Lê Phước - RFI
Chủ nhật 26 Tháng Sáu 2011
Quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc diễn ra với tốc độ chóng mặt. Xã hội hình như mất định hướng trước những thay đổi quá mau chóng này. Lần đầu tiên, một tờ báo thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc là tờ Hoàn Cầu Thời báo đăng bài phân tích và cảnh báo tình trạng xuống dốc nghiêm trọng của đạo đức xã hội và nạn tham nhũng hối lộ tràn lan.
Trước tiên, tờ báo cảnh báo sự xuống dốc trầm trọng của đạo đức xã hội với nhiều dẫn chứng cụ thể. Từ việc chỉ một va quẹt xe trên đường, người ta cũng có thể đâm nhau đến 8 nhát dao. Một thanh niên Trung Quốc đã đâm chết mẹ mình tại sân bay chỉ vì cãi vã về vấn đề học phí.
Tờ báo cũng nhìn vào lĩnh vực kinh tế với hàng loạt vụ tai tiếng thương mại gần đây. Các nhà kinh doanh Trung Quốc đang nhắm mắt chạy theo lợi nhuận, bất chấp đạo đức, lương tâm của một con người. Nào là việc sữa nhiễm chất gây hại, nào là việc thịt heo chứa nhiều hóa chất, nào là hàng loạt các vụ ngộ độc thực phẩm, nào là nhiều công nhân làm việc như nô lệ trong xã hội văn minh hiện đại.
Nói về tham nhũng, tờ báo cho biết, nạn tham nhũng hối lộ đang hoành hành từ trung ương đến địa phương. Đến mức mà người dân buộc phải cam lòng gánh chịu nếu muốn được việc. Tờ báo ví von : Khi có việc đến cơ quan nhà nước, khi được giải quyết, dù bằng cách nào đi nữa, thì người ta cũng đã lạy cảm tạ trời đất rồi.
Đánh giá về hiện trạng này, tờ báo cho rằng, cái « ranh giới xã hội nội tại », theo đó, một người biết mình được phép và không được phép làm gì, phải tôn trọng người khác thế nào, đang bị lùi dần và chỉ được một bộ phận nhỏ trong xã hội tuân thủ. Những đòi hỏi tối thiểu về mặt đạo đức vì thế cũng ngày càng thấp. Đến mức mà tham nhũng đôi khi cũng được tha thứ. Xã hội bắt đầu mang tâm lí : Khi một công chức thâm lạm của công, nhưng không quá mức, và còn có ý thức biết làm việc để phục vụ lợi ích người dân, thì có thể được thưởng danh hiệu vinh dự « Công chức liêm chính», thậm chí đôi khi còn được quay phim nêu điển hình.
Tờ báo nhấn mạnh, khi xã hội bị thao túng bởi « cái lý của kẻ mạnh », khi ai nấy đều đặt lợi ích vật chất lên hàng đầu, thì mọi chuẩn mực đạo đức đều bị xáo trộn, mọi lĩnh vực đời sống đều bị ảnh hưởng. Tờ báo chỉ rõ sự sa đà đã tiến sâu vào mọi lĩnh vực : thực phẩm, thương mại, thậm chí cả giáo dục và khoa học.
Sự xuống cấp của xã hội Trung Quốc trầm trọng đến mức mà Hoàn Cầu thời báo cho biết, nó đã không còn xa lạ với các hoạt động theo kiểu mafia. Các đại gia có thể loại trừ nhau bằng cách thuê sát thủ. Tờ báo cho biết, trên Internet, chỉ cần gõ chữ « Tìm sát thủ », là lập tức xuất hiện 180 000 câu trả lời. Giới nghiên cứu và báo chí đã cảnh báo về khuynh hướng mafia này của xã hội Trung Quốc.
Tờ báo nhận định : Khi mà chuẩn mực đạo đức bị xem thường, và khi người ta không còn lòng tin vào người khác, thì bạo lực bỗng nhiên trở thành cơ chế chính yếu để đảm bảo sự vận hành của xã hội. Khi công chức chỉ có mục tiêu duy nhất là nhận hối lộ, thì không có gì phải ngạc nhiên khi thấy họ hành xử một cách vô lí, bất chấp luật pháp.
Để cứu vãn đạo đức xã hội, có người đã toan nhờ đến uy tín của đức Khổng Tử. Hồi đầu năm nay, nhiều đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Đông đã đề nghị cho dựng tượng ông ngay trung tâm thành phố Quảng Châu. Họ hy vọng có thể nhờ hình ảnh Khổng Tử nhắc nhở mọi người phải biết tôn trọng và gìn giữ đạo đức.
Thế nhưng, Hoàn Cầu thời báo đặt câu hỏi : Liệu chỉ với tượng Khổng Tử, người ta có thể cứu vãn đạo đức xã hội không ?
Bảy vết tử thương của xã hội Trung Quốc
Liên quan đến vấn đề này, trong bài xã luận của mình, Courrier International nhận định, tình hình rất trầm trọng, do vậy, báo chí Trung Quốc mới được phép nhắc đến. Và đặc biệt hơn nữa, là bài viết nêu trên lại là của tờ Hoàn Cầu Thời báo, một trong những cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Theo Courrier International, trong xã hội Trung Quốc, lạm quyền và tham nhũng đã gây ra nhiều hệ lụy : bất công xã hội, tình trạng vô pháp vô thiên, đàn áp, bắt bớ tùy tiện, trưng dụng đất đai cưỡng bức, môi trường ô nhiễm và sự xuống dốc của các dịch vụ công. Với bảy vết thương này, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự nỗi dậy của người dân và sự sụp đổ của toàn hệ thống.
.
.
.
.
No comments:
Post a Comment