Sunday, June 5, 2011

SỰ THẬT ĐÁNG BUỒN VỀ GIÁO DỤC TRUNG QUỐC (Jiang Xueqin, The Diplomat)


The Diplomat   -   Ngày 3-6-2011

Người dịch: Đan Thanh
Đăng bởi anhbasam on 04/06/2011

Tuần tới, học sinh Trung Quốc tham gia kỳ thi tuyển vào đại học. Đấy là cao điểm của sự hủy hoại tâm hồn sau nhiều năm học hành. Mà như thế đã là tốt lắm rồi.

Ngày mồng 7 và mồng 8 tháng 6 là hai ngày mà học sinh cấp ba Trung Quốc (tốt nghiệp lớp 12) phải hướng đến trong suốt 18 năm đầu đời, và cái sự khắc khoải, lo âu và điên khùng sôi sục như sóng ngầm của bất kỳ ai trong các học sinh, các bậc cha mẹ và thầy cô giáo, trong năm qua, bây giờ sẽ đạt tới cao điểm.

Ai ai cũng thống nhất rằng: Kỳ thi tuyển vào đại học trên toàn quốc (gaokao) lấy đi của học sinh Trung Quốc trí tò mò ham hiểu biết, sự sáng tạo và tuổi thơ. Vì thế, khi mà các thí sinh (gaokao student) ôm mớ sách dày cộp và phải uống thuốc thần kinh, nhốt mình trong những khách sạn bốn sao, còn cha mẹ các em vật vờ quanh đó, hưởng những âm thanh ồn ào từ công trường xây dựng và các thực khách huyên náo trong nhà hàng, thì bây giờ là thời điểm thích hợp để suy nghĩ về một giải pháp thay thế cho gaokao.

Trong cuốn sách A Theory of Justice (Một lý thuyết về công bằng), triết gia John Rawls tiến hành một thử nghiệm tư duy, trong đó những con người vốn bị sự kém hiểu biết bao vây được đề nghị thử nghĩ ra một cấu trúc xã hội mới cho mình sinh sống. (Nguyên văn: shrouded under a ‘veil of ignorance’, nghĩa là bị che sau “tấm mạng của sự thiếu hiểu biết”, ở Việt Nam từng có người dịch là “mạng che ngu dốt” – ND). John Rawls cho rằng, do không chắc chắn về số phận của mình trong cái xã hội mới này, nên mọi người sẽ có xu hướng tránh rủi ro, và sẽ đồng ý với một xã hội “cực đại hóa cái tối thiểu”, nghĩa là một xã hội hướng tới công bằng, bình đẳng và lưu động xã hội (social mobility, là một thuật ngữ xã hội học, có nghĩa là sự vận động của cá nhân hay một nhóm người từ vị thế xã hội này sang vị thế xã hội khác, từ giai tầng này sang giai tầng khác – ND).

Vậy chúng ta hay trở lại với khái niệm “lập trường ban đầu” và “mạng che ngu dốt” của John Rawls, ta hãy tập hợp 1,3 tỷ dân Trung Quốc vào một căn phòng hội nghị thật là đẹp, và hãy xem liệu chúng ta có thể cùng ngồi lại với nhau bàn thảo một giải pháp thay thế cho gaokao không.

Do tất cả mọi người trong căn phòng đều mang trong mình những giá trị văn hóa Trung Hoa và sống trong những thực tại không dễ chịu lắm ở nước Trung Hoa hiện đại, nên chắc chắn sẽ có những điều kiện áp chế mà hệ thống giáo dục mới phải tính đến. Thứ nhất là, tất cả người Trung Hoa đều nhất trí rằng hệ thống giáo dục mới mẻ này phải là một cơ chế do những người có tài nắm giữ, và những học sinh sinh viên cần cù nhất, thông minh nhất phải đứng đầu.

Thứ hai là, mọi người Trung Hoa đều nhất trí rằng Trung Quốc chỉ có nguồn lực giáo dục giới hạn cho một số dân quá đông đảo; do đó, nếu Nhà nước nỗ lực giáo dục được tất cả mọi người, như ở Phần Lan, Singapore, thì cũng tốt, nhưng Trung Quốc nghèo quá không làm thế được.

Thứ ba là, Trung Quốc vốn là một xã hội dựa trên các mối quan hệ (guanxi) mà ít chú trọng tới thể chế, trình tự và luật pháp; cho nên bất kỳ hệ thống mới nào mà mọi người đều tán đồng thì đều phải cưỡng lại được sức lôi kéo và quyền lực của những kẻ giàu có và nhiều quan hệ tốt.

Thứ tư là, người Trung Hoa có thể đều nhất trí rằng giáo dục là thành tố hàng đầu tạo ra lưu động xã hội (chứ không phải tạo ra phát triển kinh tế) và tạo cơ hội cho bất cứ người nào sẵn sàng làm việc chăm chỉ để tiến thân trong xã hội.

Xét tất cả những điều trên, bây giờ chúng ta có thể bắt đầu xây dựng một giải pháp thay thế gaokao.
Trước hết là giải pháp thay thế này phải là chỉ dấu khách quan cho thành tích học tập của học sinh. Hội đồng xét tuyển thi đại học, hội đồng phỏng vấn xét tuyển sẽ trở thành thừa thãi bởi vì chúng tạo quá nhiều quyền lực cho các cá nhân và các cơ quan không đáng tin cậy. Không ai còn tán đồng với trò xổ số của trường đại học, nơi các thí sinh tài giỏi lại chỉ được chọn vào một trường nào đấy một cách ngẫu nhiên. Và công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng chưa đủ tiến bộ tới tầm mà máy tính có thể thay thế cho các quan chức xét tuyển thi đại học. Do đó, giải pháp thay thế duy nhất có vẻ sẽ là một loạt các bài kiểm tra (test).

Nhưng ngay cả khi sử dụng test, chúng ta cũng cần xét xem chúng ta muốn test cái gì. Nếu ta muốn kiểm tra năng lực viết và tư duy, thì khi đó các bài test sẽ tự động thiên vị những đứa trẻ có cha mẹ học vấn cao, và ngay từ khi chúng còn bé, cha mẹ chúng đã thảo luận bên bàn ăn tối về sách vở, thời cuộc, kế hoạch đi du lịch với con cái. Hơn thế nữa, dạy tư duy và dạy viết (hoặc bất kỳ kỹ năng mềm nào, như là khả năng sáng tạo và hợp tác) đều đòi hỏi các thầy cô giáo có chuyên môn rất sâu và cực kỳ chuyên nghiệp – những người này, một cách tự nhiên, sẽ tập hợp về đầu quân cho các trường tư nhiều tiền hoặc các trường công có uy tín ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Và nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ giống như Mỹ, nơi giáo dục là độc quyền của một tầng lớp tinh hoa, có học vấn, tư lợi và tồn tại tự nó, còn lưu động xã hội sẽ là giấc mơ xa xôi đối với tất cả những người khác.

Mà Trung Hoa có tới 800 triệu nông dân, những người trông cậy vào học vấn như đó là cơ hội duy nhất cho con cái họ thoát khỏi ruộng đồng. Trẻ nông thôn không có điều kiện lên thư viện, được học các thầy cô giáo giỏi, và không có môi trường học tập của những thành phố giàu có. Tất cả những gì các em có là quyết tâm học thật siêng để tự cải thiện tình hình của mình. Nếu người Trung Hoa tin vào lẽ công bằng và lưu động xã hội, thì các bài test sẽ phải thiên về kiểm tra năng lực ghi nhớ những cuốn sách giáo khoa mà học sinh từng được đọc, thay vì kiểm tra khả năng tư duy phản biện vốn là kết quả của một quá trình tận dụng tốt nhất những nguồn lực đặc biệt chỉ dành cho tầng lớp tinh hoa trong xã hội.

Do đó, nếu chúng ta bắt đầu từ vạch xuất phát mà cố xây dựng một giải pháp thay thế cho gaokao, thì cuối cùng chúng ta sẽ kết thúc lại bằng… gaokao, như là giải pháp duy nhất có thể làm được. Có một điều nhiều người hay quên: rằng trong tình cảnh xã hội thiếu niềm tin vào nhau và vào các thể chế, trong tình cảnh nghèo đói đến bức bách của nhiều Trung Quốc, trong tình cảnh bất bình đẳng xã hội và tham nhũng trở thành dịch bệnh, thì gaokao, dù thế nào chăng nữa, vẫn là con đường công bằng nhất và nhân văn nhất để phân phối những nguồn lực giáo dục khan hiếm của Trung Quốc.

Tuy nhiên, hình ảnh những đứa trẻ học thuộc lòng và nhai lại kiến thức suốt 18 năm trời có thể làm ta chán nản. Cận thị, gù lưng lệch vai, mất khả năng tưởng tượng, mất tính độc lập và sáng kiến, sẽ ám ảnh chúng đến hết cuộc đời. Nhưng ta phải nhớ rằng rất nhiều trong số những đứa trẻ ấy và gia đình của chúng vẫn thấy mình còn may mắn chán khi vẫn còn được mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: