Will Englund (The Washington Post, 10/06/2011)
Nguồn: 1991, the Soviet Union’s end
Phạm Nguyên Trường dịch
Ngày 15 tháng 6 năm 2011
Bản dịch được thực hiện nhân dịp kỉ niệm 20 năm “giải phóng” nước Nga khỏi Liên Xô
Moscow — Ngày 12 tháng 6 năm 1991, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, người Nga đã đưa Boris Yeltsin trở thành vị tổng thống đầu tiên được bầu một cách tự do. Đấy là thời khắc quyết định trong quá trình giải thể nhà nước Liên Xô. Yeltsin quay sang chống những người cộng sản, chống chủ nghĩa cộng sản và đã nhận được sự ủng hộ nồng hậu của nhân dân Nga.
Lúc đó đáng ra ông phải trở thành một con số không. Từng là một người nằm trong nhóm lãnh đạo chóp bu của Đảng cộng sản, nhưng ông đã vị hất cẳng ra khỏi Bộ chính trị vào năm 1988 vì kiên quyết ủng hộ chương trình cải các của nhà lãnh đạo Liên Xô là Mikhail Gorbachev — thậm chí còn kiên quyết hơn cả Gorbachev. Hệ thống Xô Viết không cho phép người ta quay về. Khi Yeltsin bị khai trừ, mọi người đều cho rằng sự nghiệp của ông đã chấm dứt từ đây.
Nhưng công cuộc cải cách của Gorbachev lại tạo điều kiện cho cả những người không cộng sản tham gia vào đời sống xã hội. Ngay cả Đảng cộng sản cũng bị chia rẽ nghiêm trọng trước chính sách công khai và cải tổ của Gorbachev, mặc dù dư luận xã hội ngày nôn nóng vì chẳng có tiến bộ nào. Yeltsin, người đã đánh trúng tình cảm của hàng triệu người Nga bình thường, bắt đầu quay sang chống lại những đồng chí cũ và dọn đường cho việc trở lại sân khấu của chính mình. Ông đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội Liên Xô và trở thành người lãnh đạo quốc hội, điều đó làm cho Gorbachev sợ hãi và lo lắng.
Tháng 3 năm 1991, Gorbachev tổ chức trưng cầu dân ý, coi đây là biện pháp tăng cường vị thế đang ngày càng yếu đi của ông ta. Ông ta muốn rằng cử tri ủng hộ những cố gắng nhằm bảo tồn Liên Xô và đã nhận được cái mình muốn. Nhưng tại nước Nga – lớn nhất trong các nước cộng hòa Xô Viết - Yeltsin lại đưa thêm vào một câu hỏi nữa: có cần bầu cử tự do để chọn tổng thống Nga hay không?
Có, người Nga nói như thế và đấy là lí do để họ quay lại hòm phiếu ba tháng sau đó. Sáu ứng viên tham gia cuộc đua. Gorbachev động viên mấy người cùng tham gia với hi vọng rằng Yeltsin sẽ không giành được 50% phiếu bầu nhằm tránh cuộc bầu cử vòng hai. Nhưng hóa ra không được: Yeltsin thắng dẽ dàng, ông giành được 57% số phiếu bầu.
Cũng ngày hôm đó cử tri Leningrad đồng ý đổi ngược trở lại tên thành phố thành St. Petersburg (hay Sankt Peterburg, như người Nga vẫn gọi theo tên người sáng lập thành phố là Sa hoàng Peter Đại đế). Các vị thị trưởng theo đường lối tự do cũng giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử ở thành phố này cũng như ở Moscow. Gavril Popov, người giành chiến thắng ở Moscow, sau đó đã nói: “Nước Nga đã bước vào thời đại văn minh”.
Sau này Yeltsin đã viết: “Tháng 6 năm 1991 nhiều người Nga nghĩ rằng lịch sử Liên Xô đã cáo chung… Tất cả những gì còn lại của Liên Xô trong đầu óc người dân – không phải tất cả mà ở thành phần tích cực nhất và nhiều trăn trở nhất của xã hội – đều đã trở thành dĩ vãng”.
Đấy không phải là một cuộc bầu cử hoàn toàn trung thực: ngay trước khi bỏ phiếu, đài truyền hình Liên Xô cho phát sóng bộ phim tài liệu khá dài về một đảng viên cộng sản, cạnh tranh với Yeltsin, còn trước đó một ngày thì ủy viên công tố trưởng của Liên Xô tuyên bố rằng ông ta đang điều tra những vụ vi phạm tài chính của Yeltsin. Mặc dù vậy Yeltsin vẫn chiến thắng. Thế giới tỏ ra kinh ngạc, còn người Nga thì vui mừng vì họ đã thực sự lựa chọn được nhà lãnh đạo một cách dân chủ.
Từ đó đến nay không còn những chuyện như thế nữa. Cuộc tái cử của Yeltsin vào năm 1996 đã bị thao túng nặng nề, còn những cuộc bầu cử tổng thống trong thế kỉ này đều được sắp xếp từ trước. Sự phấn khích về mặt chính trị mà nhiều người Nga cảm nhận được cách đây 20 năm đã hoàn toàn biến mất từ lâu.
Nguồn: 1991, the Soviet Union’s end
.
.
.
No comments:
Post a Comment