Sunday, June 5, 2011

HOA KỲ TRUNG QUỐC NHÌN NHAU RA SAO TRƯỚC VẤN ĐỀ TRANH CHẤP LÃNH HẢI (Patrick Cronin, The Diplomat)


Patrick Cronin/The Diplomat
Lê Quốc Tuấn dịch
Sunday, June 5, 2011

Những thương thảo giữa quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể là quan trọng. Nhưng việc đối thoại có thể vừa làm suy giảm lại vừa gia tăng những khác biệt về vùng biển.

An ninh trên biển, đặc biệt trong vùng Biển Đông và Nam Trung Hoa, vẫn còn quan trọng trong chương trình nghị sự của Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các thành phần tham dự khác trong khu vực. Những sự cố xẩy ra trong hai năm qua đã làm căng thẳng các mối quan hệ, dẫn đến các cuộc đối thoại chính thức và không chính thức, bao gồm cuộc hội nghị hai ngày dành cho các chuyên viên do Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Thượng Hải liên kết với Trung tâm Carnegie - Thanh Hoa về Chính sách Toàn cầu đứng ra tổ chức. Cuộc tranh luận bắt nguồn ở đây từ Thượng Hải, đã lập tức cho thấy cả mặt giá trị và giới hạn của sự đối thoại.


Mặc dù các quan chức Trung Quốc và Hoa Kỳ cố gắng xây dựng một lâu đài mỏng manh của cuộc hợp tác trên biển đã tiến triển trước từ tháng Năm thông qua các cuộc bàn thảo giữa các viên chức quân sự và dân sự cao cấp, họ cũng đã phản ánh rõ rệt sự khác biệt giữa các xung đột về quyền lợi quốc gia và các xung khắc vì không am hiểu nhau. Như họ đã biết, đối thoại không nhất thiết cải thiện được những xung đột về quyền lợi quốc gia nhưng có thể giúp giảm thiểu được sự thiếu hiểu biết về nhau.

Thực thế, giáo sư Nan Li của trường Cao đảng Hải Chiến Hoa Kỳ tin rằng đối thoại có thể thật sự làm suy giảm lòng tin khi những khác biệt là về quyền lợi quốc gia. Điều này có thể là trường hợp của việc Trung Quốc giải thích sự phòng thủ tích cực hay chiến lược khu vực cấm hay cấm truy cập (anti-access and area denial strategy) của mình. Chẳng hạn, khi một người hiểu biết như thiếu tướng hải quân Yang Yi tuyên bố rằng chiến lược này chỉ áp dụng cho các kịch bản của “chiến trường Đài Loan”, thì Hoa Kỳ và các thính giả nước ngoài đã phải ngờ vực nếu không muốn nói là không thể tin được.

Đối thoại có thể tương tự như một sự phản tác dụng như khi Hoa Kỳ cố gắng giải thích các khái niệm về “không-hải chiến” Mặc dù khái niệm này vẫn còn chưa rõ ràng, mô tả các khái niệm của Lực lượng Hải-Không quân trong các sự cố khi có một kẻ thù như Iran muốn phong tỏa eo biển Hormuz gợi cho Bắc Kinh nỗi lo sợ về một chính sách ngăn ngừa lớn hơn. Đồng thời, vì khái niệm này được chính thức nêu lên trong ấn bản Quadrennial Defence Review hồi tháng Hai 2010, nhiều người Trung Quốc cho rằng Không Hải Chiến là một chiến lược có thật sự chứ không chỉ đơn giản là một khái niệm.

Tương tự, Trung Quốc và Hoa Kỳ có những cách diễn giải khác nhau từ cơ bản về Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS). Một khác biệt quan trọng là về việc các hoạt động quân sự, hoặc loại hoạt động nào là được phép trong giới hạn 200 hải lý khu vực độc quyền kinh tế (EEZ) của một nước. Các quyền lợi quốc gia và lòng tự tin đang lên của Trung Quốc đưa đến một quan điểm mở rộng về khu vực EEZ của mình nhưng lại hẹp hòi về hoạt động quân sự nào được phép đối với một nước ngoài có trách nhiệm trong khu vực EEZ. Đối với họ, những hoạt động như thế phải được thực hiện một cách ôn hòa và những nhà dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc không coi việc thu thập tin tức tình báo, ngay cả bởi những tàu bè không phải tầu chiến, là ôn hòa. Ngược lại, Hoa Kỳ không những chấp nhận việc thu thập tin tức tình báo như thế là hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế, mà còn cho rằng Hoa Kỳ có nghĩa vụ kiểm tra định kỳ khu vực để duy trì điều mà họ cho là sự tốt đẹp chung của toàn cầu về tự do trên biển.

Nhưng tình hình thực tế trên biển vẫn còn đang sôi động, và không phải chỉ đơn giản là vấn đề diễn giải bộ luật quốc tế. Chẳng hạn, theo một học giả Trung Quốc, Trung Quốc có thể đầu tư vào công nghệ cao mới để ngăn chặn việc Hoa Kỳ thu thập tin tức tình báo về các tầu ngầm của mình. Như vậy, có thể trong tương lai, đối với sự cố một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Quân Đội Giải phóng Nhân Dân chạy ngang qua mũi chiếc tàu hải kiểm USNS Impeccable vào tháng Ba 2009 trong vòng 100 yard, có thể có sự ra đời những phương tiện công nghệ mới của Trung Quốc nhằm ngăn cản khả năng theo dõi của Hoa Kỳ về những hoạt động quân sự mờ ám của Hải quân Quân Đội Giải phóng Trung Quốc.

Các sáng kiến chính trị là một chiến lược khác mà Trung Quốc vận dụng để ngăn chặn các tầu Hải quân Mỹ do thám tầu ngầm của mình. Trung Quốc sẽ làm việc với nhóm 4 nước lớn (BRIC) như Ấn Độ và Brazil, vốn cũng chống lại các hoạt động quân sự của nước ngoài trong khu vực EEZ của họ. Tại một diễn đàn khác hồi tháng Năm, Shen Dingli, một học giả Trung Quốc đã tuyên bố rằng Trung Quốc có quyền khiếu nại nhưng không có quyền can thiệp trực tiếp vào những hoạt động thu thập tin tình báo như thế. Nhưng giáo sư Shen nói thêm rằng trong 30 năm nữa, khi hải quân Trung Quốc thật sự có tầm cỡ toàn cầu và có thể có các căn cứ ở châu Mỹ Latinh, thì sẽ đến phiên Trung Quốc sẽ quấy rối Hoa Kỳ bằng cách dò thám trong các vùng EEZ của nước này.

Một số học giả Trung Quốc đang viện dẫn những nghiên cứu đáng kể và uyên bác cho các lý lẽ có tính dân tộc chủ nghĩa của mình. Đôi khi, lý lẽ có thể ngoan cố, tuy nhiên, vì mọi quốc gia kể cả Trung Quốc đã nhiều lần yêu sách từ những lý lẽ xung khắc này. Chẳng hạn, trong cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản, Trung Quốc tuyên bố rằng nguyên khối đất liền là một tảng đá, để từ đó chỉ công nhận cho Nhật Bản vùng EEZ đến 12 hải lý thay vì là 200 hải lý như quy định cho một hòn đảo. Tuy nhiên, trong những “vạch chấm” “chín đường nét đứt” nhập nhằng hình chữ U của Trung Quốc khẳng định gần hết vùng Biển Nam Trung Hoa, Trung Quốc đã che dấu sự thật là nhiều yếu tố đất liền chắc chắn không hơn những tảng đá.

Vì lý do này, tiến sĩ Li Mingjiang nhìn nhận rằng việc minh định những đường chấm trên tấm bản đồ có ý nghĩa gì là thuộc về quyền lợi của Trung Quốc. Thay vì cố cãi rằng bản đồ này là lãnh hải của Trung Quốc, có tính lịch sử hay có sự hợp lý của lịch sử, ông khuyên Trung Quốc nên tuyên bố rằng đó chỉ đơn giản là một dãy các đảo và yếu tố đất liền khác nêu trong UNCLOS. Những nước ven biển khác chắc sẽ thách thức với tuyên bố này, nhưng sự minh định sẽ có mối lợi của việc hạn chế những nghi ngờ rằng quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc đang nở rộng, tương xứng với sức mạnh của nó.

Các mối lo lắng về những ý đồ lâu dài và các khả năng của Trung Quốc là động cơ chính khiến gieo rắc nghi ngờ trong lĩnh vực biển. Và không có sự xem xét nào để UNCLOS có thể xóa đi những diễn giải dị biệt đang thúc đẩy bởi các quyền lợi quốc gia xung khắc với nhau. Đồng thời, chính quyền Obama đang làm đúng khi tạo nên một thúc đẩy nữa cho việc phê chuẩn UNCLOS, bởi vì thất bại không thông qua được khác nào thông báo với thế giới rằng Hoa Kỳ tạo ra những qui tắc phán xử của riêng mình hơn là đưa ra một hệ thống qui tắc có cơ sở toàn cầu.

Tuy nhiên, việc đối thoại có thể hữu ích trong các trường hợp có một quyền lợi quốc gia chung. Chẳng hạn, khi các hoạt động tầu ngầm gia tăng ở phíaTây Thái Bình Dương, thì hầu như không thể tránh khỏi các tai nạn. Trong thời Chiến tranh lạnh, các tầu ngầm Liên xô đã va chạm nhau trung bình mỗi năm một lần, các tầu ngầm Hoa Kỳ ba năm một lần. Gần đây, một cặp tầu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Anh và Pháp đã đụng nhau khi cố gắng ẩn náu vào cùng một vị trí, chứng tỏ rằng ngay cả các đồng minh thân cận cũng có thể xảy ra những rủi ro. Vì không sử dụng những hiệp định như Hiệp định Xô-Mỹ về Tai Nạn trên Biển năm 1972, các cường quốc khu vực đã thiếu chuẩn bị để cứu nạn trong một tình trạng khẩn cấp theo sau một vụ va chạm. Điều này là đúng với Nam Hàn và Nhật Bản cũng như với Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Nhưng bất chấp các quyền lợi xung khắc, vẫn có thể theo đuổi nhiều loại hợp tác. Một là mở rộng sự minh bạch, (mặc dầu dường như Bạch Thư mới nhất của Trung Quốc cũng đã chứng tỏ rằng Trung Quốc không hề quan tâm đến việc đi xa hơn những gì mình đã có trong những năm gần đây). Một loại hợp tác khác là thiết lập thêm những sự cố trong các hiệp định kiểu Sự cố trên Biển và sử dụng những hiệp định sẵn có. Thí dụ cơ bản về một hiệp định đã có và đang được sử dụng chưa đúng mức là Hiệp định năm 1988 về Hợp tác Quân sự trên Biển, vốn cho đến gần đây đã hầu như héo tàn vì Trung Quốc do dự không cấp phép cho Hoa Kỳ. Ý tưởng thứ ba là mở rộng hợp tác Nhân đạo và Cứu trợ Thảm họa, cả song phương và đa phương. Cuối cùng, còn có ý tưởng về việc theo đuổi nhiều hợp tác phát triển - và không gián đoạn khi có căng thẳng, như Trung Quốc đã thực hiện trong năm 2010 trong cuộc liên kết phát triển năng lượng ở Biển Đông Trung Hoa sau khi một tàu đánh cá của Trung Quốc đụng phải một tàu Biên phòng của Nhật Bản.

Dù cân nhắc đến hành động hợp tác loại nào, không còn nghi ngờ gì rằng đã nhiều cố gắng đa phương khác nhau từng tiến triển gần đây giữa các lực lượng trên biển. Chẳng hạn như, Hiệp định Hợp tác Khu vực để chống cướp biển và Cướp Tàu có vũ trang ở châu Á (ReCAAP) là hiệp định khu vực đầu tiên giữa cấp chính phủ với chính phủ để khuyến khích và tăng cường hợp tác về những vấn đề này ở châu Á. Khoảng 17 nước đã tham gia kể từ khi hiệp định này đi vào hiệu lực từ năm 2006. Các nước trong khu vực cũng chia sẻ các thông tin theo dõi tàu biển và tham gia vào việc tuần tra chung, và những hoạt động này có xu hướng tiếp tục phát triển trong những năm tới. Những biện pháp này đã được xây dựng trên các quan tâm chung về tự do hàng hải, ít nhất về các tuyến giao thông liên lạc thương mại trên biển.

Ngoài các bước hợp tác hạn chế, còn có một số hy vọng trong những thách thức gần đây với loại suy nghĩ thông thường về trường hợp xấu nhất. Chẳng hạn, có sự lo lắng đang lan rộng về việc cạnh tranh năng lượng, gồm cả ở Biển Đông và Biển Nam Trung Hoa. Nhưng những người khác có thể tranh cãi rằng, trên thực tế, những bảng biểu thị về địa chất đã phủ nhận nỗi lo lắng này, bởi vì chất hydrocarbons nói chung chỉ cung cấp đủ năng lượng cho 15 đến 20 năm, vào lúc Trung Quốc xây dựng được một hạm đội hải quân ngoài khơi thật sự để có thể bảo vệ các tuyến thông tin liên lạc trên biển của mình, nguồn tài nguyên này có thể đã gần cạn kiệt. Với suy nghĩ như thế, Christine Parthemore thuộc Trung tâm vì một Nền An ninh mới cho Hoa Kỳ (Center for a New America Security) lập luận rằng các quốc gia nên sử dụng những quan tâm của mình tốt hơn bằng cách tập trung vào những nỗi lo chung lâu dài hơn như sự cạn kiệt nguồn hải sản, và những tác động môi trường của việc biến đổi khí hậu. Và trong những vấn đề này, sự hợp tác vừa là cần thiết vừa là mong muốn của hầu hết các quốc gia.

Các cuộc đối thoại Trung- Mỹ về quân sự và chiến lược gần đây ở Washington đề cao khái niệm hợp tác chung và các thực hiện về viện trợ nhân đạo, cứu tế thảm họa và chống cướp biển. Đây chính xác là loại tiếp cận từng bước tiến đến các biện pháp xây dựng lòng tin vốn cũng có thể có lợi ích chân thành và hầu như chắc chắn sẽ cần thiết để tiến hành trong tương lai.

Nhưng Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn muốn tra vấn nhau những câu hỏi hắc búa, một trong những câu hỏi đó chỉ đơn giản phản ánh mối lo ngại của Hoa Kỳ về tiềm năng mất đi khả năng kiến tạo sức mạnh hải không quân của họ ở Châu Á, và mối lo lắng của Trung Quốc là đất nước này sẽ không có được khả năng bành trướng để trở thành một sức mạnh cả trên biển và đất liền. Một bằng chứng rõ ràng là việc Trung Quốc nhìn tuyên bố của Ngoại trưởng HK Hillary Clinton năm 2010 như thế nào, đến hiệu quả của hiệp ước Nhật Mỹ bao hàm quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, như một điểm xuất phát từ chính sách trước đó của Mỹ từng thận trọng tránh không đứng về phía nào trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Trung Quốc cũng tin rằng Hiệp ước Shimonoseki năm1895 buộc một nước Trung Quốc yếu kém phải nhượng hòn đảo này là vô hiệu lực và rằng việc Hoa Kỳ duy trì chủ quyền quần đảo này sau Đệ Nhị Thế Chiến, rồi giao lại cho Nhật Bản quản lý là sai. Thực ra, vào năm 2002, Thứ trưởng Ngoại giao HK lúc đó là Richard Armitage cũng tuyên bố một chính sách tương tự như chính sách của Bộ trưởng Clinton, điều lạ là lúc ấy Trung Quốc đã không hề phản đối. Bên cạnh đó, chính sách của Hoa Kỳ là nhằm tìm kiếm các biện pháp xây dựng lòng tin cậy đa phương không mâu thuẫn với chính sách cố gắng tránh xa việc lựa chọn đứng vào phe nào của mình, thay vào đó, chính sách ấy đơn giản nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và nhiều nước khác có quyền lợi trong việc các tranh chấp được giải quyết như thế nào.

Từ đó, rõ ràng là các quyền lợi quốc gia sẽ giới hạn mức độ và tốc độ của sự hợp tác trong và xung quanh Thái Bình Dương. Hợp tác sẽ phát triển nhưng vẫn còn dễ bị tổn thương trong vùng biển đông đảo và bất ổn này. Có lẽ vị đồng chủ tọa Liu Ming đã có được nhận xét đáng chú ý nhất trong hội nghị Thượng Hải: Hoa Kỳ sẽ phải thích nghi với sự vươn dậy và lòng tự tin của Trung Quốc , và Trung Quốc phải chấp nhận rằng Hoa Kỳ vẫn còn uy lực tối cao trên đại dương.

Tiến sĩ. Patrick M. Cronin là cố vấn cao cấp, Giám đốc Chương trình An ninh Châu Á Thái Bình dương tại Trung tâm vì một Nền An ninh mới cho Hoa Kỳ ở Washington, D.C.

Lê Quốc Tuấn dịch Việt Ngữ
http://the-diplomat.com/2011/05/29/how-china-us-see-each-other-at-sea/

.
.
.

No comments: