Thursday, June 9, 2011

VỀ ĐÂU ANH HỠI MƯA RƠI CHIỀU NAY . . . (Người Buôn Gió)




Người Buôn Gió
Jun 9, '11 9:14 AM

Đaklak đã xa xôi rồi, mà Phước An hay còn gọi là Krongbuk hay Krongboc beo gì đó nghe còn xa xăm hơn. Nơi ấy có cái thị trấn nhỏ dọc theo con lộ, hai bên đường là nhà mái bằng, nhưng chỉ đằng sau dãy ấy là nhà gỗ nguyên sơ từ thuở nào.

Lúc Hà Nội hay Sài Gòn ngột ngạt nóng, nơi này ban ngày sương mù, mây còn bay lảng bảng trên những mái nhà, thậm chí ngang cả đường đi. Bởi thế tối đến trời se lạnh.

Mình đã có lần bị ốm vì chủ quan, cứ nghĩ dân Bắc Hà quen với giá lạnh. Nhưng cái lạnh đột ngột như thế thì cảm là chuyện tất nhiên.

Cái thị trấn tối đến có vài quán cà fe, ở đó khách khứa biết nhau cả, họ chào nhau hỏi nhau rồi ngồi vào bàn theo từng nhóm. Cảm giác như trong phim cao bồi miền Tây, người lạ bước vào quán khối con mắt dò xét nhìn theo. Đó là nơi luật sư trẻ Huỳnh Văn Đông sinh ra và lớn lên. Văn phòng luật sư Thiên Tuế của anh cũng nằm tại đó.

Hôm mới đây an ninh Sài Gòn hỏi mình quan hệ với Huỳnh Văn Đông thế nào.

Trả lời, anh em chí thiết luôn.

Chí thiết quá đi chứ, bởi thế mình đã từng lặn lội dặm trường vào nơi heo hút như chỗ Huỳnh Văn Đông đang ở để thăm nhau. Vì sao chí thiết ư,nếu các ông không tin chúng tôi có tình bạn thì thôi cứ coi như vì tiền, cứ cho là thế đi. Đông nhận vụ nào, gọi tôi đi làm chân giúp việc vặt, như chụp ảnh hồ sơ, photo giấy tờ, xách cặp, làm xe ôm đưa đón. Và tất nhiên Đông bào chữa có thù lao thì cũng phải trích bớt cho người giúp việc.

Nhưng mà sao lại toàn bào chữa cho những vụ '' nhạy cảm''

Xin thưa đơn giản, ở trên rẫy Krong gì đó rừng cao su bạt ngàn, đất rộng người thưa, lấy đâu ra nhiều chuyện dây dưa với pháp luật mà bào chữa. Thế thì tiện gặp vụ nào thì bào chữa thôi, là luật sư thì bào chữa cho thân chủ lấy tiền, đâu phải tránh né vụ này nhạy cảm vụ kia không. Ăn mày sao mà đòi xôi gấc.

Bởi thế Huỳnh văn Đông bào chữa cho những vụ án mà hiếm lắm mới có luật sư nhận lời như vụ án các giáo dân Thái Hà, các giáo dân Cồn Dầu, vụ Phạm Văn Trội, Trần Đức Thạch ..

Nhưng thế nào đi nữa, thì những luật sư bào chữa cho những vụ án dạng này đều có cái kết thúc hơi bi đát. Như Lê Trần Luật sau vụ án sơ thẩm Thái Hà, Cù Huy Hà Vũ và văn phòng của ông khi nhận bào chữa cho các giáo dân Cồn Dầu... có lẽ Huỳnh Văn Đông không sớm thì muộn sẽ được ưu ái nhẹ nhất là rút thẻ hành nghề, loại ra khỏi đoàn luật sư vì những lý do lãng nhách nào đó. Nhất là khi vụ án của anh Điếu Cày, anh Ba Sài Gòn sắp được đưa ra tòa trong những ngày tới đây, điểm mặt làng luật sư đủ cái tâm nghề nghiệp mà đứng ra bào chữa cho hai anh quả là hiếm hoi.

Phải chăng có lệ là :

1- Những người phạm tội ''nhạy cảm'' thì đừng trông mong có luật sư bào chữa cho mình
2- Những người làm luật sư muốn yên lành thì đừng bào chữa cho những vụ '' nhạy cảm''

Từ đó rút ra rằng, ở nước ta người ta dùng Lệ để đè lên Luật.

Và một khi chỉ thị, lệ còn cao hơn luật. Thì những luật sư có tâm huyết với nghề khó biết đi đâu trên con đường sự nghiệp của mình. Chả lẽ học Luật xong rồi lại cúi đầu đi giữa một rừng Lệ mà sống.

Lệ là cái thói của xã hội phong kiến, là những thứ không phải là luật những còn cao hơn luật, một xã hội mà các mối quan hệ trong xã hội đó được giải quyết trên những thói Lệ của kẻ mạnh như vậy thì trong lớp dân đen, nước mắt còn phải chảy nhiều.
.
.
.

No comments: