Đinh Xuân Quân
Monday, June 13, 2011
Mặc dù lúc nào Trung Quốc cũng nói là họ muốn giải quyết các tranh chấp một cách ôn hoà, thái độ của TQ với Nhật tại đảo Điếu Ngư, với Bắc Triều Tiên và gần đây các tranh chấp tại Biển Đông với VN và Philippines, cho thấy TQ coi như một tên “bully – du côn” ăn hiếp các nước nhỏ trong vùng khiến các nước ASEAN không thể yên tâm.
TQ ra yêu sách về "đường lưỡi bò" đòi chủ quyền tới 80% Biển Đông (xem bản đồ), đồng thời chối bỏ chủ quyền hợp pháp của các nước ASEAN theo các định nghĩa của luật biển LHQ (UNCLOS) mà chính họ đã ký. TQ đã khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” trên vùng biển quốc tế tại BĐ, nhưng không đưa ra lý luận hay dựa trên căn bản nào. Đây là khu vực có tiềm năng về dầu khí và nhiều nước khác như VN, Philippines, Malaysia, Brunei và Singapore đòi chủ quyền. Điều này trở lên ngày càng quyết liệt nhất là TQ gia tăng ngân sách quốc phòng, gia tăng sức mạnh hải quân, tiến hành thao diễn trên biển khiến và dùng các ngư thuyền “ép các nước láng giềng”.
Bản đồ so sánh đòi hỏi của TQ và luật quốc tế về Biển
Bấm : https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhS8kasIrudic1eed-XwqFpvi-sitXI2tcnKX10Mxs6CqsKzoaaIIL6X95cVQzL8VvMxX96MEg9b5ZVfN-PwY1dHp48TzxUj3o2ZarSVuyei_lR90EjkSLyYGqisr8mZGxyJvBWYOjxPg/s320/BiendongfinalJune4%255B1%255D-1.jpg
Đường đỏ là đường TQ đòi hỏi không dựa trên căn cứ nào - Đường xanh là đường do cách tính của LHQ
Philippines và VN hiện nay đang tiến hành việc tìm dầu khí tại BĐ vì vậy TQ có những hành động “lấn át ngày càng gia tăng” đối với các nước láng giềng để dành quyền lợi kinh tế.
TQ đã bắt giữ nhiều tàu đánh cá VN, tiến vào hải phận VN, cho tập trận trên biển Nam Hải (tức Biển Đông) tại vùng đảo Trường Sa và gần đây nhất cắt giây cáp của tàu dò địa chất Bình Mình 02 và Viking 02.
Tại Hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng tại Singapore thì TQ “có vẻ hoà hoãn” trong khi tuyên bố của Mỹ làm nhiều người hiểu lẩm là Mỹ muốn hoà dịu với TQ. Mỹ giữ đúng nguyên tắc giải quyết các tranh chấp một cách hoà hoãn, không dùng vũ lực, dựa trên luật pháp.
Các nước ASEAN sẽ họp tại Jakarta vào tháng 6. 2011 và TT Obama sẽ có mặt tại Bali – Indonesia vào tháng 11 năm nay. TQ ngày càng có nhiều yêu sách phi lý và các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam lần đầu tiên, đã thấy cần có một chính sách BĐ dựa vào Mỹ.
Tranh chấp mới là gì và phản ứng của VN, TQ và quốc tế ra sao? Luật quốc tế về biển nói gì? TQ ngày càng ngang nhiên coi BĐ là của họ, VN có thể làm gì trong tình huống này?
Sự kiện - Tranh chấp mới
Theo các tin tức của VN thì sáng ngày Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011, một trong 3 tàu tuần biển của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu khảo sát Bình Minh 02 thuộc Tổng Công Ty Thăm Dò Dầu Khí (công ty thành viên của Tập Ðoàn Dầu Khí VN). Ðồng thời ra lệnh cho Bình Minh 02 rời khu vực, dù tọa độ xảy ra vụ việc chỉ cách Phú Yên 120 hải lý, sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của VN như sự qui định của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển mà cả VN và TQ đều là thành viên.
Bản đồ do phía VN đưa ra về việc TQ xâm nhập lãnh biển VN
Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02
Hôm 9 tháng 6, 2011, Bộ Ngoại Giao VN tường thuật vụ tàu đánh cá TQ hộ tống bở tàu Như chính TQ cắt cáp tầu Viking 2 ngoài khơi VN. Theo TTXVN thì tàu đánh các TQ số 62226 có sự hộ tống của 2 chiếc tàu ngư chính 311 và 303.
Theo một bản tin của báo Tuổi Trẻ ngày 31/5, 2011 “tàu bảo vệ” VN đã “bắn pháo hiệu cảnh cáo” các “tàu quấy rối” nhờ vậy các tàu này mới bỏ đi. Theo bản tin Tuổi Trẻ thì khi chiếc tàu khảo sát Viking 02 của liên doanh Pháp CGG Veritas (mang cờ hiệu Na Uy) do Tổng Công Ty Dịch Vụ Kỹ Thuật Dầu Khí Việt Nam (PTSC) của tập đoàn Petro Vietnam thuê mướn thăm dò địa chấn ở khu vực gần mỏ dầu Ðại Hùng, khoảng 270 km (hay 145 hải lý) phía Ðông Vũng Tàu. Theo nguồn tin này thì tàu quấy nhiễu là tàu FEI SHENG No.16 trong khi tàu thứ 2 chỉ thấy số hiệu BI 2549. Khi sự việc xảy ra, tàu Viking 2 đã điều tàu bảo vệ áp sát tàu quấy rối và yêu cầu chuyển hướng (bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh) nhưng họ không trả lời.
Theo một số báo Việt Nam, ba tàu TQ mang số hiệu 989, 27 và 28 đã tiến rất gần đến 4 tàu đánh cá của ngư dân Phú Yên bắn xuống nước đe dọa. Các tàu đánh cá của ngư dân Phú Yên câu cá ngừ đang hoạt động ở tọa độ 8 độ 56' vĩ Bắc, 112 độ 45' kinh Ðông, cách đảo Ðá Ðông thuộc quần đảo Trường Sa của VN khoảng 15 hải lý về phía Ðông Nam. Vì bị uy hiếp, 4 tàu đánh cá Phú Yên nói trên đã phải “rời khỏi nơi đánh bắt và tìm nơi khác tiếp tục hoạt động.”
Mới đây, VN phản đối việc tàu đánh cá TQ cắt cáp tàu Viking 02. VN đã phản đối nhiều lần và ngày 10/6, Hải quân VN loan báo sẽ tiến hành cuộc diễn tập bắn đạn thật vào thứ Hai tới trên Biển Đông tại khu vực đảo “Hòn Ông,” cách bờ biển tình Quảng Nam 150 km, tức là nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế ở VN.
Philippines đã gởi công hàm đến sứ quán TQ và đến LHQ phản đối về việc tàu TQ bắn vào ngư dân Philippines, 6 vụ tàu TQ phạm lãnh hải và việc TQ xây dựng trên vùng biển của Philippines. Việc này cho thấy TQ cũng “đang ép Philippines” về vụ tham dò dầu khí thi hành “yêu sách lưỡi bò” của TQ.
Trung Quốc nói gì?
Hôm 31/5, Bắc Kinh lên tiếng hàm ý đe dọa VN đòi VN ngưng ngay hoạt động thăm dò dầu khí trên biển Ðông. “Chúng tôi thúc giục phía VN ngừng ngay tức khắc các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của TQ và (VN phải) kềm chế để đừng tạo ra những vụ việc mới.” Bà Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao TQ, nói trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011. “Các hành động thực thi pháp luật của các tàu (hải giám) TQ đã áp dụng đối với tàu (thăm dò) hoạt động bất hợp pháp của VN là hoàn toàn đúng.” Bà Du nói TQ chống lại hoạt động khảo sát tìm dầu của VN vì “làm thiệt hại lợi ích và quyền hợp pháp của TQ trên biển Ðông.”
Ngày 9/6 TQ cảnh cáo các nước láng giềng là phải ngưng thăm dò dầu khí gần quần đảo Trường Sa và họ sẽ bảo vệ chủ quyền của TQ tại vùng BĐ.
Tại Hội nghị về an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương (gọi là “Đối thoại Shangri-La,” tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng TQ Lương Quang Liệt đã trấn an các nước, tuyên bố ôn hoà.
Bài xã luận của tờ “Global Times” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “nhắc những người hoạch định chính sách ở VN là hãy đọc lại lịch sử.” Tờ báo này lên án VN đang sử dụng “hình thức hạ cấp nhất của chủ nghĩa dân tộc để gây hiềm khích giữa hai nhân dân hai nước”. Global Times viết rằng: “ Hà Nội dường như tìm cách hóa giải áp lực nội bộ và khích động tinh thần trong nước, đồng thời lôi kéo thêm sự quan tâm của quốc tế vào vấn đề tranh chấp Biển Đông”. Tờ báo kết luận: “ Nếu VN tiếp tục gây rối, nghĩ rằng càng gây rối, càng có lợi, thì chúng tôì muốn nhắc những người hoạch định chính sách ở VN là hãy đọc lại lịch sử.”
Công Ước Quốc Tế về Luật Biển - lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế - Khía cạnh luật pháp của tranh chấp Việt Trung
Theo Công ước quốc tế về luật biển của LHQ (United Nations Convention on the Law of the Sea – tắt là UNCLOS) thì tranh chấp lãnh hải và chủ quyền VN ra sao? Theo Luật sư Tạ Văn Tài / thì TQ chỉ dùng chính sách theo kiểu như ngụ ngôn La Fontaine “La raison du plus fort est toujours la meilleure” (Lý lẽ của kẻ mạnh nhất bao giờ cũng thắng). Hiệp định Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển chia biển của một nước làm 3 vùng và đặt ra một số vấn đề:
(1) thềm lục địa địa chất (geological continental shelf) là vùng đáy biển từ lục địa ra đến mực nước sâu 1000 mét, hay quãng xa 200 hải lý, điểm nào tới trước thì chọn điểm ấy;
(2) vùng kinh tế độc quyền (exclusive economic zone - EEZ) tính từ lục địa ra đến 200 hải lý, trong đó có các quyền đánh cá, khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đáy biển;
(3) thềm lục địa luật định (legal continental shelf) có thể nới rộng ra tới 350 hải lý, tuỳ theo kích thước của mép lục địa (continental margin), gồm, ngoài thềm lục địa trên, hai phần khác là dốc lục địa (continental slope) và triền lục địa (continental rise), sau đó thì đáy biển tụt xuống vực sâu ở lòng biển.
(4) Từ hải đảo mà ra, không có thể đòi thềm lục địa - Hơn nữa đối với các hòn (reef) bị nước phủ - không lòi ra trên mặt nước thì không kể.
(5) Không có vùng tranh chấp về thềm lục địa giữa hai quốc gia duyên hải nếu thềm lục địa của họ, tính từ lục địa của họ mà kéo ra khơi, không có trùng chạm lên nhau. Nếu có trùng chạm về thềm lục địa, thì hai bên phải thương nghị giải quyết, trước khi đưa ra Uỷ Hội Quốc Tế về Ranh
Giới Thềm Lục Địa, hay Toà Án Quốc Tế về Luật Biển (lập 1997).
(6) Ranh giới thềm lục địa (từ đất lục địa ra đến 200 hải lý hay ra đến độ sâu 1000 mét) và ranh giới vùng kinh tế độc quyền (từ đất lục địa ra đến 200 hải lý) là những kích thước đo đạc địa dư, vật chất rất rõ ràng, nếu không có sự trùng chạm của hai thềm lục địa hay vùng kinh tế của nước duyên hải khác, thì lãnh vực chủ quyền về lãnh hải cũng hiển nhiên, rõ ràng.
(7) Không có quyền xác nhận chủ quyền trên đại dương.
Vậy theo luật quốc tế UNCLOS, các vụ tranh chấp xẩy ra giữa tàu TQ và tàu dò của Petro Vietnam Bình Minh 02 và tàu Viking 02 bị các tàu TQ cắt dây cáp cách tỉnh Phú Yên 116 hải lý, và ở độ sâu 30 mét, và không có trong thềm lục địa TQ hay nước nào khác thì rõ ràng TQ vi phạm chủ quyền VN, về thềm lục địa và vùng độc quyền kinh tế, chiếu Luật Biển 1982.
Trong cuộc mọi cuộc tranh chấp thì cần phải sử dụng “Luật - cần giải quyết trên cơ sở luật quốc tế.” Philippines và các nước ASEAN khác cũng đã đưa ra lý lẽ tương tự. Còn phía TQ thì chỉ khẳng định chủ quyền vùng tranh chấp là "của Trung Quốc", nhưng không đưa ra lý lẽ.
Phản ứng quốc tế các tranh chấp
Ngày 31/5 Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell cho biết Mỹ sẽ tích cực thảo luận riêng biệt với từng quốc gia trong khu vực. Mỹ sẽ nỗ lực hạn chế xung đột và tăng cường đối thoại.
Trong một cuộc họp báo tại Kuala Lumpur, Malaysia, Đô đốc Robert Willard của HQ Mỹ cho hay ông lo ngại trước những căng thẳng ở BĐ giữa TQ với các nước láng giềng – và mới đây vụ tàu Bình Minh 02. "Mỹ không đứng về bên nào trong một cuộc tranh chấp - Đây là một cam kết chắc chắn để cho thấy rằng các bên liên quan tới tranh chấp cần phải cùng nhau giải quyết vấn đề một cách hòa bình và thông qua đối thoại, chứ không phải bằng những va chạm trên biển hoặc trên không". Ông cho hay “Hải quân Mỹ sẵn sàng thao diễn HQ với phía VN và việc này là tuỳ thuộc phía VN.”
Tranh chấp trên biển đã được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương (TBD) gọi là “Đối thoại Shangri-La,” tại Singapore ngày 3/6/2011.
Hải quân Hoa Kỳ đã gởi khu trục hạm USS Chung-Hoon đến khu vực BĐ và Biển Sulu (Tây Nam Philippines) để kiểm tra việc thực hiện quyền tự do lưu thông hàng hải tại các vùng biển này. Theo báo chí thì “Chiếc tàu này sẽ đi ngang qua những vùng biển mà Hoa Kỳ xem là hải phận quốc tế để giám sát quyền tự do lưu thông và chứng tỏ là cộng đồng quốc tế không chấp nhận những đòi hỏi của các quốc gia trái với quyền tự do lưu thông ấy.” Với Philippines thì Hoa Kỳ phải can thiệp chiếu theo hiệp ước quốc phòng song phương và theo Đại sứ Mỹ tại Manila thì Hoa Kỳ sẽ yểm trợ Philippines chống lại mọi đe dọa đối với an ninh của nước này.
Tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. Gates cũng đã cảnh báo là xung đột có thể bùng nổ trên Biển Đông, trừ phi các quốc gia tranh chấp chủ quyền thông qua một cơ chế giải quyết một cách hòa bình.
Giáo sư Carl Thayer, trong một phỏng vấn của tờ Người Việt ngày 9/6/2011, đã khuyên VN “cần tránh biến mình thành người gây hấn.”
Theo Reuters, thì phát ngôn viên VN đã tuyên bố “VN hoan nghênh mọi nỗ lực của quốc tế, kể cả của Hoa Kỳ, nhằm làm dịu căng thẳng trong vùng Biển Đông”.
VN làm gì?
Trong cuộc tranh chấp Việt-Trung mới đây ta có thể rút ra một số điểm để VN có thể thi hành trong lãnh vực ngoại giao – chính trị:
TQ có yêu sách về "đường lưỡi bò" đòi chủ quyền tới 80% BĐ và vì vậy chối bỏ chủ quyền hợp pháp của các nước trong vùng. VN cũng như Philippines và các nước ASEAN khác phải triệt để kiện TQ lên LHQ Hội Đồng Bảo An về vi phạm luật biển. Tuyên bố phải dựa trên luật UNCLOS để giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp. Làm như thế VN sẽ được quốc tế đồng tình và ủng hộ.
Tranh chấp Việt Trung cho thấy thế nào là “tình nghĩa” của các nước xã hội chủ nghĩa. Một lần nữa nhân dân Việt Nam nhận ra câu “Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” chỉ là một câu nói bá láp. Giới lãnh đạo Việt Nam hiện tại thường ca tụng “Tình hữu nghị với Trung Quốc”, bây giờ toàn dân Việt Nam thấy rõ đó chỉ là lối nịnh bợ Trung Quốc của người cộng sản Việt Nam; càng “hữu nghị” VN càng mất nhiều đất và biển. Bây giờ người ta mới được biết đây không phải là lần đầu tiên tàu VN bị cắt giây cáp, trong năm 2010 đã xẩy ra chuyện này nhưng CSVN đã “yểm tin”. Đây là thời điểm phơi bày sự thất bại hoàn toàn về các luận cứ gọi là “xã hội chủ nghĩa” mà lâu nay đảng cộng sản VN vẫn khư khư ôm lấy.
Công bố mọi tin tức cho quốc tế, cho dân VN và TQ biết. Theo tướng Lê Đức Anh cựu Chủ tịch nước thì “trong vấn đề bảo vệ chủ quyền ở BĐ, phải giữ thái độ không sợ, hòa khí nhưng cần công khai thông tin để thu phục lòng dân, kể cả nhân dân TQ. Trong bài phỏng vấn với mạng VietnamNet ngày 2/6, ông cho rằng: "Phải đặt chủ quyền đất nước là sự quan tâm số một. Đồng thời, ta phải sống hòa hiếu với nhân dân tất cả các nước." Riêng về chuyện BĐ ông nói VN "phải đối chiếu lại với quy định của luật pháp quốc tế.”
Cách đối đãi với TQ:
Theo GS Carl Thayer “đừng biến mình từ một nước nạn nhân thành một nước gây hấn” và VN cần phải tìm cách giải quyết một cách đa phương. Tới nay TQ không dùng Hải Quân của họ mà dùng tàu đánh cá và tàu ngư chính ngụy trang ngang nhiên coi BĐ là vùng của họ. Nên cho thế giới và dân TQ biết là chính TQ là người “bully-côn đồ” nói một đằng làm một nẻo.
VN và các nước ASEAN nên kiện chính phủ TQ ra LHQ. TQ là thành viên Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết nhưng không thể nào “ếm” vấn đề BĐ và những hành động sai trái, phạm luật quốc tế. Công hàm phản đối TQ chưa đủ mà cần lên tiếng công khai về lập trường luật pháp quốc tế. Sở dĩ Liên Hiệp Quốc được thành lập là vì muốn cho thế giới không còn cái cảnh “cá lớn nuốt cá bé” hay “lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”, như đã xảy ra trong quá khứ với phát xít Đức hay quân phiệt Nhật.
Các cộng đồng VN tại hải ngoại có thể làm gì? Ngoài việc xuống đường, việc quan trọng là chúng ta có thể giúp thảo kháng thư đưa lên LHQ và vận động với giới dân cử tại các nước mình cư trú, nhất là vận động các tiểu ban lo về Á châu, các “think tank” về vấn đề TQ “lấn áp” các nước nhỏ ASEAN. Các cộng đồng chúng ta có thể làm việc với các cộng đồng bạn như Philippines, Indonesia và các cộng đồng Á châu khác, phơi bày thực trạng cho quốc tế thấy hiểm hoạ TQ.
TẠM KẾT LUẬN
TQ có yêu sách “lưỡi bò” tại BĐ mà không có căn cứ pháp lý. TQ tuyên bố 80% BĐ là thuộc TQ mặc dù là Công Ước LHQ (UNCLOS) nói rõ là không có quyền trên đại dương. Vì dầu khí và quyền lợi kinh tế TQ đang quấy nhiễu nước ASEAN trong đó có VN và Philippines trong khi khẳng định BĐ thuộc về họ. TQ muốn độc quyền khai thác các tài nguyên, nhưng nếu rơi vào tình trạng tranh cãi thì có thể tiến tới thỏa thuận “cùng khai thác tài nguyên”: đây chính là ý đồ thầm kín của TQ trong các vụ tranh chấp BĐ.
Gặp tình huống này cần kéo quốc tế vào, công bố rộng rãi thông tin về các ngang ngược của TQ, đồng thời kiện TQ lên LHQ. Trước mắt trong vụ Biển Đông, VN nên liên kết với Philippines, Malaysia (đã cùng ký với VN gởi lên LHQ về BĐ) và tranh thủ Indonesia. Hành động như thế sẽ đưa tới việc kéo cả Mỹ vào và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Tham vọng chiếm đoạt dầu hoả vùng BĐ của TQ ngày càng rõ. Vì lợi ích quốc gia, VN không thể tiếp tục đặt tình “hữu nghị với nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa” lên trên quyền lợi và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.
TQ sẽ trùng phạt VN bằng cách này hay cách khác vì VN là cái gai cho việc TQ tiến chiếm toàn BĐ. Mặc dù VN cần dùng luật pháp và ngoại giao nhưng VN cũng cần phải đầu tư vào hải không quân, đội thuyền đánh cá võ trang để lúc nào cũng sẵn sàng. Cùng lúc các cộng đồng VN hải ngoại phải lên tiếng phản đối về tính “đế quốc Đại Hán” và những sai trái của TQ về BĐ.
TS ĐXQ
.
.
.
No comments:
Post a Comment