Saturday, June 18, 2011

TRUNG QUỐC HỐI HẢ "THÔN TÍNH" KHẮP CHÂU ÂU (theo The Wall Street Jornal)



Tác giả: Đình Ngân (Theo WSJ)
Bài đã được xuất bản.: 14/06/2011 06:00 GMT+7
Với sự hỗ trợ tích cực của chính phủ Trung Quốc, cộng với cơ chế mở đón chào các nhà đầu tư ngoại của châu Âu, các doanh nghiệp đến từ nền kinh tế mới nổi này đang hối hả đi khắp lục địa châu Âu để đầu tư. Nhưng các cuộc “hôn nhân” này nhiều khi cũng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Ồ ạt mua lại châu Âu
Chủ tịch của công ty thực phẩm lớn nhất Trung Quốc tỏ ra khá mạnh bạo khi nói chuyện với hai nhà tư vấn trong bữa trưa tại khách sạn Sheraton ở trung tâm thành phố Brussels hôm Chủ Nhật (5/6) vừa qua. Ông Wang Zong Nan nêu rõ: “Chúng tôi cần mua một công ty thực phẩm lớn trong tốp 3 của châu Âu”.
Ông Wang, chủ tịch tập đoàn Bright Food, là một trong nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang tìm kiếm mua lại các công ty châu Âu. Tham vọng của họ, được khuyến khích bởi chính quyền Bắc Kinh, có khả năng sẽ làm thay đổi hoàn toàn dòng lưu chuyển thương mại và đầu tư toàn cầu trong những năm tới và đang gây không ít những bối rối cho Liên minh châu Âu.

Theo Ngân hàng Thế giới, đến cuối năm 2009, quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới này đã tích lũy được tổng cộng 2,7 nghìn tỷ USD tiết kiệm tiêu dùng, và có thể tăng lên gấp 6 lần vào năm 2020. Nhiều chuyên gia đã dự đoán về sự thôn tính ồ ạt tài sản nước ngoài của các công ty Trung Quốc trong thập niên tới đây. Kế hoạch 5 năm mà Bắc Kinh vừa thông qua hồi tháng Ba kêu gọi xây dựng “những mạng lưới bán hàng và thương hiệu toàn cầu”.

Theo Dealogic, công ty tư vấn có trụ sở tại Luân Đôn, đầu tư của các công ty Trung Quốc vào doanh nghiệp châu Âu, dù giai đoạn 2003-2005 mới chỉ đạt 853 triệu USD, nhưng đến giai đoạn 2008-2010 đã tăng vọt lên 43,9 tỷ USD. Kết quả của quá trình bùng nổ này là các công ty Trung Quốc giành quyền kiểm soát tới 118 doanh nghiệp châu Âu.
Trong thương vụ mới đây nhất diễn ra hồi tuần trước, nhà sản xuất máy tính cá nhân của Trung Quốc Lenovo Group đã đồng ý mua lại 37% Medion AG, công ty máy tính và điện tử dân dụng của Đức, và đang dự tính tiếp tục bổ sung thêm đủ số cổ phần cần thiết để giành quyền kiểm soát.

Trong khi một số thương vụ nhận được nhiều quan tâm của báo giới, như vụ Zhejiang Geely Holding Group mua lại bộ phận sản xuất xe Volvo của Ford Motor, thì các công ty Trung Quốc cũng đang âm thầm giành kiểm kiểm soát hơn 100 doanh nghiệp nhỏ hơn của châu Âu, từ công ty thuốc lá của Czech cho tới hãng dược phẩm Hà Lan hay công ty chế biến gỗ của Anh. Tần suất của các vụ thôn tính này đang tăng nhanh.
Thilo Hanemann, giám đốc nghiên cứu của tập đoàn tư vấn New York Rhodium Group, dự đoán, từ nay đến năm 2020, các công ty Trung Quốc sẽ đầu tư trên 1.000 tỷ USD ra nước ngoài, và bên cạnh những mối quan tâm chính phổ biến vào tài nguyên thiên nhiên, các công ty Trung Quốc cũng đang “tìm kiếm cơ hội tại các thị trường đã thành thục”.

Điều này biến EU thành tâm điểm chú ý. Với hàng nghìn hãng sản xuất và bán sản phẩm từ xe hơi cho tới kính thủy tinh – trong một thị trường 27 quốc gia và là nơi giàu có nhất thế giới về sản lượng kinh tế – hiển nhiên châu Âu trở thành mục tiêu hàng đầu của các vụ mua lại và sáp nhập từ các công ty Trung Quốc. Một phần ba trong số 3.000 công ty lớn của Trung Quốc tham gia cuộc khảo sát của chính phủ năm 2009 cho biết họ đã đầu tư vào các nước EU, so với chỉ 28% của Mỹ.

Ít rào cản hơn Mỹ
Đầu tư của Trung Quốc hầu hết đều được chào đón tại châu Âu như một nguồn vốn, nhưng ở một số khu vực, nó cũng mang đến căng thẳng. Ủy viên Ủy ban công nghiệp EU, Antonio Tajani, và một số quan chức của các nước ở phía nam EU như Tây Ban Nha, Italia và Pháp cho biết họ lo ngại các công ty Trung Quốc sẽ mua các doanh nghiệp châu Âu và tước hết công nghệ của các doanh nghiệp này.
Một lý do các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đưa ra khi ưu tiên đầu tư vào châu Âu là, không giống Mỹ, nơi Hội đồng Đầu tư nước ngoài ở Mỹ có thể cản trở các thương vụ liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực an ninh quốc gia, các nhà quản lý châu Âu không hề có ý kiến về những khoản tiền bên ngoài đến để mua doanh nghiệp tại khu vực.
Nha tư vấn Hanemann nhận xét: “Có hàng trăm công ty hấp dẫn ở châu Âu và mức độ nhạy cảm đối với các vấn đề an ninh quốc gia thấp hơn tại Mỹ và các nền kinh tế khác”.
Tuy vậy, câu chuyện không hẳn toàn màu hồng. Một thương vụ tiến hành vài năm trước cho thấy đây là một cuộc hôn nhân đầy chông gai. Công ty Trung Quốc Qianjing Group mua lại nhà sản xuất xe đạp Benelli của Gruppo Merloni. Với việc doanh thu sụt giảm, ban quản lý người Trung Quốc sau đó buộc phải cho công nhân Italia làm việc bán thời gian.
Theo báo cáo của một tờ tạp chí có tên Motocross Action, một nhà quản của Qianjing ở Trung Quốc cho biết, Benelli bị tổn thương do “nạn quan liêu tại Italia, hệ thống cấp phép và thủ tục kinh doanh phức tạp”.
Qianjing không thể giúp Benelli có lợi nhuận, ít nhất trong suốt năm 2009. Benelli mất 3,5 triệu Euro năm đó. Qianjing cho biết, thời gian ấy, hãng đã đầu tư thêm 26 triệu USD vào công ty. Kết quả hoạt động năm 2010 của Benelli vẫn chưa được công bố.
Theo giới thạo tin, Benelli CEO, ông Pierluigi Marconi, vừa thôi việc mùa hè vừa rồi – trong một cuộc biểu tình. Ông phát biểu trên tờ tạp chí về xe đạp AMCN: những thay đổi mà công ty cần tiến hành sẽ phải mất nhiều thời gian, “nhưng thị trường sẽ không chờ đợi bạn, và rất khó giải thích điều này với người Trung Quốc”.
Marconi từ chối lời đề nghị chia sẻ quan điểm, còn đại diện của Qianjing cũng xin không bình luận.

