Tuổi Trẻ Cuối Tuần
Thứ Bảy, 04/06/2011, 10:33 (GMT+7)
TTCT - Vụ tàu Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, quấy phá bạo lực tàu của Việt Nam cho thấy rằng các nước ASEAN tuy có một số hục hặc riêng với nhau, song vẫn ý thức được đâu mới là “vấn đề chung” của mình.
Nội vụ nổ ra hôm thứ năm 26-5, ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng (BTQP) Trung Quốc Lương Quang Liệt kết thúc chuyến đi vận động hai nước ASEAN cùng “có chân” trên biển Đông là Philippines và Indonesia.
Thông cáo chung ở Jakarta
Tại Indonesia, nơi ông Lương vừa dự xong hội nghị các BTQP ASEAN mở rộng, tờ Jakarta Post đã tống tiễn ông này bằng một bài báo “bọc nhung” với những chi tiết sau: Các vấn đề xoay quanh biển Đông có thể đưa bốn nước ASEAN - Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam - vào trong một cuộc đối kháng với gã khổng lồ của châu Á là Trung Quốc... Song BTQP Indonesia Purnomo Yusgiantoro và BTQP Trung Quốc đã cười với nhau sau cuộc gặp tay đôi kéo dài hai giờ.
Ông Lương từ chối trả lời phỏng vấn, ông Purnomo thì bảo rằng cuộc gặp đã là “tốt”, rằng đã không có vấn đề gì khi thảo luận về biển Đông và không có phản ứng tiêu cực gì từ phía Trung Quốc đối với một thông cáo chung của các BTQP ASEAN trong ngày hôm đó về biển Đông. Trong thông cáo chung đó, các BTQP ASEAN tuyên bố họ muốn biển Đông được ổn định và yên bình...
Ông Purnomo cho biết: “Nếu ông Lương nổi giận với bản thông cáo chung đó, ông ta đã có thể bỏ phòng họp trong giận dữ. Song thực tế là ông ta đã không giận dữ, còn mỉm cười, thậm chí cười thầm. Có lẽ ông ta đã chẳng hề đọc thông cáo chung. Song, căn cứ trên những gì tôi hay biết, đã chẳng có vấn đề gì”.
Ông Purnomo cũng trả lời như thế khi được hỏi liệu BTQP Trung Quốc phản ứng ra sao với tuyên bố trước đó của BTQP Indonesia, rằng đương kim chủ tịch ASEAN là Indonesia muốn những tranh chấp biển Đông được giải quyết một cách đa phương: “Phía Trung Quốc chẳng có vấn đề gì với tuyên bố này của tôi” (1).
Tác giả bài báo, Mustaqim Adamrah, đã tóm tắt thái độ của BTQP Trung Quốc thật chính xác: “Trung Quốc đấu dịu (về) tính nghiêm trọng của các vấn đề biển Đông”.
Tường thuật của nhà báo này cho thấy thế thái nhân tình Indonesia như sau:
1/ Indonesia, trong tư cách chủ tịch ASEAN năm nay gắn chặt với các láng giềng của mình, tuy trong thực tế có thể có những va chạm về đánh cá với nhau, cho dù có bị rủ rê xé lẻ “tuần tra chung chống hải tặc”;
2/ Phía Indonesia, cả quan chức lẫn báo chí cùng dư luận, cùng phân cực rõ rệt nội vụ biển Đông thành hai cực: một bên là bốn nước ASEAN liên quan, bên kia là Trung Quốc;
3/ Hội nghị các BTQP ASEAN đã diễn ra và kết thúc trong thống nhất lập trường về vấn đề biển Đông, làm sao cho biển Đông ổn định và yên bình, và qua đàm phán đa phương chớ không song phương như ý muốn của Trung Quốc.
ASEAN một lòng
Các nước ASEAN tuy không cùng ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa, song cũng cùng một ý thức bảo vệ chủ quyền. Ngoài mặt có thể “ngoại giao”, song trong ruột vẫn cảnh giác, như phát biểu chung giữa BTQP Philippines và Trung Quốc kêu gọi “tự kiềm chế trên biển Đông” (2). Từ ngữ “gã khổng lồ châu Á là Trung Quốc” mà Mustaqim Adamrah sử dụng không mang ý nghĩa khiếp hãi, mà hàm ngụ ý gắn kết bốn nước ASEAN liên quan đến vấn đề biển Đông.
Tiễn BTQP xong, tờ The Bohol Standard số ra ngày 29-5 đã đăng một bài xã luận tựa đề “Xâm lược hiển nhiên” (Obvious Invasion). Sau cuộc gặp giữa tổng thống Philippines và BTQP Trung Quốc cũng đã có một thông cáo chung, hứa hẹn cùng “giải quyết hòa bình, bằng đối thoại chứ không đối đầu”. Hứa hẹn này cũng được lặp lại sau đó mới hôm thứ sáu 27-5 sau cuộc tiếp xúc giữa Phó chủ tịch Quốc hội Philippines Jejomar Binay với Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Tưởng Thụ Thanh (3).
Ông Tưởng đã nhẹ nhàng chiêu dụ: “Chúng ta cần giữ một bầu không khí hữu nghị và nắm chặt được tình hình”. Có thể Philippines đang hục hặc chuyện ngư dân đánh cá với Việt Nam, song vấn đề chính vẫn là “cuộc xâm lược hiển nhiên kia”.
Mười một ngày trước khi tiếp BTQP Trung Quốc, Tổng thống Aquino từng lên tiếng kêu gọi các nước Brunei, Việt Nam và Malaysia cùng chung một lập trường về biển Đông trong khuôn khổ ASEAN: “Chúng ta là những nước nhỏ trong ASEAN, song nếu chúng ta có chung một lập trường thống nhất, chúng ta sẽ có một tầm ảnh hưởng lớn hơn để ăn nói với Trung Quốc và Đài Loan, cho dù có sự khác biệt về kích thước” (4).
Thậm chí ngay trước khi tiếp BTQP Trung Quốc đang ở thăm Philippines, Tổng thống Aquino còn tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn nhân lễ tốt nghiệp đại học y khoa nước này: “Bộ quy tắc ứng xử giữa các nước cùng tranh chấp các đảo cần được làm mới lại sao cho các yếu tố pháp quy được xác định rõ rệt. Phía Philippines sẽ đưa ra vấn đề này với Chính phủ Trung Quốc” (5).
Thế thái, nhân tình sau sự cố 26-5
Chính trong tâm trạng “nuốt giận cười mỉm” đó, như theo mô tả của tờ Jakarta Post, mà ngay sau khi BTQP Trung Quốc rời Philippines hôm 25-5, sáng hôm sau các tàu “hải giám” Trung Quốc đã xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, giở trò quấy phá, thăm dò phản ứng “chủ nhà” lẫn các nước ASEAN.
Hậu quả của vụ 26-5 là các nước tự động ra sức đề phòng. Ngay tức khắc, các tướng lĩnh và quan chức quốc phòng cao cấp nhất Philippines hôm thứ hai 30-5 đã họp tại thành phố cảng Puerto Princesa để “bàn về việc nâng cấp quân sự nhằm đối phó với các vụ xâm nhập của Trung Quốc” (6). Không chỉ lo ngại phần mình, dư luận nước này còn lo âu cho các láng giềng. “Trung Quốc sẽ vẫn luôn tìm cách bắt nạt Philippines cùng các nước khác trong khu vực Đông Nam Á nhằm kiểm soát tài nguyên dầu hỏa khổng lồ ở đây” - nghị sĩ Miriam Defensor-Santiago phát biểu (7).
Dư luận Thái Lan cũng lo ngại không kém. Ngày 30-5, tờ The Nation bình luận: “Bắc Kinh xem các lập trường của ASEAN là có vấn đề và phương hại đến các yêu sách chủ quyền của mình... Quan hệ giữa nhóm này với cường quốc khu vực sẽ bị thử thách nghiêm trọng. Không có một quy tắc ứng xử mang tính trói buộc, thật khó mà dự kiến hòa bình lâu dài và ổn định trong vùng biển của khu vực” (8).
Đây không phải lần đầu tiên tờ báo này của Thái Lan bày tỏ “tâm trạng”. Một tháng trước sự cố ngày 26-5, The Nation đã đăng một bài góp ý: “Xử sự tế nhị và kiên định chính sách có thể giúp Trung Quốc lấy lại được niềm tin của các láng giềng... Tốt hơn hết, Trung Quốc có thể giảm bớt đi những thách thức... (bằng cách) xử lý các tranh chấp biển trước hết qua luật pháp quốc tế...” (9).
Tác giả của những khuyên can đó là một người Trung Quốc, GS Shen Dingli, hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu về nước Mỹ thuộc Đại học Phục Đán, Thượng Hải.
DANH ĐỨC
__________
(1) “China plays down severity of South China Sea issues”, The Jakarta Post, Jakarta, Fri, 05/20/2011.
(2) “Restraint urged in rows over South China Sea’, Reuters in Manila and Bloomberg in Beijing May 24, 2011.
(3) Philippine Daily Inquirer 29/5/2011.
(4) “Aquino pushes for united stand on South China Sea”, by Joyce Pangco Pañares, Manila Standard Today, 10/5/2011.
(5) “P. Noy wants review of Spratly Code of Conduct”, The Philippine Star, May 23, 2011.
(6) Top brass mull upgrades in contested territories, by Redempto Anda, Inquirer Southern Luzon, 31/5/2011.
(7) “Expect bullying from China over Spratlys - Miriam”, The Philippine Star, May 30, 2011.
(8) “South China Sea disputes a threat to Asean-China relations”, The Nation, May 30, 2011.
(9) Delicate handling and consistent policies can help China regain the trust of neighbours, by Shen Dingli Shanghai, Published on April 25, 2011 The Nation.
(2) “Restraint urged in rows over South China Sea’, Reuters in Manila and Bloomberg in Beijing May 24, 2011.
(3) Philippine Daily Inquirer 29/5/2011.
(4) “Aquino pushes for united stand on South China Sea”, by Joyce Pangco Pañares, Manila Standard Today, 10/5/2011.
(5) “P. Noy wants review of Spratly Code of Conduct”, The Philippine Star, May 23, 2011.
(6) Top brass mull upgrades in contested territories, by Redempto Anda, Inquirer Southern Luzon, 31/5/2011.
(7) “Expect bullying from China over Spratlys - Miriam”, The Philippine Star, May 30, 2011.
(8) “South China Sea disputes a threat to Asean-China relations”, The Nation, May 30, 2011.
(9) Delicate handling and consistent policies can help China regain the trust of neighbours, by Shen Dingli Shanghai, Published on April 25, 2011 The Nation.
.
.
.
No comments:
Post a Comment