Trần Tiến Dũng
Viết cho BBCVietnamese.com từ Sài Gòn
Cập nhật: 13:37 GMT - thứ bảy, 18 tháng 6, 2011
Theo dõi tình hình biển Đông, nhiều người dễ bị cuốn theo các sự kiện như Đài Loan, Philippines, Mỹ, Trung Quốc đưa hạm đội tới vùng tranh chấp hoặc tổ chức tập trận phòng vệ, cũng như sẽ tiếp tục có những diễn đàn ngoại giao bàn về những nguyên tắc ứng xử, những định hướng giữ hoà bình ổn định vùng biển trọng yếu này.
Nhưng toàn bộ những nội dung trên sẽ thành những yếu tố phụ nếu nhà cầm quyền Trung Quốc đặt để thành công giàn khoan dầu khổng lồ xuống biển Đông.
Với Việt Nam, ý đồ của Trung Quốc dùng thế và lực của một nước lớn áp đặt giàn khoan này cũng tương tự như hành động dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa năm 1974.
Không thể lấy chuyện cầu xin Thượng Đế hoặc trông chờ vào Công pháp về biển, tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung để lấy lại Hoàng Sa hay ngăn cản Trung Quốc tiến một bước dài nữa xuống phía nam.
Thông qua việc đặt giàn khoan khổng lồ vào biển Đông, Trung Quốc đang đi lại nước cờ cũ như ở Hoàng Sa, với tham vọng thu tóm toàn bộ biền Đông và khoá cửa ra biển của Việt Nam cùng các nước trong vùng Đông Nam Á.
Những nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc sẽ không rút nước cờ chiến lược này cũng như không lùi lịch đưa giàn khoan xuống biển Đông vào tháng 7/2011.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã chọn đánh mất thể diện văn minh và uy tín của một nước lớn để đạt mục tiêu bá quyền trên biển và an ninh năng lượng.
Thời gian qua, ở Việt Nam với hai cuộc biểu tình phản đối của công chúng, các phát ngôn từ chính phủ hiện hành, các nguồn dư luận từ lề trái, lề phải, trong nước, hải ngoại đều có tính thống nhất quan điểm và nhận thức về thực trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia từ Trung Quốc.
Ý thức bảo vệ chủ quyền biển Đông, một lần nữa, đã trở thành động lực để mọi người Việt Nam mài sắc ý thức yêu nước. Một cán bộ phong trào sinh viên học sinh trước năm 1975 nói:
“ Theo tôi, đất nước không còn hoàn toàn hoà bình nữa.” Khi được hỏi rằng ông xác định đất nước đang trong tình trạng nào.
Ông “sửa” câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh trong bối cảnh đất nước năm 1946 để cho thấy tình trạng đất nước thời điểm này.
“Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, giặc Trung Quốc càng lấn tới…”
Tính hiếu hoà của người Việt và mưu cầu yên ổn để phát triển đang bị thách thức. Trung Quốc đang giành cho mình cái quyền áp chế các nước nhỏ trong vùng Đông Nam Á như một chiến lược để trở thành một cường quốc.
Việc Trung Quốc không cần che dấu mưu đồ, không ngừng leo thang hành động bá quyền đang khiến trật tự thế giới biến động khó lường.
‘Bá quyền Trung Quốc’
Khi nội dung về chủ quyền và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đông được minh bạch như thời gian vừa qua và tiếp tục minh bạch hơn nữa thì hiệu quả không chỉ là sáng rỏ chính nghĩa trước dư luận thế giới mà cốt lỏi là sẽ đạt được một hội nghị Diên Hồng ở tầm vóc toàn dân tộc.
Không thể có sự ủng hộ của dư luận thế giới nếu chính bản thân quốc gia có chính nghĩa bảo vệ chủ quyền không phản ứng thích đáng.
Một giáo viên về hưu nói: “Đừng nói nhà cầm quyền Trung Quốc không sợ mất nhân tâm Việt Nam. Nếu họ mù quáng ỷ vào thế và lực từ kinh tế đến quân sự của một nước lớn thì điều đó là hố sâu thất bại có sẵn ngay dưới chân họ.”
Nhưng liệu nhà cầm quyền Việt Nam mở rộng kho vũ khí yêu nước tối thượng hay chỉ vừa hướng dư luận đến cánh cửa nửa mở, nửa khép.
Nếu vẫn còn thái độ thiếu dứt khoát sẽ chỉ khiến dư luận hoài nghi. Bạch hoá dư luận để xác định chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc là tư tưởng mà các triều đại trong lịch sử Việt Nam luôn xác định dứt khoát.
Tiến trình dư luận trong và ngoài nước hiện nay đã đưa đến thống nhất ý chí, mở ra chiến lược cứng rắn để bảo vệ hoà bình và phát triển.
Dư luận cho rằng giới cầm quyền hiện nay vẫn còn đó khả năng sai lầm nghiêm trọng nếu vẫn chỉ ỷ lại vào vũ khí, tiềm lực kinh tế, khả năng ngoại giao và kinh nghiệm chiến tranh.
Dù là xung đột cục bộ hay chiến tranh toàn diện, chiến thắng luôn thuộc về quốc gia hoàn thiện vũ khí yêu nước và chính nghĩa chống xâm lăng.
Một cô thợ hớt tóc nói với một người khách.“Nghe nói dạo này có chuyện Trung Quốc ăn hiếp nước mình. Trung Quốc mà làm tới dân mình sẽ chiến đấu đến cùng.”
Ngay cả một cô thợ hớt tóc cũng quan tâm đến vận mệnh quốc gia trước hiểm hoạ từ Trung Quốc, thái độ đó của cô và hàng triệu triệu công dân Việt Nam như cô đã minh định quyền và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ai cũng biết việc đòi lại chủ quyền sau khi để mất về tay Trung Quốc như trường hợp Tây Tạng đau đớn và tuyệt vọng như thế nào.
Tư tưởng cầu yên bằng mọi cách, từ thời điểm này sẽ trở thành một trọng tội, bởi vì nó có nghĩa làm vô hiệu thứ vũ khí yêu nước tối thượng, mà nhờ đó, trải qua hàng ngàn năm dân tộc này tự tin đấu tranh giữ trọn vẹn quyền tồn tại.
Bài viết phản ánh cách hành văn và quan điểm riêng của tác giả, ký giả tự do Trần Tiến Dũng, hiện sinh sống ở Sài Gòn.
.
.
.
No comments:
Post a Comment