Tranh luận nóng bỏng
Đầu tư Trung Quốc đang là chủ đề tranh luận nóng bỏng tại EU, chia thành hai nhóm với quan điểm về vai trò tích cực hay tiêu cực của các thương vụ mua bán này. Ủy viên Ủy ban Công nghiệp EU Tajani hiểu rõ về sức mạnh thương mại và đầu tư của Trung Quốc và là một trong số những người lo ngại về những tổn thất về công nghệ nếu bán doanh nghiệp cho Trung Quốc. Ông muốn EU có quyền ngăn cản những khoản đầu tư và đề nghị thành lập một phiên bản tương tự Hội đồng Đầu tư nước ngoài Mỹ của châu Âu.
Ông Tajani nói: “Phòng cháy hơn chữa cháy. Chúng tôi muốn đảm bảo chúng tôi biết ai đang đầu tư vào châu Âu, và tại sao”.
Ông Tajani lên tiếng phản đối vụ mua lại nhạy cảm của Trung Quốc hồi mùa thu năm ngoái. Một nhà sản xuất sợi cáp quang Italia đã đồng ý tiếp quản đối thủ Hà Lan với giá 1 tỷ USD. Các giám đốc của công ty Prysmian SpA có cụ trở tại Milan này đã mở tiệc ăn mừng. Nhưng một tuần sau đó, bất ngờ từ đâu công ty Trung Quốc xuất hiện và nói có thể trả 1,3 tỷ USD cho công ty “mục tiêu” Hà Lan.
Lorenzo Caruso, giám đốc tiếp thị của công ty Italia, thốt lên: “Chúng tôi thấy quá sốc”.
Nghi ngờ nhà thầu Trung Quốc, công ty Tianjin Xinmao S&T Investment, có thể dám đưa ra lợi đề nghị như vậy chỉ khi có sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc, công ty Italia đã tiến hành phản công. Lãnh đạo công ty thuê một đơn vị vận động hành lang, tiến hành các cuộc phỏng vấn với giới truyền thông để lên tiếng về những ngờ vực của mình và kêu gọi Ủy ban châu Âu tại Brussels vào cuộc.
Ông Tajani và các quan chức EU khác quan ngại bởi công ty Hà Lan, có tên Draka Holding NV, có một chi nhánh cung cấp sợi cáp quang cho một số quân đội phương Tây, trong đó có Hải quân Mỹ. Họ đe dọa cản trở vụ mua lại của Trung Quốc, dù không rõ họ có thể hành động như thế nào bởi chính phủ Hà Lan không phản đối và EU không có một cơ quan tổng kết ảnh hưởng của vụ mua lại tới các vấn đề an ninh quốc gia.
Trong bất cứ trường hợp nào, áp lực đối với công ty Trung Quốc này cũng đã trở nên rất lớn. Công ty sau đó đã từ bỏ đấu thầu mua lại doanh nghiệp Hà Lan, viện vấn đề chậm xin chấp thuận của chính phủ Trung Quốc.
Lĩnh vực thực phẩm có thể không mang tính chiến lược như sợi cáp quang tổng hợp, nhưng chính phủ Trung Quốc cũng đánh giá kinh doanh thực phẩm là lĩnh vực các công ty Trung Quốc nên mua lại công nghệ nhằm cải thiện hiệu quả. Bright Food có trụ sở tại Thượng Hải và doanh thu năm ngoái đã đạt gần 7 tỷ USD và kế hoạch tăng gấp đôi con số trên vào năm 2015.
Chen Gang, nhà phân tích về thực phẩm và đồ uống của công ty Sinolink Securities tại Thượng Hải, nói: “Không có nhiều lựa chọn khác để đạt được mục tiêu đó, ngoài thông qua mua lại”. Ông tiết lộ, Bright Food đang tìm kiếm mua lại các công ty và giữ lại đội ngũ quản lý ở đó “bởi công ty này không có nhiều kinh nghiệm quản lý các công ty quốc tế”. Bright Food đã chấp thuận bản phân tích đó.

Sự hào hứng của Chính phủ Trung Quốc
Để làm ăn tại châu Âu, Bright Food đã nhờ sự hỗ trợ của Yufang Guo, nhà tư vấn tại Rotterdam, người có khoảng 100 khách hàng Trung Quốc đang tìm kiếm mua lại doanh nghiệp Tây Âu.
Để hấp dẫn người bán, ông Guo nói, các công ty Trung Quốc thường quảng cáo rằng họ có nhiều vốn để đầu tư và có thể cung cấp một thị trường tiêu thụ lớn hơn cho các sản phẩm và sẽ giữ lại đội ngũ quản lý của công ty ở địa phương.
Ông Guo, con trai của một giáo viên trường làng ở Trung Quốc, đến châu Âu học thạc sĩ từ 25 năm trước và tiếp tục ở lại học luật. Sau khi làm việc cho các công ty kế toán lớn, ông bắt đầu mở công ty, cung cấp một loạt dịch vụ từ kế toán thế cho tới biên dịch.
Công ty này Jomec, chuyên tư vấn sáp nhập và mua lại và tài chính doanh nghiệp. Công việc của ông bao gồm “chỉ đường, hướng dẫn đoàn doanh nhân Trung Quốc đến châu Âu. Tôi giới thiệu cho họ tới các thị trường chứng khoán, công ty đầu tư tư nhân và công ty vốn mạo hiểm”, ông nói.
Ông bổ sung: “Tôi là người Trung Quốc, vì thế tôi có thể đoán biết người Trung Quốc thực sự định nói gì chỉ qua cái nhìn. Đó giống như việc bắt mạch”.
Một ngày tháng Hai, chủ tịch Wang của Bright Food bay tới Brussels cùng hai đồng nghiệp, Ji Lu Qing và Tang Zhi Jian, và đến khách sạn Sheraton ở trung tâm thành phố để ăn trưa với ông Guo. Qua những hoa quả, cà phê và trứng, công ty Trung Quốc nêu rõ tham vọng của mình với ông và với một luật sư về thương mại và đầu tư châu Âu, ông Laurent Ruessmann, đồng thời cho phép một phóng viên ngồi bên cạnh.
Các giám đốc Trung Quốc nói, thứ họ muốn là những công ty châu Âu giàu thương hiệu và công nghệ. Họ muốn mua cổ phần đa số.
Ông Wang nêu một ví dụ: “Các công ty sô-cô-la Bỉ và Italia. Nhưng thuyết phục họ bán là rất khó. Họ là những công ty của gia đình và họ muốn tiếp tục phát triển”.
Ông Ji chen ngang: “Nhưng khi chúng tôi đề nghị số tiền đủ lớn, họ cũng muốn tiến hành thương vụ”.
Chính phủ Trung Quốc thường cung cấp hỗ trợ cho những công ty Trung Quốc trong các chuyến “mua sắm” ở nước ngoài. Cơ quan này còn phát hành sách hướng dẫn về các nước riêng lẻ cho công ty nào muốn đầu tư.
Bên cạnh rất nhiều thông tin trong các catalog, những hướng dẫn này còn đưa ra cả những gợi ý cho các nhà đầu tư Trung Quốc, như đảo Síp có “ngành công nghiệp nhẹ” với “dệt may, giầy dép và mũ” và Bỉ nổi tiếng với các sản phẩm hóa chất, logistics và vận tải biển.
Các doanh nghiệp thuộc thị trường ngách ở châu Âu cũng rất hấp dẫn với các công ty Trung Quốc vì họ thường có những nhãn hiệu quen thuộc và kiến thức chuyên môn sâu.
Guo và Ruessmann giải thích với các khách hàng người Trung Quốc rằng châu Âu đang bị chia ra thành nhiều thị trường. “Hãy cẩn thận khi định mua bất cứ thứ gì quá nổi tiếng. Có những nhạy cảm ở châu Âu, cũng giống như ở Trung Quốc hay những nơi khác, về các vụ mua lại lớn của các công ty nước ngoài”.
Ở châu Âu, ông nói tiếp, “rất khó để đi từ 0 đến 100. Bạn có thể có thể cố gắng làm được điều đó ở Mỹ. Nhưng không phải ở châu Âu. Ở đây, tốt hơn nên xây dựng niềm tin và tiến dần từng bước”.
Còn về Đông Âu thì sao, các vị khách hỏi. “Ở đó mở cửa hơn cho các đầu tư Trung Quốc. Nhưng bạn sẽ không tìm thấy những bí quyết và công nghệ như ở Tây Âu.
Ông cũng cảnh báo về việc vấn đề quy mô: “Các công ty lớn có thể lớn vì họ có quá nhiều nhân viên” vị luật sư đầu tư giải thích. Ngay cả những công ty nổi tiếng châu Âu “cũng có thể gặp khó khăn và cần cắt giảm chi phí”.
Ông Ji gật đầu: “Công đoàn. Chúng tôi chỉ cẩn một thương hiệu”.
Ruessmann cảnh báo các vị khách, họ có thể gặp phải một số sự phản đối đối với việc mua lại của Trung Quốc. “Các công ty châu Âu đã đoán trước làn sóng đầu của Trung Quốc, và, nếu họ biết được người mua là một công ty Trung Quốc, họ sẽ có thể cố gắng sao cho được lợi nhất. Giá cả tự động tăng lên”.
Sự phản đối của châu Âu lộ rõ với các giám đốc Trung Quốc này một thời gian ngắn sau đó. Sau cuộc gặp tại Brussels, chủ tịch Wang của Bright Food bay tới Paris. Trong những ngày này, công ty ông đã bỏ thầu 50% cổ phần trong nhà sản xuất sữa chua lớn của Pháp, Yoplait, thuộc sở hữu của một hợp tác xã nông trại sữa Sodiaal của Pháp.
Nhưng cũng có những nhà thầu khác, và General Mills ở Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ, giành chiến thắng với số tiền đề nghị 1,1 tỷ USD. Ngay cả khi số tiền thầu của Bright Food được đánh giá cao hơn, chính phủ Pháp vẫn chỉ chấp nhận đề nghị của General Mills.
Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Bruno Le Maire nói trong một tuyên bố: “Chính phủ khẳng định quan ngại đối với việc bảo đảm việc làm và tương lai của ngành sữa của Pháp”.
Nhưng công ty Thượng Hải không chịu bỏ cuộc. “Chúng tôi chưa có kế hoạch thay đổi chiến lược mở rộng ra nước ngoài”, chủ tịch công ty, ông Cao Shumin, nói trên tờ Shanghai Daily.
.
.
.

No comments: