Wednesday, June 1, 2011

BÁO TRUNG QUỐC TIẾP TỤC LỜI LẼ CỨNG RẮN (BBC)

BBC
Cập nhật: 06:36 GMT - thứ tư, 1 tháng 6, 2011

Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc có bài bình luận vụ tàu hải giám nước này đụng độ tàu khảo sát của PetroVietnam, nói đây là vụ 'nghiêm trọng nhất trong nhiều năm nay'.

Bài bình luận đăng trên Hoàn Cầu phiên bản tiếng Trung hôm 30/05 không ký tên tác giả, cho thấy đây là một dạng xã luận của báo.
Bài báo nhận định cuộc đụng độ hôm 26/05 là "nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây", và lời lẽ của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo vào Chủ nhật 29/05 là "quá nóng nảy".
Tại cuộc họp báo bất thường này, bà Nguyễn Phương Nga nói "hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam".
Tuyên bố này đã làm phía Trung Quốc không hài lòng.

Bài trên Hoàn Cầu Thời báo, tờ báo con của Nhân dân Nhật báo vốn là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết: "Trung Quốc là nước lớn, sức mạnh hơn hẳn Việt Nam".
"Trong thời gian qua, Trung Quốc luôn tìm cách tránh leo thang xung đột Biển Đông với Việt Nam, không muốn ép buộc Việt Nam phải thuận theo quan điểm của mình và Việt Nam biết rõ điều này."

Theo Hoàn Cầu, đó chính là lý do mà Việt Nam thường xuyên tiến hành thăm dò dầu khí tại các khu vực tranh chấp, thách thức lòng kiên nhẫn của Trung Quốc.
Tờ báo viết nhiều người Việt Nam cho rằng vì Trung Quốc có tranh chấp biên giới với nhiều nước nên không thể lớn tiếng, và thái độ của Hoa Kỳ mới đây về Biển Đông đã khiến cho Việt Nam tỏ ra càng tự tin.
"Có thể nhận định của Việt Nam là đúng. Trung Quốc không muốn gây xung đột với Việt Nam và các nước khác trong lĩnh vực chủ quyền."
Bài viết cảnh báo: "Tuy nhiên sự kiềm chế của Trung Quốc không phải là không có giới hạn".

'Muối trong Biển Đông'

Hoàn Cầu Thời báo ví von: "Nếu Việt Nam cho rằng sự kiên nhẫn của Trung Quốc nhiều như muối ở Nam Hải (Biển Đông), thì họ đã vấp phải sai lầm chiến lược".
Bài báo viết tuy Bắc Kinh vẫn không muốn làm gia tăng căng thẳng, nhưng buộc phải thành thật với Việt Nam. Nếu như Việt Nam cứ tiếp tục hoạt động trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc, thì sẽ phải chịu trách nhiệm vì hành vi của mình.
"Nếu Việt Nam thực sự sẵn sàng 'làm mọi việc cần thiết', thì cứ việc thử sức mình xem."

Tờ Hoàn Cầu nói nếu như Hà Nội tính toán rằng qua việc gây áp lực ngoại giao có thể khiến Bắc Kinh nhượng bộ về biển đảo, thì thật quá ngây thơ.
Báo này cũng nhắc lại rằng Việt-Trung hai nước láng giềng có nhiều lợi ích chung trong dàn xếp hòa bình tranh chấp lãnh thổ, và nếu như Trung Quốc tiếp tục kiềm chế thì Việt Nam cũng cần cố gắng không hành xử một cách hung hăng.

Sau hai ngày đăng tải, bài bình luận trên Hoàn Cầu Thời báo đã thu hút khoảng trên 450 nhận xét của độc giả, nhiều nhận xét hừng hực tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
Một số bình luận gia cho rằng thái độ của Trung Quốc trong vụ tàu Bình Minh 02 tỏ ra ngày càng cứng rắn.

Chuyên gia Việt Nam Carl Thayer từ Úc châu nói Trung Quốc lâu nay đã tăng cường khẳng định chủ quyền Biển Đông bằng hoạt động của các tàu hải giám.
"Vụ này cho thấy sự gây hấn nghiêm trọng của tàu Trung Quốc, nhất là khi các tàu này cố tình cắt dây cáp của tàu khảo sát địa chấn Việt Nam."
Theo ông Thayer, sự nghiêm trọng của vụ việc tăng lên gấp bội vì tàu Bình Minh 02 hoạt động sâu trong khu vực kinh tế đặc quyền (EEZ) của Việt Nam.
"Nó cho thấy Trung Quốc nay tuyên bố chủ quyền ngay trong EEZ của Việt Nam, về phía Tây của đường chín đoạn."
Ông Thayer nhận định Hà Nội bị buộc phải lên tiếng về vụ này, có thể là vì sắp có hội nghị an ninh khu vực.
"Nếu Trung Quốc cứ tiếp tục khẳng định chủ quyền một cách mạnh bạo như vừa rồi, thì Việt Nam có thể sẽ buộc phải điều tàu chiến ra bảo vệ các tàu thăm dò và nguy cơ bùng nổ đụng độ vũ trang sẽ là rất lớn."

Lập trường Nam Hải

Trong khi đó, báo Asahi của Nhật Bản thì nói rằng Trung Quốc ngày càng cứng rắn trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông là vì sức mạnh kinh tế và quân sự của nước này ngày càng vượt trội.
Theo Asahi, Cục Quản lý Đại dương Nhà nước Trung Quốc mới đây ra phúc trình khuyến cáo sử dụng vũ lực quân sự để hướng tranh chấp lãnh thổ với các nước theo ý mình.
Tuy nhiên Trung Quốc cũng tăng cường chủ động trong lĩnh vực ngoại giao để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Gần đây, các quan chức Quân ủy Trung ương Trung Quốc, và cả Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt, đã công du tới một số nước Đông Nam Á để bàn chủ đề Biển Đông.
Asahi bình luận rằng Bắc Kinh muốn chấm dứt tình trạng bị cô lập trong các vấn đề chủ quyền, trong khi Hoa Kỳ ngày càng tỏ ra thân cận với các nước trong khu vực.
Cứng rắn về quân sự nhưng lại tăng cường nỗ lực ngoại giao chính là chính sách "cây gậy và củ cà rốt" mà giới ngoại giao nói Bắc Kinh đang thực hiện lúc này.
.
.
.

No comments: