Đỗ Trung Quân
Đăng bởi anhbasam on 18.06.2011
Tôi luôn được an ninh nhắc nhở hãy khuyên can các bạn đừng xuống đường.
Câu trả lời của tôi là “ Không thể ! “
Làm sao tôi với tư cách một người lớn tuổi hơn lại làm điều ấy khi các bạn bày tỏ lòng yêu nước của mình ôn hòa, không bạo lực không manh động. Cản trở các bạn, vậy tôi là ai ?
Khi viết huyết thư cùng hàng ngàn người khác đòi ra mặt trận đánh bọn PolPot tràn sang giết đồng bào mình năm 1978, tôi cũng trạc bằng tuổi các bạn bây giờ. Nay thì trước họa nghìn đời: Trung Nam Hải bá quyền gây hấn đe dọa chủ quyền đất nước. Các bạn cũng thế thôi.
3 năm trước một ông Hiệu trưởng Đại học tại Sài Gòn nói như ra lịnh: “Ở đây, ai không phải sinh viên thì ra về !” Câu trả lời từ một người áo rách, nón sờn: “Thế tôi đạp xích lô thì không yêu nước được à ?“ Anh xích lô trẻ tuổi ấy chắc chắn không bao giờ là người nhảy vào hôi của của một người bị cướp giựt bất thành, khi tiền rơi vãi đầy đường ngày 17-6 vừa qua. Nạn nhân bị “ cướp” đến hai lần bởi thói tham lam, sự vô cảm của chính đồng bào mình.
Buồn không !
Nhưng thôi, hãy trở lại với chuyện của ta.
Hãy nhớ đến những con tàu đánh cá rách nát nằm cô đơn trên những bến của mình. Những con tàu không thể ra biển vì bị tàu Trung Quốc đâm, bắn. Những con tàu ấy còn may mắn trở về được dù không còn có thể ra biển. Biết bao tài sản khác của người ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ, tịch thu.
Những ngư dân Việt Nam, chính họ mới là người giữ biển hàng trăm năm nay. Chính họ hơn ai hết thuộc lòng từng cụm đảo chìm đảo nổi, từ những ngấn thủy triều, từng luồng cá. Sự có mặt của họ đã xác định chủ quyền biển đảo, lãnh hải của đất nước rồi. Nếu vì lẽ nào đó hoặc không còn phương tiện, hoặc bị đe dọa sinh mạng vì những kẻ luôn nhân danh “bạn tốt “, nếu họ không còn ra biển được phải nhường vùng biển sinh sống tự bao đời cho Trung Quốc thì chính chúng ta đang tự để mất dần lãnh hải chủ quyền thiết thực hàng ngày của chính mình.
Xuống đường chống Trung Quốc là chuyện phải phải làm. Nhưng cũng còn những điều thiết thực khác. Hãy chung tay giúp ngư dân mình bám biển. Ngư dân ra khơi được nghĩa là cơm áo vốn đã cơ cực vẫn còn. Nghĩa là bằng cách khác cũng khẳng định biển đảo, chủ quyền của mình còn.
Hãy chú ý đến chương trình này : Xây dựng chương trình Cùng ngư dân bám biển (SGTT).
-
BS ghi chú: Hai căn nhà, cũng đơn sơ, của Nhà thơ bên WordPress và Facebook lần lượt bị cướp, nên mời ổng tạm qua tá túc bên căn lều mới dựng tạm này. Hu hu! Cùng cảnh lang thang cơ nhỡ cả.
Một độc giả phản hồi: “Khuyên nhà thơ “Quê Hương” nói không với việc bày tỏ lòng yêu quê hương mới khôi hài làm sao!” Chợt nhớ tới bài thơ được phổ nhạc đã trở thành bất hủ, đưa vô cho thêm phần cảm xúc, hy vọng những người đưa ra lời khuyên may ra biết rơi lệ:
Quê hương – Thơ : Đỗ Trung Quân - Nhạc : Giáp Văn Thạch
.
.
.
No comments:
Post a Comment