Monday, June 20, 2011

THẾ GIỚI ĐA CỰC (Lê Phan)


Lê Phan
Sunday, June 19, 2011

Ðã nhiều người nói chuyện thế giới đa cực hiện nay, nhưng người ta vẫn hiểu đa cực theo nghĩa các cường quốc Tây phương hiện thời, đứng đầu là Hoa Kỳ, đối đầu với thế giới đang lên.

Hiện trạng ở các vùng biển quanh Trung Quốc cho thấy mọi sự không đơn giản như vậy.

Cuộc đụng độ giữa Hà Nội và Bắc Kinh về vùng biển ở phía Ðông của Việt Nam dĩ nhiên là về kiểm soát một tài nguyên được nói là vô giá về nguyên liệu và hải sản. Ðơn giản hơn, điều tranh chấp chính là vì Trung Quốc đòi hầu hết vùng biển mà một phần phải là biển nhà của Việt Nam. Nhưng không phải chỉ có Hà Nội mà Trung Quốc đang đụng độ với Philippines, Malaysia, Brunei và Ðài Loan, bởi những quốc gia này cũng nhận một phần là thuộc lãnh hải của họ. Nhật Bản có một cuộc tranh cãi khác với Trung Quốc. Ðó là về một chuỗi đảo ở biển Ðông Trung Hoa.

Những đụng độ này dĩ nhiên không mới mẻ gì. Ngay cả hận thù giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có tự ngàn xưa. Chẳng thế, chỉ chưa đầy năm năm sau khi Hà Nội và Bắc Kinh đã thề tình nghĩa “môi hở răng lạnh”, hai bên đã đụng độ trong một trận chiến tranh biên giới đẫm máu mà ngày nay vẫn còn để lại ký ức đen tối.

Ðiều mới mẻ là sự việc đột nhiên Bắc Kinh đã trở nên hung hăng, giữ lập trường “ăn hiếp” đối với các quốc gia láng giềng.

Chính trong bối cảnh này câu chuyện cảng Cam Ranh đã trở thành một ván bài. Hải cảng chiến lược của biển Ðông, vịnh Cam Ranh đã là một căn cứ quan trọng cho quân đội Hoa Kỳ trong thời chiến. Sau đó, Hà Nội đã cho Liên Xô thuê và có thời đây là căn cứ ngoại quốc quan trọng nhất của Liên Xô, nơi họ có lúc cho trú đóng cả tàu ngầm nguyên tử. Nay Hà Nội loan báo là tàu bè ngoại quốc, mà thực sự họ muốn nói tàu bè của Hoa Kỳ, có thể sử dụng cơ sở ở đó để đậu tránh bão, tiếp tế nhiên liệu và sửa chữa nếu cần. Hà Nội đã thỏa thuận với Nga để Nga tái thiết lại hải cảng này với giá trên 2 tỷ đô la. Mục đích đầu tiên là để làm căn cứ cho số tàu ngầm Việt Nam mới mua của Nga. Nhưng đằng sau là một dấu hiệu cho Bắc Kinh. Hà Nội muốn sự hiện diện của Nga và Hoa Kỳ ở cảng Cam Ranh bởi Hạm đội Hoa Kỳ có mặt ở đó sẽ bảo đảm quyền tự do hải hành qua vùng biển vào Cam Ranh.

Nhưng không phải chỉ có Hà Nội. Nhiều quốc gia khác bây giờ cũng bắt đầu thay đổi thái độ, tỏ ra mặn nồng hơn với Washington kể từ khi Trung Quốc vung gậy múa võ muốn làm tay anh chị trong xóm. Cũng phải nói thái độ của Bắc Kinh không phải chỉ trở lại lập trường Ðại Hán, với ước mơ trở lại thời đế quốc Trung Hoa khi mà các quốc gia láng giềng phải thần phục nhận làm chư hầu. Và cuộc tranh chấp ở Ðông Á không phải chỉ là phản ứng tất nhiên của các quốc gia nhỏ, sợ tên anh chị trong xóm, muốn nhờ ông bạn xa đến giúp đỡ.

Thật quá đơn giản nếu chúng ta vẽ ra một trật tự thế giới mới trong đó “phần còn lại” của thế giới họp nhau lại để chống với thế giới Tây phương vốn liên tiếp chế ngự trong mấy thế kỷ nay. Trật tự thế giới mới có vẻ như lộn xộn và đa cực hơn thế nữa. Một số trong “phần còn lại của thế giới” không thích mấy người bạn cùng số phận mà lại muốn được chơi với Tây phương, đặc biệt là với Hoa Kỳ.

Ai cũng bảo thế kỷ thứ 21 được định nghĩa bởi liên hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhưng sự biến động sẽ là nằm trong liên hệ giữa những phần còn lại với nhau. Những cường quốc mới, những Bric đang lên có thể có một số ao ước, bản năng chung, mà trong đó việc thách thức sự chế ngự của Tây phương cũng giúp tạo mẫu số chung. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cạnh tranh giữa các nước này nhiều khi còn gay go hơn là với Tây phương.

Tuần này hội nghị thượng đỉnh của khối Thượng Hải đang nhóm họp. Khối này đã tưởng sẽ giúp gắn liền quyền lợi của Nga, Trung Quốc và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan và Tajikistan. Khối cũng coi Ấn Ðộ, Pakistan và Iran là những quốc gia có tư cách quan sát viên. Một số các nhà phê bình đã từng coi khối này là đối thủ của Liên minh NATO. Nhưng chỉ nhìn vào danh sách hội viên của khối là chúng ta thấy rõ sự mong manh của những liên hệ nội bộ.

Khi ông Vladimir Putin tham gia với Trung Quốc để thành lập khối Thượng Hải, ông ta vẫn còn bị mặc cảm của một người Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, khi Nga mất vị thế cường quốc. Ông Putin thuộc thế hệ người Nga vẫn còn chưa bỏ được tập quán coi NATO là kẻ thù đương nhiên của nước Nga.

Nhưng ông Putin sẽ không nắm quyền lực ở Nga mãi được. Ngay cả ông Dmitry Medvedev cũng không hoàn toàn chia sẻ thái độ của ông Putin. Thực sự ra quyền lợi của Nga cho thấy Nga cần ngả về Tây phương hơn. Hơn thế, nếu ông Putin bị mặc cảm với Tây phương, ông ta còn nên mặc cảm hơn nữa với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh rất coi thường Nga. Họ coi Nga là một quốc gia đang đi xuống, không đủ khả năng sản xuất cái gì hữu ích ngoại trừ dầu thô và khí đốt. Trung Quốc nay khinh Nga là một cường quốc quá thời, với dân ngày càng già và ngay cả kỹ thuật quốc phòng cũng không bằng Trung Quốc. Và rồi Nga cũng sẽ cảm nhận thái độ miệt thị đó.

Cuộc đối đầu quan trọng hơn là giữa Ấn Ðộ và Trung Quốc. Ðã nửa thế kỷ từ khi hai quốc gia này lâm chiến. Các viên chức Ấn nói là biên giới giữa họ với Trung Quốc là biên giới yên tĩnh nhất. Nhưng sự nghi ngờ vẫn còn đó. Trung Quốc đã là quốc gia cương quyết nhất chống lại việc Ấn có một chỗ thường trực trong Hội Ðồng Bảo An. Chiến lược quân sự của Ấn vẫn là để đối phó với một cuộc chiến tương lai với Trung Quốc, nuôi dưỡng bởi mối liên hệ thân thiện giữa Trung Quốc và Pakistan. Và dĩ nhiên khi Trung Quốc xây dựng hải cảng ở Pakistan thì Ấn Ðộ càng cảm thấy cần thúc đẩy thêm liên hệ với Hoa Kỳ.

Ở các nơi khác cũng vậy. Liên hệ Nam Nam đã giúp thúc đẩy vòng tăng trưởng kinh tế hiện nay. Nhưng rõ ràng là Châu Mỹ La Tinh và Phi Châu không hài lòng phải đóng mãi vai trò cung cấp nguyên liệu thô cho những con rồng khổng lồ của Châu Á. Brazil đã trở thành một trong những quốc gia ồn ào nhất trong số các quốc gia lên án chính sách tiền tệ của Bắc Kinh.

Ðiều chúng ta thấy hiện hình là một thế giới trong đó những cạnh tranh, xung đột và liên minh vùng nảy sinh vượt những giới hạn Ðông Tây, Nam Bắc cũ. Âu Châu hẳn đang tính chuyện đứng bên lề quan sát. Nhưng vai trò của Hoa Kỳ phải là đóng vai thăng bằng lực lượng vốn cần thiết vô cùng. Thế mới biết thế giới càng đa cực thì vai trò của Hoa Kỳ càng quan trọng.
.
.
.

No comments: