Saturday, June 4, 2011

CHUYỆN SINH VIÊN VIỆT NAM DƯỚI THỜI BA LAN CỘNG SẢN (Bến Việt)




Lời giới thiệu: Le Tan Sitek ra đời tại Trung Quốc năm 1939 trong gia đình có cha mẹ đều là người Việt Nam. Sang Ba Lan năm 1955 theo diện du sinh, tốt nghiệp đại học Kiến Trúc Đại học Bách Khoa Gdansk. Hiện sinh sống tại Na-uy. Cuốn sách mới của bà, “Sama na drodze” (“Một mình trên đường”) mới được ra mắt kể về thời thơ ấu tại làng quê. Bà đang soạn cuốn tiếp theo “Na rozdrożu” (“Giữa ngã ba đường”) kể về những trải nghiệm tại Ba Lan.
Tuần báo Polityka của Ba Lan nói chuyện với bà Lệ Tân Sitek về cuộc sống thường ngày của nữ sinh viên Việt Nam thời Cộng Hòa Nhân Dân Ba Lan do Władysław Gomulka lãnh đạo.

Bản dịch tiếng Việt của Bến Việt

————————————————————

Lệ Tân Sitek

Joanna Podgórska: Ba Lan những năm 50 trong mắt thiếu nữ Việt Nam chắc khác lạ vô cùng?
Lệ Tân Sitek: Tôi đặt chân tới Ba Lan cùng nhóm các bạn sinh viên khác. Khi mới tới nơi, có người Ba Lan từng sống 1 năm tại Việt Nam đón chào chúng tôi bằng tiếng Việt. Quả là cử chỉ ý nghĩa khi đặt chân tới miền đất lạ. Tôi đã có cơ hội làm quen với những điều khác lạ trước khi tới Ba Lan. Để tới được Ba Lan, chúng tôi chạy tàu hỏa vượt Siberia. Qua khung cửa sổ tàu hỏa khi đi qua Liên Bang Xô-Viết, chúng tôi thấy sắc màu mùa thu, thật khác với mùa thu Việt Nam. Thời gian ngồi tàu cũng là lúc tôi làm quen với diện mạo người Châu Âu bởi trước đó tôi chưa nhìn thấy mặt người da trắng thế nào. Những ngày đầu đặt chân tới Ba Lan, thử thách lớn nhất lại là ẩm thực. Chúng tôi nhịn đói nhiều ngày.

Joanna Podgórska: Thời những năm 50, Ba Lan đâu tới nỗi thiếu thốn đến mức phải nhịn đói đâu nhỉ?
Lệ Tân Sitek: Không tới mức thiếu đói nhưng mà đồ ăn hoàn toàn khác lạ. Tôi không tài nào nuốt nổi bánh mì, khoai tây, sữa vì tôi thấy chúng hoàn toàn vô vị. Có hai món tôi thấy hợp khẩu vị ngay từ đầu là bigos (rau cải muối nấu trộn với thịt vụn –Bến Việt chú thích) và xúc xích bởi chúng cay và có hương thơm. Tôi bị thiếu vị cay, thiếu nước chấm. Xuất thân từ đất nước vừa mới chấm dứt chiến tranh, thiếu lương thực, lẽ ra chúng tôi không được nhiêu khê kén chọn, thế nhưng chúng tôi không thể tự ép ăn và thế là đứa nào cũng bị gày đi. Chúng tôi đề nghị nhà bếp nấu gạo thổi cơm cho chúng tôi. Các bà làm bếp vui lắm khi biết chúng tôi muốn ăn gì. Các bà nấu cơm cho chúng tôi, cho chúng tôi ăn cơm trộn sữa đặc có đường – thật kinh hoàng.

Joanna Podgórska: Làm sao chị tới Ba Lan?
Lệ Tân Sitek: Chiến tranh chia cắt tôi và mẹ trong vòng 9 năm liền. Sau 9 năm đó, tôi vất vả để làm quen với cuộc sống chung. Tôi yêu mẹ nhưng khó lòng làm quen với gia đình mới của mẹ. Tôi không muốn sống chung nhưng ngại nói ra điều đó. Thời đó, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đều hỗ trợ Việt Nam đào tạo thế hệ trẻ cho những sinh viên phải bỏ học vì chiến tranh hoặc thành phần có công lao. Tôi không nghĩ mình thuộc diện đó. Hồi đó tôi mới 16 tuổi nhưng lại thuộc gia đình có công giành độc lập vì chú ruột của tôi là nhà hoạt động, đã giúp tôi vào nhóm các sinh viên du học. Chú biết là tôi muốn đi.

Joanna Podgórska: Lẽ ra chị phải học ngành đóng tàu tại đại học bách khoa Gdansk, đó là lựa chọn của chị?
Lệ Tân Sitek: Làm gì có! Cả nhóm sinh viên chúng tôi được gửi đi học khoa đóng tàu, bởi Ba Lan vốn nổi tiếng ngành đó. Thất vọng vô cùng, bởi tôi không hứng thú với các môn kĩ thuật. Tôi không thể chấp nhận tương lai phải lao động không đúng sở trường. Tôi lên sứ quán Việt Nam để thỉnh cầu họ cho tôi chuyển ngành học khác thế nhưng họ cho đó là việc hoang đường. Tôi có cô bạn cũng ở thế như tôi. Chúng tôi cùng nhau tới gặp trưởng khoa kiến trúc bởi khoa này nằm trong cùng một tòa nhà với khoa đóng tàu. Chúng tôi nói thật hết với thầy trưởng khoa, thỉnh cầu nhận chúng tôi vào học dù chỉ với tư cách sinh viên dự thính. Thầy trưởng khoa thuyết phục chúng tôi rằng chúng tôi sẽ không theo kịp chương trình giảng dạy nhưng cuối cùng thầy đã đồng ý. Trong một năm liền tôi cùng cô bạn theo học hai khoa song song, mà phải dùng chiến thuật làm sao để sứ quán Việt Nam và cả các bạn sinh viên không biết được. Tôi cùng cô bạn thay nhau nghỉ ốm để lén chạy sang khoa kiến trúc, rồi mượn vở của nhau. Cuối năm, chúng tôi phải thú nhận sự thật tại đại sứ quán bởi chúng tôi thi trượt tất cả các môn ở khoa đóng tàu, trong khi đó các môn thi ở khoa kiến trúc thì chúng tôi qua hết.

Joanna Podgórska: Khúc mắc tiếp theo xuất hiện khi chị yêu…
Lệ Tân Sitek: Đó là năm thứ tư đại học. Trước đó, tôi cũng để mắt tới các bạn trai nhưng tôi đã tự dạy mình chỉ nhìn họ như ngắm tượng Apollo; không cho phép mình có tình cảm với họ. Nhưng với Ryszard tôi phải chịu thua. Tôi lo sợ bởi ít nhất 1 lần trong năm chúng tôi phải đi dự huấn luyện chính trị, nơi người ta nhắc đi nhắc lại là chúng tôi sang Ba Lan là để học xong đại học rồi trở về phụng sự đất nước, nghiêm cấm không được quan hệ với người nước ngoài.

Joanna Podgórska: Nói chung những người như chị bị cấm đoán nhiều điều. Phần lớn thành viên gia đình của chị có công với cách mạng, thế nhưng từ sớm chị đã cảm nhận được rằng chế độ tại Việt Nam có vấn đề.
Lệ Tân Sitek: Cả gia đình tôi đều tham gia chống thực dân, từng bị người Pháp tra tấn, bắn chết và tôi coi sự dấn thân của gia đình là điều hiển nhiên. Thế nhưng tới cải cách ruộng đất, cha của người bạn thân thiết nhất của tôi bị xử tử vì bị coi là địa chủ. Ông bị còng tay còng chân treo lên thanh tre rồi sau đó bị đốt sống. Tôi không đủ can đảm mà nhìn cảnh tượng đó. Chú tôi giải thích với tôi rằng tên địa chủ đó từng thống lãnh đất đai trong huyện, nổi tiếng độc ác dã man. Tôi nói lại, các chú cũng không hơn gì. Tôi yêu chú tôi lắm nhưng khi đó, tôi không còn nhìn mặt chú được nữa.
Trong tôi vẫn còn những cảm xúc đó. Dù gia đình tôi thuộc lớp người tham gia cách mạng nhưng tôi được dạy dỗ trong tinh thần tự do. Tôi được tự do nhiều thứ, được đọc sách tiếng Pháp và làm những gì mình muốn. Cũng bởi thế mà ở Ba Lan tôi chật vật trong việc chấp hành quy định khắt khe từ trên đưa xuống cho nhóm sinh viên chúng tôi. Ví dụ như là không được xem phim tư bản sản xuất. Ấy vậy mà tôi đã lén xem. Tôi từng xem phim có Gerard Philip, Michelle Morgan. Các bạn tôi biết được điều đó và tôi bị kiểm điểm liên tục mỗi tuần họp nhóm. Vịn cớ trả lời kiểm điểm, tôi phải kể lại mọi chi tiết những cuốn phim tôi từng xem.

Joanna Podgórska: Tháng 10 năm 1956 là thời điểm Ba Lan được cởi trói. Chị trải nghiệm thời cởi trói thế nào?
Lệ Tân Sitek: Tôi chẳng hiểu gì sất. Tôi tới Ba Lan để theo học, chính trị đã có đại sứ quán Việt Nam lo liệu, họ bảo tôi không cần phải quan tâm hiện tình Ba Lan. Lãnh đạo là Gomulka (1905-1982) Bí thư thứ nhất Đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan, tác giả nhiều chiến dịch đàn áp trí thức, văn nghệ sĩ – Bến Việt chú thích) hay không Gomulka, đối với tôi như vô nghĩa. Trong những ngày đi thực tập, tôi trò chuyện cùng các bạn Ba Lan của mình. Họ bảo tôi là bây giờ đã cởi trói rồi. Tôi hỏi lại, cởi trói cái gì, các cậu có thể đi lại tùy ý, ăn nói tùy tiện, vậy cần cởi trói cái gì kia chứ? Có lần họ kể cho tôi nghe chuyện thảm sát Katyn, tôi không tin được – tại sao lại có thể chế ra chuyện hoang đường như vậy, rằng người Nga giết chết binh sĩ Ba Lan ư? Bởi có mình tôi là sinh viên Việt Nam trong khoa kiến trúc nên tôi có cơ hội gần gũi với bạn bè Ba Lan, dỏng tai nghe họ bàn luận, và tôi biết thế nào là sự thật về Ba Lan.

Joanna Podgórska: Nhưng sự thật về mối tình của chị với anh Ryszard đã tới tai đại sứ quán Việt Nam. Người bạn sinh viên đã chỉ điểm phải không?
Lệ Tân Sitek:  Còn ai khác nữa? Tôi và Ryszard rất thận trọng. Mà tôi đâu có nghĩ sẽ lấy Ryszard làm chồng rồi ở lại Ba Lan vĩnh viễn đâu. Tôi hiểu rằng đất nước sau chiến tranh cần người du học có học thức trở về phụng sự cải tân đất nước. Tôi không hề có ý nghĩ buông xuôi trách nhiệm. Ryszard cũng không ép bởi anh ấy biết tôi gắn bó với Việt Nam nhường nào. Thế nhưng chúng tôi cũng tha thiết muốn sánh đôi. Chúng tôi cùng nhau đi du ngoạn các nước trong khối cộng sản, coi như để có kỉ niệm chung. Có thể ai đó nhìn thấy chúng tôi trên ga tàu, có thể ai đó bắt được thư Ryszard gửi cho tôi ở kí túc xá? Chắc tôi sẽ không bao giờ biết sự thật hồi đó ra sao.
Trưởng nhóm bảo tôi phải đưa hộ chiếu cho ông ấy để gia hạn, tôi rất lo bởi không ai trong nhóm phải làm vậy. Thế rồi họ để tôi yên tới vài tháng. Và họ đã chọn thời điểm thử thách nhất – đúng lễ Phục sinh, khi kí túc xá vắng tanh. Họ chuyển tôi tới Warszawa và cho tôi vào căn hộ dùng làm nhà khách của tòa đại sứ. Tôi chờ phải đối diện với nhân viên đại sứ, sẵn sàng hứa hẹn chấm dứt quan hệ với Ryszard, miễn làm sao được học hết đại học. Tôi không thể ngờ họ sẽ trục xuất tôi về Việt Nam khi chỉ còn 1 năm rưỡi thôi là tôi kết thúc đại học. Họ nhốt tôi 3 ngày chỉ để trong 3 ngày đó họ về Gdansk lấy đồ đạc của tôi. Sáng ra, họ tới hộ tống tôi ra ga tàu để đưa tôi về Moskwa và sau đó Hà Nội. Một sinh viên khác hộ tống tôi, mang theo người vé và hộ chiếu của tôi.

Joanna Podgórska: Chị nghĩ sao khi bước lên tàu?
Lệ Tân Sitek: Tôi chỉ hi vọng mặc cả được đôi chút, để có thể kết thúc đại học. Tôi không thể về nước mà không có bằng đại học bởi như vậy thật nhục nhã. Trong cuộc trốn chạy, tôi được biết những điều tuyệt vời nhất về người Ba Lan.

Joanna Podgórska: Họ đã giúp chị?
Lệ Tân Sitek: Tất cả đều giúp. Không kể những người tôi từng quen đã bênh vực tôi: các bạn sinh viên, thầy trưởng khoa, cả vị giáo sư mà tôi vô cùng yêu kính đã tới đại sứ quán và bảo nếu sứ quán cho tôi ở lại, ông ấy sẽ đích thân trang trải chi phí học bổng cho tôi. Người đầu tiên tôi gặp khi nhảy tàu xuống Siedlce lại là một cán bộ công an. Ông ta thấy tôi xanh như tàu lá và giống cái xác chết. Ông ấy kiếm nước cho tôi uống rồi đưa tôi về đồn, đi qua cửa phụ vì ở cửa chính là công an trưởng đang nói chuyện điện thoại với toán người hộ tống tôi. Tôi nhờ gọi cấp cứu, nói với bác sĩ rằng tôi bị đau tim và đau dạ dày, cứ cho tôi tới bệnh viện tôi sẽ nói nốt hiện tình mình. Và tôi được cứu thoát nhờ đó. Bác sĩ trưởng khoa, tất thảy các y sĩ bệnh viện đều bênh tôi. Trong ngày, nhân viên đại sứ quán còn tới bệnh viện đòi đưa tôi đi chuyến tàu sau đó. Các y sĩ không chấp thuận. Khi nhân viên sứ quán trở lại cùng binh sĩ để dùng vũ lực đưa tôi đi, các y sĩ viết giấy chứng nhận rằng tình trạng sức khỏe của tôi quá nguy kịch, bắt buộc phải ở lại bệnh viện để theo dõi. Sau đó thì một phụ nữ cũng là bệnh nhân giúp tôi rời bệnh viện tới Gdansk đoàn tụ với Ryszard.

Joanna Podgórska: Gần như chính Gomulka đã cho giấy phép để anh chị cưới nhau.
Lệ Tân Sitek: Tình thế của tôi khi đó thật nguy nan. Có ai ngờ giữa Việt Nam và Ba Lan còn có hiệp ước cấm công dân hai nước cưới nhau. Hộ chiếu và tất cả các giấy tờ của tôi bị đại sứ quán giữ. Nhà trường, rồi Hội Sinh Viên Ba Lan can thiệp đều không ăn thua. Không còn lối thoát, tôi đích thân tới Trung ương Đảng Công Nhân Thống Nhất và tiếp cận được với một nhân viên thân cận của Gomulka. Tôi thuật lại tình trạng của mình, họ gọi Ryszard tới nói chuyện và cuối cùng, họ cho tôi giấy tờ Ba Lan cùng giấy phép cưới chồng. Câu chuyện nhỏ mà cuối cùng tiếng tăm khiến nó bị xé thành lớn. Tháng 6 năm 1962 chúng tôi cưới nhau và một năm sau, con trai đầu lòng của chúng tôi ra đời.

Joanna Podgórska: Tại sao anh chị lại quyết định di cư tới Na-Uy?
Lệ Tân Sitek: Gia đình chồng tôi ở bên Na-Uy hết, còn tôi thì bị cắt đứt liên hệ với thế giới của tôi. Có lần tôi nói với chồng: anh à, em muốn chúng ta đi đâu tới nơi mà chỉ có hai ta thôi, cách xa cả hai cõi bờ.

© Polityka và Bến Việt
.
.
.

No comments: