Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012-02-12
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/fagong-pract-cont-harrass-by-dif-means-qc-02122012115212.html
Học viên Pháp Luân Công cho biết họ ngày càng bị sách nhiễu bằng nhiều cách trong đó bao gồm cả việc gây áp lực lên nơi cư trú, công việc và cả bị đánh đập.
Quỳnh Chi tường trình trong phần sau đây.
Công an đang giải tán các học viên Pháp Luân Công tại công viên Lê Văn Tám/TPHCM vào ngày 9 tháng 10, 2011. Screen capture VietSOH
Đánh đập
Từ đầu tháng 10 năm ngoái, diễn ra nhiều cuộc tọa thiền của các học viên Pháp Luân Công gần đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam. Mục đích chính của các buổi tọa thiền là phản đối bản án dành cho hai học viên Pháp Luân Công là Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành về tội phát tranh trái phép sang Trung Quốc. Các buổi tọa thiền đều bị giải tán nhanh chóng nhưng chưa bao giờ xảy ra những xô xát đáng tiếc. Tuy nhiên, tối thứ Bảy ngày 11 tháng 2, một số học viên cho biết họ bị đánh khi đang tập công tại công viên Lê Văn Tám, P. Đa Kao, quận Nhất, Tp. HCM.
Người bị đánh đó là anh Trung, cũng là học viên Pháp Luân Công. Anh Trung kể lại sự việc xảy ra vào tối thứ Bảy:
“Lúc đó tôi không tập, tôi chỉ đi chung quanh thôi và những người mặc thường phục cũng đi chung quanh công viên và có lẽ họ nhận ra tôi. Lúc đó khoảng 2 – 3 người mặc thường phục đuổi theo đánh tôi. Tôi chạy vào chỗ đông người nhưng cũng bị đánh bị thương tích. Khi thấy nhiều người dân xúm lại thì họ không đánh nữa”.
Cảnh sát Việt Nam đang bắt các học viên Pháp Luân Công tại công viên Lê Văn Tám/TPHCM vào ngày 9 tháng 10, 2011. Source video của VietSOH.net.
Tuy nhiên, cuộc xô xát không dừng lại ở đó. Sau khi các học viên Pháp Luân Công tách nhóm để lấy xe ra về thì mỗi người đều bị dân phòng mặc đồng phục và những người mặc thường phục đi kèm.
Anh Phạm Xuân Giao nói:
“Lúc gởi xe thì mỗi người gởi mỗi góc khác nhau nên mỗi học viên đều có người đi theo. Có người mặc thường phục, người mặc áo xanh của dân phòng. Họ đánh khoảng 3 - 4 người, trong đó có một đồng tu bị hộc máu miệng”.
Trong buổi tối hôm thứ Bảy, tổng cộng có bốn người bị đánh. Trong đó, anh Linh là một trong những người bị đánh nhiều nhất. Anh cho biết:
“Hôm qua trong lúc tôi vừa ra khỏi công viên thì vài người mặc thường phục lao tới đánh tôi rớt từ trên xe rớt xuống. Khi tôi té xuống đất thì họ lao đến đá liên tiếp vào tôi. Họ đá vào mặt, tay, đầu liên tiếp. Lúc đó tôi thấy toàn chân thôi, cũng chẳng biết họ đánh vào đâu mà bây giờ đau khắp người. Tôi cũng chảy máu miệng nhưng không nặng lắm”.
Đi cùng với anh Linh lúc đó là anh Hữu. Anh này cũng bị đánh ngã nhào xuống xe, bị bầm mắt mà không biết lý do vì sao. Anh nói:
“Họ tấn công từ đằng sau đến chứ không nói năng gì hết. Rồi tôi la “cướp, cướp” thì có người dân đến giải vây thì họ chạy đi”.
Mặc dù không khẳng định, nhưng tất cả học viên Pháp Luân Công đều thể hiện sự nghi ngờ về những nhân vật mặc thường phục này. Có người cho là an ninh giả dạng, có người cho là giang hồ được thuê mướn. Một điều chắc chắn là những người mặc thường phục này xuất hiện một cách bất thường cùng với những dân phòng mặc đồng phục. Và nhiều dấu hỏi đặt ra về mối quan hệ của nhóm người này khi họ ngang nhiên đánh người ở chốn công cộng nhưng các dân phòng lại không can ngăn. Một điều đặc biệt nữa là trong số những người bị đánh hầu hết họ không tham gia tập công tối thứ Bảy vừa qua mà chỉ đến xem. Họ bác bỏ mọi khả năng có tư thù với bất cứ ai và chính họ cũng không biết vì sao những người bình thường lại có thể biết được họ là học viên Pháp Luân Công.
Gây khó khăn trong việc làm
Các học viên Pháp Luân Công bị nhân viên an ninh sắc phục và thường phục giặt băng rôn và bắt giữ khi tham gia chương trình đi bộ vì cộng đồng mang tên Lawrence S. Ting (tháng 1, 2012). RFA photo.
Ngoài gây khó khăn về việc tập công tại công viên, nhiều học viên Pháp Luân Công bị gây khó dễ trong công việc. Anh Nguyễn Đức Tài, giảng viên một trường đại học ở Việt Nam cho biết, sau khi thiền ngồi trước LSQ Trung Quốc hồi năm ngoái, tuy không bị đuổi nhưng anh bị trường gọi lên “nói chuyện”.
Anh nói:
“Nói chung tôi có bị gọi lên nói chuyện chứ không đến nỗi nào. Tất nhiên là họ cũng gây sức ép bên phòng tổ chức hành chính nhưng mà các thầy cô cũng là người hiểu biết nên họ cũng không gây khó khăn gì”.
Tuy nhiên, không phải học viên Pháp Luân Công nào cũng may mắn như anh Tài. Theo nguồn tin RFA nhận được, có ít nhất 5 trường hợp học viên Pháp Luân Công tại Sài Gòn bị sách nhiễu trong công việc, nhất là những ai làm cho các công ty nhà nước.
Anh Phạm Xuân Giao, một kỹ sư, cũng là một trong những trường hợp đó. Anh nói:
“Bản thân tôi cũng bị gây khó khăn khi ở Long An và cũng bị mất việc. Bây giờ tôi cũng đang thất nghiệp. Tôi nghĩ việc này có sự can thiệp của an ninh. Còn có nhiều trường hợp khác cũng bị mất việc”.
Trong số những học viên bị gây áp lực lên công ty, anh Công, một bác sĩ mới ra trường là một trường hợp được chú ý nhất. Năm ngoái, Công viết thỉnh nguyện thư kể rõ tình trạng của hai bị can Vũ Đức Trung và Lê Văn Thành cũng như phát tờ rơi thông tin về pháp môn. Hậu quả của việc này là Công bị công an câu lưu và bị phạt hành chính với tội danh “in ấn, phát tán tài liệu trái phép”. Sau đó, công an đã áp lực trường Đại học Y Dược Tp. HCM, là nơi Công đang học năm cuối, để kỷ luật anh Công theo qui chế quản lý học sinh – sinh viên vì tội “in ấn, phát tán tài liệu trái phép”.
Anh Công cho biết:
“Trường quyết định kỷ luật tôi sáu tháng. Công văn này được ký từ ngày 10/11/2011. Lúc đó tôi đã có bảng điểm nên mặc dù không có bằng nhưng tôi vẫn đi xin việc được. Tôi xin việc ở bệnh viện Đồng Nai nhưng sau đó công an đến gây áp lực giám đốc bệnh viện nên tôi phải nghỉ việc. Sau đó tôi về làm tại bệnh viện Định Quán nhưng bệnh viện này cũng bị công an áp lực nên tôi phải nghỉ việc sau một tháng. Hiện tại tôi không có việc làm”.
Quyết định này của trường ĐH Y Dược được bộ GD-ĐT chuẩn thuận và có giá trị trong vòng 6 tháng. Sau thời gian kỷ luật, nhà trường chỉ có thể gỡ bỏ lệnh nếu được đồng ý của chính quyền địa phương. Hiện tại, Công chưa được nhà trường chứng nhận tốt nghiệp mặc dù đã thi và đậu hết các môn từ tháng 8 năm ngoái. Anh cho biết, bạn bè của anh đã được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời từ tháng 9 năm ngoái.
Đuổi nhà
Cũng theo các học viên Pháp Luân Công, nhiều người gặp rắc rối về vấn đề nhà ở mặc dù họ không vi phạm pháp luật. Trường hợp mới nhất là gia đình bà Nguyễn Thị Thùy Dương. Hôm 9 tháng 2 vừa qua, gia đình bà Dương bị chủ nhà trọ dưới áp lực của công an quận Bình Tân, nơi bà cư trú, quăng đồ đạc và đuổi ra khỏi nhà.
Bà kể lại như sau:
“Trong bốn tháng tôi phải đổi chỗ ở bốn lần. Hôm trước gia chủ dưới áp lực của công an phải đuổi tôi ra khỏi nhà và quăng đồ ra khỏi nhà.”
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại vào ngày 12 tháng 2, bà cho biết gia đình bà đã được đăng ký tạm trú và tìm được chỗ trọ mới. Tuy nhiên, theo bà Dương, trong vòng bốn tháng qua, gia đình bà đã phải bốn lần đổi chỗ ở và không được chấp nhận đăng ký cư trú. Chồng bà Dương, ông Phạm Đức Giao, vốn là một sĩ quan quân đội ND Việt Nam hiện đang bị liệt nên mỗi lần đổi chỗ ở rất vất vả.
Anh Sơn, một học viên Pháp Luân Công hiện đang cư trú tại quận 5 Tp. HCM cho biết anh cũng đang vất vả vì vấn đề chỗ ở. Anh cho biết, sau khi tham gia ngồi thiền phản đối bản án dành cho hai học viên Pháp Luân Công, thì anh bắt đầu gặp rắc rối:
“Công an Phường cho tôi biết là mỗi tháng anh ta phải báo cáo lên cấp trên tình hình Pháp luân Công ở Phường. Anh ta nói là không muốn ai làm phiền cả. Anh nói với chủ nhà là tôi không phạm luật gì hết nhưng không nên dây dưa với tôi. Hiện tại thì mỗi tháng anh này vẫn vào hỏi chủ nhà là tôi đi chưa”.
Chỉ muốn làm người tốt
Anh Vũ Đức Trung (T), và anh Lê Văn Thành (P), hai học viên Pháp Luân Công bị truy tố ra Tòa án nhân dân Hà Nội ngày 10 tháng 11, 2011. AFP photo.
Chia sẻ với đài RFA, nhiều học viên Pháp Luân Công cho biết việc đàn áp Pháp Luân Công tại Việt Nam có thể là do áp lực từ phía Trung Quốc, nơi mà pháp môn này bị đàn áp gắt gao từ năm 1999.
Anh Sơn nói thêm:
“Tôi cũng muốn chia sẻ một điều là hôm tôi bị bắt về Phường thì có một bác công an phường nói chuyện với tôi là cho dù chú ấy và tôi có hợp sức lại thì cũng không thể nào đánh lại Trung Quốc. Vì Trung Quốc gây sức ép nên phải làm như thế nhưng ông biết mọi người tập Pháp Luân Công là rất tốt”.
Hầu hết những người theo pháp môn này có cùng chung một nguyện vọng: đó là được tự do tập luyện để trở thành một người tốt trong xã hội và rất lo lắng khi bị áp bức. Theo họ, ngoài mang đến một sức khỏe tốt, Pháp Luân Công còn giúp rèn luyện một tinh thần trầm tĩnh và nhẫn nại.
Anh Sơn nói:
“Nó hơi bất công khi họ đối xử với tôi như vậy. Tôi chỉ muốn làm một người tốt trong xã hội thôi.
Tôi quan ngại là một ngày nào đó Việt Nam sẽ đàn áp Pháp Luân Công như Trung Quốc. Áp bức thì leo thang mà người theo pháp môn thì không bỏ. Giống như người ta không cho chị làm người tốt thì chị có muốn không? Cho nên tôi quan ngại là sẽ có một cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Việt Nam như tại Trung Quốc”.
Mặc dù bị gây khó khăn, nhất là trong công việc nhưng hầu hết học viên Pháp Luân Công không tỏ ra bức xúc. Trái lại, họ tỏ vẻ thông cảm với công việc của những người làm an ninh.
Anh Công cho biết:
“Nói chung, là học viên Pháp Luân Công thì tôi phải kềm chế mọi cảm xúc và tôi cũng không có thù hận gì cả. Tôi cũng thông cảm với công an vì họ vì công việc. Tôi chỉ muốn là mọi người nhân nhượng với nhau và thương yêu đồng bào mình hơn bởi thế lực thù địch là người Trung Quốc chứ không phải người dân Việt Nam mình”.
Được biết, Pháp Luân Công bắt nguồn từ Trung Quốc từ đầu thập niên 90. Chưa đầy 10 năm, số lượng đồng tu tăng lên đáng kể so với số lượng đảng viên ĐCS Trung Quốc và bắt đầu bị đàn áp gắt gao. Phương châm của Pháp Luân Công là tu “Chân, thiện, nhẫn”, rèn luyện sức khỏe và tâm tính. Pháp Luân Công được du nhập vào Việt Nam từ năm 2000 và bắt đầu phổ biến từ 3 năm nay. Hiện tại, không có văn bản nào cho thấy pháp môn này bị cấm tại Việt Nam hay Trung Quốc.
VIDEO
Theo dòng thời sự:
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment