Friday, June 3, 2011

TÀI TỬ KIỀU CHINH - NGƯỜI ĐEM VINH DỰ VỀ CHO TẬP THỂ VIỆT (Du Tử Lê)



Du Tử Lê
Wednesday, June 01, 2011 3:15:19 PM

(tiếp theo và hết)

Tôi vẫn nghĩ, giữa văn chương và nghệ thuật thứ bảy, vốn không có một gắn bó mạnh mẽ. Một bên dùng ký hiệu chữ viết. Một bên dùng ký hiệu hình ảnh.

Vậy mà, từ quá khứ tới hiện tại, không kể dư luận của nhiều tên tuổi thế giới ngoại quốc, chỉ tính riêng trong một Việt Nam máu huyết, Kiều Chinh, người nữ “sứ giả của nghệ thuật và thiện chí” đã nhận được những biểu cảm thân ái.

Kiều Chinh và các con. (Hình: KC)

Từ một người bạn cùng giới, như Lê Quỳnh (3) với ghi nhận đằm thắm sau đây:

“Sau 'Hồi Chuông Thiên Mụ,' tôi và Kiều Chinh còn có dịp cộng tác với nhau trong một số phim khác nữa như 'Từ Saigon Ðến Ðiện Biên Phủ', 'Chờ Sáng', 'Ðôi Mắt Người Xưa'.
“Chúng tôi từng sát cánh đại diện cho VNCH tại các Ðại Hội Ðiện Ảnh Á Châu và Ðại Hội Ðiện Ảnh Quốc Tế tổ chức tại Bá Linh năm 1967.
“Có dịp gần gũi Kiều Chinh trong những chuyến quay phim xa hoặc xuất ngoại như vậy, tôi mới càng hiểu rõ Kiều Chinh hơn. Tôi muốn nói đến Kiều Chinh, con người của điện ảnh, và Kiều Chinh, một mẫu người đàn bà với những đặc tính không thể thiếu vắng trong một gia đình thuần túy Việt Nam. Với điện ảnh, Chinh thật bén nhạy trong diễn xuất, và thông minh qua các cuộc thảo luận về đề tài chuyện phim cũng như trong những lãnh vực khác. Chinh chịu khó đọc sách báo ngoại quốc và tự tìm cho mình một hướng đi khác biệt. Chính vì thế mà sự thành công đã liên tiếp đến với Chinh không những lúc còn ở Việt Nam, mà giờ đây, tại kinh đô điện ảnh Hollywood, Chinh đã tạo được một chỗ đứng vững vàng khiến những danh tài Á Châu khác như France Nguyen, Nancy Kwan v.v... phải nể vì. Với gia đình, Chinh là người đàn bà rất đảm đang, cuộc sống rất mực thước và có thể nói đối với Chinh, gia đình là tất cả...” (Sđd. Tr. 133).

Tới những tên tuổi quen thuộc của 20 năm văn học miền Nam. Thí dụ, Nguyên Sa, thi sĩ hàng đầu của Việt Nam, hiện đại. (4) Sinh thời, tác giả “Áo Lụa Hà Ðông” trong một hình dung “Tuần Lễ Kiều Chinh,” ông viết:

“Trong ngày đầu, khi Kiều Chinh bước lên sân khấu để cảm tạ khán giả, tôi dặn Kiều Chinh mang theo mái tóc của 'Người Tình Không Chân Dung,' mang theo 'Ðôi Mắt Người Xưa,' mang theo cảm xúc của “Hồi Chuông Thiên Mụ,' mang theo can đảm của người phụ nữ lãnh giải thưởng 'Người nữ chiến sĩ 1986' của hội Phụ Nữ gốc Á Châu tại Hoa Kỳ, kiếp sống lưu vong, vừa vật lộn với đời sống, vừa phải tranh thủ với chính mình, cố gắng vượt được chính mình. Tôi rất ân cần dặn dò Kiều Chinh mang theo vóc dáng mảnh mai, mái tóc mềm, đầu nghiêng một bên dưới ánh đèn. Kiều Chinh thu hút kinh khủng. Tôi nhớ hôm đó có Mai Thảo, có Tướng Kỳ, có Du Tử Lê, dĩ nhiên. Kiều Chinh mang đến đột nhiên giọng trầm ấm, Kiều Chinh cô lập thế giới bên ngoài, đẩy tuốt khơi xa, những người, những cảnh, làm hiện ra, bằng giọng đọc phép lạ, thế giới của tiểu thuyết, thế giới của trí tưởng. Kiều Chinh không thể nghi ngờ được, là sự thu hút tuyệt đối. Ngay từ hôm đó, tôi khám phá ra chiếc chìa khóa mở ra được tâm hồn kín bưng và đóng băng của tôi rung lên thiết yếu là âm thanh. Khi bàn tay của âm thanh cầm lấy tay tôi, dắt tôi đi, tôi đương nhiên bước tới, tôi không thể chống cưỡng nổi. Khi Kiều Chinh, ngưng đọc, mỉm cười, làm những cử động điều chỉnh lại mái tóc, tiếng vỗ tay vang lên, tôi phải mất một lúc lâu, thật lâu mới trở lại với buổi họp mặt...” (Sđd. Tr. 136).

Thí dụ, Mai Thảo, (5) con chim đầu đàn một thời tạp chí Sáng Tạo:

“...Nhưng chỉ nói đến Kiều Chinh như một minh tinh màn bạc lẫy lừng, chưa đủ. Giữa hai vai trò, bà còn là một nhân vật phụ nữ lỗi lạc, trong cái ý nghĩa tốt nhất của một phụ nữ Việt Nam dấn thân và tiến bộ trước xã hội và thời đại của mình. Một quan tâm thường xuyên tới mọi vấn đề của phụ nữ. Những hoạt động tích cực không ngừng trong mọi công tác xã hội. Từ những vận động cứu trợ, từ thiện, nhân đạo. Ðến những phong trào đấu tranh cho tự do và nhân quyền trong khuôn khổ cộng đồng tị nạn Việt Nam và cộng đồng thế giới. Ðó còn là Kiều Chinh. Trên phương diện này, bà đã là hội viên của Hội Ðồng Cố Vấn Quốc Gia cho cơ quan Di Trú Liên Bang, Hội Ðồng Cố Vấn Tị Nạn tiểu bang California. Ngoài ra bà còn tham gia nhiều sinh hoạt thuộc Hội Ðồng Thành Phố Los Angeles.”
“Vinh quang tới, xứng đáng và đương nhiên. Hãy chỉ kể một số: Năm 1980, thị trưởng Los Angeles, Tom Bradley, trao tặng Kiều Chinh danh hiệu 'Today's Woman' do Bullock's toàn quốc bầu gồm 36 phụ nữ hoạt động nhất khắp nước Mỹ trong năm này. Với cộng đồng tị nạn Việt Nam trên toàn thế giới, năm 1983-84 là năm tôn vinh Kiều Chinh.Văn nghệ sĩ, báo chí, đồng bào của Kiều Chinh ở California, ở Washington DC., ở Texas, ở Âu Châu đã tổ chức nhiều họp mặt trọng thể để chào mừng Kiều Chinh tới năm 1983 là vừa tròn một sự nghiệp 25 năm điện ảnh. Tháng 5, 1985, bà được hội Phụ Nữ Hoa Kỳ gốc Á Châu -Thái Bình Dương tại Los Angeles (Asian Pacific Women's Network of Los Angeles) tuyên dương cùng nam tài tử Căm Bốt, Dr. Haing S. Ngor.”
“Năm sau, năm 1985, là giải 'Woman Warrior' tuyên dương bà là nữ nhân vật 'Á Châu xuất sắc nhất' trong đại hội mỗi năm của Hội Phụ Nữ Mỹ gốc Á Châu/Thái Bình Dương là hội có đông hội viên Á Châu nhất Hoa Kỳ hiện giờ. Gần đây, nhân ngày lễ tuyên xưng ‘Ngày tị nạn tại Hoa Kỳ’, bà được đề cử là đại biểu danh dự đại diện cho toàn thể các cộng đồng tỵ nạn ở Hoa Kỳ trong hội thảo giữa các cộng đồng này về mọi vấn đề tị nạn của lưỡng viện Quốc Hội và giới chức cao cấp Hoa Kỳ tại Tòa Bạch Ốc, bản tham luận của bà đọc trong phiên họp khai mạc hội thảo về phẩm cách của người tị nạn ở ngoài thế giới đã được tán thưởng và hoan nghênh nhiệt liệt. Và mới đây nhất, ngày 19 tháng 4, 1991, ở dạ tiệc trọng thể được tổ chức ở Montebello, Nam California, một lần nữa người nữ diễn viên lớn nhất của điện ảnh Việt Nam lại được Hội Ðồng Thành Phố Los Angeles cùng với hội những gia đình Mỹ gốc Á Châu tuyên dương là người phụ nữ của những thành tích xuất sắc nhất trong năm...”
“Những vinh hiển vừa kể, như những vì sao lấp lánh của một bầu trời, cùng rực rỡ chiếu sáng trên suốt chiều dài 30 năm điện ảnh Kiều Chinh, ba mươi năm không ngừng, ba mươi năm lừng lẫy. Những vinh hiển ấy, cộng với một phong thái nghệ sĩ thanh lịch và một cách thế ăn ở rất mực đầy đặn và khả ái với tất cả mọi người đã đem lại cho Kiều Chinh một phần thưởng tinh thần nữa, theo ý tôi, còn quý báu hơn cả những giải thưởng và những huy chương. Ðó là lòng yêu mến và quý trọng mà mọi giới và rộng lớn quần chúng yêu thích điện ảnh dành cho Kiều Chinh, một lòng yêu mến và quý trọng thắm thiết, mênh mông, hầu như không một nghệ sĩ nào có được. Như thế, từ ba mươi năm nay. Như thế, từ Hà Nội tới Sài Gòn tới Hollywood...” (Sđd. Tr. 10 & 11).

Và, đây nữa. Hai bài viết của một Du Tử Lê / Hồ Huấn Cao, cũng từ hơn hai chục năm trước:

“...Cùng với tiếng cánh quạt trực thăng vần vũ, thổi rạp ngã những hàng cây. Cùng với dòng suối nước xiết. Cùng với tiếng súng nổ ran. Cùng với tiếng người lính dắt nhau băng ngang một mục tiêu. Cùng với cảnh tượng thân yêu của đất nước, của tổ quốc rất gần mà, cũng rất xa, hàng chữ 'Vietnam-Texas' chạy ngang khung vải. Cùng với tiếng lựu đạn nổ khắp ruộng đồng, cùng với những ngôi nhà mái tranh, vách đất của Việt Nam quê hương yêu dấu bốc cháy. Hàng chữ 'Kieu Chinh' chạy suốt chiều ngang màn ảnh đại vĩ tuyến. Kiều Chinh - Cái tên gọi xác quyết cho một nhan sắc Việt Nam, cho một diễn xuất Việt Nam, bên cạnh những tên tuổi đã thế giới. Khiến xúc động. Khiến rưng rưng làm sao những lồng ngực Việt Nam lưu đầy. Buổi tối Kiều Chinh - Charlie Chaplin Theatre - Vietnam Texas - Tiếng động cơ ầm ầm dưới thấp. Kiều Chinh - Tiếng reo khan lạnh lùng của lửa.”
“Kiều Chinh - Trong hình ảnh tượng trưng thảm kịch Việt Nam và chiến tranh. Thảm kịch người nữ Việt Nam, giữa nghiệt ngã định mệnh một đất nước, bi thương một dân tộc, té xuống. Người đàn bà Việt Nam mang tên Mai Lan trong 'Vietnam Texas,' với tất cả thảm kịch của mình, qua diễn xuất của Kiều Chinh, đã là mạch máu chính, là trái tim, là lõi tủy của cái thème mà, người sản xuất kiêm diễn viên chính Robert Ginty muốn tỏ bày với nhân loại.” (...)
“Là tài tử đã vượt khỏi biên cương một đất nước, là tên tuổi đã vượt khỏi lằn ranh lãnh thổ một quốc gia, nhưng ra khỏi phim trường, ra khỏi ánh sáng chói gắt, Kiều Chinh vẫn là một phụ nữ Việt Nam Ðông Phương, đúng nghĩa...” (Sđd. Tr. 166 ... 167).

Ðể kết thúc bài viết này, tôi xin được dùng lại một ghi nhận cũ, nhưng với tôi, ngày càng thực chứng tính xác định của nó:
“Với tôi, Kiều Chinh là hình ảnh người nữ Việt Nam thế kỷ (thứ 20) còn sót lại.” (Sđd. Tr. 126.)

Du Tử Lê
(Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011, kỳ chót: “Kiều Chinh, phía bên kia vòng nguyệt quế.”)

Chú thích:
(3) Lê Quỳnh, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1934, mất ngày 5 tháng 1 năm 2008, tại Nam California.
(4) Nguyên Sa, tên thật Trần Bích Lan. Ông sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932 tại Hà Nội, mất ngày 18 tháng 4 năm 1998 tại Nam California.
(5) Mai Thảo, tên thật Nguyễn Ðăng Quý. Ông sinh ngày 8 tháng 6 năm 1927 tại Hải Hậu, Nam Ðịnh, mất ngày 10 tháng 1 năm 1998 tại Nam California.


-----------------------------

Du Tử Lê

Ðiện ảnh hay Nghệ Thuật Thứ Bảy vốn là bộ môn non trẻ nhất trong lãnh vực nghệ thuật Việt Nam nói chung, miền Nam 20 năm, nói riêng.

Nữ tài tử Kiều Chinh trong phim “Người tình không chân dung.” (Hình: Kieu Chinh Hanoi-Saigon-Hollywood)
Trong một cuộc phỏng vấn trên hệ thống truyền hình SBTN mới đây, kịch sĩ kiêm tài tử Túy Hồng, người đóng vai Phượng, nhân vật chính trong phim “Nhà tôi” dựa theo một truyện cùng tên của cố nhà văn Duyên Anh, năm 1971, cho biết: Sau khi ráp nối, hãng Lidac đã phải gửi phim sang tận Nhật Bản để làm “hậu kỳ.” (1)

Tiết lộ này cho thấy rõ hơn nữa, tính non trẻ của bộ môn Nghệ Thuật Thứ Bảy của chúng ta, cách đây trên, dưới bốn mươi năm. Mặc dù ở những năm tháng cuối cùng trước khi biến cố 30 tháng 4, 1975 xẩy đến, miền Nam đã có khá nhiều hãng phim ra đời, với những ngân khoản đầu tư rất lớn. Nhưng, những khoản đầu tư này, giới hạn trong lãnh vực xây dựng phim trường, máy móc cần thiết...

Tình trạng chập chững vừa kể, cũng được ghi nhận trong lãnh vực diễn xuất, hiểu theo nghĩa tới thời điểm đó, miền Nam mới chỉ có trường, lớp chuyên môn về kịch nghệ; chứ chưa có trường, lớp đào tạo diễn viên điện ảnh.
Tuy nhiên, bằng tài năng thiên phú, lịch sử của 20 năm điện ảnh miền Nam, cũng đã mang đến cho bộ môn nghệ thuật ấy, những tên tuổi chói sáng. Về phía nữ, chúng ta có những tài tử như Mai Trâm, Kim Vui, Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Thanh Nga (gốc cải lương), Kiều Chinh, Túy Hồng, v.v... Về phía nam, chúng ta có những tài tử như Lê Quỳnh, Minh Ðăng Khánh, Xuân Phát, Ðoàn Châu Mậu, Trần Quang, Hùng Cường (gốc cải lương), Huy Cường, v.v...
Về phía nữ, người gắn bó với Nghệ Thuật Thứ Bảy dài lâu và, nổi bật nhất là, tài tử Kiều Chinh. Như thể bà có được cho riêng mình, đôi hia bảy dặm.

Theo tài liệu ghi lại trong cuốn “Kieu Chinh-Hanoi-Saigon-Hollywood” (KCHSH) (2) thì, Kiều Chinh sinh tại Hà Nội, di cư vào Saigon, 1955. Nhưng nơi bắt đầu sự nghiệp điện ảnh của bà, lại là cố đô Huế, năm 1957. Phim “Hồi Chuông Thiên Mụ,” với nam tài tử Lê Quỳnh. Lê Dân đạo diễn.

Ngay từ xuất hiện đầu tiên, bà đã được mời đóng vai chính. Vai ni cô Như Ngọc. Vai diễn đòi hỏi bà phải xuống tóc. Một hy sinh lớn đối với một thiếu nữ ở tuổi chưa tới đôi mươi. Nhưng, hy sinh cho nghệ thuật của Kiều Chinh, đã được đền bù xứng đáng. Vì, ngay từ lần xuất hiện thứ nhất này, tài diễn xuất của bà đã được công nhận. Dư luận thời đó, nhắc tới bà, như một khám phá quý của nhà sản xuất Bùi Diễm (người sau này là đại sứ cuối cùng của VNCH ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn). Hai năm sau, với dư âm và ấn tượng còn lấp lánh hân hoan trong giới thưởng ngoạn, Kiều Chinh lại được mời đóng vai chính phim “Mưa Rừng,” 1959. Sản phẩm của hãng Alpha Phim. Những tài tử đồng diễn với bà trong phim, có thể kể như Kim Cương, Hoàng Vĩnh Lộc, Ngọc Phu, Xuân Phát...

Với sức đẩy của đôi hia bảy dặm và, nụ cười mau mắn, hiếm thấy của định mệnh, ít năm sau, năm 1964, Kiều Chinh được mời đóng vai chính phim “A Yankee in Vietnam” (tên cũ là “Year the Tiger”). Cùng đóng với bà, là tài tử gạo cội, kiêm đạo diễn Marshall Thompson, Hoa Kỳ. Từ bệ phóng “A Yankee in Vietnam,” tên tuổi Kiều Chinh đã vượt khỏi biên cương một lãnh thổ. Bà trở thành tài tử Việt Nam có đẳng cấp quốc tế, khi còn rất trẻ. “Ấn chứng võ công” ấy, không phải tài tử nào cũng có thể đạt được!

Thực vậy, khi biên cương quốc gia được vượt qua, để trở thành tên tuổi của thế giới, những năm liên tiếp sau đó, Kiều Chinh được mời đóng vai chính trong những phim như “C.I.A Operation” với Burt Reynolds, 1965; “Destination Vietnam,” 1968; “Evil Within” 1972.

Riêng phim “Evil Within” là sản phẩm của hãng 20th Century Fox và Arbee Productions, Kiều Chinh được mời đóng vai công chúa Ấn Ðộ, cùng hai nam tài tử nổi tiếng khác là Rod Perry (Hoa Kỳ) và, Dev Avnal, nam tài tử số một của Ấn Ðộ thời đó.

Ghi lại thời gian đóng phim “Evil Within,” người chấp bút tác phẩm KCHSH viết:

“‘Công chúa Ấn Ðộ’ là thời kỳ huy hoàng nhất trong sự nghiệp Kiều Chinh thời kỳ quê nhà. Suốt thời gian quay phim, người nữ tài tử Việt Nam được mọi đền đài vương giả ở Ấn Ðộ mở cửa, tiệc tùng nghênh tiếp đúng như nghi thức dành cho một công chúa. Phim quay xong, trong một đại lễ có sự tham dự của các quan chức ngoại giao tại Ấn Ðộ, Kiều Chinh được trao tặng tước vị danh dự: Sứ giả nghệ thuật và thiện chí của Việt Nam.
“Thành tích được phúc trình cho chính phủ Saigon. Khi Kiều Chinh về nước, tại Bộ Ngoại Giao, Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm đích thân chào đón, trao tặng vị nữ ‘sứ giả nghệ thuật và thiện chí’ một thông hành ngoại giao. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao thời chiến của VNCH, có việc trao tặng thông hành ngoại giao cho một nghệ sĩ...” (Sđd. Tr. 83).

Giới điện ảnh miền Nam, thậm chí Kiều Chinh cũng không thể biết, nếu biến cố 30 tháng 4, 1975 không xẩy đến thì, đường bay nghệ thuật của bà, sẽ tới những chân trời nào? Khi mà sau hai cuốn phim được thực hiện với các tài tử Thái Lan ở Bangkok, đầu năm 1975 Kiều Chinh lại được mời sang Singapore đóng vai chính trong phim “Full House.” Một phim ca nhạc trẻ trung, sống động. Nhưng:

“Ðiều oái oăm là suốt hai tuần lễ đầu tháng 4, 1975, trong khi diễn một vai trẻ trung, phải hòa mình vào không khí tươi vui trên sân quay, trong các tiệc tùng của giới trẻ ở một thành phố thanh bình, thì từng giờ từng phút lòng dạ (Kiều Chinh) rối bời vì tin Saigon đang hấp hối.
“Ðừng trở về. Sang thẳng Canada với các con. Ðiện tín từ Toronto viết vậy. Ba đứa con vào lúc này đang du học bên Canada. Nhưng chồng, bố chồng, chị Sâm còn kẹt ở Saigon. Làm thế nào có thể không trở về?” Ngày 15 tháng 4 năm 1975, trên chuyến bay trống rỗng từ Singapore, Kiều Chinh một mình trở lại Tân Sơn Nhất. Thông hành ngoại giao bị thu lại. Ba mươi ngàn đô la mang theo về, được lệnh đổi thành tiền Việt Nam. Cả một bao bố...” (Sđd. Tr. 85)

Sự kiện vừa kể, khiến nhiều người nhớ lại rằng, mặc dù thế giới đã mở tung những chân trời huy hoắc, như những mời đón trân trọng dành cho cánh chim quý của Nghệ Thuật Thứ Bảy, mang tên Kiều Chinh; nhưng trái tim, cũng như dòng máu luân lưu trong huyết quản của người nữ diễn viên tài, sắc này, là trái tim thuộc về dân tộc Việt. Dòng máu luân lưu trong huyết quản của bà, là dòng máu thuộc về định mệnh một tổ quốc.

Vì thế, đầu thập niên (19)70, ngay sau khi thành công rực rỡ với phim “Destination Vietnam,” Kiều Chinh thành lập hãng phim Giao Chỉ. Tác phẩm đầu tay của Giao Chỉ Phim là “Người tình không chân dung.” Kiều Chinh đóng vai chính, kiêm giám đốc sản xuất. Người chấp bút tác phẩm KCHSH kể lại một chuyện bên lề, đáng ghi như sau:
“'Người tình không chân dung,' cuốn phim đầu tiên của Giao Chỉ Phim do Kiều Chinh làm giám đốc sản xuất, Hoàng Vĩnh Lộc đạo diễn, với những hình ảnh thật từ các quân y viện, chiến trường... bị chính phủ VNCH cấm chiếu, vì lý do làm giảm tinh thần chiến đấu của binh sĩ.

“Lệnh cấm chiếu được khiếu nại lên đến cấp cao nhất. Một buổi chiếu phim được lệnh tổ chức riêng cho cả một nội các 21 vị cùng xem để quyết định lại. Xong phim, đèn bật sáng, một bộ trưởng khi được hỏi thấy sao, nhún vai 'C'est une sale guerre' (Một cuộc chiến bẩn thỉu). Kiều Chinh từ hàng ghế trước, quay lại, lễ phép hỏi ông ta, bằng tiếng Việt: 'Xin ông bộ trưởng chỉ cho có cuộc chiến tranh nào không bẩn thỉu?' (Cuối cùng,) cuốn phim được quyết định cho phổ biến sau một cuộc bỏ phiếu kín, với 20 phiếu thuận và một phiếu trắng.
“‘Người tình không chân dung’ khi được phép chiếu, đạt số thu kỷ lục: Hơn ba mươi triệu bạc. Toàn bộ số thu ngày đầu tiên, được dành trao tặng tới các thương bệnh binh...” (Sđd. Tr. 73 & 74)

Chỉ tính tới tháng 4, 1975 thôi, tổng số phim Kiều Chinh xuất hiện, thủ vai chính, là 22 cuốn.
Cũng chỉ tính đến thời điểm tháng 4, 1975 thôi, Kiều Chinh đã được trao tặng nhiều giải thưởng lớn, không riêng trong phạm vi miền Nam mà, còn vượt qua biên cương, đi tới thế giới nữa.
Như năm 1969, bà đoạt giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” của VNCH, do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trao tặng. Năm 1971, bà được bình bầu là “Nữ diễn viên điện ảnh được nhiều người ưa chuộng nhất” tại Ðại Hội Ðiện Ảnh Á Châu, tổ chức tại Ðài Bắc. Ở hai năm liên tiếp, 1972, và 1973, bà lần lượt được được trao tặng hai giải thưởng cao quý khác. Ðó là giải “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” và, giải “Nữ tài tử duyên dáng, khả ái nhất.” Cả hai cành nguyệt quế này, đều được ấn chứng tại Ðại Hội Ðiện Ảnh Á Châu.

Gạt bỏ mọi thiên kiến, quan điểm, lập trường, bằng vào tinh thần công bằng tối thiểu, tôi nghĩ, chúng ta không thể phủ nhận, trong lãnh vực điện ảnh, với tài năng thiên phú và tấm lòng ở với đất nước, Kiều Chinh đã nêu cao được ngọn cờ miền Nam VN, tại những quảng trường nghệ thuật thế giới.
Từ đó, chúng ta cũng có thể nói, Kiều Chinh, chính bà, đã mang nhiều hãnh diện về cho Việt Nam giữa thời tối tăm, dập vùi, bi đát nhất.

Du Tử Lê

Còn tiếp :
(Thứ Năm ngày 2 tháng 6, 2011: “Dư luận về người nữ 'Sứ giả nghệ thuật và thiện chí,' Kiều Chinh.”

Chú thích:
(1) Truyện “Nhà tôi” là một hồi ký của cố nhà văn Duyên Anh (1935-1997). Chuyện kể khi mới di cư từ Bắc vào Nam, ông được nhận làm gia sư cho con gái một gia đình giầu có ở Long Xuyên. Mối tình nẩy sinh giữa hai người... Cô học trò đó, là người bạn đời của ông sau này. Vai chính đóng cặp với Túy Hồng trong phim, là tài tử La Thoại Tân.
(2) Ðây là tác phẩm song ngữ Anh-Việt khổ 8''x11'' do nhóm Thân Hữu Kiều Chinh xuất bản tại Hoa Kỳ, 1991.

.
.
.

No comments: