Saturday, June 4, 2011

BA LAN - HOA KỲ : BẠN ĐỒNG HÀNH (Đinh Minh Đạo)



Tổng thống Obama và thủ tướng Ba Lan Donald Tusk

HELLO, MR. PRESIDENT. Đây là hàng chữ lớn chạy trên trang nhất của nhật báo WYBORCZA , nhật báo lớn nhất của Ba Lan chào mừng tổng thống Barack Obama .
Sau Ai Len, Anh và Pháp, Ba lan là chặng cuối cùng trong chuyến thăm châu Âu lần này của ông . Tờ “The Wall Steet Journal” ra ngày thứ sáu 27-05 viết: ”Ba Lan là chặng đường khó khăn nhất trong cả chuyến đi châu Âu của tổng thống Obama”.

Người bạn đồng hành

Trong cuộc cách mạng loại bỏ chế độ độc tài toàn trị cộng sản do Công Đoàn Đoàn Kết (C Đ Đ K) Ba Lan lãnh đạo, Mỹ là quốc gia ủng hộ và giúp đỡ toàn diện và triệt để nhất. Tháng 12 năm 1981, khi chính quyền cộng sản Ba Lan ban bố thiết quân luật và đặt C Đ Đ K ra ngoài vòng pháp luật, Mỹ đã cấm vận kinh tế và lên án mạnh mẽ nhất chính quyền cộng sản Ba Lan. Năm 1983, quốc hội Mỹ lập quỹ giúp đỡ C Đ Đ K với ngân sách 1 triệu Đô la và đề cử thượng nghị sỹ E. Kennedy làm cố vấn.
Sau khi chính quyền dân chủ Ba Lan được thành lập, Mỹ đã giúp đỡ Ba Lan về mọi mặt: kinh tế, quân sự chính trị v..v. Mỹ đã vận động các hội viên NATO, giúp đỡ Ba Lan tổ chức lại quân đội để Ba Lan gia nhập khối NATO năm 1999, chấm dứt những năm dài lịch sử dưới sự kiềm tỏa của nước Nga. Lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc Ba Lan được sống trong hòa bình và an ninh vững chắc.
Sau vụ tấn công của quân khủng bố vào Mỹ ngày 11-09-2001, Ba Lan là một trong những nước sớm nhất gia nhập liên minh chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo. Quân đội Ba Lan đã sát cánh cùng quân đội Mỹ tại các chiến trường Afghanistan và Iraq.
Lịch sử hai dân tộc Mỹ và Ba Lan cũng có nhiều liên hệ gắn bó. Tướng Ba Lan Pulawski người đã chiến đấu sát cánh bên cạnh G. Washington để giành độc lập cho nước Mỹ. Nghệ sỹ piano nổi tiếng của Ba Lan Ignacy Jan Paderewski, tổng thống đầu tiên của nước Ba Lan độc lập (1919) đã sống ở Mỹ trước khi trở thành tổng thống và là bạn của các tổng thống Mỹ cùng thời. Ngoài ra, 10 triệu người Mỹ gốc Ba Lan là cầu nối quan trọng về kinh tế và chính trị giữa hai nước.
Điều đặc biệt, tất cả các đảng phái chính trị của Ba Lan, dù là nắm chính quyền hay đối lập, đều có sự đồng thuận, coi quan hệ gắn bó với Mỹ là một trong các chiến lược ngoại giao quan trọng nhất. Ba Lan luôn bị ’’mang tiếng’’ là yêu Mỹ nhất ở trung và đông Âu.

Những nẩy sinh trong đồng hành

Sau khi nhậm chức, tháng 09-2009, tổng thống Obama đã quyết định từ bỏ kế hoạch xây dựng hệ thống chống tên lửa tại Ba Lan và cộng hòa Séc. Đây là kế hoạch do người tiền nhiệm George W. Bush đã ký kết với Ba Lan và Séc. Sau sự kiện này, nhiều nhà chính trị của Ba Lan và trung Âu cho rằng, chính quyền Obama đã hoạch định một đường lối đối ngoại mới, trong đó, trung và đông Âu là vùng không được chú ý, đôi lúc nó trở thành đối tượng để mặc cả trong thương lượng các vấn đề chiến lược khác của Mỹ.
Vấn đề bỏ visa cho các công dân Ba Lan vào Mỹ cũng làm cho nhiều công dân Ba Lan bất bình. Cho đến nay Ba Lan là một trong số ít các nước trong Cộng Đồng Châu Âu bị áp dụng chế độ visa vào Mỹ.
Ngoài ra, nhiều nhà kinh tế Ba Lan không vừa lòng với mức độ giúp đỡ và hợp tác đầu tư kinh tế của Mỹ vào Ba Lan.

Chuyến thăm bận rộn
Tổng thống Obama đã kết thúc chuyến thăm Ba Lan sau 22giờ đồng hồ đầy ắp công việc:
- Gặp gỡ tổng thống Bronislaw Komorowski và thủ tướng Donald Tusk của Ba Lan. Obama đã hết lời ca ngợi thành tựu kinh tế, chính trị… của Ba Lan, coi đó là điển hình thành công nhất, sáng giá nhất của công cuộc chuyển đổi một cách hòa bình, từ chế độ độc tài, kinh tế tập trung sang chế độ dân chủ, kinh tế thị trường. Mô hình Ba Lan đáng để cho các nước Ả Rập và châu Phi đang tiến hành các cuộc cách mạng dân chủ học tập.
- Găp gỡ lãnh đạo các nước trung và đông Âu.
- Vạch ra những bước để tiến tới bỏ visa cho công dân Ba Lan.
- Lập ủy ban hỗn hợp kinh tế. Mỹ sẽ hợp tác với Ba Lan thăm dò khai thác mỏ khí đốt dạng đá phiến, dự kiến trữ lượng đủ cung cấp cho yêu cầu của Ba Lan tới 300 năm. Kỹ thuật khai thác những loại mỏ này, Mỹ là nước đứng đầu thế giới. Hai bên còn hợp tác trong lĩnh vực năng lựơng hạt nhân.
- Tiến hành thương lượng để Mỹ thiết lập chạm huấn luyện bay cho hai loại máy bay chiến đấu F-16 và máy bay vận tải khổng lồ Hercules.

Bài học lịch sử

Những nhà chính trị, ngoại giao, những người Việt Nam yêu nước, trăn trở với độc lập và an ninh của đất nước và dân tộc, có thể học hỏi được gì trong quan hệ giữa Ba Lan và Mỹ?
Trước hết, nhờ xác định đồng minh chiến lược, tìm người bạn trung thành, có khả năng giúp đỡ mình để khống chế kẻ thù ”truyền kiếp”, Ba Lan đã thoát khỏi sự kiềm chế, đe dọa của nước Nga.
Chúng ta không có khả năng làm thay đổi bản chất bá quyền tham lam theo chủ nghĩa đại Hán của người láng giềng phương Bắc. Cách ứng xử ươn hèn, cách suy nghĩ thiển cận” nước xa không chữa được lửa gần” của chính quyền cộng sản Việt Nam càng làm cho nguy cơ mất đất, mất biển tăng cao. Ba Lan cách xa Mỹ gần nửa vòng trái đất, nhưng nhờ quan hệ với Mỹ mà các nước láng giềng không bắt nạt được Ba Lan.
Lịch sử không bao giờ như những công thức toán học có sẵn để chúng ta đem áp dụng. Lịch sử giúp ta suy ngẫm, học hỏi để sáng tạo. Lịch sử giúp nhìn lại mình, nhìn lại các sự kiện để không mắc lại những sai lầm của quá khứ , nhất là những sai lầm này ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước. Mà đất nước là của chung 90 triệu người Việt Nam chứ không phải của riêng 3 triệu đảng viên cộng sản.

Warsaw 03-06-2011
© Đàn Chim Việt
.
.
.

No comments: