Tác giả: The Atlantic
Bài đã được xuất bản.: 03/06/2011 06:00 GMT+7
Giới lãnh đạo Trung Quốc đã tiết lộ một chiến lược nhằm dẫn đầu thế giới trong 7 ngành công nghiệp quan trọng nhất.
Trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã tiết lộ một số kế hoạch cho thấy tầm nhìn cho tương lai kinh tế của Trung Quốc. Bản Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, thông qua hồi tháng Ba, và bản kế hoạch tiếp theo được Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (DNRC) công bố cuối tháng trước cho thấy một chiến lược quốc gia có thể khiến các tập đoàn đa quốc gia phải cảnh giác và chuẩn bị sẵn sàng đối phó với sự cạnh tranh vũ bão này.
Kế hoạch chi tiết về kinh tế tập trung vào bảy "ngành công nghiệp đang nổi mang tính chiến lược" mà Bắc Kinh muốn chế ngự trên quy mô toàn cầu. Đó là năng lượng thay thế, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin thế hệ mới, sản xuất trang thiết bị đầu cuối, vật liệu tân tiến, xe ô tô sạch và các công nghệ năng lượng mới. Các công ty toàn cầu cạnh tranh mọi mặt hàng, từ thủy điện đến công nghệ màn hình phẳng, sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh hơn của Trung Quốc. Và đối với những quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, luôn hy vọng các công ty trong nước mình đi đầu trong các ngành công nghiệp này, thì các kế hoạch mới của Trung Quốc có thể khiến họ phải đưa ra những sửa đổi cần thiết về chính sách hỗ trợ cho các tập đoàn.
Theo các bản kế hoạch trên, để hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược, Bắc Kinh dự định đưa ra các chính sách tài chính, thuê khóa và tiền tệ mềm dẻo, đồng thời "định hướng các công ty sáp nhập hoặc mua lại tăng cường tập trung sản xuất công nghiệp. Kế hoạch này bao gồm khoảng 1.500 tỷ USD chi tiêu công (chiếm gần 5% GDP) mỗi năm nhằm tăng phần đóng góp của các ngành công nghiệp chiến lược vào tăng trưởng của Trung Quốc từ mức dưới 5% hiện nay lên 15% vào năm 2020. Nói cách khác, Trung Quốc có kế hoạch tăng gấp ba lần vai trò của các ngành công nghệ cao này trong nền kinh tế. Đến năm 2020, Standart Chartered hy vọng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt 25.000 tỷ USD. Ở mức này, Trung Quốc dự định 3.750 tỷ USD, tương đương GDP hàng năm của Đức, sẽ do các ngành công nghiệp chiến lược đóng góp.
Đa số thành phàn tăng trưởng sẽ được thiết kế để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng, nhưng Trung Quốc sẽ không thể tiêu thụ tất cả những gì mình sản xuất ra. Như vậy xuất khẩu công nghệ cao sẽ chắc chắn trở thành một thành phần quan trọng trong các kế hoạch của họ. Ví dụ, sản xuất xe hơi của Trung Quốc dự kiến tăng gấp ba lần, đạt 40 triệu chiếc/năm từ năm 2020. Trong khi đó, chính phủ hiện nay đang hạn chế số giấy phép sở hữu xe mới nhằm giải quyết vấn đề giao thông quốc gia. Trung Quốc sẽ cần các thị trường nước ngoài để tiêu thụ lượng sản phẩm dư thừa của mình.
Các công ty đa quốc gia và các chính phủ nước ngoài không nên nghĩ rằng kế hoạch này là không thể thực hiện được, vì Trung Quốc có một kỷ lục đạt các mục tiêu kinh tế của mình. Theo các con số của Chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh đã đạt hoặc vượt hơn 80% các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 11, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng GDP 7,5% và giảm các chất thải gây hiệu ứng nhà kính như sulfur dioxide...
5 năm trước, Bắc Kinh cũng thông báo Kế hoạch Quốc gia trung và dài hạn về Phát triển Khoa học và Công nghệ (MLP), đặt ra một chiến lược quốc gia nhằm tăng trưởng kinh tế dựa trên các ngành công nghiệp khoa học và công nghệ. Kể từ đó, lĩnh vực năng lượng mặt trời được chính quyền trung ương trợ cấp mạnh đã nổi lên vị trí đi đầu thế giới về sản xuất tấm quang điện, chiếm tới hơn 40% thị phần toàn cầu.
Trung Quốc có cơ sở để thực hiện nhanh chóng kế hoạch của mình: một thiện chí chính trị vững vàng với các chính sách phối hợp từ trung ương, một hệ thống pháp lý và tài chính có lợi cho các sáng kiến kinh tế của chính phủ, và các nguồn lực tài chính vô cùng phong phú. Thêm vào đó, quyền sở hữu trí tuệ không được giám sát chặt đã giúp các ngành công nghiệp Trung Quốc tránh được những chi phí tốn kém cho nghiên cứu và phát triển. Theo Phòng Thương mại Mỹ, nhiều công ty đa quốc gia gọi MLP của Trung Quốc là "bản kế hoạch chi tiết cho việc ăn trộm công nghệ trên quy mô lớn mà thế giới chưa từng biết đến".
Nền kinh tế và các kế hoạch của Trung Quốc cũng phải đối mặt với những thách thức lớn: sự bố trí nguồn lực không hiệu quả, lương tăng, thiếu năng lượng, lạm phát và tình trạng quan liêu nặng nề - chẳng hạn có ít nhất 10 cơ quan khác nhau cùng giám sát thực thi các sáng kiến năng lượng. Bên cạnh đó, quá trình chuyển giao chính trị vào năm 2012 tới đây có thể dẫn tới việc thực thi chính sách không đều khi các ứng cử viên tranh giành quyền lực. Tuy nhiên, kinh tế giảm tốc sẽ khiến Bắc Kinh thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn.
Các kế hoạch kinh tế này không hẳn đặt dấu chấm hết cho lĩnh vực sản xuất công nghệ cao ở các nước bị cạnh tranh. Chất lượng sản phẩm là mối quan tâm lớn ở Trung Quốc. Chẳng hạn, nước này mới đây đã giảm tốc độ cho phép tối đa trên đường sắt cao tốc để đảm bảo an toàn. Một tai nạn trong hệ thống đường sắt được tán dương của Trung Quốc sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực của họ nhằm xuất khẩu cơ sở hạ tầng này ra các thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, trước đó, Trung Quốc đã an toàn vượt qua nhiều vấn đề. Ba năm trước, dù rất nhiều nước bị nhiễm độc trong thuốc pha loãng máu heparin của Trung Quốc, nhưng xuất khẩu dược phẩm của nước này vẫn bật nảy tốt. Trung Quốc giờ sản xuất hơn 70% lượng penicillin và 50% lượng aspirin bán trên toàn thế giới.
Nếu các công ty toàn cầu phải cạnh tranh với Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược này, họ sẽ phải nỗ lực rất nhiều để sản xuất các sản phẩm đáng tin cậy, tiếp tục cải tiến, và duy trì bảo vệ các công nghệ độc quyền. Vì bất chấp lời kêu gọi "cải tiến bản địa", Trung Quốc sản xuất một số sản phẩm mới - như phim hay mạch công nghệ cao - và vẫn dựa vào xuất khẩu và công nghệ nước ngoài. Chính việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không chặt chẽ và mục tiêu tập trung vào sao chép của Trung Quốc đang triệt tiêu các ý tưởng sáng tạo, khiến các công ty trong nước thường bị tụt lùi vài bước.
Trong khi đó, các chính phủ nước ngoài sẽ cần đưa ra các chính sách hỗ trợ mới cho các công ty trong nước, như Washington đã làm hồi tháng Giêng, khi cho General Electric vay 437 triệu USD để đảm bảo vị trí đầu tàu bán hàng ở Pakistan. Họ cũng nên hỗ trợ quỹ nghiên cứu và phát triển và tiếp tục khuyến khích sự phối hợp giữa giới học viện, chính phủ và doanh nghiệp. Các kế hoạch của Trung Quốc không chỉ là một lời kêu gọi tập hợp các ngành công nghiệp trong nước hướng ra nước ngoài. Đây là một lời cảnh báo đối với các công ty đa quốc gia. Trung Quốc không dừng lại ở những chiếc T-shirt hay những tấm năng lượng mặt trời. Thế giới cần phải sẵn sàng.
Châu Giang
.
.
.
No comments:
Post a Comment