LS. Trần Thanh Hiệp
February 2, 2012
February 2, 2012
Cuộc cách mạng dân chủ đã và đang diễn ra ở Bắc Phi và Trung Đông có thể coi như là đợt sóng dân chủ hóa thứ ba của nhân loại kể từ cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Đợt sóng này đã đánh dấu một chặng đường mới của sự nghiệp của nhân loại xây dựng và hoàn thiện thể chế dân chủ khởi đầu từ thế kỷ thứ V trước Công Nguyên. Đồng thời nó còn mang đến cho những tập thể người vào đầu thiên niên kỷ thứ ba rồi – mà vẫn còn phải mang ách độc tài – những sự hỗ trợ thiết yếu cả về ba mặt chính trị, pháp lý và quân sự để bẻ gãy gông cùm của những thế lực cầm quyền phản dân chủ. Sớm hay muộn thì gió xuân Bắc Phi Trung Đông cũng sẽ thổi đến Việt Nam vì dân chủ là xu thế của thời đại. Nhưng chính người dân Việt Nam phải chứng tỏ có đủ ý chí và khả năng đánh bại độc tài để đặt nền móng cho kiến trúc dân chủ. Do đó nay đã đến lúc một lực lượng đối lập phải cấp tốc thành hình và đột xuất trong lòng chế độ đảng trị cộng sản hiện nay đang ra sức nắm giữ độc quyền cai trị đất nước. Dưới đây là môt số nhận định – đã được nêu lên vào một thời điểm đã qua nhưng vẫn còn giá trị thời sự cao – về khả thế khai sinh ra lực lượng đối lập ấy mà tình thế đòi hỏi.
Kết hợp tranh đấu nhân quyền với tranh đấu dân chủ
Trước tình hình trong nước có vẻ chớm bắt đầu ngột ngạt trở lại. Tự cho rằng thế ngoại giao tạm thời đã được củng cố đồng thời cũng để chặn đứng phong trào đòi dân chủ bằng đường lối hòa bình đang thành hình ở ngay trong lòng chế độ, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại để lộ bộ mặt độc tài toàn trị mà ít lâu nay họ cố che đậy.
Theo tin của hãng thông tấn Reuter đánh đi từ Hà Nội, nhà cầm quyền Việt Nam vừa chuẩn bị một cơ sở pháp lý mới để cơ quan hành chánh, không cần dựa vào quyết định của cơ quan tư pháp, được quyền “quản chế” những ai mà công an liệt vào hạng “nguy hại cho an ninh quốc gia” vì đã “làm mất trật tự xã hội”.
Độc tài hiện nguyên hình
Cũng vẫn theo nguồn tin trên thì cơ sở pháp lý ấy là một “Nghị định” (Decree) của chính phủ. Trong khi chờ đợi biết rõ ai là tác giả nghị định ấy, hãy tạm không bàn tới tính hợp hiến hay không hợp hiến của nó. Vả lại trong hệ thống pháp luật cộng sản, làm gì có thứ bậc qui phạm (hiérarchie des normes) rõ ràng. Tuy miệng quảng cáo rầm rộ cho cái gọi là “nhà nước pháp quyền” (mập mờ đánh lận con đen với các loại Etat de droit, Rechtsstaat, v.v… của dân chủ phương Tây) nhưng trong thực tế những người cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn bám lấy những nguyên lý chuyên chính vô sản là nắm trọn trong tay tất cả mọi quyền hành để độc đoán cai trị hơn cả vua chúa ngày xưa. “Đổi mới”, “pháp quyền”, “dân chủ xã hội chủ nghĩa” loanh quanh một hồi rồi đâu vẫn vào đó. Chính quyền ngày nay, dù đã hội nhập vào thế giới văn minh, vẫn giống như chính quyền trong rừng ngày trước, muốn bắt ai thì bắt, muốn giam ai thì giam. Xưa thì nại cớ “chiến tranh giải phóng”, nay thì viện lẽ “ổn định xã hội”, “an ninh quốc gia”. Rút lại vẫn chỉ là những thủ đoạn chuyên chế, độc tài, phát xít, xít ta lin nít đã hoàn toàn lỗi thời. Những thủ đoạn kỳ quái, đảo lộn, ngược đời kiểu “đêm giữa ban ngày”, đúng như tựa đề cuốn hồi ký của một người đã may mắn sống sót và ra thoát khỏi cái thế giới “đêm” ấy để nói lên sự thật.
Vi phạm nhân quyền, trước đã rõ nay càng rõ hơn
Nói theo kiểu bình dân, những người cộng sản khôn nhưng không ngoan! Họ tưởng lầm rằng mượn những từ hoa mỹ “an ninh quốc gia” để che đậy ý đồ độc tài toàn trị là có thể dễ dàng đánh lừa được dư luận. Nhưng thế giới văn minh ngày nay không phải là những mật khu ngày xưa. Ngày 24-9-1982, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tham gia hai Công ước quốc tế về các nhân quyền mà không có một dè dặt (réserve) nào.
Nói theo kiểu bình dân, những người cộng sản khôn nhưng không ngoan! Họ tưởng lầm rằng mượn những từ hoa mỹ “an ninh quốc gia” để che đậy ý đồ độc tài toàn trị là có thể dễ dàng đánh lừa được dư luận. Nhưng thế giới văn minh ngày nay không phải là những mật khu ngày xưa. Ngày 24-9-1982, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã tham gia hai Công ước quốc tế về các nhân quyền mà không có một dè dặt (réserve) nào.
Việc tham gia này có hiệu lực kể từ ngày 24-12-1982. Khác với bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Pacte international relatif aux droits civils et politiques) có hiệu lực như những luật quốc tế ràng buộc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam là người đã tham gia. Công ước này đặt ra cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam nhiều nghĩa vụ phải thi hành không thể nại cớ này cớ nọ để lẩn tránh, hay xuyên tạc sang đoạt, giảm bớt hoặc hủy bỏ. Nói tổng quát, tham gia Công ước này, nhà cầm quyền cộng sản bắt buộc phải coi mỗi người dân là một “con người” với đầy đủ nhân phẩm của nó nghĩa là có một loạt quyền để có thể sống một đời sống tự do, bình đẳng, dưới sự che chở của luật pháp. Căn cứ vào Công ước nói trên mà xét, việc nhà cầm quyền cộng sản quản chế công dân bằng biện pháp hành chính quả là một vi phạm trầm trọng Công ước ấy.
Thật vậy, điều 2 phần II của văn bản quốc tế này định rằng:
“Mỗi quốc gia thành viên của Công ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền pháp lý của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không phân biệt chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc mọi quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc và xã hội, tài sản, dòng dõi hoặc các điều kiện khác”. Mặt khác, điều 5 cũng của phần II, nói rõ rằng:
“1. Không được phép giải thích bất kỳ một qui định nào của công ước này để qua đó có hàm ý tạo cho một quốc gia, một nhóm người hoặc một cá nhân có được một quyền nào đó để tiến hành những công việc hoặc hành động nhằm mục đích hủy bỏ bất kỳ quyền và tự do nào được công nhận trong Công ước hoặc nhằm giới hạn những quyền và tự do đó quá mức độ qui định trong Công ước”.
“2. Không được phép hạn chế hoặc hủy bỏ các quyền cơ bản của con người đã được công nhận hoặc hiện tồn tại ở một quốc gia thành viên của Công ước này trên cơ sở luật, điều ước, các qui định pháp luật hoặc tập quán với cớ là Công ước này không công nhận những quyền ấy hoặc công nhận ở một mức độ thấp hơn”.
Hai điều 2 và 5 này không cho phép nhà cầm quyền cộng sản tùy tiện đặt ra hay giải thích méo mó luật pháp để xâm phạm nhân quyền của mỗi công dân dù các công dân đó bất đồng chính kiến với người cộng sản, khác tôn giáo với người cộng sản. Cộng sản lại cũng không thể đưa ra chiêu bài “truyền thống dân tộc” để thoái thác không thi hành những nghĩa vụ mà công ước đã qui định như trên. (Tưởng cũng nên nói thêm là cộng sản Việt Nam không thể đồng hóa mình với cộng sản Trung Quốc vì Trung Cộng nại cớ không công nhận tư cách đại diện của Trung Hoa Quốc Gia – năm 1966 đã ký vào Công ước nên tự coi là không có nghĩa vụ thi hành Công ước).
Nhà cầm quyền cộng sản có thể nại lý do “an ninh quốc gia” để xâm phạm một cách hợp pháp!” quyền của các công dân nói khác đi, để đàn áp đối lập – được không? Không được! Câu trả lời có thể dứt khoát ngay như vậy.
Trước hết, như điều 4 của Công ước đã qui định chỉ khi nào có một “tình trạng khẩn cấp, đe dọa sự sống còn của quốc gia” đã được ban bố thì mới có thể đi ngược lại, nghĩa là ngưng thi hành những điều khoản của Công ước. Đây không phải là trường hợp của Việt Nam, trước mắt. Trong tương lai, Việt Nam cũng không ở trong triển vọng bị lâm vào một tình trạng khẩn cấp. Không có chiến tranh, không có thiên tai, v.v… đời sống ở Việt Nam hiện nay đang diễn ra một cách bình thường. Tại sao phải ngưng thi hành Công ước?
Vả lại ngay dù cho có “tình trạng khẩn cấp” chăng nữa, nhà cầm quyền Việt Nam một mặt chỉ có thể lấy những biện pháp bất thường nào “không trái với những nghĩa vụ khác, xuất phát từ luật quốc tế và không chứa đựng nội dung phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội”, mặt khác cũng vẫn phải tôn trọng những nhân quyền cơ bản đã được liệt kê trong điều 6, 7, 8 (các đoạn l và 2), 11, 15, 16 và 18. Đó là những quyền “được sống”, “không bị tra tấn… đối xử hoặc bị áp dụng hình phạt một cách tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc nhục hình…”, “không bị bắt làm nô lệ,… làm nô dịch”, “không thể bị kết án phạm tội hình sự vì một hành động hoặc bất hành động không phải là tội phạm theo luật quốc gia hoặc luật quốc tế vào thời gian xảy ra hành vi đó”, “tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo…”(1). Muốn xé rào để có cơ sở pháp lý đàn áp đối lập, nhà cầm quyền cộng sản phải vượt qua loạt khóa an toàn vừa kể.
Điều quá hiển nhiên là nhà cầm quyền cộng sản khi ban hành nghị định “quản chế” đã không vượt qua được bất cứ khóa an toàn nào. Nhưng họ cứ tri tình dày xéo lên những cam kết tuân thủ những qui phạm của Luật quốc tế.
Như vậy là những hành động vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền cộng sản, trước đã rõ nay lại càng rõ thêm. Không một luận cứ pháp lý nào có thể biện minh cho những hành động vi phạm ấy. Vấn đề được đặt ra cho những người dân chủ Việt Nam ở trong cũng như ở ngoài nước, là phải đối phó cách nào cho có hiệu quả với tập đoàn cầm quyền bất chấp luật pháp ấy?
Tăng cường và nâng cao phẩm chất tranh đấu nhân quyền
Việc tranh đấu chấm dứt bạo quyền là một vấn đề hết sức phức tạp nhưng lại dễ bàn luận. Ai cũng có có sẵn lập trường, có sẵn kế hoạch, chiến lược, chiến thuật.
Ở đây tuyệt đối không bàn suông, chỉ có một số nhận định rất giới hạn vào phạm vi luật học và chỉ nhắm vào hành động thực tế, cụ thể mà một số người Việt ở ngoài nước có thể tiến hành. Đó là việc tranh đấu nhân quyền.
Trong những năm 80, dư luận người Việt ở ngoài nước hồi hộp theo dõi tin tức vụ “kiện” cộng sản vi phạm nhân quyền trước Liên Hiệp Quốc. Thật ra “kiện” cũng chỉ là một cách nói – cường điệu – để diễn tả công việc chống đối bằng luật pháp khi không có cách chống đối nào khác. Thời gian qua đã cho thấy đi “kiện” như vậy là đã đi đến đâu. Về điểm này, thiết tưởng không nên quá khe khắt mà cũng đừng quá dễ dãi. Công bình mà nói, không phải ai cũng có thể trực tiếp lên tiếng trước diễn đàn của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng mặt khác, không phải là cứ lên tiếng trước diễn đàn ấy là giải quyết xong vấn đề chuyên chế tại Việt Nam. Nếu chỉ cần có bấy nhiêu thôi thì những tiếng nói của một số không nhiều người Việt Nam từng cất lên (trong số đó có tác giả bài viết này) tại Mỹ, Áo, Thụy Sĩ, v.v… để đọc những bản cáo trạng nghiêm khắc lên án cộng sản, đã mang lại từ lâu dân chủ cho nước này rồi! Thế mà bạo quyền chẳng những vẫn còn tại vị mà lại ngày càng “trụ” vững trên ngôi chuyên chế.
Chẳng lẽ vì vậy mà những người chống đối bạo quyền ấy đành bó tay sao? Phải duyệt xét lại việc làm đã qua để tìm những cách đối phó mới. Về điểm này, sẽ không có nhiều giải pháp. Cũng lại phải đi “kiện” nữa mà thôi, chữ “kiện” hiểu theo nghĩa thật rộng của nó.
Sự thực, đứng về mặt luật quốc tế mà nói, trong hiện tình, người Việt Nam nạn nhân của bạo quyền cộng sản không có một tố quyền nào trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc khả dĩ có thể mang lại cho mình những phán quyết như loại phán quyết của tòa án. Tuy nhân quyền được Liên Hiệp Quốc đề cao, được nhiều văn bản luật quốc tế qui định và bảo vệ nhưng thủ tục để cho các nạn nhân bị chà đạp nhân quyền khiếu nại lại rất giới hạn và ít hiệu quả. Trong cơ chế của Liên Hiệp Quốc có 5 cơ quan, với những thẩm quyền rộng hẹp khác nhau, có thể thụ lý và giải quyết các vấn đề nhân quyền. Đó là Hội Đồng Bảo An, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Ủy Hội Nhân Quyền, Ủy Ban Nhân Quyền và Cao Ủy Nhân Quyền(2). Hãy gạt ngay sang bên Hội Đồng Bảo An và Đại Hội Đồng LHQ, vì hai cơ quan này ở ngoài tầm vận động trong lúc này của người Việt Nam, nạn nhân bạo quyền cộng sản. Cao Ủy Nhân Quyền, mới thiết lập được hai ba năm nay, không coi vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam có giá trị ưu tiên. Trong số hơn 30 quốc gia mà ông đã viếng thăm từ khi nhậm chức, không thấy có nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Ủy Ban Nhân Quyền là cơ quan mà Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị lập ra để giải quyết những vụ vi phạm nhân quyền trái với Công ước này. Oái oăm thay, cộng sản Việt Nam tuy có tham gia Công ước nhưng lại không tham gia Hiệp định thư thứ nhất phụ đính Công ước này nên Ủy Ban không có thẩm quyền xét khiếu nại của các nạn nhân Việt Nam. Chỉ còn Ủy Hội Nhân Quyền với thủ tục gọi là “Thủ tục 1503″ (1503 là số thứ tự nghị quyết của Hội Đồng Kinh Tế Xã Hội ngày 27-5-1970 qui định thủ tục xét đơn khiếu nại về những sự vi phạm nhân quyền và những quyền tự do cơ bản) là nơi độc nhất để các nạn nhân Việt Nam mất nhân quyền có thể kêu cầu. Nhưng thủ tục hiếm hoi này lại rất nhiêu khê vì không phải ai muốn kêu cầu cũng được và muốn kêu cầu ra sao thì kêu. Nó đòi hỏi một số điều kiện về hình thức cũng như về nội dung đề hành sử (trong một dịp khác xin bàn kỹ hơn). Cũng may là nước Việt Nam đã bị ghi vào sổ đen vì những vi phạm nhân quyền (đây là công tranh đấu mấy chục năm qua của những người Việt tị nạn cộng sản) nên tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở Genève, tiếng nói của những nạn nhân Việt Nam vẫn còn có cơ hội tiếp tục cất lên.
Nếu muốn dựa vào các Công ước quốc tế về nhân quyền để tranh đấu cho nhân quyền thì trong tương lai phải biết góp gió thành bão, nâng cao phẩm chất cuộc tranh đấu ấy cho thích hợp với môi trường quốc tế chứ không phải cho riêng “cộng đồng người việt hải ngoại”. Những chiến sĩ dân chủ kiên cường trong nước đang bị đe dọa trước mắt với nghị định “quản chế” mà bạo quyền vừa ban hành. Những người dân chủ Việt Nam ở ngoài nước cần tỏ và phải tỏ ra có khả năng ứng cứu, yểm trợ người dân chủ ở trong nước. Kết hợp được chặt chẽ hai cuộc tranh đấu này là sớm đặt được nền móng cho một nước Việt Nam dân chủ trong tương lai.
LS. Trần Thanh Hiệp
.
.
.
No comments:
Post a Comment