Thanh Phương - RFI
Thứ sáu 10 Tháng Sáu 2011
Sau vụ thứ hai tàu Trung Quốc xâm nhập hải phận Vìệt Nam và phá hoại thiết bị của tàu Việt Nam, chính quyền Hà Nội đã tỏ thái độ mạnh hơn, nhanh hơn. Nhưng phản ứng từ phía Trung Quốc còn dữ dội hơn. Có thể nói, trên Biển Đông, cuộc chiến thông tin đã khai diễn.
Sau vụ thứ hai tàu Trung Quốc xâm nhập hải phận Vìệt Nam và phá hoại thiết bị của tàu Việt Nam, đúng là bộ Ngoại giao Việt Nam đã có phản ứng mạnh hơn và nhanh hơn. Vụ đầu tiên xảy ra đối với tàu Bình Minh 02 xảy ra ngày 26/5, nhưng đến tận ngày 29/5, phát ngôn viên bộ Ngoại giao mới lên tiếng phản đối. Nhưng hôm qua, sau khi xảy ra vụ tàu Viking 2 bị cắt dây cáp, bộ Ngoại giao đã họp báo ngay để tố cáo vụ này. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga khẳng định là hành động của tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là « hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng ».
Nhưng về phía Bắc Kinh, phản ứng cũng cứng rắn hơn. Ngay sau phản đối của Việt Nam, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cáo buộc rằng chính tàu cá Trung Quốc đã bị tàu Việt Nam « xua đuổi », « bị vướng dây cáp của tàu Việt Nam và bị kéo đi hơn một giờ », đến mức tàu cá Trung Quốc phải cắt lưới để thoát thân. Theo ông Hồng Lỗi, « hành động này gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sự an toàn của các ngư dân Trung Quốc ». Ông còn đòi Việt Nam phải ngưng mọi hành động « vi phạm chủ quyền Trung Quốc ». Không những thế, hôm nay, Bắc Kinh, qua lời đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu, còn đòi những nước láng giềng châu Á không được tìm kiếm dầu ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Giữa Philippines với Trung Quốc, cuộc khẩu chiến cũng đã kéo dài nhiều ngày qua. Hầu như ngày nào Manila cũng ra thông cáo lên án những hành động của tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh hải Philippinnes và lần nào Bắc Kinh cũng bác bỏ ngay lập tức, yêu cầu Manila không được có những tuyên bố « vô trách nhiệm ». Nhưng Philippines có vẻ ở thế chủ động hơn, chẳng hạn như họ đã đòi Trung Quốc nói rõ là dàn khoan khổng lồ sẽ được đặt cụ thể ở đâu trên Biển Đông và nói trước là Manila sẽ không chấp nhận để dàn khoan này trong vùng lãnh hải của họ. Trong khi Việt Nam chỉ lên tiếng sau khi đã xảy ra các vụ đụng độ trên Biển Đông.
Mặt khác, ngay từ đầu, không chỉ có bộ Ngoại giao mà đích thân tổng thống Philippines có phản ứng mạnh mẽ với Trung Quốc. Tối ngày 08/06 vừa qua, tại Nha Trang, lần đầu tiên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới lên tiếng về vấn đề Biển Đông khi tuyên bố là : « Nhân dân Viêt Nam có đủ ý chí và sức mạnh để bảo vệ biển đảo của mình », đồng thời khẳng định « chủ quyền không thể tranh cãi » của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tuyên bố này được chú ý vì nó cho thấy mức độ căng thẳng giữa hai nước đã lên đến cấp cao. Tuy nhiên, trong bài phát biểu, ông Nguyễn Tấn Dũng không nhắc đến tên Trung Quốc và cũng không đề cập đến vụ tàu Bình Minh 02. Không biết có phải cố tình hay trùng hợp thời điểm, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố tối hôm trước, ngay sáng hôm nay, tàu Trung Quốc lại gây hấn Việt Nam trên Biển Đông.
Trong khi quan hệ hai bên căng thẳng như vậy, một phái đoàn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại đi thăm Trung Quốc. Theo bản tin của TTXVN, hôm qua, thay mặt cho đoàn Việt Nam, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Hoàng Thám đã khẳng định « Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc » và hy vọng « sẽ đưa quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới ».
Cũng giống như tại diễn đàn an ninh Shangri-La vừa qua, phái đoàn Việt Nam đã nêu lên vụ tàu Bình Minh 02 trước quốc tế, nhưng theo tờ China Daily, khi gặp riêng với đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quan Thanh lại khẳng định Trung Quốc là « người anh em tốt, đối tác tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt ». Thực tế, ông Phùng Quang Thanh có nói như vậy hay không, ngoài phái đoàn hai nước, không ai được biết rõ. Nhưng đây là một ví dụ cho thấy là trong vấn đề Biển Đông, báo chí chính thức của Trung Quốc đã khéo léo định hướng dư luận trong và ngoài nước, đặc biệt thông qua những tờ báo tiếng Anh như China Daily hay Global Times, với mục tiêu tối hậu là đặt quốc tế trước một thực tế đã rồi là toàn bộ vùng Biển Đông thuộc về Trung Quốc. Nếu thua Trung Quốc trong trận chiến thông tin này, Việt Nam sẽ khó mà giữ được toàn vẹn lãnh thổ.
.
.
.
Đức Tâm - RFI
Thứ sáu 10 Tháng Sáu 2011
Ngày 09/06/2011, nhiều tàu Trung Quốc lại xâm nhập hải phận Việt Nam và cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Viking 2 thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam. Ngay lập tức, phía Việt Nam đã lên tiếng phản đối và tố cáo đây là hành động chủ ý của phía Trung Quốc.
Phản ứng của Trung Quốc, cũng như sự cố tàu Bình Minh 02, vẫn rất ngang ngược: Lại yêu cầu Việt Nam chấm dứt các hoạt động tại vùng biển mà Bắc Kinh coi là thuộc chủ quyền của mình. Thậm chí, Trung Quốc lại còn tố cáo tàu Việt Nam đe dọa sinh mạng các ngư dân Trung Quốc.
Vậy, tình hình căng thẳng này có dẫn đến xung đột quân sự giữa hai nước tại Biển Đông hay không? Theo nhà báo Lưu Tường Quang, tại Sydney, thì thực ra, đây chỉ là một cuộc chiến tranh cân não, khẩu chiến có thể còn tiếp tục. Cả hai bên đều không muốn xẩy ra đụng độ quân sự.
Sau đây là phân tích của nhà báo Lưu Tường Quang, từ Sydney.
Nghe (08:48) : Nhà báo Lưu Tường Quang tại Úc
.
.
.
No comments:
Post a Comment