Sunday, June 5, 2011

TRUNG TÂM VĂN HÓA NGHỆ THUẬT DÂN TỘC VIỆT (Hà Vũ, VOA)


Hà Vũ - VOA
Thứ Hai, 30 tháng 5 2011

Vào chiều ngày Chủ Nhật 22 tháng 5 vừa qua, Trung tâm Văn Hóa Nghệ thuật Dân tộc Việt đã tổ chức một buổi trình diễn nhạc dân tộc Việt Nam với đề tài “Phong Châu mở hội” tại Trung tâm Văn hóa Cộng đồng Richard Ernst thuộc trường đại học Cộng đồng NOVA, Annandale, Virginia.
Trong chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng tuần này, Hà Vũ xin giới thiệu cùng quý vị Trung tâm Văm Hóa Nghệ thuật Dân tộc Việt qua phần trao đổi với đôi nghệ sĩ Nga Mi và Trần Lãng Minh, sáng lập viên của Trung tâm.

Đối với khán giả Washington D.C và vùng phụ cận, Nga Mi và Trần Lãng Minh không phải là người xa lạ. Đôi vợ chồng nghệ sĩ này đã từng sống tại vùng này trong những năm đầu tiên sau 1975 khi những người Việt tị nạn lần lượt đặt chân trên nước Mỹ.

Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh phát biểu trong buổi trình diễn “Phong Châu mở hội” chiều Chủ Nhật 22 tháng 5 vừa qua về Nga Mi và Trần Lãng Minh:

“Cám ơn Trần Lãng Minh hơn 30 năm về trước đã từng giúp đỡ Nguyệt Ánh, lúc đó mới chân ướt chân ráo bước chân vào trường đại học Maryland thôi. Mỗi năm vào ngày Quốc hận 30 tháng 4, Nguyệt Ánh đều tổ chức phần văn nghệ và đêm không ngủ tưởng nhớ quê hương. Lúc đó tuy không phải là đoàn viên chính thức của Tổng đoàn Thanh niên Sinh viên Việt Nam tự do nhưng bất cứ khi nào tụi này nhờ đến, anh đều có mặt và giúp đỡ rất là tích cực. Nhờ sự đóng góp của anh Trần Lãng Minh mà phần văn nghệ của Tổng đoàn Sinh viên thêm phần giá trị.”

Chương trình “Phong Châu mở hội” được tổ chức lần này là lần đầu tiên tại Washington và vùng phụ cận, hai lần trước đều được tổ chức tại nam California.

Anh Trần Lãng Minh cho biết chương trình “Phong Châu mở hội” là nỗ lực của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Dân tộc Việt do Nga Mi và Trần Lãng Minh thành lập vào năm 2008 tại California với sự cộng tác của một số anh chị em nghệ sĩ nam bắc California có cùng đường hướng và quan niệm nghệ thuật. Anh hy vọng sẽ mở rộng trung tâm ra các phần đất khác có nhiều người Việt sinh sống trên nước Mỹ
:

“Và từ đó nếu được thuận tiện sẽ có một số trung tâm chi nhánh ở một số những cộng đồng lớn của người Việt trên nước Mỹ chẳng hạn ở vùng Hoa Thịnh Đốn, ở Houston hay ở trên vùng Đông Bắc như Boston chẳng hạn.”

Để có thể dàn dựng một chương trình “Phong Châu mở hội” đầy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt từ những điệu quan họ Bắc Ninh, ca trù, hát xẩm cho đến ca Huế, vọng cổ… anh Trần Lãng Minh cho biết đã nhiều lần về Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu các làn điệu dân ca Việt Nam cũng như tiếp xúc với những nghệ sĩ tài giỏi và những học giả như giáo sư Trần Văn Khê để học hỏi và tham khảo ý kiến
:

 “Tôi có được may mắn trước năm 1975, gia đình chúng tôi ở vùng Gia Định là hàng xóm của ông Trần Văn Trạch, em ruột của giáo sư Trần Văn Khê. Tôi cũng là người anh em thân tình trong những sinh hoạt văn nghệ với con trai lớn của giáo sư Trần Văn Khê là nhạc sĩ Trần Quang Hải cho nên chúng tôi có dịp trao đổi bằng điện thoại, e-mail với giáo sư. Rồi có những dịp chúng tôi về Việt Nam đi khắp nơi từ nam ra bắc, đến nhiều địa danh lịch sử của Việt Nam để thu thập thêm những tài liệu và những nhân chứng sống, những hình ảnh sống thực. Chúng tôi có đến thăm giáo sư Trần Văn Khê rất nhiều lần và chúng tôi được phép giáo sư cho thâu hình để có những hình ảnh tài liệu về những lần tiếp xúc với giáo sư Trần Văn Khê về tất cả những bộ môn có tính cách biểu tượng, truyền thống trong kho tàng thi ca âm nhạc Việt Nam.”

Chị Nga Mi cho biết thêm:

“Kho tàng văn nghệ của Việt Nam rất phong phú. Chúng tôi nghe nhiều và chọn lựa những cái hay, những cái thích hợp rồi cũng học hỏi và hỏi ý kiến của những quý vị lâu năm trong nghề để có thể chọn lựa những tiết mục, những bộ môn nghệ thuật thích hợp với chúng tôi để trình diễn.”

Cũng như chương trình “Phong Châu mở hội 2” tổ chức tại Los Angeles, nam California, chương trình “Phong Châu mở hội” kỳ này tại Washington D.C và vùng phụ cận có thêm tiết mục đặt biệt là Quang Trung Đại Đế ca. Anh Trần Lãng Minh giải thích lý do đưa tiết mục này vào chương trình:

“Trận đại phá quân Thanh của Vua Quang Trung là một đặc điểm chúng tôi cũng muốn đưa lên không những để giới thiệu với người đồng hương Việt Nam ôn lại lịch sử mà chúng tôi còn muốn giới thiệu cho những người Mỹ, những người bản xứ ở những địa phương chúng ta sinh sống thấy được, hiểu được và cảm được những cái hay, những cái giá trị của trận đánh lịch sử đó.”

Anh Trần Lãng Minh cho biết thêm dân ca, nhạc khí của các dân tộc thiểu số miền trung du, miền thượng du Bắc Việt và của các dân tộc vùng Tây Nguyên cũng là điều Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Dân tộc Việt rất quan tâm tìm tòi và nghiên cứu. Trong hai lần tổ chức “Phong Châu mở hội” tại California trước đây anh đều mời nghệ sĩ Vũ Hồng Thịnh trình tấu đàn đá của người dân tộc Tây Nguyên.

“Chúng tôi rất thích những điểm độc đáo, đặc biệt riêng của những người sắc tộc nằm trên giải đất suốt từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam, có những nhạc khí nhạc cụ cũng như những làn điệu dân ca mà các dân tộc khác không có. Ngoài đàn Krông-put vỗ tay để phát ra nhạc còn có thủy đàn dùng giọt nước hay dòng nước chảy xuống ống tre, ống nứa để phát âm thanh và đàn môi, đàn đá có từ cách đây hơn ba ngàn năm.”

Đề cập đến hoạt động của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật dân tộc Việt trong tương lai, chị Nga Mi cho biết:

“Chúng tôi bao giờ cũng hy vọng có thể tổ chức được nữa và mong rằng sẽ có nhiều khán giả tham gia ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho những chương trình nghệ thuật mang đậm màu sắc dân tộc Việt Nam mà chúng tôi đang thực hiện.”

Chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng Việt Nam vùng Washington xin được kết thúc ở đây. Chúng tôi ước mong được đón nhận những tin tức về sinh hoạt cộng đồng từ những hội đoàn, những tổ chức kinh tế, xã hội, văn hóa và từ thiện cũng như của các cá nhân thuộc Washington D.C và vùng phụ cận. Xin gởi e-mail đến địa chỉ vietnamese@voanews.com với tiêu đề gởi sinh hoạt cộng đồng vùng Washington. Hà Vũ sẽ liên hệ với quý vị.

.
.
.

No comments: