Ts. Nguyễn Đình Thắng
Wednesday, June 22 @ 00:50:30 EDT
Ngày 2 tháng 7 tới đây, khoảng hai trăm người với sở nguyện thăng tiến cộng đồng sẽ tề tựu về Hoa Thịnh Đốn để tham dự Hội Nghị Toàn Quốc Những Lãnh Đạo Mỹ Gốc Việt. Một trong những trọng tâm của hội nghị là tìm kế sách để định chế hoá các sinh hoạt trong cộng đồng, làm nền tảng cho sự phát triển và trường tồn. Định chế hoá là yếu tố thiết yếu thứ hai, sau yếu tố nhân sự lãnh đạo.
Công cuộc định chế hoá này đòi hỏi sự chuyển đổi triệt để về tư duy: từ sống ngày qua ngày sang tích luỹ để đầu tư phát triển và trường tồn. Đó là sự khác biệt giữa một đằng là có bao nhiêu thóc giống đổ ra ăn hết và đằng kia là sau mỗi vụ mùa thì gom thêm thóc giống để gia tăng canh tác trong vụ mùa sau.
Sau 36 năm, tập thể người Việt tị nạn đã thành đạt trong nhiều lãnh vực nhưng vẫn còn kém phát triển về các định chế quần chúng. Hiểu một cách giản đơn thì định chế là một tổ chức có quy củ để tự tồn dài lâu qua nhiều thế hệ. Một tổ chức như vậy phải có chương trình hoạt động ngắn hạn và kế sách dài hạn, có cơ cấu quản trị và điều hành với tính liên tục, có nhân viên toàn thời để duy trì và phát triển tổ chức, có quy tắc hoạt động, có ngân sách và cơ sở, v.v. Cộng đồng chúng ta có rất ít những tổ chức được định chế hoá như vậy.
Cuộc nghiên cứu của Cô Jennifer Huỳnh, sinh viên tiến sĩ ngành xã hội học tại Đại Học Princeton, minh chứng điều này. Trong số 632 tổ chức Cô Jennifer phỏng vấn, ¾ không có nhân viên, chỉ có khoảng 11% có ngân sách trên $60,000 một năm. Theo con số của Trung Tâm Tác Vụ Đông Nam Á (SEARAC), năm 2004 chỉ có hai tổ chức người Việt với ngân sách trên 2 triệu Mỹ kim và 4 tổ chức từ 1 đến 2 triệu Mỹ kim. Cũng theo con số của tổ chức này, người Cambốt, Lào và Hmong có nhiều tổ chức hơn và những tổ chức của họ có quy mô lớn hơn các tổ chức người Việt.
Hãy tưởng tượng một tiệm ăn mới mở, cả nhà lớn bé phải quần quật thay nhau người làm bếp, người hầu bàn, người rửa dọn. Điều ấy có thể hiểu được. Và hãy tưởng tượng 20 năm sau, cũng những người trong gia đình thay nhau làm công việc như xưa, dù có người đã lọm khọm. Tiệm ăn ấy sẽ co cụm dần cho đến ngày đóng cửa. Các hội đoàn trong cộng đồng chúng ta phần lớn ở trong tình trạng như vậy đó.
Nhưng có một sự khác nhau. Mục đích của cửa tiệm ăn là nuôi sống gia đình. Nếu như gia đình thấy là đủ sống dù có ọp ẹp thì vẫn đạt được mục đích của nó. Đằng này, một tập thể có những nhu cầu vượt ra ngoài phạm vi cá nhân hay gia đình, nên phải có những tổ chức để huy động được tài nguyên nhằm đối phó với các nhu cầu ấy. Những tổ chức ấy phải có khả năng phát triển vì nhu cầu thường lớn và ngày càng nẩy nở thêm ra. Những tổ chức ấy lại phải có khả năng trường tồn vì nhu cầu xã hội thường phải mất nhiều thế hệ mới giải quyết xong. Chính bởi vậy, mỗi cộng đồng đều phải có những tổ chức có định chế thì cộng đồng ấy mới vượt qua sự yếu kém để rồi thăng tiến dài lâu.
Trong nhiều năm qua, nhiều hội đoàn Việt hỏi tôi làm sao xin cấp khoản để tài trợ cho các hoạt động. Tôi chỉ họ cách thức, nhưng nhấn mạnh rằng trước hết phải có người lãnh đạo có khả năng và rồi phải định chế hoá tổ chức. Những nơi cấp ngân khoản chỉ đầu tư vào những tổ chức nào có khả năng trường tồn và phát triển dài lâu -- họ “chọn mặt gởi vàng”.
Để hướng dẫn một cách cụ thể cho những ai quan tâm, ban tổ chức hội nghị sắp tới đây đã mời nhiều chuyên gia thuyết trình về đạo tạo lãnh đạo và định chế hoá tổ chức, song song với các diễn giả nói về cách xin ngân khoản, cách gây quỹ. Tôi hy vọng, sau hội nghị, hai trăm người tham dự sẽ là những hạt mầm cho sự thăng tiến đồng loạt trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Để ghi danh, xin vào trang mạng: http://vasummit2011.org
.
.
.
No comments:
Post a Comment