Ngu Dân
Thứ Tư, 22/06/2011
Có một cao trào vĩ đại đang diễn ra trong đời sống tinh thần của người Việt Nam hiện nay là làm thơ. Đúng là đất nước thái bình và dân tộc thi sĩ.
Thời chiến, thơ văn là công cụ ru ngủ (cho những người, những việc cần ngủ) và tiếng kèn xung trận. Thơ văn được dạy trong nhà trường như một thứ tá dược tạo hình nhằm tăng biểu cảm cho chính trị, để có lúc người học bật khóc hoặc nghiến răng ken két trong lớp theo những lời văn tụng ca lãnh tụ, lãnh đạo, anh hùng hoặc câu thơ lên án quân thù. Dạy được câu nào thì biết câu ấy, và cũng hiểu, cũng bình, cũng làm bài thi trả nợ theo một cách ấy.
Ấy vậy mà những cô chàng học sinh hệ 10 năm ấy cũng chép đầy sổ tay, tặng nhau những câu thơ thề giết giặc khi chia tay tốt nghiệp; mang thơ, mang hình ảnh của Pavel Corsaguine vào chiến trường như chị Đặng Thuỳ Trâm vậy. Còn sự phản tỉnh muộn mằn của Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh hay Phố của Phan Vũ chỉ là dùng hiện thực sau mà đánh bóng vào quá khứ, sau khi đã đọc vài cuốn của Remarque chẳng hạn.
Thế rồi hoà bình, thống nhất. Cái năng lượng tiêu tốn cho chiến tranh và những trăn trở cho đất nước, những suy tưởng triết lý siêu hình hoặc nhân sinh thế sự không còn cần thiết, không còn đất sống, đã có nhà nước lo và có khi nguy hiểm. Những người dân nghèo khổ vẫn đứng ngoài cuộc đó để chỉ lo cho có cái ăn cái mặc sau ngày thống nhất đất nước, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhóm được hưởng công chiến thắng và không có tội với cách mạng được học hành chút ít, từng bước có cái ăn nhờ lương, có thu nhập chút ít thêm bằng nhiều cách bất chính hợp pháp hoặc không hợp pháp (pháp luật rất mềm cho những lợi ích nhóm và ngắn hạn) từ ngày đổi mới, rồi giàu lên, rồi phú quí học làm sang, sinh lễ nghĩa, trọc phú…Chính cái nhóm này mới phát tiết cái năng lực thừa không biết làm gì ngoài việc làm thơ. Doanh gia doanh nhân làm thơ; nhà khoa học làm thơ, cán bộ về hưu, cán bộ lãnh đạo làm thơ; cả nước làm thơ. Các cuộc sinh hoạt thơ có cả bừng bừng khí thế của những khuôn mặt đỏ au nhẫy mỡ bên rượu ngon mồi bổ, hoặc chốn quán cóc rượu gạo bia rẻ của những tay phờ phạc liêu xiêu vì nghèo nhưng nghiện thơ mê thơ muốn có thơ nhưng chẳng hiểu gì về thơ bị bọn thơ chuyên nghiệp, bọn thi phiệt phỉnh phờ cũng muốn vác mai đi tìm vài mụn khoai sót. Guồng máy thơ rất tốn kém nhưng chạy nhịp nhàng từ mồi chài đăng in, biên tập, chế bản, in ấn, phát hành, diễn xướng và rồi nhậu bằng tiền thơ, có cả giàu lên vì dịch vụ thơ. Trong một bài báo nào đó cách đây mươi năm, tôi đọc thấy hình như tính số người đã có từ một tập thơ in trở lên đã khoảng 60.000.
Nhờ vậy, tôi nhặt được trên một tờ báo điện tử của cơ quan đảng của một tỉnh trong tháng 5/2011 bài thơ như sau:
Nguyện tấm lòng son
Mưa sương ướt đẫm hàng dâm bụt
Vườn bưởi bên nhà gió thoảng đưa
Rừng cây nhớ Bác đêm không ngủ
Như người còn vẫy đón các con
Vườn bưởi bên nhà gió thoảng đưa
Rừng cây nhớ Bác đêm không ngủ
Như người còn vẫy đón các con
Bác ra đi đã bao mùa sen nở
Phút lệ nhoà không nói thành câu
Dòng người lặng lẽ đi bên Bác
Đăm đắm nhìn như Bác chưa xa
Phút lệ nhoà không nói thành câu
Dòng người lặng lẽ đi bên Bác
Đăm đắm nhìn như Bác chưa xa
Các con hội tụ về bên Bác
Xúc động dâng trào chảy trong tim
Bồi hồi kính cẩn bao thương nhớ
Dâng trọn tấm lòng triệu đoá hoa
Xúc động dâng trào chảy trong tim
Bồi hồi kính cẩn bao thương nhớ
Dâng trọn tấm lòng triệu đoá hoa
Đời thanh bạch toả hương thơm ngát
Thơm cả hôm nay triệu mai sau
Lời Bác dạy hồn thiêng sông núi
Vang vọng ngàn sau mãi mãi còn
Thơm cả hôm nay triệu mai sau
Lời Bác dạy hồn thiêng sông núi
Vang vọng ngàn sau mãi mãi còn
Nam Bắc một nhà vui thống nhất
Đất nước nở hoa ngát bốn mùa
Công lao trời biển người xây đắp
Chúng con xin nguyện tấm lòng son.
Đất nước nở hoa ngát bốn mùa
Công lao trời biển người xây đắp
Chúng con xin nguyện tấm lòng son.
Do tôn trọng tác giả, theo tôi biết, đã tốt nghiệp đại học văn hoá hẳn hoi, có thơ được giải thưởng và được một số người phổ nhạc, công diễn trong tỉnh, nên tôi chép nguyên văn và đầy đủ bài thơ, kể cả dấu chấm câu, để giới thiệu quảng đại mọi người cùng đọc.
Thì cũng là thơ như đã nói ở trên đó. Chỉ có điều như vậy thì phải định nghĩa lại thơ trong từ điển cũng như các giáo trình lý luận văn học, rằng thơ là một loại văn bản, gồm nhiều dòng, mỗi dòng nhiều chữ nhưng không nên quá mười; cứ mỗi bốn dòng, nên cách ra một dòng trên bản in; và khi in, cố gắng in chữ nghiêng (italic). Và thêm một điều băn khoăn, mỗi bài thơ như vậy được in trên báo đảng, phát hành miễn phí không bán, nhưng nhuận bút được khoảng 300.000 đồng; mỗi tháng 4 bài, vị chi trên một triệu. Nhà thơ đã có lương, lại được thêm một khoảng thu nhập trả từ tiền thuế đóng của dân bằng tiền lãi một mẫu ruộng qua một mùa canh tác, bằng thu nhập tính trên lý thuyết của một hộ nghèo trong một tháng, có nên chăng, và nó làm lợi gì cho cho một dân tộc rất thi sĩ này? Một não trạng có thể đặt nghi vấn như vậy thì chắc khó nói đến “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” cho bô xít, cho đường sắt cao tốc, cho Hoàng Sa Trường Sa…
Ngu Dân
.
.
.
No comments:
Post a Comment