Monday, June 13, 2011

LỜI "THÚ TỘI" CỦA TÔI (Fang Lizhi - Phương Lệ Chi)


Fang Lizhi  (Phương Lệ Chi) 
13 Tháng Sáu 2011

(Từ bản dịch Anh ngữ của Perry Link, “My Confession,” New York Review of Books, June 23, 2011, vol. 58, issue 11)
Nhà vật lý học thiên thể Fang Lizhi (Phương Lệ Chi) (nguồn: wikipedia).
Ông và vợ, bà Li Shuxian (Lý Thục Hiền), đã tị nạn tại Đại Sứ Quán Hoa Kỳ
trong thời gian sau vụ đàn áp tại Thiên An Môn năm 1989

Nhờ đọc cuốn sách mới của Henry Kissinger On China (Về Trung Quốc), tôi được biết rằng ông Kissinger đã gặp Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) ít nhất mười một lần – nhiều hơn với bất cứ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào khác – và một trong những đề tài thảo luận của họ là liệu Phương Lệ Chi có nên thú tội và ăn năn.

Ngày 3 tháng Sáu, 1989, ông Đặng, Chủ Tịch Quân ủy hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hạ lệnh cho xe tăng của quân đội Trung Quốc tiến vào Bắc Kinh để đàn áp các sinh viên đang biểu tình ôn hòa tại quảng trường Thiên An Môn. Vào đêm 5 tháng Sáu, cố vấn chính trị tại Đại Sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh là Raymond Burghardt (ông này sau làm Đại Sứ ở Hà Nội – chú thích của người dịch), đã tới khách sạn, nơi vợ tôi là Lý Thục Hiền và tôi đang tạm trú, và mời chúng tôi tới “lánh nạn” tại đại sứ quán, như là “khách của Tổng Thống Bush”. Ông ấy nói chúng tôi có thể tới ở đấy bao lâu cũng được. Chuyện này đã mau chóng trở thành điểm tranh cãi trong mối liên lạc Hoa Kỳ – Trung Quốc.

Khoảng năm tháng sau, vào ngày 9 tháng 11, ông Đặng tiếp người mà ông gọi là “cố nhân” Henry Kissinger và nêu ra trường hợp Phương Lệ Chi. Đặng nói với Kissinger rằng ông đã chuẩn bị tha gia đình họ Phương, và trục xuất họ khỏi Trung quốc “nếu phía Hoa Kỳ ra điều kiện là ông Phương viết một bản thú tội”. Kissinger đáp là nếu sau này ông Phương nói rằng chính quyền Hoa Kỳ đã cưỡng ép ông ta thú tội, thì sự việc còn tệ hơn là ông ta không thú tội.
Đại sứ Hoa Kỳ James Lilley, đã kể lại cuộc đối thoại này giữa Đặng và Kissinger cho Lý Thục Hiền và tôi, trong tòa đại sứ. Ông Lilley, đề cập tới chuyện thú tội như là “một trong” những điều kiện của họ Đặng, nói rõ rằng ông chỉ làm công việc đưa tin, mà không yêu cầu một bản thú tội. Chúng tôi là “khách của ông Bush”; chủ nhà nào lại bắt khách phải thú tội? Tôi cảm thấy một chút tội nghiệp cho ông đại sứ, rõ ràng là người bị kẹt trước một điều khó xử: ông không thể đòi một bản thú tội, và cũng không thể thỏa mãn đòi hỏi của họ Đặng. Tôi trấn an rằng ông cứ yên chí – điều kiện của họ Đặng không đến nỗi khó thực hành lắm đâu. Tôi đã biết rõ về “văn hóa thú tội” của Cộng sản Trung Quốc mà có lẽ Lilley và Kissinger chưa am hiểu.

Bất cứ ai đã sống qua các chiến dịch chính trị trong lịch sử Trung Quốc gần đây đều biết rõ về văn hóa thú tội: giải quyết một “vấn đề” chẳng ăn nhằm gì tới chuyện thực sự hối cải hay nhận tội. Bao lâu vấn đề cơ bản còn tồn tại, bao nhiêu lần “thú tội” cũng chẳng thay đổi được gì. Và một khi vấn đề cơ bản đã được giải quyết, sự thiếu vắng của một bản thú tội không bao giờ gây trở ngại. Vào thời cao trào của Cách Mạng Văn Hóa, nhiều khoa học gia Trung Quốc, kể cả tôi, đã phải nộp bản thú tội hàng ngày, và mỗi bản thú tội trên nguyên tắc phải nêu thêm những điều “mới mẻ,” những suy niệm “sâu xa hơn” của kẻ thú tội về những gì y đã tự nhận thấy là sai lầm. Một cách đã được chúng tôi dùng để đáp ứng đòi hỏi này là bỏ ra nửa tiếng chép lại những gì chúng tôi đã viết ra ngày hôm trước (hoặc ngày hôm trước nữa) trong khi chỉ thay đổi thứ tự của các đoạn. Chúng tôi chép lại các đoạn A, B, C và D, nhưng theo thứ tự B,C,D,A. Điều này đủ để coi như phản ảnh nội tâm “mới” của chúng tôi. Sau này chúng tôi được biết rằng ngay cả việc đổi thứ tự cũng không cần thiết vì những người cầm quyền, vốn sống theo thói quen của họ, chẳng bao giờ thèm đọc những gì chúng tôi viết.

Tóm lại, chuyện “thú tội” theo văn hóa này chỉ là hình thức. Khái niệm thú tội liên hệ đến thể diện nhiều hơn là chuyện thực sự thương thảo. Lời thú tội của Đặng Tiểu Bình nộp cho Mao Trạch Đông là một thí dụ nổi tiếng. Vào đầu năm 1970, khi họ Đặng biết rằng Mao đang tính chuyện có nên ân xá cho ông ta, cho ông trở lại với quyền hành, họ Đặng đã vội vàng viết một “Cam kết với Mao Chủ Tịch” trong đó ông thề “không bao giờ đi ngược đường lối”. Lá thư này đã cho Mao sĩ diện để ông ta làm điều mình đã dự định làm.

Vậy thì cùng trên nguyên tắc ấy, nếu họ Đặng thực sự muốn giải quyết vấn đề Phương Lệ Chi, thì chẳng có lý do nào khiến tôi không thể cho ông ta một chút sĩ diện để chuyện đó xẩy ra. Vì thế, do sáng kiến riêng, tôi đã viết một bản “kiểm thảo” gồm hai phần: “chuyện quá khứ” và “chuyện tương lai”. Không có chữ nào [trong bản kiểm thảo] nhìn nhận bất cứ sai lầm nào hay thú nhận bất cứ tội nào nhưng chỉ là những lời nói dài dòng dùng cho một mục đích. (Một bản dịch lời tuyên bố này đã được phổ biến ở đây).

Vào ngày 18 tháng 11 và lần nữa vào ngày 24 tháng 11, Đại Sứ Lilley đã gặp Thứ Trưởng Ngoại Giao Liu Huaqiu (Lưu Thuật Khanh) và đưa cho ông ta nhiều thứ, trong số có bản “kiểm thảo” của tôi, mà có thể nó vẫn còn được lưu trữ đâu đó trong văn khố của Bộ. Cho đến nay tôi được biết, chẳng hề có ai phê phán về nó. (Tôi có thể hiểu được rằng, giống như trong thời Cách Mạng Văn Hóa, chẳng có ai đọc nó bao giờ). Dù thế nào chăng nữa, cho đến đầu tháng 12 đã có sự lạc quan đáng kể tại Đại Sứ quán Hoa Kỳ rằng vấn đề Phương Lệ Chi có thể sớm được giải quyết.

Vào ngày 9 tháng 12, tham vụ chính trị của đại sứ quán là ông William Stanton, với phong thái phấn khởi ra mặt, đã mang tin vui đến cho chúng tôi. Tổng Thống Bush đã phái cố vấn an ninh quốc gia của ông là Brent Scowcroft trong một chuyến công cán mới tới Bắc Kinh. (trước đây Scowcroft đã từng được phái đi với nhiệm vụ như vậy, trong vòng bí mật, ít lâu sau vụ đàn áp tại Thiên An Môn). Scowcroft đã đến ngay trong ngày, và Đại Sứ Lilley đã nghĩ rằng có vẻ Scowcroft và Đặng có thể kết thúc thương lượng để cho Lý Thục Hiền và tôi rời Trung Quốc cùng với Scowcroft trong chuyến bay trở về. Ông Stanton nói: “Chuẩn bị hành trang! Anh có thể tự do ngày mai!”
Sáng ngày 10 tháng 12, với hành lý sẵn sàng ra đi, chúng tôi đợi lệnh khởi hành. Và đợi…và đợi. Đến tận chiều. Chẳng có gì.

Chỉ sau này chúng tôi mới được biết chuyện gì đã xẩy ra. Ngoại Trưởng Trung Quốc Qian Qichen (Tiền Kỳ Tham), đã tổ chức một dạ tiệc chào mừng dành cho Scowcroft vào tối ngày 9 tháng 12. Vào lúc đó, Hoa Kỳ đang trừng phạt Trung Quốc, gồm cả việc ngưng viện trợ kinh tế và lệnh cấm các giới chức cao cấp thăm viếng Hoa Kỳ vẫn còn hiệu lực. Vì lý do này, Scowcroft hy vọng bữa tiệc chỉ diễn ra trong vòng ít được chú ý, không có giới truyền thông loan tin và chụp hình. Nếu nó được quảng bá, ông ta sẽ tốn công giải thích khi trở về Mỹ. Chủ nhà đồng ý: giới truyền thông chỉ được cho vào chụp hình trước dạ tiệc; bữa tiệc được diễn ra trong phòng đóng cửa, ngoài tầm nhìn của ký giả.

Kế hoạch được tiến hành trên căn bản đó: rượu đầy ly, chúc tụng lẫn nhau, và mọi việc tiến hành êm ả. Nhưng khi đến phiên Scowcroft cám ơn chủ nhà, thình lình, như từ trời rớt xuống, một đám đông phóng viên đột nhập phòng tiệc, đèn chụp hình nổ bôm bốp và máy quay phim chĩa thẳng vào Scowcroft. Mục tiêu rõ ràng của họ là ghi lại lời của ông Scowcroft như bằng chứng cho mối liên hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc đã trở lại bình thường. Chuyện như thế không thể xẩy ra nếu thiếu sự sắp xếp chính thức.

Scowcroft về sau viết lại rằng vụ đột kích này đã đặt ông vào tình trạng cực kỳ khó xử. Ông ta có hai lựa chọn: Một là không chúc tụng nữa, quay lưng, ra về tay trắng; hay hai là tiếp tục chúc tụng và biết trước là báo Mỹ ngày hôm sau sẽ chạy những tựa lớn, như “Scowcroft chúc tụng các đồ tể Thiên An Môn”. Sau khi mau chóng cân nhắc lợi hại, ông đã nghiến răng mà theo chọn lựa thứ nhì. Đó là một sự đánh cược, phỏng đoán những tiến bộ quan trọng cho chuyến đi Bắc Kinh của ông, và điều này đáng kể hơn bất cứ tường thuật nào của giới truyền thông về lời chúc của ông.

Lời chúc khá dài, chỉ nhắc tới biến cố Thiên An Môn có một lần, và không đả động gì tới những xe tăng. Nó đã được kết thúc bằng những chữ này: “Tôi xin được chúc mừng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, chúc sức khỏe của Tổng Thống Yang [Shangkun] (Dương Thượng Côn), chúc mừng nhân dân Trung Quốc vĩ đại, và chúc mừng tình thân hữu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc?” (Có thể đọc đầy đủ lời chúc mừng của ông Scowcroft ở đây). Với sự việc này, chắc chắn là ông Scowcroft đã tặng cho chủ nhà đủ sĩ diện – rất nhiều so với bản “kiểm thảo” khiêm nhượng mà tôi đã nộp.

Ngày hôm sau (là cái ngày mà vợ chồng tôi đã ngồi “đợi lệnh”), Scowcroft đã rất bận rộn thăm viếng chính thức tất cả các nhân vật quyền thế ở Bắc Kinh: Ngoại Trưởng Tiền Kỳ Tham, Thủ Tướng Li Peng (Lý Bằng), Tổng Bí Thư Jiang Zemin (Giang Trạch Dân), và cuối cùng là Đặng Tiểu Bình. Chỉ đến lúc này Đặng mới hé lộ cho biết điểm chính của cuộc thương lượng về Phương. Tiền là chính. Để trao đổi cho việc thả Phương, Đặng không chỉ muốn một mảnh giấy từ Phương, mà gồm có ba món từ phía Mỹ: bỏ lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ, cho vay trờ lại, và mời Giang Trạch Dân thăm viếng Hoa Kỳ.

Scowcroft đáp lại rằng Hoa Kỳ không thể coi một giải pháp về vấn đề Phương Lệ Chi như là một khoản thương lượng ngang tầm với việc bãi bỏ trừng phạt về kinh tế. Cách tiếp cận này không bao giờ được Hoa Thịnh Đốn chấp nhận. Giải pháp cho vấn đề Phương chắc chắn có thể giúp cho việc trừng phạt, nhưng “liên hệ” là chuyện không thể được. Không thể có “giải pháp dính chùm”.

Đặng Tiểu Bình và người của ông ta cứ bám lấy cách hành sử quen thuộc cố hữu trong việc trao đổi: không tiền chuộc, không thả người.

Không còn gì để mặc cả, cuộc nói chuyện tan vỡ. Điều kiện chính của Đặng (tiền chuộc) đã không được đáp ứng. Không còn gì rõ ràng hơn về vấn đề thú tội, điều mà khởi đầu được coi như một trong những điều kiện của Đặng, đã chỉ là chuyện trang trí.

Vào tháng Sáu năm 1990, chính quyền Nhật Bản hứa sẽ tái lập chương trình cho vay dành cho Trung Quốc với điều kiện vấn đề Phương Lệ Chi được giải quyết. Đặng đã “hành động mau lẹ” (chữ của James Lilley), và chỉ sau mười ngày, từ 16 đến 25 tháng Sáu, chúng tôi đã có thể ra khỏi đại sứ quán và rời Trung Quốc. Không cần phải thú tội. Điều này một lần nữa chứng tỏ cái nguyên tắc “một khi vấn đề đã được giải quyết, sự thiếu thú tội không bao giờ là một trở ngại”. (Nhưng trong khi Đặng đã không đòi tôi phải viết bất cứ điều gì vào giai đoạn này, Bob Silvers của The New York Review lại bắt tôi. Ông ấy muốn biết quan điểm của tôi từ đại sứ quán, và tôi đã viết một bài gọi là “The Chinese Amnesia”, mà tôi đã hoàn thành vào ngày 25 tháng Sáu, chỉ mấy giờ trước khi lên đường).

Vào thời điểm [tháng 6 năm 1989-tháng 6 năm 1990] tôi trú ngụ tại đại sứ quán, các bạn hữu tại ban vật lý của trường Đại học Roma đã gửi thư và cho tôi biết về một văn hóa thú tội khác mà họ rất quen thuộc: văn hóa quị lụy vào thời trung cổ của Giáo Hội La Mã. Vào thời đó, khi dân chúng cũng sống trong cảnh lo sợ thế lực chuyên quyền, viết những điều như “Tôi thú nhận tội lỗi của tôi” hay “Tôi cầu khẩn được tha tội bởi nhân vật vĩ đại, hiểu biết, bác ái [người nào đó] là chuyện thường tình – vì [kẻ thú tội tin rằng] Chúa sẽ tha cho những điều dối trá đã bị viết ra dưới những trường hợp như vậy.

Ngay cả nhà vật lý vĩ đại Galileo cũng phải hạ mình bằng những ngôn ngữ như vậy khi phải nói với những kẻ thống trị bằng những câu như “Tôi, Galileo,…quỳ gối trước quý ngài, các Đức Hồng Y cao cả….” Một số bạn người Ý của tôi, cảm thấy quá lo ngại vì tôi, đã thực sự gửi cho tôi những bản thảo về ngôn ngữ thú tội mà họ nghĩ tôi có thể dùng để giúp tôi qua cơn khủng hoảng. Tôi nhận được tất cả ba bản thảo thú tội” “ăn liền”. Nhưng tôi nghi rằng những bản thảo này không phải là những sáng tạo nguyên thủy; có thể chúng đã được chép từ một trong những “cẩm nang thú tội” của thời Trung cổ.

Có lẽ, trong tương lai, người nào đó nên sưu tập một “cẩm nang thú tội” từ Trung Quốc Cộng Sản. “Cam kết gửi Mao Chủ Tịch không bao giờ đi ngược đường lối” của Đặng Tiểu Bình có thể là bài dẫn đầu.

.
.
.

No comments: