Trần Bình Nam
Jun 5th, 2011
Lời giới thiệu: Chương 13 trong cuốn “On China” tiến sĩ Kissinger vừa cho xuất bản, dành nói về trận chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung quốc tháng 2/1979 với nhan đề
“Touching the Tiger’s Buttock The third Vietnam War” (Trận chiến tranh Việt Nam thứ 3: Sờ Đít Cọp). Ông Kissinger đã mang đến cho chương này những thông tin và lý giải chưa bao giờ được nói tới. Theo tiến sĩ Kissinger cuộc chiến đã có những hậu quả thay đổi bàn cờ thế giới và là lý do gián tiếp đưa đến sự sụp đổ của Nga hơn 10 năm sau đó.
Cuộc đấu trí giữa Trung quốc, Việt Nam, Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết đang được tái diễn và lần này giữa Trung quốc, Hoa Kỳ và Việt Nam. Cao điểm là việc Trung quốc công khai ngăn chận việc dò tìm dầu của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam ngày 26/5/2011.
Cái khác là vào năm 1979, Việt Nam công khai xem Trung quốc là kẻ thù và Trung quốc đang lo tìm cách phá kế hoạch thôn tính thế giới của Xô viết. Hiện nay trên nguyên tắc Việt Nam là đồng minh với Trung quốc, và Hoa Kỳ là nước đang lo tìm cách ngăn chận ý đồ bá chủ của Trung quốc.
Đối với Việt Nam, dù mầu sắc quan hệ giữa Trung quốc và Việt Nam lúc đó và lúc này có khác nhau, sự lo lắng của người cầm quyền tại Việt Nam vẫn là mối lo móng vuốt của Trung quốc.
Còn nữa, vào thập niên 1970 tuy thất bại tại Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn còn đủ mạnh để lèo lái thế giới, và Nga chỉ phô trương nhưng thực chất yếu. Hiện nay Hoa Kỳ đang gặp nhiều khó khăn, ngân sách thâm thủng, nợ nần chồng chất, kinh tế suy thoái không biết còn có khả năng lãnh đạo thế giới tự do không. Và Trung quốc đang mạnh và quyết tâm trở thành đệ nhất siêu cường.
Vì vậy, cái khó của Việt Nam lại càng khó hơn. Nhưng trong thời nào nhân dân Việt Nam cũng nhất quyết không chịu Bắc thuộc.
Xin mời quý bạn xem phần lược thuật chương 13 cuốn “On China”. Nguyên văn bản Anh ngữ đính kèm sau bài lược thuật.
Trần Bình Nam
---------------------------------------
Tháng 4/1979 thủ tướng Hoa Quốc Phong miêu tả động thái của Liên bang Xô viết (TBN: hiện nay là Liên bang Nga. Trong bài lược thuật này khi nói đến Liên bang Xô viết tôi viết gọn là “Nga”) đối với cuộc xâm lăng 6 tuần của Trung quốc vào Việt Nam mấy tháng trước đó như sau: “Chúng tôi đã có thể “sờ đít cọp, mà cọp không dám vồ”. Cọp đây là Nga .
Trung quốc xâm lăng Việt Nam nói là “dạy Việt Nam một bài học” ngày 17/2/1979 sau khi Việt Nam ký Hiệp ước an ninh với Nga và tấn công lật đổ chế độ Polpot (thân Trung quốc) tại Cam Bốt. Cuộc xâm lăng rất đắt giá đối với Trung quốc, nhưng là một thắng lợi chiến lược của Trung quốc vì Nga đã không dám hành động, cho thế giới thấy khả năng của Nga rất giới hạn. Nhìn trên phương điện đó trận chiến tranh biên giới 1979 là điểm khởi đầu tiến trình sụp đổ của Nga, mặc dù lúc đó không ai dám bạo gan tiên đoán điều đó. Và trận chiến tranh cũng là cao điểm hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung quốc trong cuộc chiến tranh lạnh.
Việt Nam làm các siêu cường bối rối:
Nghĩ cho cùng Trung quốc dính líu vào cuộc chiến với Việt Nam năm 1979 (TBN: đúng ra phải nói là dính líu vào cuỘc chiến chống Hoa Kỳ của Việt Nam)cũng giống như Hoa Kỳ đã can thiệp vào Việt Nam. Cả hai đều đánh giá thấp khả năng chịu đựng của Việt Nam. Hoa Kỳ nghĩ rằng Việt Nam là một nước nhỏ cho nên khi chấp nhận đương đầu với Hoa Kỳ Việt Nam chỉ là con tốt đầu của một chiến lược thôn tính Á châu của Nga và Trung quốc. Các nhà chiến lược Hoa Kỳ nghĩ rằng khi Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam, Nga và Trung quốc thấy không thể ăn được sẽ tìm cách thúc đẩy Hà Nội thương thuyết.
Điều này đã tỏ ra không đúng, vì Việt Nam có ý định riêng là thực hiện cho bằng được Liên bang Đông Dương do Hà Nội lãnh đạo bất chấp Nga và Trung quốc tính toán gì.
Trung quốc cũng hiểu nhầm ý định của đảng cộng sản Việt Nam. Trung quốc giúp Bắc việt cốt ngăn không cho Hoa Kỳ thiết lập căn cứ quân sự tại mạn nam Trung quốc. Trong khi mục tiêu của đảng cộng sản Việt Nam là thống nhất rồi sau đó bành trướng thế lực ra vùng Đông Nam Á.
Để giúp Việt Nam Trung quốc đã gởi qua Việt Nam 100.000 dân quân giúp bảo trì hệ thống chuyển vận và tiếp liệu. Nhưng sau khi Hà Nội thắng và thống nhất đất nước Trung quốc đứng trước một mối đe dọa lớn hơn sự hiện diện của Hoa Kỳ.
Việt Nam không bao giờ tin Trung quốc, và điều này có tính lịch sử. Việt Nam bị Trung quốc thôn tính từ thế kỷ
Quá trình chống Trung quốc duy trì độc lập làm cho Việt Nam là một dân tộc biết tự hào và giỏi chinh chiến. Nếu Trung quốc xem mình là một nước lớn nằm giữa trời đất(đại trung) thì Việt Nam cũng tự coi mình là một tiểu quốc nằm giữa (tiểu trung) đối với các nước chung quanh. Trong chiến tranh chống Pháp và chống Hoa Kỳ Việt Nam đã khai thác sự trung lập của Lào và Cam bốt, và sau chiến tranh (1975)đã hành xử như nước đàn anh của hai quốc gia này.
Khi giúp Việt Nam, Trung quốc biết rằng rồi ra Trung quốc và Việt Nam sẽ tranh chấp nhau chiếm thế chủ động tại Đông Dương và vùng Đông Nam Á (TBN: và đó là lý do tại sao Trung quốc không muốn Hà Nội thắng miền Nam, thống nhất đất nước.) Trớ trêu là trong cuộc chiến tranh chống Hoa Kỳ (1963- 1975) Trung quốc giúp Việt Nam đánh đuổi Hoa Kỳ ra khỏi Đông Dương, nhưng thật ra Hoa Kỳ và Trung quốc có mục đích giống nhau. Đó là duy trì 4 nước Nam, Bắc Việt Nam, Lào, Cam Bốt độc lập và ngang hàng nhau. Năm 1965 Mao đã nói với nhà báo Edgar Snow rằng Trung quốc có thể chấp nhận sự tồn tại một nước Nam Việt Nam.
Năm 1971 trong chuyến đi bí mật đến Bắc Kinh Chu Ân Lai nói với Kissinger rằng hành động của Trung quốc tại Việt Nam không phải là tính toán chiến lược hay phục vụ chủ nghĩa mà chỉ đơn thuần là nhiệm vụ trả món mợ truyền thống giữa hai quốc gia. Có lẽ Trung quốc nghĩ Bắc Việt không thể thắng Hoa Kỳ, và khi Việt Nam bị chia đôi Bắc Việt Nam phải lệ thuộc vào Trung quốc như Bắc Hàn sau trận chiến tranh 1950- 1953.
Nhưng khi có dấu hiệu Hà Nội có thể thắng Trung quốc bắt đầu cho xây dựng đường sá ở Bắc Lào để chuẩn bị. Năm 1973 sau khi Hiệp Định Paris được ký kết Kissinger và Chu Ân Lai bàn với nhau một giải pháp cho Cam Bốt dựa vào 3 thành phần chính trị: Sihanouk, chính phủ Lonol và Khmer Đỏ nhắm mục đích chận ảnh hưởng của Hà Nội. Vụ này không thành vì quốc hội Hoa Kỳ cấm các hoạt động quân sự của Mỹ tại Đông Dương.
Kissinger thuật lại rằng tháng 2/1973 khi ông đến Hà Nội bàn việc thi hành Hiệp Định Paris vừa được bút phê (initial) hai tuần trước tại Paris, Lê Đức Thọ dẫn ông đến xem viện bảo tàng quốc gia chỉ để chỉ cho ông nơi trưng bày chứng tích của cuộc chiến đấu chống Trung quốc trong suốt chiều dài của lịch sử Việt Nam.
Sau khi Hà Nội chiếm miền Nam thống nhất đất nước, bất hòa giữa hai nước không còn che đậy được nữa. Với tham vọng lãnh đạo vùng Đông Nam Á, Việt Nam trở thành một khâu trong vòng vây Trung quốc. Để phá khâu, Trung quốc bắt đầu đóng chốt tại Cam Bốt.
Tháng 8 năm 1975, khi Khieu Samphan thăm Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình nói với Khieu Sampang rằng ”Mỹ đi Nga tới. Hai nước chúng ta có bổn phận hợp tác nhau chống đế quốc và bá quyền.”
Cuối năm 1975, nạn “cáp duồng (giết người Việt) đã đuổi 150.000 người Việt cư trú lâu đời tại Cam Bốt về Việt Nam. Cùng trong khoảng thời gian đó người Việt gốc Hoa bị áp lực rời Việt Nam. Từ tháng 2/1976 đến đầu năm 1976 Trung quốc chấm dứt dần mọi viện trợ cho Việt Nam. Hành động của Trung quốc làm cho Việt Nam càng ngả về Nga. Trong một buổi họp của Bộ chính trị tháng 6/1976 đảng cộng sản Việt Nam công khai xác định Trung quốc là kẻ thù chính của Việt Nam. Cũng trong tháng 6/1976 Việt Nam gia nhập khối kinh tế Comecon do Nga cầm đầu. Tháng 11/1978 Việt Nam và Nga ký Hiệp Ước An ninh (Treaty of Friendship anhd Cooperation). Tháng 12/1978 quân đội Việt Nam xâm lăng lật đổ chính phủ Polpot thân Trung quốc và thiết lập tại Nam Vang một chính phủ thân Việt Nam.
Trung quốc cảm thấy tứ bề thọ địch. Phía Bắc, 50 sư đoàn Hồng quân Xô viết; phía Tây, Afghanistan nằm dưới ảnh hưởng của Nga. Bắc Kinh cũng nghi Nga đứng sau lưng cuộc các mạng Hồi giáo tại Iran trong tháng 1/1979. Trong khi đó Nga đang thương thuyết iệp U=ớc SALgiaggiảm vũ khí chiến lược (SALT II) với Hoa Kỳ để yên mặt Tây. Và giờ đây liên minh quân sự với Việt Nam. Trung quốc tự hỏi: Nga còn có mục đích gì khác ngoài việc thắt chặt vòng vây Trung quốc?
Tây phương và Trung quốc có những đối sách khác nhau khi bị đe dọa. Tây phương dè dặt để tránh bùng nổ, trong khi Trung quốc có khuynh hướng phản ứng mạnh. Hoa Kỳ đã khuyên Đặng Tiểu Bình dè dặt sau khi Việt Nam xâm lăng Cam Bốt. Nhưng Đặng, mặc dù biết quân đội Trung quốc không tinh nhuệ như quân đội Việt Nam, vẫn thấy cần động binh trả đũa để nâng tinh thần quần chúng và quân đội.
Để chuẩn bị Đăng kết thân với các nước Đông Nam Á đang bị Việt Nam đe dọa và tìm cách xích lại gần Hoa Kỳ.
Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ:
Từ khi tổng thống Carter lên cầm quyền, Trung quốc và Hoa Kỳ xúc tiến việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Chướng ngại chính là quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Trước đó tổng thống Ford đã đề nghị thiết lập bang giao với Trung quốc, và sau khi bang giao Hoa Kỳ sẽ duy trì một hình thức quan hệ nào đó với Đài Loan, nhưng Trung quốc không chấp thuận.
Giữa năm 1978 Hoa Kỳ và Trung quốc đều cảm thấy áp lực của Nga tại Phi châu, Trung Đông và Đông Nam Á nên nhượng bộ nhau trong vụ Đài Loan.
Ngày 17/5/1978 Cố vấn an ninh Zbigniew Brzezinki của tổng thống Carter đi Bắc Kinh. Qua chuyến đi Brzezinkiezenki nhận thấy Đặng và Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Hoa “làm ra vẻ” không quan tâm đến an ninh của Trung quốc mà chỉ trình bày bức tranh đe dọa của Nga đối với thế giới, cho rằng Hoa Kỳ đã quá nhân nhượng với Nga, và thuyết phục Hoa Kỳ cùng hành động. Trung quốc hàm ý với Brzezinki nếu Hoa Kỳ do dự Trung quốc sẽ hành động một mình. Đặng và Hoàng Hoa cho rằng chỉ có áp lực mới chận được tham vọng của Nga. Nga chỉ phô trương chứ không mạnh. Và rằng Nga chỉ có thể dọa nạt các nước yếu, nhưng sẽ sợ kẻ làm mạnh.
Về tình hình ở biên giới phía nam Trung quốc, Hoàng Hoa nói Việt Nam đang thành lập Liên bang Đông Dương với sự yểm trợ của Nga. Hoàng Hoa tiên đoán sẽ có chiến tranh giữa Việt Nam và Cam Bốt chứ không phải chỉ có những vụ đụng độ nhỏ ở biên giới như hiện nay.
Kết quả công tác của Brzezinki là Hoa Kỳ và Trung quốc đồng ý cần gác qua các trở ngại để thiết lập bang giao vì đó là nhu cầu thiết yếu ổn định thế giới. Ngày 15/12/1978 Hoa Kỳ và Trung quốc tuyên bố bang giao hai nước sẽ được tái lập ngày 1/1/1979 và Hoa Kỳ chính thức mời Đặng Tiểu Bình thăm viếng Hoa Kỳ trong tháng 1/1979.
Tháng 4/1979 sau khi hai bên đã thiết lập bang giao, quốc hội Hoa Kỳ thông qua luật “Quan Hệ với Đài Loan” (Taiwan Relations Act)cam kết bảo vệ Đài Loan.
Vòng du thuyết chống Nga và Việt Nam của Đặng Tiểu Bình:
Trong 2 năm 1978 và 1979 Đặng thực hiện một loạt thăm viếng các nước Đông Nam A để rỉ tai và tuyên truyền chính sách chống bá quyền Nga và Việt Nam tại Đông Nam Á, đồng thời vận động mua bán hiểu biết kỹ thuật, đặc biệt tại Nhật và kêu gọi người gốc Hoa tại các nước Đông Nam Á mang tiền bạc về đầu tư ở quê Mẹ.
Các nước Đông Nam Á vốn không sợ Nga và Việt Nam bằng sợ Trung quốc. Ở nước nào cũng có một cộng đồng người Hoa sẵn sàng làm việc cho Bắc Kinh hơn là trung thành với nước đang sống (và mang quốc tịch), và đó là một mối đe dọa lớn. Tuy nhiên Đặng thành công làm cho các nước Đông Nam Á ít sợ Trung quốc hơn trước.
Đặng Tiểu Bình công du Hoa Kỳ sau khi bang giao được thiết lập và trước khi Trung quốc đánh Việt Nam. Cốt ý của Trung quốc là cho thế giới hiểu rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc Trung quốc đánh Việt Nam. Cũng như năm 1958 Mao cho pháo kích Kim Môn & Mã Tổ 3 tuần lễ sau khi Khrushchev đến thăm Bắc Kinh để khéo léo cho thế giới hiểu rằng Nga khuyến khích Mao làm mạnh.
Trên thực tế Trung quốc có thông báo cho Hoa Kỳ biết sẽ đánh Việt Nam trước khi Đặng Tiểu Bình lên đường đi Mỹ, nhưng Hoa Kỳ không hứa hẹn gì. Tuy nhiên Đặng đã thành công làm cho Nga dè dặt nếu định trả đũa.
Trong chuyến đi Hoa Kỳ Đặng làm tất cả những gì cần thiết cho Trung quốc: ngoại giao, mậu dịch, xin yểm trợ kỹ thuật, tuyên truyền cảnh giác thế giới tham vọng của Nga có thể đưa đến Thế giới Chiến tranh lần thứ 3 … nhưng Đặng tránh không ký kết một Liên Minh Quân sự với Hoa Kỳ. Đặng tạo ra một sự thỏa thuận an ninh bất thành văn để chống Nga tại Á châu. Đặng muốn một NATO Á châu, nhưng là một NATO không văn bản. Đặng cho Hoa Kỳ biết Trung quốc sẵn sàng dùng quân sự để chận đứng sự bành trướng của Nga tại Á châu dù quân đội Trung quốc còn yếu kém nhiều mặt. Đặng cảnh giác tổng thống Carter rằng Việt Nam sẽ không ngừng ở Liên bang Đông Dương. Sau Đông Dương sẽ là Thái Lan và các nước Đông Á khác!
Trung quốc có nghĩ đến một cuộc tấn công quy mô của Nga vào biên giới phía bắc Trung quốc do sự ràng buộc của Hiệp Ước An ninh Nga- Việt. Nhưng Đặng nói với tổng thống Carter rằng một cuộc tấn công ngắn hạn (của Trung quốc vào Việt Nam) sẽ không cho Nga đủ thì giờ chuẩn bi nhất là đang vào mùa đông giá tuyết. Đặng nhấn mạnh, nếu Nga đánh, Trung quốc cũng không sợ. Trung quốc đã cho di tản 300.000 ngàn dân sống dọc biên giới và đặt các sư đoàn Bắc phương trong tình trạng sẵn sàng. Điều Trung quốc cần là thái độ “ỡm ờ” của Hoa Kỳ để làm cho Nga lúng túng.
Tổng thống Carter và Cố vấn An ninh Brzezinki có ý kiến khác nhau trước ý định đánh Việt Nam của Đặng. Brzezinki muốn đánh. Carter trong thâm tâm do dự, nói “Không” với Đặng, nhưng bằng một cung cách có thể hiểu ngầm là “Có”.
Carter nói với Đặng rằng sau khi Việt Nam xâm lăng Cam Bốt, khối Asean, Liên hiệp quốc đều lên án Việt Nam hiếu chiến như Nga và Cuba. Nếu bây giờ Trung quốc đánh Việt Nam dư luận thế giới đang chống Việt Nam trở nên có cảm tình với Việt Nam. Hơn nữa chính sách của Hoa Kỳ không khuyến khích bạo lực. Hoa Kỳ nghĩ rằng việc đánh Việt Nam sẽ làm mất sự ổn định trên thế giới. Nhưng, Hoa Kỳ có thể giúp cung cấp tin tức tình báo cho Trung quốc. Tin tình báo đầu tiên là Hoa Kỳ biết Nga không chuyển thêm quân đến biên giới Nga-Hoa. Trong một cuộc họp riêng giữa Carter và Đặng (và chỉ một phiên dịch viên) Đặng nói với Carter lợi ích chiến lược quan trọng hơn dư luận thế giới. Và Trung quốc phải “dạy Việt Nam một bài học” nếu không thế giới sẽ xem Trung quốc là yếu kém.
Ngày 4/2/1979 Đặng rời Hoa Kỳ. Trên đường về Đặng ghé lại Nhật Bản (lần thứ hai trong vòng chưa quá 6 tháng) và không do dự cho thủ tướng Nhật Masayoshi Ohira biết Trung quốc sẽ đánh Việt Nam trong nay mai.
Chuyến đi của Đặng qua các nước Miến Điện, Nepal, Mã Lai Á, Sigapore, Nhật và Hoa Kỳ xem như thành công đưa vai trò của Trung quốc lên cao trên bình diện quốc tế, đồng thời cô lập Việt Nam.
Cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ 3:
Ngày 17/2/1979 Trung quốc xua khoảng 300.000 quân gồm hải lục không quân, quân chính quy và địa phương quân từ các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây tiến vào Việt Nam nói là “Cuộc phản công đánh Việt Nam bảo vệ biên giới”. Cuộc hành quân rầm rộ không khác gì cuộc đổ quân vào Bắc Hàn tháng 11 năm 1950. Trung quốc tuyên bố cuộc tấn có giới hạn và nhắm mục đích chận kế hoạch bành trướng của Việt Nam.
Đặng Tiểu Bình đã đoán đúng. Nga không nhảy vào trận để bênh Việt Nam. Một ngày sau khi chiến tranh bùng nổ Nga tố cáo “Trung quốc phạm tội gây chiến, và nhân dân Việt Nam anh hùng sẽ đánh thắng Trung quốc như đã từng đánh thắng…”, đồng thời cho không vận vũ khí (một cách giới hạn) đến Hà Nội, và gởi hạm đội đến Vịnh Bắc Việt đề phòng quân đội Trung quốc đổ bộ lên vùng Thanh hóa Nghệ An. Nói cách khác, Nga giúp Việt Nam những gì có thể làm nhưng tránh không để bị lôi vào một cuộc chiến tranh quy mô với Trung quốc có thể làm cho Hoa Kỳ phải nhập cuộc. Thái độ của Nga không khác gì 20 năm trước đó Nga đã không tích cực giúp Trung quốc trong vụ khủng hoảng trên eo biển Đài Loan do việc tranh chấp hải đảo Kim Môn Mã Tổ đưa đến việc chạm trán tưởng chừng có chiến tranh giữa Trung quốc và Hoa Kỳ. Như với cuộc chiến biên giới với Ấn Độ năm 1962, Trung quốc dùng chiến thuật biển người đánh ồ ạt trong 29 ngày bất chấp tổn thất rồi rút quân sau khi chiếm giữ những vùng đang tranh chấp và các điểm cao chiến lược tại biên giới.
Sau cuộc tấn công, Hoa Quốc Phong tuyên bố: “Nga chỉ dọa như rộn ràng chuyển quân nơi biên giới, gởi hạm đội đến Biển Đông, nhưng không dám can thiệp. Chúng ta đã có thể “sờ đít cọp”.
Một tháng sau, tiến sĩ Kissinger thăm Bắc Kinh. Giữa Đặng Tiểu Bình và Kissinger có cuộc trao đổi đáng nhớ:
Đặng: Sau khi thăm Hoa Kỳ trở về, chúng tôi đã đánh Việt Nam. Ở quý quốc tôi đã hỏi ý kiến tổng thống Carter. Tổng thống Carter trả lời “nước đôi” nhưng nghiêm túc bằng cách đọc ý kiến của ông đã được ghi sẵn trên giấy. Tôi nói với tổng thống chúng tôi sẽ hành động một mình và nhận trách nhiệm một mình. Nghĩ lại phải chi chúng tôi đánh sâu hơn vào Việt Nam thì tốt hơn.
Kissinger: Có thể là vậy.
Đặng: Quân đội Trung quốc lúc đó có khả năng tiến sâu vào Hà Nội, nhưng chúng tôi không làm.
Kissinger: Nếu làm thì quý vị đã đi quá xa với mục tiêu đã định.
Đặng: Ông nói đúng. Nhưng chúng tôi có thể tiến sâu hơn 30 km nữa. Chúng tôi đã chiếm tất cả các cứ điểm phòng thủ. Con đường tiến vào Hà Nội mở rộng thênh thang.
Dư luận chung trong giới sử gia cho rằng trận đánh của Trung quốc là một thất bại tốn kém vì trong cuộc Cách mạng Văn Hóa quân đội chỉ được học tập chính trị mà thiếu rèn luyện quân sự, vũ khí lỗi thời, tiếp vận yếu kém, chiến thuật cứng nhắc. Quân đội Trung quốc chỉ có thể tiến sâu vào Việt Nam với chiến thuật biển người với một giá rất đắt về nhân mạng. Trong một tháng Trung quốc tổn thất hơn 50.000 binh sĩ, xấp xỉ bằng con số tổn thất của Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 1964 đến 1975.
Tuy nhiên các sử gia đã không đánh giá đúng mức tính toán chiến lược của Trung quốc. Đánh Việt Nam cốt ý của Trung quốc là chận đà bành trướng của Nga trên thế giới.
Về mặt này Trung quốc đạt được kết quả mong muốn. Trận đánh làm cho Trung quốc và Hoa Kỳ dễ bắt tay nhau hơn trong nỗ lực chống Nga. Hai chuyến đi đáng ghi trong sự bắt tay này.
Tháng 8/1979 Phó tổng thống Mondale đi Bắc Kinh bàn thế trận ngăn chận Việt Nam thành lập liên bang Đông Dương. Cái khó của Hoa Kỳ là chính sách này đòi hỏi Hoa Kỳ ủng hộ Polpot trong khi Polpot đang bị thế giới kết tội diệt chủng. Do đó Hoa Kỳ và Trung quốc dàn xếp để Hoa Kỳ giúp các lực lượng Cam Bốt chống Việt Nam qua trung gian Thái Lan và công nhận ghế của chính phủ lưu vong Cam Bốt tại Liên hiệp quốc. Sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown đi Bắc Kinh thảo luận kế hoạch hợp tác quân sự, qua đó Hoa Kỳ chuyển nhượng một số hiểu biết kỹ thuật quân sự (chưa từng nhượng cho Nga) và bán vũ khí cho Trung quốc.
Áp lực của Trung quốc làm cho Việt Nam và Nga tiêu hao năng lực. Việt Nam duy trì một đạo quân 1 triệu người để bảo vệ biên giới và phòng chống một trận đánh thứ hai của Trung quốc làm cho kinh tế Việt Nam suy kém vì thiếu lao động sản xuất. Riêng Nga mỗi năm viện trợ cho Việt Nam gần 1 tỉ mỹ kim nên sức cạn kiệt dần và đó là một trong những nguyên nhân đưa đến sụp đổ sau này. Khi Nga không còn sức viện trợ cho Việt Nam, Việt Nam phải rút quân khỏi Cam Bốt.
Nhìn chung Trung quốc đã thành công ngăn chận Nga và Việt Nam thống trị Đông Nam và kiểm soát eo biển Malacca. Kẻ thua cuộc chính là Nga.
Mực ký Hiệp ước An ninh với Việt Nam chưa khô (mới 1 tháng) nhưng Nga ngồi yên bất động khi Trung quốc đánh Việt Nam là một dấu hiệu suy yếu của Nga. Phải chăng do cảm nhận này, một năm sau Nga quyết định can thiệp vào Afghanistan để lại chuốc lấy thất bại.
Nhìn lại trận chiến tranh Việt Nam lần thứ 3 năm 1979 cũng như việc quyết định đổ quân vào trận chiến Triều tiên năm 1950 Trung quốc đã thành công chiến lược to lớn vì biết lượng định ván cờ thế giới và tính toán khéo léo “lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh” như “Nghệ Thuật Chiến Tranh” của Tôn tử. Trong cả hai cuộc chiến Trung quốc đã chọn đúng thời gian và không gian để nhảy vào cuộc. Lần thứ nhất tại Triều tiên khi quân đội Hoa Kỳ tiến sát biên giới Trung quốc-Triều Tiên; lần thứ hai khi Việt Nam xâm lăng Cam Bốt.
Về cuộc chiến biên giới Hoa-Việt năm 1979, Phó thủ tướng Geng Biao đã tóm tắt với cố vấn an ninh Brzezinki như sau: “Nga giúp Việt Nam là một phần trong sách lược toàn cầu của Nga. Nga và Việt Nam không chỉ nhắm Thái Lan sau Cam Bốt. Mục tiêu nhắm tới còn là Mã Lai Á, Singapore, Indonesia và eo biển Malacca. Nếu Nga-Việt thành công Asean sẽ sụp đổ và con đường biển huyết mạch của Hoa Kỳ và Nhật Bản qua eo biển Malacca sẽ bị nghẽn. Trung quốc đã ngăn chận không cho tình trạng bi đát này xẩy ra. Trung quốc chưa có sức đánh với Nga, nhưng thừa sức đương đầu với Việt Nam”.
Thực tế Trung quốc đã hành đọng và trả một giá vật chất và nhân mạng rất cao. Tuy nhiên Trung quốc đã chứng tỏ cho Hoa Kỳ thấy Nga không mạnh như Hoa Kỳ đã tưởng, và Trung quốc không sợ Nga.
Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore chí lý khi đánh giá cuộc chiến biên giới Việt Nam như sau: “Báo chí Tây phương đánh giá bài học Trung quốc tặng Việt Nam là một thất bại, nhưng theo tôi trận đánh đó đã thay đổi hướng lịch sử của Đông Á.”
Trần Bình Nam lược thuật
June 5, 2011
-------------------------------
Nguyên văn bản Anh Ngữ Chương 13 “On China”:
Kissinger, Henry (2011). On China. The Penguin Press. Kindle Edition.
CHAPTER 13 “Touching the Tiger’s Buttocks”The Third VietnamWar
XEM TẠI ĐÂY : http://nguoivietboston.com/?p=37478
.
.
.
No comments:
Post a Comment