Friday, June 3, 2011

26-6-2011 : NGUYÊN HUY RA MẮT TIỂU THUYẾT "GIÒNG XOÁY" (Người Việt)



Hà Giang/Người Việt
Thursday, June 02, 2011 8:13:41 PM

Những cuộc đời trước và sau 1975

“Nó ngã xuống. Một giòng máu phun lên. Như một ngọn nước nơi công viên. Không ngần ngại nữa, Dũng rút ngay khẩu K-54 bóp liền tay. Bao nhiêu tiếng nổ không biết...

Chuyện dài “Giòng Xoáy” của tác giả Nguyên Huy gồm ba tập. Hai tập đầu là “Giòng Xoáy” và “Bolsa, phố bụi” sẽ được ra mắt vào lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật, 26 tháng 6, tại phòng hội thị xã Westminster. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Người đàn ông mặc chiếc quần kaki và cái áo thun ba lỗ, tóc cắt ngắn, bật bật người lên mấy lần rồi gục xuống như một thân cây vừa bị đốn...”
Thản nhiên nhưng sống động, tàn nhẫn và lạnh lùng, tác giả Nguyên Huy - cũng là một nhà báo tại báo Người Việt - mở đầu cuốn tiểu thuyết “Giòng Xoáy” bằng khung cảnh hoảng loạn của thị trấn Xuân Lộc vào thời điểm 30 tháng 4, trong đó người lính Bắc Việt tên Dũng bắn xối xả vào một người lính VNCH, khi người lính này tìm cách bảo vệ cho người vợ vừa bị đồng đội của Dũng hãm hiếp, ngay trước mắt mình.
Bắn người chồng xong, Dũng cũng không dằn được thú tính trước nhan sắc người phụ nữ xấu số vừa chứng kiến cảnh chồng mình bị giết khi hai tay không một tấc sắt, còn bản thân mình thì bị cưỡng bức lần thứ hai.
Giết người và thỏa mãn thú tính xong, người lính Bắc Việt tên Dũng chợt hốt hoảng nhìn quanh để ngẩn ngơ nhận ra rằng “đoàn quân chiến thắng” đã “hơn một ngày không có gì trong ruột,” vì vừa “thắng trên những thị trấn đổ nát và bỏ trống.”
Trong chương hai của “Giòng Xoáy,” Nguyên Huy đột ngột đưa độc giả rời khỏi Xuân Lộc đến nơi hàng ngàn người dân đang xô đẩy nhau tìm đường ra biển trốn thoát.
Ông viết:
“Lại thêm những tràng súng nổ liên tiếp. Nhưng lúc này thì không còn ai lý tới nữa. Tất cả chỉ còn biết xô nhau về bãi biển Sơn Trà. Những con đường dẫn tới bãi biển như được nêm chặt người, xe cộ không còn nhúc nhích gì được. Dân và lính. Người lớn và trẻ con. Ðàn ông và đàn bà. Ai thấy được đường ra biển, lội xuống được dòng nước, vịn được vào thành con thuyền hay thành tàu hải quân là đạp lên nhau mà đi. Hình như đã có một vài cảnh lính bắn hoảng vì tranh giật mấy chiếc thuyền làm chết người. Ai chết cứ chết. Mọi người còn đang đổ xô đi tìm đường sống. Nỗi hốt hoảng đã cùng cực như cơn thác lũ đổ trong tâm trí mọi người. Chỉ một bất ưng nhỏ, con người cũng trở thành ngay ác thú.”

Và trong khung cảnh tàn bạo này, nhân vật thứ hai, một thiếu úy quân lực VNCH tên Hà xuất hiện:
“Hà cảm thấy mình có thể là con ác thú thật. Con ác thú đang bị dồn đẩy cùng đường. Anh nhìn cây M-16 nơi tay còn nguyên kẹp đạn thép. Anh muốn nổ. Anh muốn nhập vào chiến trận. Nhưng chiến trận ở đâu bây giờ? Ở bốn phía. Ở bốn phía đều có địch. Ðịch đến rất gần. Ðịch có cả chục sư đoàn, có thể hơn thế nữa. Ðịch tiến từ vĩ tuyến 17 qua Ðông Hà, đến Thừa Thiên, vượt Hải Vân, đang tiến vào Ðà Nẵng... Không còn có thể nằm yên đợi lệnh được nữa, Hà vùng chạy ra cửa kho. Hơn 30 người lính của anh vẫn còn đó, súng đạn đầy đủ, sẵn sàng lâm chiến.
Có tiếng nói:
“Thiếu úy ơi, tầu hải quân có đến cũng không chở nổi khí cụ cho mình đâu. Dân và lính hỗn loạn cướp tầu rần rần ở ngoài biển đó.”
Cứ như thế, và chỉ với vài nhân vật chính, độc giả được ngòi bút Nguyên Huy đưa từ cảnh này đến cảnh kia, chứng kiến vòng quay của thời thế hất tung mọi người ra khỏi gốc rễ của đời mình, ném tung họ vào cuồng lũ mà ông gọi là “giòng xoáy.”

Ở đó những kẻ chiến thắng như Dũng ngỡ ngàng thấy cuộc sống của người dân miền Nam không khốn cùng như họ đã được huấn luyện.

Ở đó những người lính VNCH như Hà, binh nghiệp là cuộc đời, trong chốc lát, phải định hướng lại, hoặc tìm đường rút vào rừng tìm đường kháng chiến và đối diện với những khó khăn trùng điệp mới.

Ở đó những thiếu nữ miền Nam như Lan, người yêu Hà bỗng chốc chọn giải pháp sánh vai nhưng tên cán bộ cộng sản vừa xấu vừa già để tìm đường sống bên cạnh cái chết của tâm hồn.

Ở đó những người con gái trẻ mới mười mấy, bỗng chốc mất hết cả gia đình, phải bám víu vào một tình yêu có thể không có thật để níu lấy một chút an bình.

Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng tác phẩm “Giòng Xoáy” có nhiều phần hư cấu. Người khác lại cho đây là một tiểu thuyết dựa trên nhiều sự kiện lịch sử với ghi chép công phu tỉ mỉ của người viết.
Nhưng không ai có thể phủ nhận nó là một cuốn sách cầm lên khó có thể bỏ ngay xuống mà không đọc tiếp thêm một trang nữa, một trang nữa thôi để biết giòng xoáy sẽ lôi cuộc đời những nhân vật trong chuyện đi về đâu.

Ðọc “Giòng Xoáy,” những người đã rời Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 75 có cảm tưởng mình đứng ở trước Dinh Ðộc Lập chứng kiến cảnh quân đội Bắc Việt kéo xe tăng vào húc băng đi cánh cửa.
Ðọc “Giòng Xoáy,” những người kẹt lại sau ngày ngày 30 tháng 4 sẽ phần nào thấy bóng dáng tâm trạng của chính mình hay những người thân quen trong cuộc đổi đời.

Và ngốn xong cuống “Giòng Xoáy,” người ta vui mừng khi đón nhận tập hai của “Giòng Xoáy” để đọc tiếp về cuộc đời của những vật chính trong tác phẩm trong gió bụi của Bolsa, thủ đô của Người Việt tị nạn.

Trước tác phẩm “Giòng Xoáy” người ta biết đến Nguyên Huy như một cây viết quen thuộc của những sinh hoạt cộng đồng. Phải đọc xong “Giòng Xoáy” mới thấy một Nguyên Huy với một bút pháp hoàn toàn khác, và cách dựng chuyện rất dứt khoát, vững vàng.

Xin trang trọng giới thiệu truyện dài “Giòng Xoáy” này của tác giả Nguyên Huy và cầu chúc anh bán được nhiều sách trong ngày ra mắt sách vào lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật, 26 tháng 6, tại phòng hội thành phố Westminster, để anh “còn có tiền tiếp tục làm báo Tạp chí KBC Hải Ngoại” như chính lời anh nói.

Truyện dài “Giòng Xoáy” (tập I) đang được bán tại nhà sách Tự Lực Nam California, Toll Free 1-888-531-2280, điện thoại 714-531-2280.

Ðộc giả cũng có thể liên lạc với tác giả qua điện thoại 714-653-8856, hay email: nghuy9@yahoo.com.
.
.
.

No comments: