Đình Vuợng
Posted on08/06/2011
Chiều ngày 04.6. 2011 tôi nhận được cú điện thoại đặc biệt của một anh bạn là nhà báo, anh nói đến chuyện tham gia biểu tình lúc 08g sáng 05.06. 2011 tại Tòa Tổng Lãnh sự Trung Quốc ở đường NTMK tại Saigon và hỏi tôi có sẵn sàng tham gia không. Tôi đồng ý. Thế rồi chúng tôi hẹn gặp nhau, sáng hôm sau đến nhà bác Nguyễn Đình Đầu, một nhà sử học lão thành nổi tiếng với nhiều bản đồ cổ liên quan đến đến lãnh hải VN. Ở điểm hẹn này, còn có một số các nhân sỹ khác nữa.
Vậy là, một đêm trằn trọc không ngủ khi liên tưởng đến vụ việc bày tỏ lập trường yêu nước vì HOÀNG SA & TRƯỜNG SA mà Nhà báo tự do Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) và Anh Ba Saigon (Luật gia Phan Thanh Hải), đang bị tù chỉ vì đã dám “làm người yêu nước” trong bối cảnh đất nước Việt Nam bị ngoại xâm đe dọa. Một chút nghi ngờ : ngày 05 tháng 6 không biết có ra gì không hay chỉ là lời kêu gọi biểu tình xuống đường như chiếc bánh vẽ đã từng xuất hiện trên internet, đã không xảy ra. Mong trời chóng sáng. Cầu xin Chúa ban cho mọi chuyện tốt lành.
Ở xa trung tâm Saigon, tôi phải đi thật sớm, sợ kẹt xe, lỡ hẹn. 06g30 đã có mặt ở nhà bác Nguyễn Đình Đầu, có lẽ đến sớm quá nên chẳng thấy ai. Tranh thủ thời giờ, tôi đến Nhà thờ Đức Bà quan sát động tĩnh: nhiều công an chìm nổi ở khu vực Nhà văn hóa Thanh niên, nhiều barrier rãi khắp khu vực có Tòa Lãnh sự Trung Hoa, lác đác vài nhóm bạn trẻ qua lại trước cổng Nhà Văn hóa Thanh niên và không nhiều lắm.
Phạm Đình Vượng, Vương Đình Chữ, Nguyễn Đình Đầu, Lê Hiếu Đằng, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quốc Thái, Trần Tử Vân Anh, André Menras Hồ Cương Quyết, Huỳnh Tấn Mẫm.
07g30 tôi quay lại điểm hẹn. Thật bất ngờ thi thấy sự hiện diện của Luật gia Lê Hiếu Đằng cựu Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, anh Huỳnh Tấn Mẫn nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Saigon, Nhà báo Nguyễn Quốc Thái, anh Cao Lập từng là tù nhân ở Côn Đảo, anh André Menras một người Pháp yêu VN đã từng treo cờ Mặt trận Giải phóng trước Hạ viện Saigon, André Menras (Hồ Cương Quyết, tên gọi VN này do anh tự đặt) từng tham gia tranh đấu với các anh trên đây trước 1975, Nhà báo Vương Đình Chữ, Nhà thơ Đỗ Trung Quân và các anh chị trí thức khác là thành viên, cảm tình viên của Clb Nguyễn Văn Bình Saigon. Tôi thấy các anh chị chuyện trò thật vui. Vui như ngày hội. Nhìn đồng hồ, đã gần 8g, anh Đằng nhắc nhóm chuẩn bị lên đường, các anh mời bác Nguyễn Đình Đầu đứng chụp hình có cả hai tấm biểu ngữ phản đối Trung quốc to tướng. Nhiều người đi đường đứng nhìn, và một trong hai chú công an giao thông lúc chạy ngang qua đã vội cầm máy điện đàm, có lẽ để báo động. Tôi nghĩ hình chụp là để lưu niệm một sự kiện quan trọng, đáng nhớ, không ngờ tấm hình chụp đã được chuyển tải lên ở nhiều đài lớn ngoại quốc và ở các trang web, các blog ‘lề trái’.
7g45 phía sau lưng Nhà thờ Đức Bà, nhóm có thêm Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, tranh thủ trong lúc phải chờ đợi đầy đủ mọi người tôi hỏi anh vài câu:
- Anh ấp ủ công trình nghiên cứu Biển Đông từ lúc nào, lâu chưa?
- Ba mươi năm ròng, anh nói, mãi đến gần đây có lẽ thơi cơ chín mùi tôi mới có dịp công bố.
- Chưa thấy anh đến mọi người đã nhắc tên anh.
- Vợ tôi bệnh nặng nhưng không vì thế mà tôi không đến chỉ vì yêu quê hương đất nước Việt Nam, anh trả lời với đôi mắt đỏ ngoe như muốn khóc làm tôi không dám hỏi gì thêm.
Gần 08g cả nhóm ở trên theo chân bác Đầu tiến đến cổng bên hông Tòa Lãnh sự Trung Hoa, kế sát trụ sở Thành đòan. Có rất nhiều người đứng ở trước cổng chính Nhà Văn hóa Thanh niên. Nhóm của bác Đầu căng biểu ngữ “Công lý & Hòa bình cho Biển Đông” và một biển ngữ viết hai mặt bằng tiếng Pháp, tiếng Việt do chính tác giả André Menras Hồ Cương Quyết viết và cầm lấy, nguyên văn: “Một công dân Pháp-Việt yêu cầu nhà cầm quyền T.Q chấm dứt ngay thái độ hiếu chiến, bành trướng của họ tại B.Đ, tôn trọng hoàn toàn Công ước Luật Biển mà họ đã ký.
Hoàng Sa, Trường Sa của VN”. Một ông mặc thường phục, có lẽ là cán bộ, hạch hỏi: “Các ông muốn gì? Không được tụ họp ở đây”. Anh bạn người Pháp, đúng như tên gọi VN của anh, Hồ Cương Quyết nhanh chóng dơ cao tấm biển ngữ: “Tôi là người Pháp còn muốn điều này, huống gì các ông là người VN!”. Như muốn chứng tỏ quyền hành, ông cán bộ lớn tiếng: “Đề nghị giải tán. Muốn làm gì ở đây phải có luật pháp”. Anh Cao Lập đã không thể kìm chế được cơn nóng giận: “Luật pháp là để bảo vệ người dân, bảo vệ tổ quốc chứ không phải bảo vệ bọn bành trướng Trung Hoa”, anh mượn lời Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết trong dịp làm việc tại Tp Hải Phòng và ghé thăm đảo Bạch Long Vĩ từ ngày30.03 - 01.04.2010 để nhắc nhở mọi người: “Chúng ta sẽ không cho phép bất cứ ai xâm phạm lãnh thổ của chúng ta, biển và hải đảo của chúng ta. Chúng ta sẽ không nhượng bộ, thậm chí một tất đất cho bất cứ ai”. Nhiều tràng vổ tay ủng hộ. Anh Lê Hiếu Đằng cũng đã không kềm chế được cơn giận trước một cán bộ nhắc khéo, nhờ anh giải tán đám đông, anh chỉ mặt: “Anh đứng về phía nào? Việt Nam hay Trung Quốc?”. Vài biểu ngữ khác dơ cao. Một cô gái tuổi trung niên tay cầm cuốn sách viết về vua Quang Trung dơ lên đã bị một anh an ninh giựt vứt xuống đất, cô gái hiên ngang nhặt lên, thắc mắc: “Không biết cái anh chàng này là VN hay Trung Quốc!?”
Sau đó, cả nhóm kéo nhau sang nhập chung với đám đông đang đứng trước cổng Nhà Văn hóa Thanh niên và thế là, khí thế sôi sục của buổi biểu tình chống Trung Quốc bắt đầu lan tỏa. Rất nhiều biểu ngữ có nội dung chống Trung Quốc viết bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hoa được giơ cao. Rất nhiều tiếng hô to được lập đi lập lại: đả đảo Trung Quốc xâm lược – tẩy chay hàng Trung Quốc – Trường sa & Hoàng sa là của Việt Nam – Việt Nam muôn năm. Nhiều bài hát sôi động khêu gợi lòng ái quốc được cất lên: Lên đàng – Dậy mà đi. Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng cũng được đám đông biểu tình hát một cách trân trọng. Ai đó đã nói: “Hát bài khác đi, Bác Hồ ở đây làm được chi?” và một câu trả lời vui: “Có hát như thế mới làm mát lòng chính quyền!” Rồi đám đông biểu tình bắt đầu lan rộng, rất nhiều thanh niên, có cả người lớn tuổi nhập cuộc, cùng nhau đi chuyển sang đường Nguyễn Thị Minh Khai, tập họp đối diện chính Tòa Lãnh sự Trung Hoa, cũng lập lại những hành động, lời hô hào, tiếng hát trên. Bên cạnh tôi, một cô sinh viên còn quá trẻ gào thét đến cả khàn tiếng những câu nói kích động trên. Tôi nói với cô: “Em ơi, nghỉ một lúc lấy sức rồi hô tiếp” Cô bé nghiêm mặt trả lời: “Bác ơi, đọc thấy hành động giết ngư dân Việt Nam mình, cháu không chịu nổi!” Lại vừa gặp Bác sỹ Nguyễn Đăng Phấn, anh xúc động, chia sẻ: “Em định ra về, nhưng thấy các em qua tha thiết với quê hương tổ quốc kêu mời em ở lại tham gia, em không sao về sớm được”.
Tòa Lãnh sự như cái xác không hồn, chẳng có một bóng người, bên ngoài công an đồng phục áo xanh kéo barrier canh gác kỷ lưỡng! Công an được bố trí khá đông ở khu vực này, có lẽ có sự chỉ đạo của chính quyền? họ chỉ đứng nhìn đám đông biểu tình bày tỏ lòng yêu Nước mà chẳng có một hành vi biểu lộ trấn áp.
Cuộc biểu tình đã diễn ra rất ôn hòa, cũng rất vui, vui như ngày hội. Đám đông tự phát càng lúc càng đông. Đoàn biểu tình tiến về trung tâm Saigon, lộ trình được dẫn dắt bởi các bạn trẻ ở tuyến đầu.
Lúc ngang qua Nhà thờ Đức Bà nhìn Giáo sư Tương lai, tóc bạc phơ, ăn mặc giản dị, tay cầm máy chụp hình, hóm hỉnh cười vui, khuyến khích các bạn trẻ hăng say thể hiện lòng yêu Nước, ai cũng thấy vui lây. Rất nhiều người đi xe gắn máy nhập cuộc. Đoàn biểu tình đã quá đông đến nỗi công an phải vất vả giữ gìn trật tự. Con đường từ Nhà thờ Đức Bà đi Đồng Khởi, quẹo về Lê Lợi, đến chợ Bên Thành, ngang qua Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tôn, về Trương Định về Nguyễn Thị Minh Khai, rẻ về Pasteur kéo thêm quân số là các Cựu Chiến binh VN, đến trước công viên 30-4 nghỉ xả hơi vội vàng lại đi tiếp đường Lê Duẫn, ngang qua Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn đường Đinh Tiên Hoàng rồi lại quay về Tòa Lãnh sự Trung Quốc đường Nguyễn Thị Minh Khai! Tất cả lộ trình đã trở thành những con đường ‘ưu tiên’ dành cho đoàn biểu tình: vừa đi vừa hát, vừa hoan hô Việt Nam, đá đảo Trung Quốc, vừa là cơ hội để mọi người chia sẻ riêng tư hay công khai hiện tình đất nước.
Gần 11g, đoàn biểu tình đã bị lực lượng công an áo vàng làm rào chắn tại ngã tư NTMK – Hai Bà Trưng, CA tách biệt những người đi xe máy không được vào. Bên trong đường Pham Ngọc Thạch, rào chắn phân tán lực lượng biểu tình thành hai: một số ít tụ tập ở góc đường Phạm Ngọc Thạch_Nguyễn Văn Chiêm; đoàn biểu tình “chính quy” tụ tập ở bên hông cửa phụ Nhà Văn hóa Thanh Niên đường NTMK. Đã có hai ông cán bộ gộc: một ông trung tướng Hải quân, một ông Ts Hiệu phó trường Khoa học Xã hội & Nhân văn ra thuyết phục đám đông và đều bị các bạn trẻ, thay vì bị nghe thuyết phục thì chính lý lẽ tham gia biểu tình của họ đã thuyết phục hai cán bộ đuối lý.
Tôi và anh bạn trẻ Nguyễn Đình Thao muốn tiếp tục buổi biểu tình cho đến khi tàn cuộc. Rất tiếc, vì việc riêng vả lại sức khỏe không cho phép đã phải lặng lẽ ra về lúc gần trưa. Nhiều cử chỉ đẹp, yêu thương hồn nhiên của các bạn trẻ, nhiều tâm tình chia sẻ trên đường đi cách riêng tư, và nhiều cái nhìn dửng dưng của người VN hai bên dường đã in đậm vào tâm khảm buộc tôi phải ghi lại.
Ở trên đường Lê Lợi, một anh lớn tuổi quá nhiệt tình, mồ hôi ướt đẫm cả chiếc áo, anh rút chiến khăn tay vô tình làm rơi cuộn tiền, không biết bao nhiêu vì tiền cuộn tròn lại buộc bằng giây cao su. Một bạn trẻ đã nhặt lên chạy lại đưa cho anh: “Anh ơi, tiền của anh rớt đây nè!”. “Bác ơi, uống nước đi bác” – “Mời bác dùng bánh” lời mời dễ thương đó không phải chỉ dành cho tôi mà còn cho nhiều người. Nước và ít bánh ngọt được trao gởi từ tấm lòng yêu tổ quốc, yêu đồng bào của các cô sinh viên với khuôn mặt còn non trẻ, đầy nhiệt huyết, biết nghỉ đến khổ đau của cả dân tộc đang bị “Trung quốc, to xác mà xấu tính chỉ muốn bắt nạt nước bé!”
Cho dù khác nhau về tuổi tác, địa vị, tôn giáo, mọi cái bắt tay chào nhau, nhìn nhau đều trở nên quen thân chỉ vì cùng chung một tình yêu đất nước. Thấy gì nữa trên đường đi biểu tình: nhiều và rất nhiều người cùng là người Việt Nam đứng hai bên đường hay ở những cửa hàng đường Lê Lợi, khu chợ Bến Thành đứng xem: vỗ tay tán thưởng hay dửng dưng bàng quang trước sự kiện người Việt Nam biểu tình bày tỏ lòng yêu nước bảo vệ lãnh thổ của tổ tiên để lại. Hình ảnh đó nói lên điều gì?
- Một bác lớn tuổi, đầu đội nón bảo hiểm, chiếc áo ướt đẩm mồ hôi, nói: “Tôi ngoài 60 rồi, tôi đi theo với các bạn thanh niên từ sáng sớm, thái độ và lời nói hùng hổ của các bạn trẻ làm tôi thêm sức sống, tin tưởng vào một VN ngày mai sẽ tốt đẹp hơn! Thoạt đầu, nhiều người khuyên tôi “cẩn thận, đi biểu tình thì vô nhà đá đó” họ có lý để mà lo sợ. Mặc kệ, mình cứ đi vì sự “sợ của chính quyền đối với Phương Bắc” thế thôi.”
- Một bác khác, tự giới thiệu là nhà giáo nghỉ hưu, nhận định: “Hậu quả lớn và nghiêm trọng nhất của nhà cầm quyền VN hiện nay, chưa phải tình trạng kinh tế lụn bại, chưa phải việc nhường đất & bán rừng đầu nguồn cho Tàu mà sự dối trá, ru ngủ dân chúng nhất là giới trẻ chỉ biết hưởng thụ bằng những trò chơi ca nhạc hoành tráng, ảo tưởng về anh hùng bóng đá, tạo nhiều khu vui chơi đã ru ngủ, tiêu diệt lý tưởng cao đẹp, ý chí vươn mình lên của tuổi trẻ và gần hết 80 triệu người VN. Mở TV anh thấy gì? Game Show và tuyên truyền hết chuyện này đến chuyện khác… ra đường về đêm anh thấy gì? Ăn và nhậu!!!”
- Một chị tuổi trung niên, chia sẻ: “Tại sao họ không hòa nhập vào đám đông mà đứng nhìn? Có lẽ vì tò mò thấy một chuyện ‘động trời’ kể từ sau 1975. Nhiều khi họ muốn tham gia nhưng lại sợ. Chính nỗi sợ hãi luôn bị CA rình rập đã in sâu vào người dân đã thủ tiêu ý chí quật cường của dân tộc VN! Người dân chỉ biết an phận, lo làm ăn”.
Thế nào đi nữa thì buổi biểu tình đã diễn ra thành công, tốt đẹp mặc dù có chút trắc trở về cuối giờ nhưng không quan trọng lắm. Không cần phải biết chính quyền có sắp đặt trước để CA không trấn áp biểu tình, nhưng thành tâm mà nhận xét, rất nhiều CA có vẻ hiền hòa với nụ cười thân thiện, chỉ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, dẫu sao, họ là người VN.
Buổi biểu tình phát xuất tự nguyện, và thật bất ngờ vì sự hiện diện của quá nhiều sinh viên học sinh và thanh niên yêu nước. Một hai ngàn người biểu tình, con số còn quá khiêm tốn, nhưng sự kiện đã diễn ra trên chính mãnh đất quê hương của “VNXHCN!” đó là điều kỳ lạ, tuyệt vời! Hẳn nhiên, mục đích chính của ngày “đáng nhớ 05. 06. 2011” là chống Trung Quốc bành trướng, xâm lược. Cả ngàn người VN không dừng lại ở Lãnh sự quán Trung quốc bày tỏ quan điểm về “con đường Lưỡi bò họ tự vẽ” về “Hoàng sa & Trường sa là của VN”. Họ còn đi xuống trung tâm Saigòn, ngang qua UBNDTP để nói với chính quyền nên lắng nghe ý kiến dân “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Bác Hồ nói với các nhà lãnh đạo Đảng CSVN thế cơ mà.
Hai ngàn người biểu tình hò hét, ca hát, trong trật tự để chống Trung quốc, nhưng cũng để nói với người VN ở trong nước: Đừng sợ! “Công lý và Hòa bình cho Biển Đông” biển ngữ khá lớn, cỡ 0,5m2, đọc câu trên làm cho tôi sực nhớ sự kiện UBCL và HB của Hội Đồng Giám Mục VN ra mắt ngày 27. 05 vừa qua và còn rất nóng máy. Không thể nói chuyện chung sống hòa bình với anh Trung Quốc khi họ không biết tôn trọng sự thật chủ quyền lãnh hải, dám ngang nhiên vẻ “Đường Lưỡi Bò ở Biển Đông và tự tuyên bố chủ quyền Hoàng sa & Trường sa là của họ trong lúc, vì quá sợ Thiên triều Phương Bắc, Đảng và Nhà nước đã không dám lên tiếng vụ việc ngư dân huyện Bình Sơn bị bắn đang khi đánh bắt cá ở Biển Đông gần quần đảo Trường Sa và nhiều việc xua tàu đánh cá của VN nữa. Mãi đến khi 03 tàu Hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào ngày 26/5/2011, khi tàu Bình Minh 02 đang khảo sát địa chấn trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, Nhà Nước mới chinh thức có lời tuyên bố mạnh mẽ, nhưng cũng chỉ một tuyên bố suông và không dám thể hiện một hành động nào!
Công lý & Hòa bình không của riêng ai. Ai cũng có bổn phận góp phần kiến tạo hòa bình bằng cách thể hiện sự thật (công lý), áp dụng từ việc nhà đến việc nước đến cả tôn giáo nữa. Không biết các chức sắc tôn giáo có phải vì sợ đã không dám thể hiện những buổi cầu nguyện cho Công lý & Hòa bình?
Nhớ Mười Sáu Chữ Vàng đã được Ông Lê Khả Phiêu và Ông Giang Trạch Dân vui vẻ ký kết để nói việc chung sống hòa bình, tình hữu nghị Việt – Trung như sau:
Láng Giềng Hữu Nghị
Phát Triển Lâu Dài
Hợp Tác Toàn Diện
Hướng Tới Tương Lai
Phát Triển Lâu Dài
Hợp Tác Toàn Diện
Hướng Tới Tương Lai
Sự thật phũ phàng của Hòa bình vắng bóng Công lý của Trung Quốc đã đẩy VN vào bước đường cùng, bài thơ minh họa sau, trên TTVNOL, đã mĩa mai thực trạng ‘chung sống hòa bình giả tạo’:
Láng Giềng Khốn Nạn
Lấn Biển Lâu Dài
Khợp Đất Toàn Diện
Thôn Tính Tương Lai
Lấn Biển Lâu Dài
Khợp Đất Toàn Diện
Thôn Tính Tương Lai
Ước chi, biến cố ngày 05. 06. 2011sẽ thức tỉnh chính quyền biết lắng nghe ý kiến dân Việt yêu Nước. Dân Việt Nam trong nước không còn biết sợ, không hờ hửng đứng bên ngoài nhìn người VN thể hiện tình yêu Nước.
Đình Vuợng (danlambao)
danlambaovn.blogspot.com
danlambaovn.blogspot.com
.
.
.
No comments:
Post a Comment