Thursday, June 2, 2011

NHỮNG BẤT LỢI CỦA VIỆT NAM NẾU DIỄN RA MỘT CUỘC CHIẾN VIỆT - TRUNG TRÊN BIỂN ĐÔNG (Nguyễn Hữu Quý)

Nguyễn Hữu Quý
Thứ năm, ngày 02 tháng sáu năm 2011

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, đức hy sinh quyền lợi gia đình của Ngài vì giống nòi Đại Việt, liệu có là bài học cho những kẻ hậu thế còn rất ích kỷ, mê muội... hôm nay?


Cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông do Trung Quốc phát động đang đi đến những diễn biến mới.

Như vậy, sau gần một tuần cân nhắc, nước Mỹ đã lên tiếng Mỹ phản đối sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông, được báo Tuổi trẻ dẫn nguồn từ TTXVN; hy vọng với sự lên tiếng của người Mỹ sẽ làm giảm bớt ý chí ngông cuồng của những cái đầu nóng tại Bắc Kinh; Tuy vậy, người Việt Nam cũng không thể chủ quan với lời tuyên bố rất hùng hồn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Khương Du, tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 31/5 với lời lẽ:

Tàu hải giám của Trung Quốc chỉ làm việc thực thi pháp luật trước sự hoạt động bất hợp pháp của tàu Việt Nam. Đây là hành động hoàn toàn chính đáng của Trung Quốc.

Biểu hiện cho hành động leo thang, xem Biển Đông đã là của Trung Quốc, thì ngay buổi chiều cùng ngày 31/5, Tàu đánh cá Phú Yên bị tàu Trung Quốc bắn đuổi” ở khu vực Quần đảo Trường Sa; điều này càng như để khẳng định lời tuyến chiến nêu trên của “láng giềng hữu nghị” dành cho nước “bạn” Việt Nam.

Trong lúc tình hình Biển Đông nóng lên hàng ngày, các nước trong khu vực chỉ biết thụ động đối phó và lên tiếng trước hành động bá quyền của Trung Quốc; thậm chí cùng ngày 31/5, tổng thống Myanmar, ông Thein Sein, nhân trong chuyến thăm Trung Quốc, đã công khai tuyên bố ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Đây là một hành động vô cùng hệ trọng, một chiến thắng to lớn của Trung Quốc vì ASEAN vận hành theo nguyên tắc đồng thuận.

Bài học từ lịch sử

Lịch sử chống giặc ngoại xâm của Việt Nam luôn luôn để cho các thế hệ người Việt niềm tự hào; thế giới ngưỡng mộ và khâm phục…; nhưng đó lại là giai đoạn lịch sử từ đây trở về trước; mà mỗi khi có giặc ngoại xâm, thì:

Tướng sỹ một lòng phụ tử
Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào
(Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi).

Trong hiện tại, thế nước và lòng dân đã hoàn toàn khác với truyền thống và lịch sử xưa kia; vì thế, đây chính là điểm bất lợi nhất cho dân tộc nếu như có một cuộc chiến xẩy ra với Trung Quốc lần này do chính Trung Quốc phát động và tạo dựng diễn ra trên Biển Đông.

Trong mấy ngay qua, báo chí và các trang Blog, cùng với hàng ngàn comments của người đọc… đã dấy lên một tình thần yếu nước mạnh mẽ; tuy nhiên, sự bi quan và lo lắng không phải là không có qua sự thể hiện nội dung của hàng ngàn các comments.

Ngay trong bài viết Nguy cơ nỗi nhục ngàn năm không rửa sạch”, tác giả Bùi Công Tự viết:

Hiện nay đất nước ta đang gặp nhiều khó khăn, lòng dân có phần dao động. Tình hình quốc tế cũng không thuận lợi cho ta. Chính vì thế đòi hỏi từ lãnh đạo tới thường dân phải đề cao lợi ích quốc gia để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Có người nói dân tộc ta cứ khi nào bị dồn đến chân tường thì sẽ bật lên sức mạnh. Điều đó liệu phần nào đúng chăng?

Nếu chúng ta để cho Trung Quốc chiếm được biển Đông và quần đảo Trường Sa thì nỗi nhục này ngàn đời không rửa sạch!

Cũng trong một tâm trạng rất lo lắng cho vận mệnh của đất nước, tác giả Hồ Quang Huy, địa chỉ tại Phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, có bản kiến nghị gồm 11 điểm “Về việc đối phó với Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam”, bài được đăng trên trang mạng Bauxite Việt Nam ngày 01/6.

Lòng dân thì như vậy, bài học lịch sử về chống giặc ngoại xâm thì ai ai cũng thuộc; riêng đối với những người lãnh đạo, được lịch sử giao phó trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc thì sao?

Thử nhìn vào “yếu tố con người” trong lực lượng quân đội hiện nay

Dẫu biết rằng, việc “điều binh khiển tướng” là trách nhiệm của những người lãnh đạo quốc gia; nhưng nếu như việc “mua quan bán chức” trong lực lượng quân đội cũng có “phong trào” như ta đã từng thấy trong những năm qua, thì đây thực sự là một bất lợi kép mà mỗi người Việt Nam có thể tiên liệu được.

Tôi cứ bị ám ảnh từ một bài viết Một đại tá 20 năm không có lương hưu”, chuyện kể về đại tá Vũ Quang Kha, có đoạn viết:

… Nhân cơ hội ông vắng mặt ở Hà Nội, một vị tướng, thủ trưởng trực tiếp, vì không ưa cái tính cương trực, thẳng thắn của ông đã buộc ông phải nghỉ hưu vào những ngày ông còn đang lặn lội nơi đảo xa. Khi về tới Hà Nội, ông không nhận được quyết định bằng văn bản (chỉ thông báo mồm), rồi từ đó cũng không cho ông hưởng chính sách của một sĩ quan cao cấp.

Đoạn trích dẫn trên đây như muốn nói rằng, nếu tình trạng “mua quan bán chức” cũng diễn ra trong lực lượng quân đội, thì QĐND Việt Nam hiện nay sẽ không thiếu những vị tướng đáng xấu hổ, đốn mạt, bất tài… như vị tướng đã nói trên.

Đó thực sự là mối lo thứ hai của người Việt, nếu như có một cuộc chiến xẩy ra do Trung Quốc phát động.

Lại là bài học rút ra từ lịch sử

Nếu như trong truyền thống chống giặc ngoại xâm, thế hệ người Việt đi trước luôn luôn để lại cho các thế hệ đi sau niềm tự hào như đã nói trên; thì ngược lại, trong xây dựng và canh tân đất nước, các thế hệ người Việt đi trước luôn luôn để lại cho thế hệ đi sau sự tiếc nuối, đớn đau.

Thiết nghĩ, không cần phải nhắc lại bài học từ quá khứ; nhưng bài học hôm nay còn sai lầm hơn cả vạn lần trong quá khứ.

Biết sai mà không sửa, làm những điều trái với lòng dân… đó mới là tội lỗi của thế hệ hôm nay.

Trong tình thế nguy nan, cũng trong bài viết “Nguy cơ nỗi nhục ngàn năm không rửa sạch”, nêu trên, tác giả Bùi Công Tự viết:

Vậy ngay bây giờ chúng ta phải làm gì?

Phải bằng mọi cách chặn đứng âm mưu xâm lược của Trung Quốc!

Chặn đứng bằng cách nào?

Tôi đề nghị các nhà lãnh đạo cho phép nhân dân xuống đường biểu dương sức mạnh đoàn kết, phản ứng mạnh mẽ và trực diện âm mưu xâm lược của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Báo chí được phép đưa đầy đủ các thông tin về âm mưu và hành động tiến tới xâm lược nước ta của Trung Quốc, phản ánh dư luận xã hội, tạo nên sức mạnh bảo vệ chủ quyền.

Ta làm được như thế chắc chắn Trung Quốc sẽ phải chùn tay.

Điều tưởng rất đơn giản, nhưng có làm và dám làm hay không?

Tất cả còn tùy thuộc câu trả lời của những người có trách nhiệm với đất nước hôm nay?

Nếu không làm được những điều đơn giản nhất như trên, thì dân tộc Việt Nam cũng xứng đáng chỉ làm nô lệ, vì không tự vượt qua được chính mình. Trước đây đã mất Hoàng Sa, một phần Trường Sa và dần tất yếu sẽ mất cả Biển Đông.

Nếu vậy thì, Nguy cơ nỗi nhục ngàn năm không rửa sạch như đã được báo trước.

01.6.2011

.
.
.

No comments: