Tháng Sáu 23, 2011
Trong bài “Hình ảnh 2 tàu Hải quân Việt Nam cập cảng Trung Quốc” đăng trên VTC News ngày 21/06/2011 (và rất nhiều báo khác đưa tin về cuộc gặp này) có đoạn “Đại tá Nguyễn Văn Kiệm khẳng định: Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa, chính trị; nhân dân hai nước có truyền thống hữu nghị từ lâu đời, tình hữu nghị ấy đang được Đảng, Nhà nước và Quân đội, Hải quân hai nước giữ gìn, vun đắp để hy vọng phát triển tốt đẹp”.
Thú thật rằng khi đọc những khẳng định trên đây của ông Đại tá Nguyễn Văn Kiệm nhiều người sẽ không có gì quá bất ngờ. Bởi vì những câu nói đại loại như thế về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc mỗi khi diễn ra một sự kiện giao lưu nào đó đều nghe rất giống nhau. Đó là: có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa; có truyền thống hữu nghị lâu đời, … Điểu này đã khiến không ít người hiểu nhầm. Một nhầm lẫn tai hại.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” thì không có gì để tranh cãi. Nhưng cũng chính vì là láng giềng mà lịch sử đã ghi lại con dân nước Việt đã hàng nghìn năm phải sống kiếp nô lệ dưới ách đô hộ giặc Tàu. Và đến hôm nay, nguy cơ ấy vẫn chưa hề chấm dứt khi ngoài biển Đông, người Trung Quốc vẫn đang hăm he xâm lấn lãnh hải của Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh người Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng xâm lăng nước khác.
Trãi qua hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, phần lớn thời gian này cho thấy Việt Nam và Trung Quốc chưa bao giờ có những nét tương đồng về lịch sử. Có chăng sự tương đồng chỉ bắt đầu khi tại Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á xuất hiện dấu chân của chủ nghĩa đế quốc phương Tây vào giữa thế kỷ XIX. Còn trước đó, làm sao có sự tương đồng khi một bên là người luôn luôn có ý định thôn tính nước khác là Trung Quốc và một bên thì luôn phải chống đỡ, chiến đấu chống họa xâm lăng từ phương Bắc là Việt Nam.
Vậy thử hỏi lịch sử Trung Hoa gắn liền với chủ nghĩa bành trướng còn Việt Nam thì luôn trong tư thế phải chống trả thì đâu là nét tương đồng?
(Bổ sung lúc 10h: Về vấn đề này, độc giả Trung Thuần có ý kiến cho rằng: “Văn hóa có sức lan tỏa và lưu giữ lại (những gì là tinh hoa, là được số đông chấp nhận) tự nhiên, không liên quan đến “lập trường quan điểm” và đưa ra dẫn dẫn chứng: Nền văn minh Trung Hoa lan tỏa đi nhiều xứ sở, đậm nhất là VN, Triều Tiên và Nhật Bản, …” Xin cảm ơn sự góp ý chân thành của bác Trung Thuần. Ý kiến của bác thật xác đáng. Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng sự tương đồng về văn hóa có một phần nguyên nhân từ ách thống trị nghìn năm giặc Tàu).
Về văn hóa thì sự tương đồng cũng chỉ là hệ quả của hàng nghìn năm người dân Việt Nam phải sống dưới ách thống trị, đô hộ của giặc Tàu. Do đó, khi nhắc đến sự tương đồng về văn hóa trong mỗi dịp giao lưu giữa nào đó giữa hai đoàn của hai nước Việt – Trung cũng chính là sự thừa nhận sự thống trị về văn hóa. Việc này chẳng khác nào đã đánh giá thấp vai trò các cuộc khởi nghĩa của những người con nước Việt đã anh dũng đánh đuổi quân xâm lược.
Nếu không phải chịu ách đô hộ nghìn năm thì có chắc văn hóa Việt – Trung có nhiều nét tương đồng?
Còn về tình hữu nghị cũng vậy. Khẳng định rằng nhân dân hai nước có truyền thống hữu nghị lâu đời xem ra không chính xác. Tình hữa nghị phải xuất phát từ hai phía, trong khi nhân dân Việt Nam luôn muốn sống hòa thuận với các nước láng giềng nhưng lịch sử đã cho thấy, người Trung Hoa đâu chịu sống thuận hòa. Họ luôn cho mình là trung tâm của vũ trụ, là thiên tử, … họ nghĩ rằng họ có nhiệm vụ đi “ban phát” sự an nguy cho các nước láng giềng.
Trong chừng ấy năm hình thành và phát triển của đế chế Trung Hoa, người Trung Hoa đã mang đến biết bao tình hữu nghị bằng xương máu của dân tộc khác, trong đó nhiều nhất có lẽ là con dân nước Việt. Vậy tình hữa nghị được xem là lâu đời đó là gì? Lấy gì để chứng minh, để thuyết phục?
Trong bất kỳ một cuộc gặp mang tính xã giao nào cũng vậy, dành những lời lẽ có cánh cho nhau là điều bình thường, đó cũng là cách mà cả thế giới đang thực hiện. Nhưng dù gì đi nữa thì lịch sử, văn hóa của những quốc gia liên quan cần được tuyệt đối tôn trọng.
Khi điểm tin này, Anh Ba Sàm đã bình luận rằng “Thiết tưởng dẫu cho tay đại tá ngô nghê đó có thở ra những câu nói lạc lõng như vậy vào lúc này, thì những kẻ có trách nhiệm ở VTC cũng không đến nỗi đần độn và vô trách nhiệm mà đăng lại như vậy. Nhưng thật đáng tiếc!” Bình luận này không còn gì để bình luận chỉ trừ một điều là có lẽ không riêng gì lúc này mà mọi lúc khác nữa, cần dứt bỏ lối khẳng định xem thường lịch sử này.
Trần Minh Quân
.
.
.
No comments:
Post a Comment