Sunday, June 5, 2011

KHOA HỌC XÃ HỘI-NHÂN VĂN THẤT THẾ hay là SỰ THÀNH CÔNG & THẤT BẠI CỦA ĐƯỜNG LỐI KỸ TRỊ XHCN (Xích Tử)



Xích Tử
Chủ Nhật, 05/06/2011

Vào mùa đăng ký tuyển sinh cao đẳng, đại học 2011, báo chí dựa trên thống kê số thí sinh theo đăng ký khối thi đã loan tin và báo động về việc thất thế của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, thực chất là khối thi C theo qui chế tuyển sinh của Việt Nam. Sở dĩ phải phân biệt thực chất vì có những ngành học/nghề làm được xếp vào khoa học xã hội nhân văn nhưng không lấy thí sinh thi vào khối C. Còn khối C là nguồn tuyển cho các ngành Văn, Sử, Địa lý, Triết học và các khoa học chính trị (Mác – Lênin), Xã hội học, Văn hoá học, Công tác xã hội v.v…trong hoặc ngoài khối sư phạm.

Theo các nguồn tin lấy từ thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, con số thí sinh đăng ký khối C năm nay so với tổng số lượt đăng ký là 5%; đúng là một con số thấp; và đặc biệt cảm động là có một số không nhỏ các Trường Trung học phổ thông (thường là trường ở các vùng đô thị) không có học sinh đăng ký thi vào khối C.

Tuy nhiên, hiện tượng này không phải là mới, đột biến. Nó diễn ra từ hàng chục năm nay; mỗi năm mỗi giảm dần. Và hiện tượng đó, theo quan sát của tôi, tương hành với số lượng của nhóm thí sinh đăng ký vào các trường sư phạm.

Đối với các ngành sư phạm, sự sụt giảm này đã được phát hiện sớm do được “quan tâm” kịp thời về mặt chính trị. Bởi lẽ, đây là đội ngũ tuyên truyền viên phối hợp tốt nhất, đông nhất, mạnh nhất với ngành tuyên giáo, là những “kỹ sư tâm hồn”. Do đó, thời ông Đỗ Mười làm Tổng bí thư, đảng đã có một chỉ thị phải phát triển đảng viên trong đội ngũ giáo viên với chỉ tiêu đến 40%. Liền sau đó, Nhà nước đã có chủ trương không thu học phí sinh viên sư phạm để khuyến khích thu hút tuyển sinh. Tuy vậy, chủ trương này chỉ mới thu hút con nhà nghèo vào sư phạm, chứ chưa thể tạo sức hút học sinh giỏi. Vì xét về sức đầu tư của gia đình cho chất lượng giáo dục của con cái, đa số học sinh giỏi là con nhà khá giả, quan chức; họ có thể bỏ tiền trả học phí, thậm chí du học tự túc để con họ có được mảnh bằng/ ngành nghề đào tạo tốt hơn và khi ra trường có chỗ làm với thu nhập thu hồi vốn ngay; không thể chờ việc miễn học phí sư phạm để khi ra trường với lương tháng 1-2 triệu đồng. Sức hút kém đó của ngành sư phạm đến nay vẫn không khắc phục được.

Trở lại với khối C, với lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, tình hình cũng không khá hơn. Ngay từ những năm trước, trong một mùa tuyển sinh (với phương thức khác nhau theo mỗi quốc gia), tôi đã thu thập được con số đăng ký vào đại học ỏ Pháp và Việt Nam là tương đương nhau, vào khoảng 1,8 triệu. Trong khi ở Pháp, 70% học sinh đăng ký vào các ngành khoa học xã hội nhân văn thì Việt Nam chỉ vào khoảng 35%. Vì có mục đích quan tâm riêng, nên khi so sánh phân tích 2 tỉ lệ/quốc gia đó, tôi thấy có vấn đề.

Đến năm nay, khi con số đó còn xấp xỉ 5% thì một số trí thức lên tiếng. Đã có dăm ba bài báo đăng chủ yếu trên Tia sáng thể hiện sự quan tâm đó. Tuyệt nhiên chưa có phát ngôn nào của các nhà quản lý và nghiên cứu giáo dục hoặc xã hội học. Các giải thích, biện luận thì vẫn vòng vo, rằng các ngành khoa học xã hội nhân văn (chủ yếu lấy từ khối C) ra trường khó tìm việc làm, thu nhập thấp, rằng học sinh thi vào khối/ngành này thường là học sinh yếu, rằng cách thức và chất lượng dạy học các môn học này ở phổ thông chưa tốt v.v..Cả việc so sánh với tình hình tại các nước phương tây, dù rất công phu như trong bài viết của Hồ Đắc Túc, cũng trên Tia sáng, thì so sánh cũng chỉ để so sánh, chẳng lý giải được gì. Tất cả cũng chỉ là sự chạm lướt một cách an toàn bề ngoài của một quá trình vận động vừa bình thường trong những điều kiện, động lực nội tại của nó, vừa lại không bình thường, có cả nguy hiểm nữa, nếu xét hiện tượng trong tiến trình văn hoá dân tộc và đặt nó trong so sánh với các nền giáo dục – xã hội khác. Trong ý nghĩa đó, nói như nhà nghiên cứu văn học Phong Lê là sự “xuống cấp của giáo dục và văn hoá”

Tuy nhiên, theo tôi, hiện tượng đang bàn không phải chỉ nhìn nhận như một sự xuống cấp; nếu có xuống thì từ cấp nào? Xuống đến đâu và có cứu được không? Có đúng là xuống không hay đó là một vận động kiểu spin diễn ra một cách tất yếu trong một phép thử được thiết kế để thí nghiệm mấy chục năm rồi? Nếu nhìn từ mức đó, góc đó, đây là tín hiệu của sụp đổ văn hoá chứ không còn là xuống cấp nữa.

Nguyên nhân của hiện tượng dứt khoát không thể chỉ được giải thích một cách né tránh, cầu an và đôi khi trở thành ấu trĩ từ góc độ kinh tế - việc làm – thu nhập được. Không lẽ trong hệ thống kinh tế tư bản người ta lại ưu ái bao cấp về việc làm, thu nhập cho ngành khoa học xã hội nhân văn đến mức sinh viên của những ngành này không cần quan tâm đến khía cạnh sinh nhai của nghề nghiệp mình chọn? Ngay cả khuyến cáo dựa trên tính toán khoa học về phát triển chất lượng con người (cá nhân và cộng đồng), UNDP cũng xác quyết rằng lương/thu nhập không phải là yếu tố quyết định kia mà.

Vậy thì nguyên nhân cũng xuất phát từ chỗ lâu nay chúng ta vẫn úp mở nói ra: lỗi hệ thống, sự sa đoạ hệ thống. Học sinh không thi khối C, không theo học những ngành khoa học xã hội nhân văn vì họ không yêu, không tin được nữa; những môn học đó không hấp dẫn họ gì về chân lý, về sự thật, về cái đẹp, cái thiện, không chắp cánh cho lòng yêu và sự đam mê của họ; họ cảm thấy bị lừa dối vì nội dung của những môn học, bị người ta xem thường khi theo học và bị hy sinh cho những giá trị ảo của những ngành ấy để chấp nhận sự thua thiệt về thu nhập, vị thế xã hội so với những người theo các ngành khoa học tư nhiên, kỹ thuật, công nghệ, nghiệp vụ kinh tế tài chính, y dược …

Tâm thế hướng nghiệp rất tội nghiệp đó của thế hệ học sinh hiện thời, dù họ bị làm để không tự cảm thấy như vậy, được tạo nên bởi một hệ thống có lịch sử ít nhất 60 năm, với sự tham gia của tất cả các tham tố tư tưởng, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội; bởi cấu trúc xã hội với hệ thống chính trị, đời sống vật chất và tinh thần chi phối toàn xã hội Việt Nam mấy chục năm qua.

Nó bắt đầu với sự phá bỏ hầu hết các giá trị truyền thống trong văn hoá dân tộc đã tập thành và có quán tính trong đời sống mỗi người, tháo dỡ xóm làng, dòng họ, gia đình, tín ngưỡng tâm linh, quan hệ luyến ái, hôn nhân, đời sống vợ chồng, thày trò, mô hình kinh tế, sở hữu… đã tạo nên và được tạo nên bởi một nền tảng xã hội nhân văn cả nghìn năm, để đưa vào đó một cấu trúc mới, những thiết chế mới, những giá trị mới được mô phỏng từ một lý thuyết ngoại lai bằng phương thức cưỡng chế, bạo lực và với một thái độ ngạo mạn, khinh thị, tư cao tự đại không có văn hoá nào chấp nhận được. Một phương thức sản xuất vật chất và tinh thần mới được áp đặt cho đất nước. Cả một dân tộc với kiến trúc tinh thần truyền thống đó bị chuyển hướng theo một vận động không tự nhiên trong một cuộc thí nghiệm lịch sử khổng lồ.
Cá nhân và quan hệ liên cá nhân theo những cấu trúc qui định theo mẫu mực chung với cách xưng hô “đồng chí” len lỏi, can thiệp vào khắp nơi tạo ra sự đe doạ, nỗi sợ hãi, tình trạng bị lừa dối và sống giả dối dẫn đến sự méo mó, tật nguyền, không tự nhiên nữa. Yêu đương, sinh hoạt tình dục cũng bị xã hội hoá, bị giám sát thực sự, như kiểu 1984 của G. Orwell. Nhà thơ Phạm Tiến Duật của tiểu đội xe không kính đã có lần viết trên Văn nghệ trẻ rằng có thời người ta qui định cấm cả nỗi buồn; thơ vui thì dễ đăng còn thơ buồn thì khó đăng. Và v.v.., không thể nào nói hết và hay bằng Orwell. Chỉ biết rằng, giống như trong 1984, chúng ta có cả một đội ngũ khổng lồ làm công tác khoa học xã hội nhân văn, để từng ngày làm cho lịch sử thay đổi theo nhu cầu của hiện tại; địa lý thế giới, biến động chính trị của thế giới cũng được giải thích hàng ngày theo cách có lợi cho chúng ta. Đội ngũ đó đã vô tình hoặc cố ý tham gia một cách tích cực vào cuộc thí nghiệm. Và cũng biết rằng, qua cuộc thí nghiệm, chúng ta đã đánh mất những nét đẹp trong sự tôn trọng thanh bần, yêu tự nhiên và thiên nhiên, khoan dung, khiêm tốn, trọng lẽ trời, tin vào nhân quả …trong truyền thống, thay vào đó một nếp sống tự tin ảo, thực dụng, xem thường mọi người, xem thường trời đất, háo danh, háo tiền, giả dối…, kết quả của một thứ chủ nghĩa kỹ trị nông dân, dốt nát. Để rồi cuộc thí nghiệm tan vỡ; cái hệ thống được tạo nên từ 1954 đến 1986 cũng tan vỡ từng mảng theo những cách khác nhau, được thừa nhận hoặc nguỵ trá theo cách diễn đạt mới – cũng rất xã hội nhân văn.

Bà vợ/mẹ xã hội chủ nghĩa bị ly dị, các nhà chính trị tục huyền với bà vợ già tư bản được gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để làm mụ mị những đứa con. Còn họ thì một số bỏ của chạy lấy người, nhanh chóng đổi mới để thủ lợi và chuẩn bị cho thế hệ con cháu. Các nhà khoa học xã hội nhân văn, nghệ sĩ, vốn là công cụ tạo nên đời sống tinh thần cho cuộc thí nghiệm, một số cũng chuyển hướng ca ngợi bà mẹ tục huyền, ca ngợi ông cha biết tục huyền kịp thời, ca ngợi rằng tục huyền trong hôn nhân là sự phối ngẫu tốt nhất trong lịch sử nhân loại; một số khác đi tìm cái tôi đã mất hoặc cái tôi hèn.

Tất cả đã tạo nên sự rối loạn, khủng hoảng, vô phương về giá trị, thể hiện cũng rất hệ thống từ chính trị, kinh tế, pháp luật, khoa học, văn hoá, từ tính chân lý của học thuyết chính trị đến sự cao cả ngụy tạo của thần tượng lãnh tụ. Học sinh phổ thông, suốt 40 năm qua, nhiều thế hệ, là nạn nhân, là chứng nhân của sự khủng hoảng, rối loạn và sụp đổ đó, thể hiện qua tấm gương người thầy, cha mẹ, những người lớn chung quanh. Cái chân thiện mỹ trong các môn học xã hội nhân văn làm sao còn có chỗ trong họ, giúp họ trụ vững, chống đỡ và lý giải được một quá trình xã hội mà nhà báo Kỳ Duyên đã viết trên vietnamnet.com.vn ngày 8/9/2008 “Những thang bậc giá trị văn hoá đang bị đảo lộn. Những giá trị đạo đức nền tảng bị bỏ bễ, bị giẫm đạp không thương tiếc…Văn hoá, giáo dục không đảm đương nổi nhiệm vụ của chính mình…Đáng kinh sợ là sự dối trá, giả dối, gian lận. Người lớn nói một đàng làm một nẻo”.

Một môn học văn chương vừa phục vụ chính trị, vừa lừa dối, ẻo lả, cải lương nhằm hình thành những nhân cách bạt nhược, liệt kháng, duy cảm và phục tùng; một môn học lịch sử chỉ gồm toàn chiến thắng và khẩu hiệu làm sao còn có tác dụng đề kháng với những biến động đó. Vả lại, trong hệ thống kỹ trị duy vật và phi nhân văn đó, những người làm lịch sử, văn chương không bao giờ được an toàn, bị nghi kỵ, bị trù dập trong những vụ án lớn mang tên nhân văn; vị thế xã hội của tầng lớp gọi là tinh hoa được chọn từ số cán bộ Mác – Lênin và các nhà tài phiệt, kỹ trị, những đứa con công nông hồng vệ binh hoặc bí thư xã đoàn, những con tốt được đào tạo về kỹ thuật. Phần lớn họ không hiểu gì về con người trong bản thể nhân văn xã hội của nó; họ chỉ xem con người là đối tượng, vật liệu thí nghiệm, là con vít trong cỗ máy xã hội, là con vật chỉ biết phản xạ bằng hệ thống tín hiệu thứ hai, hễ cho ăn no là hạnh phúc.

Đó là chưa nói đến tác động của những cuộc chiến tranh quá khứ, cũng như trong thời kỳ nói trên cùng cách giải thích, cư xử với chiến tranh, với kẻ thù ngoại xâm của các nhà chính trị.

Lạnh nhạt, khinh bỉ, xa lánh khối C là kết quả mà suy cho cùng cũng là thành công của kỹ trị xã hội chủ nghĩa; đồng thời cũng là phản xạ, phản kháng bằng cách có thể của lứa học sinh hôm nay. Đó cũng là hiện tượng xảy ra với nhiều hình thức khác nhau, kể cả mafia, phát xít mới…ở các nước xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ hoắc cải biến. Nó lạ lùng với một quốc gia công khai buộc toàn xã hội phải theo một lý thuyết xã hội – nhân văn song cũng chính vì sự hiểu biết nửa vời, tính tự phụ và cực đoan, cực quyền của các nhà chính trị khi bảo vệ, truyền bá và áp dụng học thuyết đó đã giết chết nền khoa học xã hội nhân văn và các giá trị xã hội nhân văn của đất nước. Cái chết đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy của đời sống tinh thần dân tộc, tạo nên sự vô cảm, chai lỳ, kể cả cảm xúc yêu nước, yêu dân tộc mình và yêu con người.

Đó là chỉ nhìn từ 1 triệu học sinh bước vào đại học trong một năm, khoảng gần 1% dân số. Còn lại, những người lớn, chủ thể và nạn nhân của cuộc thí nghiệm thất bại kia, sẽ quo vadis? Hãy chờ xem.

Xích Tử

-------------------------

Đi tìm cái tôi đã mất   -   Nguyễn Khải


Lạc Đường  -   Đào Hiếu

Kẻ bị mất phép thông công   -    Nguyễn Mạnh Tường

.
.
.

No comments: