chính quyền Trung Quốc ra tối hậu thư cho khoảng 250 triệu người đứng chủ các trang blog nhỏ (microblog) phải ghi tên thật để chính quyền dễ theo dõi và kiểm soát.

4- Kiểm soát từng người dân, từng lời nói và triệt hạ ngay mầm mống chống đối. Tài liệu MẬT của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lưu hành nội bộ tháng 01 và 03/2011 chỉ thị cho mọi đảng viên ở các cấp chính quyền:
- Trấn áp không từ một hình thức nào, không bỏ sót một đối tượng nào.
- Bắt giam tức khắc mọi cá nhân loan tin bất lợi cho chính quyền, gia tăng theo dõi dân chúng ngay từ lúc tuổi còn thơ, khuyến khích dân chúng tố cáo những kẻ ta thán.
- Các cấp tỉnh, huyện, xã lập phải lập “tổ đặc nhiệm” để định hướng dư luận….

5- Đàn áp tầng lớp trí thức, nhân sĩ là những người có uy tín trước công chúng. Từ khi có phong trào Mùa Xuân Ả Rập, rất nhiều trí thức, nhân sĩ Trung Quốc liên tục bị bắt bớ, bị đưa vào nhà tù, nổi nhất là họa sĩ Ngải Vị Vị. Cuối năm 2011 người dân Trung Hoa biểu tình hàng loạt chống tăng thuế, chống ô nhiễm, chống cướp đất, công nhân đòi tăng lương… nhà cầm quyền Trung Quốc đã mở lại chiến dịch trấn áp trước những nhà trí thức hoạt động dân chủ như vợ chồng họa sĩ Ngải Vị Vị, ông Hồ Giai… và chỉ từ giữa tháng 12/2011 đến nay có ít nhất 6 người bị những án tù nặng nề như các ông Trần Tây 10 năm tù, Lưu Hiểu Bân 10 năm, Lý Thiết 10 năm, Trần Vệ 9 năm, Cao Trí Thịnh 3 năm và mới đây, ngày 10-02-2012 vợ ông Chu Ngu Phu cho biết ông bị kết án 7 năm tù vì một bài thơ kêu gọi dân chúng tụ tập hưởng ứng phong trào Mùa Xuân Ả Rập.

6- Vuốt ve: Chúng ta thấy thỉnh thoảng thấy một số các cựu đảng viên Cộng sản lên tiếng đòi cải cách, đồng thời Thủ tướng Trung Quốc cũng kêu gọi mở rộng dân chủ, bài trừ tham nhũng, tôn trọng quyền xử dụng đất của nông dân và ngày thứ 7, ngày 10-2-2012 vừa qua ông tuyên bố: “Phải bảo vệ truyền thống, tự do tín ngưỡng và văn hóa của người Tây Tạng” trong khi công an Trung Quốc đang bắn giết dân chúng và các nhà sư ở Tứ Xuyên.
Thủ tướng đứng đầu đứng đầu chính phủ đáng lẽ phải sửa đổi những khuyết điểm, sai lầm, diệt trừ những kẻ tham ô, lạm quyền, hà hiếp dân ngay khi ông lên nắm quyền Thủ tướng từ mấy năm nay rồi. Sao ông không ra lệnh cho công an, quân đội Trung Quốc ngừng tay tàn sát dân chúng và những người tu hành ở Tây Tạng, Tân Cương? Chỉ khi thấy dân chúng bất mãn ông mới lên tiếng kêu gọi?
Đó là chiến thuật kẻ đánh người xoa của Cộng sản Trung Quốc, bản chất đảng trị của họ không bao giờ thay đổi.
Nhưng họ có thể lừa gạt người dân Trung Hoa mãi được không?

Ngã Ba Đường:

Trước tình trạng thối rũa của xã hội do chế độ đảng trị gây ra làm người dân bất mãn lại thêm tình trạng kinh tế khó khăn do xuất cảng giảm, ngành địa ốc có nguy cơ vỡ bong bóng, nạn vỡ nợ, trốn nợ, đóng cửa nhà máy, thất nghiệp, biểu tình, nổi loạn… xảy ra liên tục, nhiều nhà nghiên cứu về Trung Quốc như Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên của Đại học Quốc gia Singapore đều tiên đoán Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nguy cơ rối loạn xã hội ở quy mô lớn. Ngay cả đảng viên Cộng sản, ông Chu Minh Quốc lãnh đạo thành phố Lục Phong, Quảng Đông cuối tháng 12/2011 cũng cho rằng tình hình TrungQuốc như một trái táo, vỏ ngoài còn tươi nhưng bên trong đã rũa nát, và rằng Trung Quốc sẽ phải đối phó với nhiều cuộc nội dậy trong tương lai.
Con dường tiến tới dân chủ tự do có thể còn dài và nhiều khó khăn. Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường hiện tại với nguy cơ sụp đổ hay sẽ có người đủ khả năng lặp lại được câu nói của ông Đặng Tiểu Bình: “Không cải cách Trung Quốc chỉ có nước chết mà thôi”?
Cải cách? Điều đó khó lắm vì hệ thống quyền lực đan kết với hệ thống tham nhũng, đặc quyền đặc lợi từ trên xuống dưới do các “thiếu gia”, “thái tử đỏ” nắm giữ theo truyền thống thế tập có từ ngàn xưa ở Trung Quốc với bao nhiêu lợi lộc không dễ gì bỏ được.
Chủ tịch Quốc hội Ngô Bang Quốc, nhân vật quyền lực thứ hai sau Hồ Cẩm Đào, trước 3.000 đại biểu Quốc hội họp thường niên ngày 11-3-2011 tuyên bố: “Tình hình bất ổn dân sự có thể bùng nổ ra nếu Trung Quốc từ bỏ hệ thống cai trị độc đảng hiện nay.”
Vì vậy ít có cơ may Trung Quốc đi theo con đường tiến hóa của thời đại như cựu Thủ Tướng Anh Tony Bair đã gián tiếp nhắc nhở trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 28-11-2011 khi nói về sự sụp đổ của chính quyền Lybia là do ông Gadhafi từ chối cải cách: “Vậy bài học này thật là rõ ràng cho cả vùng (Trung Đông) là hội nhập và nghiên cứu cải tổ từng bước theo cách tiến hóa (evolution), nếu không thì sẽ có cách mạng (revolution).” (BBC, 28-11-2011).
Con đường tiến tới tự do, dân chủ có thể còn dài và nhiều khó khăn nhưng trải qua mấy ngàn năm lịch sử, người dân Trung Hoa đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với những hôn quân, bạo chúa như Kiệt, Trụ, Tần Thủy Hoàng,… Những kẻ bạo tàn sẽ bị kết thúc và cả vương triều cũng bị tiêu vong theo.
Ý dân là ý trời. Thời đại nào và ở phương trời nào cũng thế.

P. H. S.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
.
.
.

No comments: