Thursday, February 16, 2012

ĐIẾU CÀY VẪN MẤT TÍCH, CẢ NHÀ NƯỚC CŨNG MẤT TĂM (Bùi Tín)



Bùi Tín viết riêng cho VOA
Thứ Năm, 16 tháng 2 2012

Đã 16 tháng nay, anh Nguyễn Văn Hải biệt danh Điếu Cày biệt tăm biệt tích. Anh là một thanh niên trí thức yêu nước, một nhân vật đối kháng ôn hòa nổi bật, một tay phản biện cừ khôi.

Trước hết anh là một nhà báo năng động, chủ trương Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, với tôn chỉ “nói lên thực trạng xã hội, tâm tư nguyện vọng của nhân dân”; anh còn có mạng blog riêng mang tên Dân báo, khá đông bạn đọc.

Năm 2007 anh tham gia các cuộc xuống đường của thanh niên Sài Gòn chống bành trướng Trung Quốc định rước đuốc Olympic Bắc Kinh qua quần đảo Trường Sa. Anh viết trên blog phóng sự về biên giới, tố cáo Trung Quốc gặm nhấm của ta một số điểm ở Bản Giốc và Nam Quan.

Anh bị bắt tháng 4-2008, bị kết án 30 tháng tù giam về tội danh kỳ lạ là “trốn thuế”. Anh thụ lý đầy đủ 30 tháng tù đến cuối tháng 10 -2010, nhưng số phận đen đủi vẫn bám riết anh. Anh vẫn bị giữ trong tù, chưa được về nhà lấy một ngày, không qua một phiên xử mới nào.Về phía nhà nước không có một lời giải thích. Nhà nước tuyệt nhiên không cho biết gì về anh.

Vậy mà việc cực kỳ phi lý trên đây đã kéo dài không phải 1 tuần lễ, 2 hay 3 tuần, hay 2, 3, tháng, mà hơn 16 tháng nay, gần 500 ngày rồi. Gia đình anh, chị Dương Thị Tân vợ anh viết hơn 20 lá đơn, gõ đủ loại cửa của nhà nước ở Sài Gòn và trung ương, nhưng không có một hồi âm chính thức. Cả những kiến nghị của hàng trăm, hàng ngàn người dân, cả văn thư của nhiều tổ chức và chính phủ trên thế giới gửi các chức sắc của nhà nước Việt Nam cũng cùng chung số phận. Đi cùng sự mất tăm của nhà báo Điếu Cày là sự mất tích trên thực tế của nhà nước Việt Nam, cứ như nhà nước này không hề tồn tại.

Vậy mà những ngày đầu năm, các nhà lãnh đạo cao nhất của nhà nước đều hứa hẹn mọi sự tốt đẹp an lành cho toàn dân. Nào là xây dựng nhà nước pháp quyền nghiêm minh, nền tư pháp công bằng, chống tham nhũng quan liêu, xa rời quần chúng. Chỉ một trường hợp anh Điếu Cày, cả công luận trong và ngoài nước đều ngóng trông suốt 16 tháng trời, vẫn chỉ một sự im lặng khó hiểu, một sự ngậm tăm quá đáng không thể biện bạch.

Nghiêm trọng hơn nữa là tin từ cơ quan công an quận 3 Sài Gòn hé ra cho biết anh bị “mất tay”. Vậy có thật không? Mất ngón tay, bàn tay, hay cánh tay, và vì sao?

Sự độc ác đến tột cùng khó tưởng tượng nổi là chỉ một câu hỏi của chị Dương Thị Tân cầu xin họ cho biết rõ chồng chị còn sống hay không, có khỏe không, có bị mất tay không, và cho chị dấu hiệu của tình hình ấy. Thế mà vẫn chỉ có sự im lặng độc ác và ngang ngược.

Làm sao giải thích được sự kỳ quặc đến tột cùng của một nhà nước có pháp luật hẳn hoi, lại còn có cả những nghị định quy định các cơ quan nhà nước phải trả lời chất vấn, khiếu nại của công dân ra sao.

Trong bất cứ nhà nước dân chủ nào khác, trường hợp éo le như của chị Tân đã được giải quyết từ rất lâu rồi. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Sài Gòn, đại biểu Quốc hội thành phố Sài Gòn, giám đốc công an thành phố hay viện trưởng Viện Kiểm sát thành phố đều có trách nhiệm tìm hiểu và trả lời trong vòng 1 tuần lễ, từ cuối năm 2010. Họ coi trọng sinh mạng, quyền sống, nỗi lo lắng của người dân đã bầu họ ra cầm quyền. Vậy mà ở Việt Nam chính quyền luôn mồm tự khoe là chính quyền của dân, do dân, vì dân.

Ở bất cứ quốc gia dân chủ nào khác, khi cả cấp thành phố đều ù lỳ, quan liêu, vô trách nhiệm thì bộ máy trung ương phải vào cuộc ngay, tìm hiểu và thúc giục cấp dưới trả lời cho đương sự, không chờ cho các cơ quan bảo vệ nhân quyền quốc tế, các hội nhà báo quốc tế, các chính phủ và Liên Hiệp Quốc can thiệp ngày càng mạnh mẽ như vừa qua. Ở Hà Nội, chị Tân đã gõ cửa mọi cơ quan có trách nhiệm cao nhất, đau buồn, khốn khổ suốt 16 tháng, nhưng ông chủ tịch nước, bà phó chủ tịch nước, ông chủ tịch Quốc hội, bà phó chủ tịch Quốc hội, ông thủ tướng, ông chánh án tối cao, ông viện trưởng kiểm sát, ông thanh tra chính phủ…cả một bộ sậu đều như biệt tích, làm như không liên can gì đến việc này.

Cho đến 700 cơ quan ngôn luận chính thức báo chí, tạp chí, truyền thanh, truyền hình của nhà nước cũng hoàn toàn câm miệng suốt 16 tháng, như biệt tăm biệt tích luôn trong vụ việc làm xôn xao mạnh mẽ dư luận này. Thái độ hèn yếu của cả làng báo Việt Nam minh họa rõ vị trí tệ hại, đứng thứ 172 trên 179 nước về quyền tự do báo chí của công dân Việt Nam trong xã hội.

Để xem nhà nước Việt Nam sẽ còn trâng tráo, ù lỳ đến bao giờ trong trường hợp này. Họ còn ngậm miệng, biệt tăm đến bao giờ, họ còn bắt cóc các công dân yêu nước như anh Điếu Cày, cô Phạm Thanh Nghiên, cô Tạ Phong Tần, anh Phan Thanh Hải, cô Bùi Minh Hằng, tự mình vi phạm luật của chính mình…cho đến bao giờ? Liệu làm như vậy họ có làm im được tất cả mọi tiếng nói lương thiện chống tham nhũng, chống đảng viên suy thoái, chống bè lũ cường hào mới, chống bộ máy quan liêu xa rời quần chúng, những kẻ hèn với giặc ác với dân, gây không biết bao nhiêu đau khổ cho nhân dân hay không.

Hay là họ vẫn cứ đổ thêm dầu vào ngọn lửa căm giận và phẫn uất của quần chúng nhân dân, tự trưng ra thế giới bộ mặt xấu xa, đạo đức giả rất khó coi về tôn trọng nhân quyền.

Bùi Tín

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

-------------------------------

Bài trước :
.
.
.

No comments: