Lê Diễn Đức
Sat, 06/04/2011 - 05:46
Phỏng vấn cựu lãnh đạo sinh viên Wang Youcai - Lê Diễn Đức dịch và giới thiệu
Áp-phích bầu cử năm 1989 có chữ ký của Lech Walesa với dòng chữ: "Hãy bỏ phiếu cho Công đoàn Đoàn kết"
22 năm trước đây, vào ngày 04 tháng 6 năm 1989, nhân dân Ba Lan thực hiện cuộc bầu cử quốc hội tự do đầu tiên trong các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa, mở đầu tiến trình dân chủ hoá đất nước, phát tia lửa làm chập mạch toàn bộ hệ thống cộng sản châu Âu sau đó không lâu.
Thành quả của cuộc đấu tranh liên tục của nhân dân Ba Lan đã làm các nước cộng sản còn lại, đặc biệt là Trung Quốc, hốt hoảng và run sợ về một kịch bản Ba Lan tái lặp.
Chính vì thế, cũng đúng 22 năm, vào cùng ngày 4 tháng 6 năm 1989, nhà cầm quyền Trung Quốc đã công bố tình trạng khẩn cấp và điều xe tăng tới quảng trường Thiên An Môn nghiền nát thanh niên, sinh viên biểu tình đòi dân chủ.
Vụ thảm sát đẫm máu dã man này, ở Trung Quốc, trong ngôn ngữ chính thức được gọi là “sự kiện Thiên An Môn”, đến hôm nay vẫn là điều cấm kỵ. Ngay cả việc truy cập tư liệu về sự kiện này trên mạng cũng bị ngăn chặn. Những người sinh viên, với sự hỗ trợ của dân chúng thủ đô đã chiếm đóng quảng trường công cộng lớn nhất thế giới suốt từ ngày 15 tháng 4, đòi kiềm chế tham nhũng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và thực thi các quyền tự do dân chủ.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn cựu lãnh tụ sinh viên lúc bấy giờ, ông Wang Youcai, của bà Maria Kruczkowska, ký giả của một trong những nhật báo lớn nhất Ba Lan “Gazeta Wyborcza”.
Bà Maria Kruczkowska đã nhiều năm làm việc thường trú tại Trung Quốc và chuyên viết về đề tài Trung Quốc.
Ông Wang Youcai, sinh năm 1966, là một trong những nhà lãnh đạo của phong trào sinh viên tại Thiên An Môn năm 1989. Ông đã bị kết án bốn năm tù giam vào năm 1991 về tội "âm mưu lật đổ chính quyền". Năm 1998, ông là đồng sáng lập Đảng Dân chủ Trung Quốc và cùng với Xu Wenli cố gắng đăng ký hoạt động tại Trung Quốc nhưng không thành công và lại bị kết án 11 năm tù. Sau một chiến dịch tranh đấu quốc tế và nỗ lực của Quốc hội Hoa Kỳ, ông được trả tự do trước mãn hạn tù và bị trục xuất ra khỏi Trung Quốc.
Cựu lãnh đạo sinh viên Thiên An Môn Wang Youcai - Ảnh: GW
Maria Kruczkowska: Khi cuộc thảm sát bắt đầu, ông đã không có mặt ở Thiên An Môn.
Wang Youcai: Tôi đã ở khách sạn Bắc Kinh, ngay bên cạnh. Chính nơi đây khi đó là đại bản doanh của các phương tiện truyền thông thế giới. Từ cửa sổ của khách sạn người ta đã chụp được bức ảnh nổi tiếng của người đã đứng ra chặn xe tăng tại quảng trường Thiên An Môn. Tôi đã có cuộc gặp mặt với một người từ Đài Loan mang tiền bạc quyên góp được cho chúng tôi. Đột nhiên tôi nghe tiếng nổ.
"Có cần phải giúp anh hoặc người khác chạy trốn không?" – Người Đài Loan hỏi. Tôi đã không có thời gian để nói chuyện với anh ta. Tôi lao về phía quảng trường: rất nhiều binh lính, xe hơi bị đốt cháy, tôi nghe tiếng súng nổ. "Không phải là đạn cao su" - Một người nào đó bên cạnh tôi nói. Tôi nhìn thấy người bị thương được chở đi trên những chiếc xích lô. Đèn trên quảng trường vụt sáng, rồi tắt.
Tôi đi tìm những người lãnh đạo sinh viên khác. Tôi đến được khu của Uỷ ban điều hợp, cố gắng cứu các thiết bị, tài liệu và tổ chức vận chuyển người bị thương. Tất cả mọi thứ xảy ra quá nhanh, các sự cố đan chen nhau. Tôi biết ngày hôm sau tại công viên Behai sẽ xuất hiện một phong trào bí mật, nhưng tôi đã không đến đó vì quá nguy hiểm. Tên và hình ảnh của tôi nằm ở hàng đầu danh sách các nhà lãnh đạo bị truy tìm nhất trong cuộc nổi dậy trên Thiên An Môn.
Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6/1989 - Ảnh: AP
Maria Kruczkowska: Có bao nhiêu người đã chết trên quảng trường?
Wang Youcai: Theo tôi, khoảng hai nghìn - là con số từ những dữ liệu mà sinh viên thu thập được tại các bệnh viện. Binh lính cũng chết. Cơ quan báo chí của chính phủ Tân Hoa Xã cho biết là 12, tôi nghĩ có lẽ một nửa số đó.
Maria Kruczkowska: Các anh đã chiến đấu đòi cải thiện điều kiện trong ký túc xá, và dân chủ. Sau nhiều năm có cảm tưởng như mục đích bị lẫn lộn.
Wang Youcai: Không, mục đích rất rõ ràng. Đó đấu tranh vì dân chủ và chống tham nhũng. Đúng là khái niệm của chúng tôi khi ấy về dân chủ khá mơ hồ - nhưng làm sao chúng tôi có thể biết rõ? Chúng tôi chỉ biết một điều - Cách mạng Văn hóa [trong những năm 1966-1976] là thảm hoạ, và Trung Quốc cần một đường hướng mới. Chúng tôi đã không còn tin tưởng ở đảng, đã chịu đựng hết nổi chủ nghĩa cộng sản, thay vào đó chúng tôi bị cuốn hút bởi phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Chúng tôi cũng biết rằng nội bộ đảng bị chia rẽ.
Maria Kruczkowska: Sinh viên bị cáo buộc rằng họ đưa ra những khẩu hiệu mà mọi người không hiểu, họ bị xa rời quần chúng.
Wang Youcai: Chúng tôi bị thiếu thời gian. Từ tháng 4 năm 1989 chúng tôi đã gửi sinh viên đến các nhà máy và nông thôn. Họ phải trình bày lý lẽ của chúng tôi cho dân chúng hiểu. Tại Trung Quốc, liên hệ giữa những người có học thức và người bình thường không khó khăn, bởi vì quan hệ gia đình rất mạnh và tất cả đều có cội nguồn từ một nơi nào đó. Nhưng phong trào của chúng tôi chỉ mới khởi động được sáu tuần lễ.
Maria Kruczkowska: Hình như các nhà lãnh đạo của sinh viên trên Thiên An Môn muốn Uỷ ban điều hợp mang tên “Đoàn Kết”?
Wang Youcai: Vâng, chúng tôi muốn gắn với “Công đoàn Đoàn Kết” của Ba Lan. Nhưng như thế có vẻ khiêu khích, bởi vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã theo dõi cẩn trọng tình hình ở Ba Lan và họ lo sợ kịch bản Ba Lan tái lặp. Trong ngôn ngữ của mình, họ gọi là "sự lây nhiễm Ba Lan" - liên minh của trí thức và công nhân với sự hỗ trợ của Giáo Hội.
Maria Kruczkowska: Vì Thiên An Môn ông phải ngồi tù hai năm. Trong năm 1998, cố gắng đăng ký hoạt động cho Đảng Dân chủ Trung Quốc, ông đã bị kết án 11 năm nhưng thụ án 5 năm. Điều gì khó khăn nhất với ông?
Wang Youcai: Con người. Lần thứ hai chấp hành hình phạt tôi đã ngồi tù trong buồng giam lớn với 60 tội phạm hình sự. Lần đầu tiên thì tôi bị biệt giam 18 tháng. Họ cho tôi đọc sách. Gia đình gửi những quyển sách hướng dẫn các trò chơi và tôi chơi với các nhóm. Tôi đi quanh buồng giam lớn, bởi vì nhà tù đã được xây dựng theo cấu trúc Liên Xô, không chật chội như của Trung Quốc. Tôi không bị tra tấn hay bị đánh đập, mặc dù chuyện này xảy ra hàng ngày. Người ta đã để yên những tù nhân chính trị Thiên An Môn vì nước ngoài quan tâm tới họ.
Maria Kruczkowska: Ông sẽ trở lại Thiên An Môn?
Wang Youcai: Vâng. Tôi tin rằng mọi người cần tự do, đó là quy luật tự nhiên. Tôi là một người của khoa học tự nhiên. Với dân chủ cũng giống như định luật của Newton. Chả lẽ nó được hình thành ở phương Tây, thì không thể áp dụng ở Trung Quốc?
Maria Kruczkowska: Sau khi bị trục xuất vào năm 2004 ông làm việc cho trường Đại học tiểu bang Illinois như là một nhà vật lý học. Liên hệ của ông với giới trẻ Trung Quốc như thế nào?
Wang Youcai: Ở trường này có 1.300 sinh viên đến từ Trung Quốc. Họ biết rất ít về lịch sử của mình, một số thậm chí coi tôi là kẻ phản bội. Khi tìm được thời gian, tôi thảo luận với họ và kéo họ về phía mình. Nhưng trước những người dân tộc chủ nghĩa cực đoan thì tôi chạy về phòng làm việc.
Maria Kruczkowska: Ông nghĩ khi nào thì có sự thay đổi ở Trung Quốc?
Wang Youcai: Sau 15, hay có thể 20 năm nữa. Rất dễ dàng tính toán. Trung Quốc hiện đang bị cai trị bởi những người từ tuổi từ 60 đến 70 tuổi, độ tuổi của hưu trí chính trị. Đây là thế hệ thứ tư được đào tạo trong kinh điển của chủ nghĩa Mác, không biết gì về thế giới. Tiếp theo sẽ đến thế hệ thứ năm - những người thời trẻ sống sót qua Cách mạng Văn hóa, không được học hành, vì các trường phổ thông và đại học bị đóng cửa. Họ thiếu trình độ học vấn. Vì vậy, hy vọng ở thế hệ thứ sáu, hiện nay ở độ tuổi 40, lớn lên trong một môi trường toàn cầu, biết tiếng Anh, cảm thấy tự tin.
Maria Kruczkowska: Đảng Dân chủ Trung Quốc có thể làm gì cho Tây Tạng?
Wang Youcai: Đó là đòi quyền tự trị, nhưng chống lại việc đòi độc lập. Tây Tạng thuộc về Trung Quốc. Chính Đức Dalai Lama cũng nói như thế. Hãy hiểu cho tôi - chấp nhận sự ly khai của Tây Tạng, cũng giống như tôi không còn là người Trung Quốc.■
Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức
-------------------------------------------------------------------------
* Cuộc phỏng vấn được dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan tại link: http://wyborcza.pl/1,76842,5273695.html
.
.
.
No comments:
Post a Comment