Thursday, June 9, 2011

MỸ BUÔNG LIBYA ĐỂ TẬP TRUNG VÀO CHÂU Á ? (VIT)



Thứ ba, 07/06/2011, 16:09(GMT+7)

VIT – Trong khi xung đột tại Libya đã kéo dài hơn ba tháng mà vẫn chưa ngã ngũ, và tình hình châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á ngày càng trở nên căng thẳng, có lẽ việc rút chân ra khỏi Libya và nhường quyền chỉ huy chiến dịch không kích Libya lại cho NATO lại là một chiến lược “đúng đắn” của chính quyền Obama. Bằng cách đó, Mỹ có thể “rảnh tay” hơn để tập trung vào châu Á.

Giữ vai trò hạn chế tại Libya

Ngay từ đầu, người đóng vai trò mang tính quyết định đối với chiến dịch Libya không ai khác là Tổng thống Mỹ Barack Obama, chủ nhân của giải Nobel Hoà bình hai năm trước. Chỉ hai tháng sau khi nhận giải thưởng này, ông chủ Nhà Trắng đã đẩy mạnh cuộc chiến Afghanistan bằng cách tăng thêm 30.000 quân đến đây.
Thế nhưng, chỉ sau đó một thời gian ngắn, chính quyền Mỹ lại tuyên bố chỉ thực hiện hành động quân sự hạn chế tại Libya và nhanh chóng “buông” quyền chỉ huy chiến dịch. Đây chính là những chiến thuật giúp Washington tránh một cuộc chiến kiểu Iraq hay Afghanistan.
 “Tổng thống và chính quyền Mỹ tin rằng, NATO và liên minh mà chúng ta vẫn là một đối tác, có khả năng làm tròn nhiệm vụ thực thi các vùng cấm bay, thực thi lệnh cấm vận vũ khí và cung cấp sự bảo vệ dân thường,” người phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nói với các phóng viên.
Và động thái đầu tiên khẳng định cho tuyên bố là Mỹ rút các máy bay cường kích, tên lửa Tomahawk và một số tàu chiến ra khỏi chiến dịch quân sự ở Libya. Thực tế này sẽ là một khó khăn cho các đại diện châu Âu vốn đang phải cắt giảm chi phí quân sự do khủng hoảng tài chính, nay lại phải gánh cả một cuộc chiến thay cho Mỹ.
Bằng cách trao quyền chỉ huy chiến dịch không kích và áp đặt lênh cấm bay tại Libya theo nghị quyết 1973 của HĐBA LHQ cho các đối tác khác trong NATO, Mỹ vừa có thể không bị sa lầy, lại vừa rảnh tay để có thể thực hiện các “nhiệm vụ” khác.
Tất nhiên, buông tay không có nghĩa là chấm dứt. Pháp và Anh là hai quốc gia đi đầu trong chiến dịch không kích của NATO, nhưng Mỹ mới là nước “đứng sau”, góp nhiều sức mạnh nhất cho chiến dịch. Tính đến cuối tháng 4/2011, chiến dịch tại Libya đã ngốn của Mỹ khoảng 550 triệu USD. Ngoài ra, số tiền viện trợ cho lực lượng nổi dậy cũng lên tới 25 triệu USD.

Tăng cường hiện diện tại châu Á
Trong khi đó, sự bành trướng về mặt quân sự của Trung Quốc tại châu Á trong thời gian gần đây ngày càng lớn mạnh. Điều đó khiến cho các quốc gia trong khu vực hết sức quan ngại và Mỹ cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, dù cho Washington vẫn luôn nhấn mạnh rằng họ không có ý định cạnh tranh với Trung Quốc để thống trị khu vực mà là tìm cách hợp tác với nước này nhằm giải quyết những vấn đề chung.
Nhằm tìm cách trấn an đồng minh với lo ngại về quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc và những khó khăn tài chính của Washington, ngày 4/6, phát biểu tại hội nghị an ninh châu Á tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố quân đội nước này sẽ duy trì sự hiện diện “mạnh mẽ” trên khắp châu Á với việc bổ sung các loại vũ khí công nghệ cao mới nhằm bảo vệ đồng minh và tuyến đường vận chuyển.
“Sự thực, một trong những thay đổi đáng kinh ngạc nhất, ấn tượng nhất mà tôi thấy được trong các chuyến công du đến châu Á là mong muốn ngày càng lan rộng khắp khu vực châu Á về việc xây dựng mối quan hệ quân sự mạnh hơn với Mỹ – nhiều hơn rất nhiều so với cách đây 20 năm”, Bộ trưởng Gates nói.
Quân đội Mỹ sẽ mở rộng sự hiện diện tại Đông Nam Á, chia sẻ trang thiết bị với Australia tại Ấn Độ Dương và triển khai tàu chiến duyên hải (LCS) tới Singapore.
Washington cũng sẽ lên kế hoạch tăng cường sự tham gia nhiều cuộc diễn tập và các chương trình huấn luyện hơn nữa với các quốc gia khác tại Thái Bình Dương. Lực lượng Hải quân sẽ được bố trí để duy trì sự hiện diện tại Đông Bắc Á, đồng thời tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell cho biết, Mỹ cũng đã bắt đầu có mối quan hệ tốt với chính phủ mới của Philippines và đang muốn tiến xa hơn với Thái Lan trước cuộc bầu cử quan trọng của nước này vào ngày 03/7 tới.

Lợi đôi đường
Theo nhiều chuyên gia phân tích, việc Mỹ không tham gia trực tiếp vào chiến dịch Libya và tích cực tăng cường sự hiện diện tại châu Á là những chiến lược hết sức khôn ngoan và đem lại nhiều lợi ích lâu dài cho cường quốc số 1 thế giới này.
Một mặt, đối với Libya, dù chưa biết đến khi nào xung đột tại đây mới kết thúc, nhưng một khi Gaddafi bị lật đổ, và phần thắng nghiêng về phe nổi dậy, thì Liên minh NATO và kể cả Mỹ là những người được lợi nhất trong sự kiện này.
Trên thực tế, Mỹ không có nhiều lợi ích kinh tế tại quốc gia cung cấp dầu mỏ và khí đốt ở quốc gia Bắc Phi này, nơi thường được coi là một phần sân sau của châu Âu. Thế nhưng, thông qua Libya, Mỹ sẽ xây dựng lại quan hệ với thế giới Hồi giáo nhằm làm dịu những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan và khủng bố đang chống lại Mỹ. Chính quyền Washington đang phải cân nhắc giữa các phong trào ủng hộ dân chủ và cải cách ở thế giới Ả Rập và Iran, trong khi phải tránh làm mất đi lợi ích thiết yếu của Mỹ ở Ảrập Xê Út, Bahrain và các quốc gia vùng Vịnh khác.
Mặt khác, khi tình hình châu Á, nhất là khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á đang trở nên căng thẳng, việc Mỹ can thiệp vào với vai trò là trung gian hòa giải và là người giữ vững tình hình an ninh trật tự khu vực có thể sẽ nhận được phản ứng tốt từ các quốc gia lên tiếng phản đối sự bành trướng của Trung Quốc.
Hơn nữa, châu Á – Thái Bình Dương hiện chiếm 40% diện tích lãnh thổ, 41% dân số, 65% nguồn nguyên liệu thế giới. Đây còn là khu vực có nhiều tuyến đường giao thông biển quốc tế quan trọng đi qua; có Trung Quốc, Nhật Bản là hai nước có nền kinh tế mạnh trên thế giới, chỉ sau Mỹ và có nhiều nước công nghiệp mới đang phát triển. Do đó, nếu có được ảnh hưởng lớn tại khu vực này, vị thế “bá quyền” thế giới của Mỹ sẽ được củng cố đáng kể.
.
.
.

No comments: