Friday, June 24, 2011

BIỂN ĐÔNG và NƯỚC CỜ CHIẾN LƯỢC CỦA CÁC BÊN (TS Nguyễn Ngọc Trường)



TS Nguyễn Ngọc Trường
Ngày 24.06.2011, 15:27 (GMT+7)

SGTT.VN - Một, Trung Quốc muốn gì ở Biển Đông? “Sinh sự để sự sinh”, tạo đột phá nhằm triển khai chiến lược mới khai thác dầu khí biển sâu ở khu vực nam Biển Đông – Trường Sa.
Nhóm thực lực Bắc Kinh còn muốn vận dụng kinh nghiệm Đặng Tiểu Bình gây chiến năm 1979 dùng xung đột bên ngoài để củng cố vị thế bên trong, nay đang ở trước thềm đại hội 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Vừa ép các nước, Trung Quốc vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán thương lượng để “cùng khai thác”, thực chất là để Trung Quốc khai thác phần chính do chủ động về công nghệ, lẫn tiềm lực tài chính. Ngày 21.6, Thứ trưởng ngoại giao Thôi Thiên Khải trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã và đài Phượng hoàng liên quan đến cuộc tham vấn lần thứ nhất Trung – Mỹ về các công việc khu vực châu Á – Thái Bình Dương tổ chức ngày 25.6 tại Hawaii, nói rằng: Trung Quốc vẫn kiên trì không thay đổi những chủ trương trước đây; hy vọng các nước khác cũng sẽ giống Trung Quốc có thái độ kiềm chế, trách nhiệm và mang tính xây dựng. Nếu các nước đều có thái độ giống Trung Quốc thì các vấn đề này sẽ dễ dàng giải quyết. Trung Quốc không mong muốn những tranh chấp thế này giữa các nước với nhau ảnh hướng đến sự ổn định của cả khu vực hoặc ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ song phương giữa các nước liên quan. Sau những vụ “lên gân lên cốt” hiện nay, nội dung thương lượng và thoả hiệp sẽ lộ diện rõ ràng hơn.

Hai, để triển khai chiến lược mới tại Biển Đông, Trung Quốc thực hiện “ba mũi giáp công”. Trước hết hoà hoãn với Mỹ nhằm “trung lập hoá” Mỹ trong cuộc tranh chấp Biển Đông. Mỹ có thể đứng trung lập đến mức nào, vẫn là câu hỏi khó lường đối với Trung Quốc. Trước mắt, Mỹ có thể để Trung Quốc xoay xở đàm phán thương lượng, nhưng việc Mỹ đưa siêu hàng không mẫu hạm và đưa các tàu khu trục vào tập trận ở Biển Đông cho thấy Mỹ vẫn muốn cầm trịch cuộc chơi ở vùng biển này để xung đột không vượt khỏi tầm kiểm soát. Nếu có hoà hoãn thì cũng là một cuộc giải lao ngắn. Thứ hai, dùng ngoại giao tiền bạc và các lợi ích kinh tế khác để ràng buộc các nước, tập hợp lực lượng ở Đông Nam Á; dùng “hợp tung” phá “liên hoành” của ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Bó đũa ASEAN xem ra đang bị bẻ gãy từng chiếc. Thứ ba, tăng cường chính sách thực lực và ngoại giao pháo hạm tại Biển Đông, trước hết là để khuất phục Việt Nam và Philippines. Dùng quân sự hỗ trợ đàm phán trên thế mạnh, nhưng không loại trừ khả năng tạo ra “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” để gây chiến bất chấp dư luận, đặt mọi việc trước sự đã rồi, độc chiếm Biển Đông.

Ba, Trung Quốc có thể đi xa đến đâu? Trung Quốc tuy lắm tiền nhiều súng nhưng không có chính nghĩa. Phóng viên Thời báo hoàn cầu khi đưa tin về hội nghị quốc tế về Biển Đông tổ chức mới đây tại Singapore, ngay trước khi tàu tuần tra Trung Quốc thăm cảng nước này, cho hay hầu như tất cả các học giả đều phát biểu phê phán Trung Quốc, rất ít người nói thay cho Trung Quốc. Một học giả Trung Quốc nói rằng “mặc dù sức mạnh của Trung Quốc tăng nhanh, nhưng tiếng nói trong cộng đồng quốc tế rất yếu, trong vấn đề Biển Đông cũng như vậy”.

Mặt khác, Trung Quốc phải giải quyết khá nhiều vấn đề trong nước. Arthur Herman, một tác giả tên tuổi ở Mỹ, nhận định giá dầu tăng cao và lạm phát đang xoá đi nhiều thành tựu kinh tế của Trung Quốc; bạo lực gia tăng thành hàng chục vạn vụ hàng năm, thậm chí cả các vụ nổ bom chống lại chính quyền. Ông này nhận xét rằng nhìn vào các việc làm, “Trung Quốc trông không giống một siêu cường đang lên mà giống như một kẻ bắt nạt mất kiểm soát”.

Dù thế nào, Trung Quốc chắc cũng không muốn phá vỡ cục diện vốn đang có lợi cho họ ở Đông Nam Á. Một cuộc chiến tranh tại Biển Đông do Trung Quốc phát động tất yếu sẽ đẩy một số quốc gia đang giữ vị thế trung lập đầy khó khăn trong quan hệ giữa các nước lớn vào một liên minh mới với Mỹ.

Bốn, nước Việt ta xưa nay giữ được bờ cõi không những cần ý chí nghị lực mà phải có mưu lược. Trong nước, tiếp tục biểu dương sức mạnh đoàn kết dân tộc. Hãy sản xuất ra hàng hoá có sức cạnh tranh. Trên biển, ta phải nhanh chóng thích nghi ứng phó với loại xung đột cường độ thấp và “phi truyền thống” mà các lực lượng vũ trang và bán vũ trang Trung Quốc tiến hành.

Năm, hy vọng không phải là chiến lược. Cần dựa vào sức mình là chính, kết hợp mọi hình thức đàm phán song phương và đa phương, trong khi tăng cường củng cố thực lực của mình, đẩy mạnh tập hợp lực lượng quốc tế, vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh coi trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn. Lại phải thấm nhuần tư tưởng cốt lõi của ngoại giao Đại Việt trong quan hệ với Trung Quốc đúc kết qua hàng ngàn năm bang giao, nằm trong hai chữ “hoà hiếu”. Nhiều người Trung Quốc hiện nay chưa hiểu bản chất tình hình Biển Đông. Ta cần tận dụng các lợi thế của thời đại kỹ thuật số, gửi đến nhân dân Trung Quốc các thông tin xác thực, lý lẽ phải trái và bức thông điệp rõ ràng: Việt Nam không thách thức Trung Quốc trên Biển Đông; Việt Nam chỉ bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình trong vùng lãnh hải mà mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều được công pháp quốc tế, công lý và đạo lý thừa nhận.

TS Nguyễn Ngọc Trường

---------------------
CA THY (Theo Washingtonpost, FT, AFP)
Ngày 24.06.2011, 12:55 (GMT+7)

SGTT.VN - Hôm qua 23.6, tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc đề nghị Mỹ tránh xa các tranh chấp ở biển Đông. Bà cũng tái khẳng định Mỹ có lợi ích ở khu vực này.

Mỹ phản đối việc hăm dọa vũ lực
Trong cuộc gặp gỡ với ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario tại Washington, bà Clinton nhấn mạnh: “Mỹ không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, nhưng chúng tôi phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để giành được yêu sách của bất cứ bên nào”.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines đã nêu 9 vụ xâm phạm của Trung Quốc từ 25.2 đến nay vào vùng Philippines có yêu sách ở biển Đông. Bà Clinton phát biểu: “Chúng tôi lo ngại những vụ việc gần đây ở biển Đông sẽ ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi thúc giục tất cả các bên kiềm chế, và chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với tất cả các nước có liên quan”
Ngoại trưởng Mỹ cho rằng, cuối cùng các tranh chấp lãnh thổ cần phải được giải quyết bởi các bên liên quan, nhưng Mỹ cũng sẵn sàng ủng hộ một quá trình hợp tác, bằng con đường ngoại giao của ASEAN, nỗ lực tiến tới một bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Trước đó, hôm 22.6, Trung Quốc đã thúc giục Mỹ tránh xa các tranh chấp ở biển Đông, cho rằng vấn đề nên được giải quyết thông qua các đàm phán song phương với các nước có liên quan. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cui Tiankai cảnh báo sự tham gia của Mỹ vào biển Đông có thể khiến căng thẳng trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, trước sự phô trương lực lượng hải quân và các tuyên bố cứng rắn từ Trung Quốc trong tuần, ngoại trưởng Mỹ nêu rõ, Mỹ cam kết sẽ ủng hộ Philippines và cung cấp vũ khí cho nước này. Bà Clinton khẳng định, đây là động thái nêu cao tinh thần của hiệp ước quốc phòng song phương với Philippines.
Bà Clinton cũng nhấn mạnh, vấn đề biển Đông sẽ được thảo luận tại cuộc gặp giữa trợ lý của bà là Kurt Campbell và thứ trưởng Trung Quốc Cui Tiankai tại Hawaii cuối tuần này.
Hồi năm ngoái, bà Clinton đã tuyên bố Mỹ có lợi ích trong việc đảm bảo các xung đột ở biển Đông được giải quyết cách hòa bình. Điều đó được coi là một thách thức ngoại giao của Trung Quốc.

Tàu hải quân Mỹ đến Đà Nẵng trong tháng tới
Người phát ngôn hải quân Mỹ, thiếu tá Mike Morley cho biết, Mỹ và Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động hải quân chung ở biển Đông trong tháng 7.2011, tại TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, hoạt động này không liên quan tới những căng thẳng trong khu vực gần đây, vì đã được lên kế hoạch trước đó. “Việc này chỉ là trùng hợp về thời gian mà thôi”, ông Morley nói.
Các hoạt động hải quân chung sẽ kéo dài một tuần và không phải là tập trận, không có huấn luyện chiến đấu.
Ít nhất một tàu khu trục của hải quân Mỹ và một tàu ngầm kiêm cứu hộ sẽ tham gia hoạt động đợt này, nằm trong chương trình giao lưu giữa hải quân hai nước.
Hai bên sẽ hợp tác về y tế và tìm kiếm cứu hộ trên mặt biển. Năm ngoái, một chương trình hợp tác hải quân tương tự đã diễn ra.

CA THY (Theo Washingtonpost, FT, AFP)
.
.
.

No comments: