Wednesday, June 15, 2011

MẶT HÀNG XUẤT KHẨU MỚI NHẤT CỦA TRUNG QUỐC : GIAN LẬN CỔ PHIẾU (Stephen Gandel, Time)



Stephen Gandel
TIME   -   Ngày 14 tháng 6 năm 2011

Người dịch: Hiền Ba
Đăng bởi anhbasam on 15.06.2011
Công ty phần mềm của Trung Quốc có tên là Longtop Financial Technologies đã không từ bất cứ một điều gì để có thể thuyết phục các nhà đầu tư chứng khoán ở Mỹ tin rằng họ sẽ an toàn khi mua cổ phiếu của công ty này. Có lẽ đúng là công ty này đã không ngần ngại làm bất cứ một điều gì.

Công ty thường xuyên báo cáo thu nhập cao hơn một chút so với mức mà giới quản trị doanh nghiệp dự đoán trong nhiều tháng trước đó. Longtop ghi trên bản cân đối tài chính là họ có 412 triệu đô la tiền mặt – một lượng dự trữ khổng lồ đối với một công ty có quy mô như thế đã khiến cho một số người so sánh công ty này với Microsoft. Vào cuối tháng 1 năm nay, công ty này đã công bố kết quả kinh doanh mới nhất trong một chuỗi những kết quả tài chính không ngừng gia tăng. Doanh số đã tăng lên tới 41%, đạt gần 77 triệu đô la trong ba tháng vừa qua của năm 2011; lợi nhuận tăng 21%, tức là lên tới gần 36 triệu đô la. Giám đốc tài chính của công ty Longtop là Derek Palaschuk đã nói với các nhà đầu tư rằng ông “đặc biệt hài lòng” với kết quả kinh doanh của công ty của ông. “Trong quý ba của năm tài chính,” Palaschuk nói, “công ty đã một lần nữa lại có thể công bố lợi nhuận ròng cao hơn mức hướng dẫn đầu tư và hệ số biên lợi nhuận được xếp vào loại hàng đầu trong ngành nghề của chúng tôi đã giúp công ty có nhiều lý do để có những thương vụ đầu tư mới trong lĩnh vực kinh doanh.”

Ông Palaschuk chắc hẳn không thể tự hào đến thế về những kết quả nói trên trước đó bốn tháng. Bởi lẽ những kết quả kinh doanh đó hầu như chắc chắn là được bịa đặt. Ông Palaschuk hồi giữa tháng 5 đã từ chức khỏi công ty Longtop giữa lúc có những cáo buộc về gian lận kế toán. Nhà kiểm toán của công ty là Deloitte Touche Tohmatsu cũng bỏ đi sau khi tuyên bố rằng họ lo sợ công ty Longtop chỉ có rất ít tiền mặt so với những gì công ty này đã công bố. Hãng kiểm toán này nói rằng nhân viên của Longtop đã ngăn cản nhân viên kiểm toán của họ kiểm tra các giao dịch tài chính. Cổ phiếu của Longtop đã sụt một nửa mệnh giá. Thị trường Chứng khoán New York nơi cổ phiếu của Longtop được niêm yết, đã ngừng giao dịch cổ phiếu của Longtop. Hiện nay Ủy ban Chứng khoán đang tiến hành điều tra Longtop. Tệ hơn nữa ấy là câu chuyện của Longtop còn lâu mới là câu chuyện duy nhất xảy ra trong đám những công ty của Trung Quốc.

Một số công ty của Trung Quốc đã niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán ở Mỹ trong vài năm qua thì năm nay đã bị vạch trần là gian lận kế toán. Tuần trước, cổ phiếu của Sino-Forest đã rớt 64% sau khi một bản báo cáo điều tra được công bố đã nói rằng công ty lâm nghiệp này của Trung Quốc đang khai khống tài sản. Một công ty khác của Trung Quốc là China Mediaexpress chuyên lắp đặt TV trên các xe buýt đã bị lòi ra là công ty này còn xơi mới có nhiều khách hàng như họ đã công bố.

Gian lận chứng khoán và gian lận kế toán không phải là mới. Nước Mỹ trước đây cũng đã từng có công ty gian lận chứng khoán. Hãy nhớ lại vụ tập đoàn Enron [tập đoàn năng lượng của Mỹ bị phá sản hồi năm 2007]. Nhưng kể từ sau đó cho tới năm nay thì hầu hết những vụ gian lận chứng khoán nhằm vào các nhà đầu tư ở Mỹ đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Hồi giữa tháng 5, 15 trên 19 cổ phiếu bị ngừng trên sàn giao dịch Nasdaq [sàn giao dịch chứng khoán của các công ty trong lĩnh vực điện tử] đều là cổ phiếu của các công ty đóng tại Trung Quốc. Cổ phiếu của hai công ty Trung Quốc, trong đó có Longtop, đã bị ngừng kể từ hồi đó. Giới luật sư và các cơ quan quản lý của Mỹ nói rằng sự vênh nhau giữa quy định của các nước đã giúp cho các công ty của Trung Quốc niêm yết cổ phiếu ở Mỹ dễ dàng giả mạo các báo cáo tài chính. Ủy ban Chứng khoán [của Mỹ] mới đây đã mở một cuộc điều tra các hãng kiểm toán có khách hàng Trung Quốc để xác minh xem có công ty kiểm toán nào thông đồng trong các vụ gian lận hay không. Cũng trong đầu tháng 6 này, Ủy ban Chứng khoán đã cảnh báo các nhà đầu tư về việc mua cổ phiếu của các công ty của Trung Quốc niêm yết cổ phiếu thông qua cái gọi là các công ty sáp nhập ngược [ reverse merger: thuật ngữ chỉ một công ty không đủ tư cách niêm yết nên đã sáp nhập với công ty khác để chiếm quyền niêm yết]. Các vụ sáp nhập như vậy đã giúp các công ty Trung Quốc bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư mà không cần phải trải qua quy trình kiểm soát thông thường áp dụng cho việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Hơn nữa, nhiều người cho rằng do nền kinh tế Mỹ đang có vẻ uể oải cho nên sự hăng hái đầu tư vào Trung Quốc, một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, đã khiến cho rất nhiều nhà đầu tư ở Mỹ bị lóa mắt không nhìn thấy những rủi ro và như vậy là đã mở cửa cho bọn lừa đảo Trung Quốc.

Từ nhiều tháng nay những cảnh báo về gian lận cổ phiếu của Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch ở Mỹ cứ mỗi ngày lại lẳng lặng gia tăng. Nhưng việc công khai vụ công ty Longtop Financial vào hồi giữa tháng 5, công ty này từ nhiều tháng nay đang chống lại những cáo buộc giả mạo kế toán, đã làm gia tăng rất nhiều những lo ngại trong giới đầu tư và các nhà quản lý về các cổ phiếu của Trung Quốc. So với một số công ty khác đã bị vạch trần là gian lận thì Longtop Financial là một công ty tương đối lớn. Hơn nữa, công ty là đã cổ phần hóa thông qua quy trình IPO truyền thống [bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng]. Đợt phát hành lần đầu này được bảo lãnh bởi Goldman Sachs và Deutsche Bank. Morgan Stanley đã quản lý những đợt phát hành sau đó. Một số quỹ đầu tư không có tính đại chúng nổi tiếng [hedge fund: các quỹ đầu tư chỉ có những giao dịch hạn chế, chủ yếu là những giao dịch đầu tư lớn, những quỹ này được hưởng những quy định nới lỏng hơn so với loại quỹ đại chúng như “Quỹ Hỗ tương” [Mutual Fund]) đã mua cổ phiếu của Longtop Financial. Bạn thử hình dung là tất cả những nhà đầu tư và tổ chức đầu tư đó đã nghiên cứu sổ sách của Longtop rồi cơ đấy.

Các nhà quản lý của Mỹ từ lâu đã ngăn ngừa sự gian lận cổ phiếu ở Mỹ. Các sàn chứng khoán ở Mỹ có thể tồn tại với một mức độ gian lận nào đó mà không bị mất lòng tin của nhà đầu tư. Vậy là chừng nào mà các công ty nhỏ không được kiểm soát đến từ Trung Quốc vẫn được phép giao dịch tại Mỹ thì chừng đó chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục có sự gian lận. Chỉ có điều là sự gian lận mà chúng ta đang phát hiện giờ đây dường như đã ở mức không thể chấp nhận được đối với một thị trường lành mạnh.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011


.
.
.

No comments: