Monday, June 13, 2011

QUYỀN LỰC & QUYỀN LỰC TỪ THẾ GIỚI MẠNG (Trần Minh Khôi)



Trần Minh Khôi

Thứ Hai, 13/06/2011

Hai mươi năm sau, hoặc lâu hơn nữa, nếu có ai hỏi bạn đang ở đâu, làm gì buổi sáng ngày 5 tháng 6 năm 2011, có lẽ nhiều người trong chúng ta vẫn có thể trả lời…
Cùng với ngày sinh nhật của mình, của người thân, ngày giỗ ông bà, ngày tốt nghiệp, ngày 5/6/2011 sẽ mãi mãi ở lại trong ký ức, và ký ức tập thể, của chúng ta, như một dấu ấn lịch sử. Ngày đó, một thế hệ mới đã xuống đường để bày tỏ tình yêu của họ với quê hương, để khẳng định quyền lực và trách nhiệm của họ đối với đất nước.
Và họ đã làm điều đó bằng tất cả sự trưởng thành của nhân cách và ý thức chính trị. Chúng ta tự hào về họ. Chúng ta có lý do để vui mừng và hy vọng. Những người cầm quyền, và những thế hệ đi trước, chắc hẳn phải ngạc nhiên về sự trưởng thành của họ. Họ không có tổ chức, họ chưa bao giờ thật sự có quyền và cơ hội được tham gia sinh hoạt chính trị, chưa bao giờ được thực tập xuống đường biểu tình. Thế mà khi phải làm những điều đó thì họ đã làm một cách chuyên nghiệp. Họ đã xuống đường như những người đã từng xuống đường. Thế hệ của những Huỳnh Tấn Mẫm, của Lê Hiếu Đằng – cũng có mặt sáng hôm nay để ủng hộ họ - chắc chắn cũng phải ngả mũ trước họ.
Cuộc xuống đường của họ đã xóa tan tất cả những nghi ngờ, nếu còn có ai nghi ngờ, về quyền lực đến từ thế giới mạng. Một cách đơn giản, không có thế giới mạng thì đã không có cuộc xuống đường ngoạn mục này. Thế giới mạng đã đem lại cho thế hệ này những gì họ không thể có được trong đời sống thực; một không gian đủ bao dung để kết nối, đủ dày để học hỏi, và học hỏi cách xuống đường biểu tình, đủ sâu để chiêm nghiệm, để nuôi dưỡng tình yêu và ý chí, đủ rộng để trưởng thành, và đủ thực để nối họ lại với đời sống thực, nơi mà sự kiện chính trị xã hội càng lúc càng trở trên thiết thân đối với họ. Thế giới mạng là một phần không tách rời của thế giới mà họ đang sống. Quyền lực có từ thế giới mạng là một phần không tách rời của quyền lực họ đang thực thi.


Một thế hệ mới đã xuống đường! (Nguồn ảnh: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=220684594616051&set=a.220649787952865.63760.100000235375840&type=1&theater)

Trong những xã hội toàn trị, xuống đường biểu tình tự phát là điều khó có thể xảy ra và chưa bao giờ xảy ra. Từ kinh nghiệm biểu tình chống Liên Xô ở Hungary và Ba Lan thời cộng sản, hoặc biểu tình chống Nhật ở các thành phố lớn Trung Quốc trong thập niên vừa qua, những cuộc biểu tình nhằm thể hiện lòng yêu nước và ý chí quốc gia đều có sự bảo trợ của chính quyền. Chính quyền cần những cuộc biểu tình như thế để giải quyết cùng lúc hai vấn đề: giảm sức ép chính trị từ phía người dân ở các thành phố lớn (vì những lý do kinh tế xã hội khác) và chính yếu là để tạo thế dựa chính trị cho những cố gắng ngoại giao hoặc chống lại sức ép từ bên ngoài. Nhưng các chính quyền toàn trị cũng sẽ sẳn sàng thẳng tay đàn áp những cuộc biểu tình này nếu chúng vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của họ. Và họ đã từng hành xử như thế.
Chúng ta không ngây thơ để nghĩ rằng cuộc xuống đường hôm nay là một phong trào tự phát. Hành xử của chính quyền, như một bản sao của những kinh nghiệm trước đó, từ việc cô lập những gương mặt có khả năng đưa cuộc biểu tình ra ngoài tầm kiểm soát của họ, đến sự có mặt của lực lượng cảnh sát giúp giữ gìn trật tự, những tiếng nói “hòa giải” xuất hiện đúng lúc để hạ nhiệt, đến các bản tin của báo chí sau đó nhằm giải uy cuộc biểu tình - chính quyền muốn tạo tiếng vang ở nước ngoài nhưng không muốn người dân trong nước biết quá nhiều - với đông đảo người dân ở các thành phố nhỏ và nông thôn, những nơi không có phương tiện tiếp cận với thế giới mạng, và ngay cả trong phát biểu ghi nhận sự kiện biểu tình cùng ngày của tướng Nguyễn Chí Vịnh ở Diễn đàn An ninh Khu vực Singapore, cho thấy đây là một cuộc xuống đường biểu tình có kiểm soát và tính toán trước. Trên phương diện chính trị và quan hệ quốc tế, chính quyền đã làm, và làm thành công, một điều rất đáng khen ngợi. Họ không thể viết và thực hiện một kịch bản hoàn hảo hơn như thế. Nhưng yếu tố quyết định của thành công trong cuộc xuống đường biểu tình hôm nay vẫn là ở sự trưởng thành về chính trị của một thế hệ Việt Nam mới. Thế hệ này đã nắm lấy một cơ hội hiếm hoi để biểu thị lòng yêu nước và khẳng định quyền lực chính trị của họ. Và họ đã làm điều này một cách rất đáng ngưỡng mộ.
Quyền lực này đến và ở lại. Từ này không ai có thể coi thường họ nữa. Vấn đề còn lại là chính quyền sẽ phải làm gì trước một lực lượng chính trị đã định hình và trưởng thành như thế. Điều chắc chắn là chính quyền sẽ không thể lờ họ đi được nữa. Họ đã xuống đường một lần, họ sẽ xuống đường lần nữa khi cần thiết.
Với điều đó, chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai của quốc gia.
_____________________________

Phần II: Chúng ta phải thắng cuộc chiến này trên không gian truyền thông mạng

"Để tránh phải lên đường, chúng ta hãy xuống đường!" - Mít Tờ Đỗ

Trước khi tiếng súng nổ trên Biển Đông, một cuộc chiến khác đã và đang xảy ra trên không gian truyền thông mạng. Hình ảnh cuộc biểu tình 5/6 xuất hiện trên các trang web của New York Times, Reuters, BBC, Bloomberg,… như là những ghi nhận quốc tế về ý chí phản kháng của Việt Nam chống lại thái độ gây hấn của Trung Quốc. Ngược lại, phía Trung Quốc, trên các trang mạng của họ cũng đang có một cố gắng vận động biểu tình nhằm đánh trả cuộc biểu tình vừa qua của chúng ta. Hình ảnh các cuộc biểu tình này cũng sẽ tràn ngập không gian mạng. Đây là một cuộc chiến của ý chí. Một thái độ không khuất phục trong trận chiến này sẽ làm kẻ thù của chúng ta đắn đo hơn trong những toan tính của họ. Để tránh chiến tranh chúng ta phải chứng tỏ ý chí sẳn sàng bước vào cuộc chiến này.

Hình ảnh biểu tình 5/6 trên trang web Aljazeera

Hình ảnh biểu tình 5/6 trên trang web New York Times

Lãnh đạo Trung Quốc không muốn chiến tranh ngay lúc này, khi mà nền kinh tế của họ còn phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu. Một áp lực nào đó từ các thị trường Âu Mỹ làm ngưng trệ nền kinh tế xuất khẩu này có thể gây ra những bất ổn mà lãnh đạo Trung Quốc không thể quán xuyến nổi. Trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây hấn, tiếp tục sách nhiễu, tiếp tục khiêu khích, thậm chí có khả năng họ sẽ dàn dựng một cuộc đụng độ quân sự có kiểm soát trong phạm vị nhỏ để uy hiếp và để chứng tỏ sức mạnh quân sự của họ, nhưng họ không dám thực hiện một cuộc chiến tranh trên biển ở một phạm vi lớn. Về phương diện quân sự, phải mất ít nhất một thập niên, hay lâu hơn nữa, thì hải quân Trung Quốc, và tầu sân bay của họ, mới có khả năng phối hợp tác chiến hữu hiệu trên một không gian rộng lớn của Biển Đông. Mặt khác, cái viễn cảnh những chiếc tàu hàng của Hanjin, và của tất cả những hãng tàu hàng Trung Quốc khác, hoặc phải đi vòng ra Thái Bình Dương hoặc phải đổi cờ mỗi khi đi qua Biển Đông để tránh những cuộc tấn công của du kích biển Việt Nam hẳn là cơn ác mộng đối với những người lãnh đạo Trung Quốc. Một đám hải tặc du thực Somalia đã có thể làm cho các thế lực hải quân hùng hậu của thế giới ăn ngủ không yên. Lực lượng hải quân Việt Nam, dù chưa đủ mạnh để đối đầu với Trung Quốc trong một cuộc chiến quy ước trên biển, có thừa khả năng để dậy sóng Biển Đông. Lãnh đạo Trung Quốc hiểu điều đó. Họ phải mất rất nhiều, thậm chí quyền cai trị của họ sẽ bị đe dọa, nếu một cuộc chiến tranh Biển Đông toàn diện xảy ra trong lúc này.
Trong thập niên tới, Trung Quốc vẫn chưa đủ mạnh để có thể đơn phương áp đặt quyền lực quân sự của nó trên Biển Đông. Trung Quốc sẽ tiếp tục trò chơi ngoại giao để mua thời gian cho đến khi nền kinh tế nội địa của họ đũ mạnh. Chúng ta sẽ rất ngây thơ nếu nghĩ rằng ngoại giao sẽ là con đường khả thi để giải quyết vấn đề Biển Đông. Ngoại giao là trò chơi của kẻ mạnh. Yếu thì chỉ có van xin chứ không có ngoại giao. Cho đến khi chúng ta đủ mạnh, ngoại giao chỉ giúp chúng ta mua thời gian để chuẩn bị chiến tranh chứ không thể là giải pháp. Để có thể dàn xếp vấn đề Biển Đông bằng ngoại giao, chúng ta, hoặc đơn phương hoặc là một bộ phận của Đông Nam Á, phải được nhìn nhận là một thế lực mạnh. Cố gắng đó bắt đầu với ý chí sẳn sàng chiến tranh khi bị đe dọa.
Trong thế giới chúng ta đang sống, ý chí đó có thể được thể hiện trên không gian mạng. Nếu chúng ta bị lấn ép trên thế giới mạng, chúng ta sẽ bị lấn ép. Nếu chúng ta bị coi là đã khuất phục trên thế giới mạng, chúng ta sẽ bị coi là khuất phục. Nếu chúng ta không thể hiện ý chí trên thế giới mạng, chúng ta sẽ thua về ý chí. Nếu chúng ta không xây dựng được quyền lực của chúng ta trên thế giới mạng, chúng ta sẽ không có quyền lực. Thế giới mạng là một phần của thế giới chúng ta đang sống. Sự hiện hữu của chúng ta trên thế giới mạng là một phần của sự hiện hữu của chúng ta.
Chúng ta phải thắng cuộc chiến này trên không gian truyền thông mạng. Để thắng, chúng ta sẽ phải tiếp tục xuống đường.

.
.
.

No comments: