PV Quốc Doanh
2/06/2011
Hôm nay 31/5, đọc báo Tiền Phong thấy hơn 2 trang viết về ngư dân nước ta kiên cường đi đánh cá ở biển Đông, vừa mừng vừa lo. Mừng vì ngư dân ta dũng cảm bám biển để giữ nước. Lo vì chỉ mới thấy ngư dân.
Xin trích những đoạn trong báo Tiền Phong.
Ngang nhiên
Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt hồi năm 2009. Source lysonforum
“Theo thống kê của BĐBP Quảng Ngãi, tính riêng trong năm 2009, phía Trung Quốc đã kiểm tra và bắt giữ 41 tàu cá, 498 ngư dân, tịch thu nhiều tài sản, xử phạt 360.000 nhân dân tệ đối với 6 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi. Ngày 29-9-2009, các tàu chiến của Trung Quốc bất chợt ùa ra quây chặt các ngư dân. Không thuyền nào chạy thoát. Trong ngày đó, Trung Quốc đã bắt giữ tổng cộng 19 tàu cá, 259 ngư dân, tịch thu tài sản trị giá 1,3 tỷ đồng”.
“Trung tá Trần Văn Nhật, Đảo trưởng đảo Phan Vinh nói: Việc đẩy đuổi tàu Trung Quốc vào đánh cá là chuyện thường ngày ở Trường Sa, nhất là ở các đảo chìm. Tàu cá Trung Quốc rất lớn, đến đậu cạnh bãi san hô, rồi thả các tàu nhỏ và xuồng vào bãi, bắt hết các loại cá, ốc, sò, cua… Có khi phải nổ súng cảnh cáo đối tượng liều lĩnh, vào chỉ cách đảo ta vài trăm mét. Nhưng nhiều khi anh em không thể đuổi được hết tàu xuồng Trung Quốc, vì đông quá”.
“Trung tá Hoàng Ngọc Quỳnh, Hải đội trưởng Hải đội 2 (BĐBP Đà Nẵng), cho biết, năm 2010, khi ngư dân mình liên tiếp bị bắt ở Hoàng Sa, thì ở Đà Nẵng, Hải đội 2 đã đẩy đuổi trên 1.000 lượt tàu Trung Quốc xâm nhập hải phận Việt Nam. Đặc biệt, chỉ tháng 1/2010 đã có trên 200 lượt tàu thuyền xâm nhập. Càng ngày ngư dân họ càng tiến sâu, hung hăng và liều lĩnh […] Chỉ riêng tháng 4 vừa rồi, Hải đội 2 đã đẩy đuổi 20 lượt tàu cá Trung Quốc xâm nhập hải phận Đà Nẵng. Đặc biệt, nhiều tàu cá Trung Quốc tiến sâu vào biển Việt Nam, chỉ cách Sơn Trà 20 – 30 hải lý”.
“Theo Đại tá Nguyễn Trọng Huyền – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên, hơn 10 ngày qua, ngư dân Phú Yên phát hiện tàu cá Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam để khai thác hải sản. Trung bình mỗi ngày có 120-150 tàu, có những ngày phát hiện trên 200 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển”.
“Ngư dân Huỳnh Văn Chùng, làm nghề câu bò gù gần hai mươi năm nay. Trước kia, anh Chùng thường đánh bắt từ 6030-180 vĩ Bắc. Nhưng bây giờ lên 130 độ vĩ Bắc gặp tàu nước ngoài, xuống dưới 90 độ vĩ Bắc cũng gặp tàu hải quân nước ngoài, đánh bắt ở khoảng giữa thì gặp nhiều tàu chụp mực Trung Quốc. “Tôi không hiểu tại sao họ xâm phạm vào vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác một cách ngang nhiên như thế” – anh Chùng nói”.
Sau lưng ngư dân
“Trung tá Hoàng Ngọc Quỳnh, Hải đội trưởng Hải đội 2 (BĐBP Đà Nẵng), khẳng định: Chúng ta bao dung với ngư dân Trung Quốc, không phải vì e sợ điều gì, mà ở đây, chúng ta không thể để mang tiếng, quân đội trấn áp ngư dân”. Chưa phải lý lẽ của sỹ quan giữ nước.
“Theo Đại tá Nguyễn Trọng Huyền – Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP Phú Yên,
Bộ đội biên phòng Phú Yên đã đề nghị cấp trên sớm có biện pháp giải quyết vấn đề này, hỗ trợ ngư dân Việt Nam làm ăn an toàn trên vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta. Với ngư dân, chúng tôi đề nghị củng cố lại hơn 100 tổ tàu thuyền an toàn chuyên đánh bắt xa bờ”. Chỉ thấy đề nghị với cấp trên và với ngư dân.
“Đại tá Ngô Duy Mười, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Ngãi, khẳng định: Ứng xử của ngư dân khi bị bắt vô cùng quan trọng. Họ không thể cúi đầu, vì đó là chủ quyền của mình”. Vậy còn trách nhiệm của sỹ quan cao cấp trong quân đội như ông Mười và cấp dưới của ông thì ở đâu?
Qua đó, cảm thấy rất đáng lo, quân đội Việt Nam anh hùng một thời, nay lúng túng núp sau lưng ngư dân như thế. Cái khí phách Việt Nam một thời chói ngời ở tầng lớp lãnh đạo, nay cũng chưa thấy.
Ngày 31/5
PV Q. D.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
---------------------------------------
CHỨNG LIỆU :
Mỹ Xuân tổng hợp (Sài Gòn Tiếp Thị Media)
Ngày 01.06.2011, 10:12 (GMT+7)
SGTT.VN – Từ nhiều năm qua, các hoạt động đánh cá của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông luôn gặp những gặp phải những cản trở từ phía Trung Quốc. Nhất là từ năm 2007 trở lại đây các vụ Trung Quốc bắt tàu đòi tiền chuộc, cũng như hiện tượng “tàu lạ” tấn công, cắt lưới lấy ngư cụ tài sản của ngư dân ngày càng nhiều.
Vì cuộc sống mưu sinh, các ngư dân ở các tỉnh miền Trung vẫn kiên trì bám biển, và tìm mọi biện pháp liên kết thành đội nhóm hỗ trợ nhau ra khơi. Sự hiện diện của ngư dân Việt Nam từ xưa đến nay cũng là lời khẳng định chủ quyền lãnh hải của đất nước.
Trả lời trưởng thông tín viên châu Á tờ Hoa Nam nhật báo khi ông này đến đảo Lý Sơn hồi cuối tháng 5, ngư dân Mai Phụng Lưu (ảnh http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=143417 ), thuyền trưởng tàu cá ở Lý Sơn, người bị tàu Trung Quốc bắt bốn lần trong năm năm qua khi ông đánh bắt cá ở Hoàng Sa, cho biết: “Đấy là vùng biển Việt Nam, ông nội tôi đánh cá ở đấy, cha tôi đánh cá ở đấy và tôi đánh cá ở đấy. Đó là lịch sử của chúng tôi và chủ quyền của chúng tôi”. Ảnh: Minh Đức
|
Ngư dân không đơn độc trên biển, nhiều quyết sách của Nhà nước đã ra đời nhằm hỗ trợ các tàu cá yên tâm bám biển làm ăn. Ngoài các lực lương hải quân, bộ đội biên phòng nhiều lực lượng khác cũng đã và sẽ ra đời. Ngày 26.1.2008, pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ra đời. Ngày 29.8.2009, bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập thêm vùng 2 Hải quân nhằm bảo vệ thềm lục địa từ Bình Thuận đến Bạc Liêu, trụ sở được đặt tại Nhơn Trạch (Đồng Nai).
– Ngày 23.11.2009, Quốc hội Việt Nam thông qua luật thành lập lực lượng dân quân bảo vệ, trong đó có đề cập đến lực lượng dân quân bảo vệ chủ quyền trên biển. Nhiệm vụ của lực lượng dân quân là phối hợp các đơn vị biên phòng, hải quân, cảnh sát biển và các lực lượng khác, để bảo vệ an ninh biên giới và chủ quyền của Việt Nam trên biển.
– Theo quyết định phê duyệt của cục Dân quân tự vệ (bộ Tổng tham mưu) vào tháng 10.2010, cả nước sẽ triển khai thực hiện xây dựng điểm sáu trung đội dân quân biển, đảo gồm: xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh); xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An); xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi); phường Phước Hội, thị xã La Gi (Bình Thuận); thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau); xã đảo Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận).
Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt đề án Xây dựng lực lượng kiểm ngư Việt Nam để sớm thành lập và đưa vào hoạt động tổ chức này.
Theo tờ trình, lực lượng kiểm ngư Việt Nam sẽ là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, có chức năng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên các vùng biển Việt Nam. Nếu được phê duyệt, lực lượng này sẽ được thành lập theo hai cấp trung ương và địa phương
Mỹ Xuân (tổng hợp)
Phạm Anh - Lê Anh (Sài Gòn Tiếp Thị Media)
Ngày 31.05.2011, 19:30 (GMT+7)
.
.
.
No comments:
Post a Comment