Quỳnh Giao
Wednesday, June 22, 2011 7:03:38 PM
Cách đây vài tuần người viết đi nghe một buổi hòa nhạc lý thú và nhiều ngạc nhiên.
Theo thói quen từ ngày học trường nhạc, đi nghe nhạc thì cứ chọn chỗ xa sân khấu vì vừa túi tiền mà nghe lại thấy hay nhờ âm thanh khoảng khoát. Ngồi gần cuối rạp thì nghe rất vừa phải, không mỏi cổ vì ngửa đầu mà lại nhìn được toàn diện sân khấu. Nếu ngồi quá gần thì chỉ thấy chân và giầy của nhạc trưởng và nhạc công. Ðó là sân khấu ngày xưa...
Ngày nay sâu khấu mới có những hàng ghế vừa rẻ vừa nhìn rõ mà giá vé lại khiêm nhường.
Quỳnh Giao thường chọn hạng vé này để thưởng thức trọn vẹn chương trình từ một góc lạ. Ðó là ngồi trên lầu nhưng không là “poulailler” như chuồng gà theo lối gọi của Tây thời xưa, mà là... đàng sau ban nhạc. Tức là đối diện với nhạc trưởng và là vị trí của dàn ca sĩ xướng âm! Ngồi đó thì thấy từ rất gần cả vẻ mặt lẫn đôi tay của dương cầm thủ trong lúc độc tấu. Ngồi đó còn được xem cách đánh nhịp của nhạc trưởng. Chứ trên hàng ghế bình thường ở đằng trước thì chỉ thấy lưng ông ta.
Lối kiến trúc và cách bán vé của một nhạc viện Mỹ thật là ly kỳ. Họ chẳng để thừa một không gian nào mà hàng ghế phía sau dàn nhạc còn cho khán giả thấy được vẻ say sưa của nhạc trưởng khi tấu lên một hành âm tình tứ hay vẻ trầm tư ở đoạn Adagio. Thích nhất là những đoạn fortissimo khi cặp mắt rực lửa của nhạc trưởng làm rung chuyển sân khấu và tâm tư người nghe.
Hôm đó chương trình dành cho ba nhạc sĩ độc đáo, một Tiệp hai Nga. Ðó là Bohuslav Martinu (1890-1959) người Tiệp, còn Sergei Rachmaninoff (1873-1943) và Dmitri Shostakovich (1906-1975) thì khỏi cần giới thiệu vì là tên những tuổi của nhạc Nga thời hiện đại.
Ðiểm thú vị khác là tinh thần phản kháng trong hai nhạc khúc không lời của Martinu và Shostakovich, nhưng Quỳnh Giao đặc biệt thích “Rhapsody on a Theme of Paganini” của Rachmaninoff.
Tối hôm đó, cả nhà đến trước giờ trình diễn một tiếng đồng hồ để nghe nhà phê bình âm nhạc Alan Chapman diễn giải về những gì sẽ trình tấu. Dù biết sáng tác nguyên thủy của Nicolo Paganini viết cho violon đã gợi hứng cho nhiều nhạc sĩ, nhưng biến tấu của Rachmaninoff mới là sao Bắc Ðẩu.
Lý thú là khi Alan Chapman giới thiệu rằng đoạn nhạc lai láng tình cảm và trở thành giai điệu được yêu thích nhất của Rachmaninoff được ông ta viết bằng cách lật ngược tờ nhạc.
Thí dụ như: Fa La Sol Fa Do trở thành Do La Si Do Fa...
Bất ngờ thứ hai khi mua vé là để nghe một danh cầm trẻ là cô Yuja Wang, mới 24 tuổi mà đã được thế giới công nhận tài năng hiếm của Trung Quốc. Khi cô trình tấu tại Kennedy Center năm ngoái, tờ Washington Post tường thuật rằng cô làm khán giả há hốc mồm, nguyên văn là “Jaw-dropping”! Ðến nơi mới được Alan Chapman thông báo là có thay đổi giờ chót.
Thay vì Yuja Wang sẽ là một cậu bé 16 tuổi chưa thành danh. Conrad Tao sẽ trình diễn thay. Sinh tại Hoa Kỳ từ một gia đình gốc Hoa, cậu bé còn đang học trường Julliard. Nhưng Chapman nói tiếp: có những người thay thế mà thành nổi tiếng như cồn.
Như mùa Thu năm 1943, đang là phụ tá nhạc trưởng cho New York Philharmonic Orchestra, Leonard Bernstein trẻ măng được thay nhạc trưởng lừng danh Bruno Walter bị cúm bất ngờ. Chưa kịp tập dượt gì, Berstein cầm đũa lên sân khấu và lập tức vang lừng. Một trường hợp hy hữu khác là dương cầm thủ André Watts năm 1963. Chính nhạc trưởng Leonard Bernstein yêu cầu ông đàn thế cho danh thủ Glenn Gould bị bệnh giờ chót. Với cầm tấu khúc rất khó của Liszt là bài Concerto cung Mi giáng trưởng, André Watts chinh phục không gian và được khán giả lẫn các nhạc công đứng lên vỗ tay (standing ovation).
Tối hôm đó, nhạc trưởng Carl St. Clair của Pacific Symphony điều khiển rất linh động với dáng nhanh nhẹn trẻ trung dưới mái tóc bạch kim. Còn cậu bé Conrad Tao ăn mặc classic với bộ vest đen chứ không như Lang Lang trong quốc phục Trung Hoa, hay Joshua Bell với quần Jean áo chemise bỏ ngoài. Conrad Tao chinh phục khán giả ngay từ phút đầu với kỹ thuật thượng thừa. Bàn tay cậu bé đan lượn trên phím đàn như cánh bướm. Tiếng đàn chắc nịch mà trong trẻo, câu cú hẳn hoi. Nghe như tiếng dương cầm và dàn nhạc trò chuyện với nhau.
Một câu đối một câu đáp, thú vị chừng nào! Ngồi từ cao nhìn xuống cách có chục thước, thấy đôi lần cậu đưa mắt ra hiệu cho nhạc trưởng và từ tốn múa tay trên phím đàn. Tiếng đàn reo như pha lê, hòa với tiếng áo oboe hờ hững quạnh hiu thật cảm động.
Qua đến đoạn Adagio tha thiết thì giai điệu của Rachmaninoff như có ma lực thu hút hồn người. Người đàn trầm ngâm thả từng nốt nhạc, và người nghe thấy lòng mình thổn thức. Khó ai tin một cậu bé mới 16 tuổi mà lai láng tình cảm như vậy. Rồi tình cảm cứ thế dào dạt đến cuối, khi mềm mỏng, khi vũ bão và kết thúc như cú shock vào tim. Khán giả bật dậy vỗ tay với những tiếng bravo vang dội. Nhạc trưởng và Conrad Tao ra chào bốn lần.
Sau cùng thì chú Conrad đáp lễ bằng các độc tấu hai bài nổi tiếng là khó về kỹ thuật của Liszt.
Khi nghỉ giải lao, người em rể thắc mắc hỏi vì sao mới 16 tuổi mà đã đủ tình cảm và hiểu được nỗi đau để đàn như vậy? Câu trả lời của cô giáo dạy đàn là trẻ con cũng có tình cảm chứ. Khi còn nhỏ, ta có biết vui buồn giận hờn không? Có biết thương ai, ghét ai chưa? Mới choai choai mà thấy con gái đẹp cùng trường thì trống ngực có đánh không? Nếu trả lời là không thì ta có vấn đề rồi đấy!
Hơn nữa, khi dạy đàn, thầy phải giảng cho nhạc sinh từng câu nhạc trong bài. Có khi còn phải “hát” lên câu đó!
Chả thế mà lúc mới đến Mỹ và dạy piano mà phải đọc nốt theo kiểu ABCDEFG, Quỳnh Giao thấy... mất hứng. Vì không hát được. Chứ khi đọc nốt theo Do-Ré-Mi-Fa-Sol-La-Si thì dễ xướng âm, nhất là hát những đoạn Vivace, cực nhanh!
Xưa nay người viết ít thích nhạc cận đại hay đương đại. Cứ nghe các tác giả như Stravingsky hay Shostakovich là chỉ nửa bài đã thấy mệt. Nhưng quan niệm đó thay đổi khi nghe bản Symphony số 5 của Shostakovich do nhạc trưởng St. Clair điều khiển. Người nhạc trưởng từ tốn dẫn giải từ hành âm thứ nhất đến các hành âm sau, kể cả lý do khiến chế độ Cộng sản Nga rất ghét tác giả. Vì là nhạc khúc không lời mà ngợi ca tự do và chống lại cường quyền!
Rồi khán giả thích thú nhìn và nghe cách ông hướng dẫn từng nhạc cụ, khi thì dàn đồng, lúc thì dàn giây, qua những biến chuyển của từng giai điệu, khi dâng tràn, khi lắng đọng. Từ hàng ghế áp lưng vào đàn organ, mình được thấy dàn trống chuẩn bị ra quân rất hồi hộp. Bản nhạc dứt, tim mình cũng rộn ràng như tiếng trống, khán giả bật dậy vỗ tay không ngừng. Ôi phút vinh quang của người nghệ sĩ sau bao ngày giờ tập luyện khó khăn.
Người viết vừa vỗ tay vừa cảm thấy hạnh phúc quá đỗi vì được hưởng một thời khắc đẹp đẽ...
.
.
.
No comments:
Post a Comment