Monday, April 11, 2011

Ý NGHĨA VỤ ÁN CÙ HUY HÀ VŨ (Trà Mi, VOA)



Trà Mi-VOA | Washington DC
Thứ Hai, 11 tháng 4 2011

Vụ án của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đã thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới, truyền thông quốc tế, và đông đảo người Việt trong và ngoài nước. Ngày diễn ra phiên tòa, một số bạn trẻ quan tâm đến tình hình chính trị và pháp luật của Việt Nam đã tới trước cổng tòa dù biết trước sẽ gặp rắc rối với lực lượng an ninh dày đặc phong tỏa xung quanh Tòa án Nhân dân Hà Nội, với hy vọng được theo dõi những diễn tiến về phiên xử mà nhà nước gọi là công khai. Họ đã chứng kiến những gì từ bên ngoài tòa án? Cảm nhận của họ về phiên tòa này ra sao? Và vì sao họ quan tâm đến nhân vật bất đồng chính kiến này?

Trà Mi hỏi chuyện 3 thanh niên trong số đó là Linh, Tài, và Tâm.

Tâm: Thật ra vụ Cù Huy Hà Vũ em đã tìm hiểu và xem trên báo khá nhiều. Em quan tâm về vụ bauxite Tây Nguyên và vụ Vinashin có liên quan đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì cũng liên quan đến Cù Huy Hà Vũ.
Tài: Em biết đến tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ từ khi vụ Cồn Dầu xảy ra. Em thường theo dõi tin tức về vụ Cồn Dầu và biết ông là người đã lên tiếng cho Cồn Dầu. Từ đó em cảm mến ông.
Linh: Em đã nghiên cứu và xem rất nhiều bài viết về Cù Huy Hà Vũ liên quan đến vụ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay vụ kiện dự án bauxite Tây Nguyên. Em muốn được tới xem một phiên tòa xét xử một người đấu tranh dân chủ được gọi là “công khai” là như thế nào.

Trà Mi: Sau khi tới đó rồi, ghi nhận của bạn ra sao?
Linh: Về phiên tòa mà họ gọi là xét xử “công khai”, nhưng công an đã giăng dây kín mít. Từ sáng sớm, cảnh sát cơ động đã không cho người dân tiếp cận phiên tòa. Đó là bất ngờ đầu tiên của em về một phiên tòa “công khai”. Em thấy nhiều người đến tòa đã bị công an tấn công và giam giữ.

Trà Mi: Bạn nói lực lượng an ninh rất đông là khoảng bao nhiêu người? Sự hiện diện của người dân xung quanh phiên tòa có đông không? Và số người bị tấn công là bao nhiêu?
Tâm: 7 giờ sáng hôm đó, em cùng luật sư Lê Quốc Quân, anh Sơn, và một số người nữa đi cùng trên một chuyến xe xuống tòa để xem. Lúc bọn em xuống xe, có hai người quay phim họ quay bọn em. Anh Quân có nói rằng kiểu này thì trước sau gì anh em mình cũng bị bắt. Cho nên, anh em mới kéo nhau sang bên kia đường. Bọn em đi trên vỉa hè khoảng mấy chục mét thì có 2 người mặc thường phục tới bảo bọn em không được đứng ở đây vì ở đây có biển cấm. Bọn em đáp rằng sao không thấy một biển cấm nào. Thế là họ đưa dây thừng ra giăng và kéo cảnh sát cơ động tới. Chúng em bất bình về việc mình đi trên vỉa hè mà lại bị cấm. Dù bên cạnh cũng có bao nhiêu người đi trên vỉa hè, họ không để ý mà chỉ để ý đến bọn em. Bọn em gồm luật sư Quân, thầy Tặng, anh Sơn, và em, tức là 4 người bị bắt. Sau đó ít phút, cảnh sát cơ động kéo đến khá đông, khoảng 30 người. Sau khi họ bắt được anh Sơn và anh Quân thì có 2 người cầm dùi cui điện dí vào người em. Họ lôi em vào công an Hàng Bột tra hỏi và thu hồi của em một máy ảnh cùng hai thẻ điện thoại.

Trà Mi: Nhóm của bạn cách cổng tòa án bao xa mà bị coi là đi vào khu vực cấm?
Tâm: Bọn em đi trên vỉa hè đối diện cổng tòa án. Lúc bọn em bảo rằng không thấy có biển cấm, họ mới cầm biển cấm đưa ra, tức là một bên họ cầm dây thừng họ đuổi người đi. Người tuồng đi tới đâu thì người cầm biển cấm đi theo tới đó.

Trà Mi: Biển cấm di động chứ không cố định?
Tâm: Vâng đúng thế.

Trà Mi: Xin hỏi anh Tài. Trong lúc sự việc xảy ra với anh Tâm, anh quan sát xung quanh và ghi nhận được những gì?
Tài: Từ tất cả các ngã đường có hướng đi về tòa án, số người đứng trước hàng rào của cảnh sát thì khoảng 4 đến 5 trăm người. Cảnh sát kể cả lực lượng cơ động là hơn trăm người.

Trà Mi: Trước khi tới phiên tòa này, chắc các bạn cũng đã lường trước sẽ xảy ra những sự cố rắc rối cho bản thân. Vì sao các bạn vẫn quyết định tới đó?
Linh: Bọn em cũng mến mộ dân chủ, mến mộ những người yêu công lý-sự thật nên bọn em muốn đến xem.
Tâm: Bọn em cũng đã lường trước rằng đi xuống đó kể cả khi bị bắt cũng chẳng thấy có gì đáng sợ cả.

Trà Mi: Là những người trẻ quan tâm đến phiên xử này, theo các bạn, phiên tòa có ý nghĩa thế nào đối với thanh niên Việt Nam nói chung và đối với những bạn trẻ có quan tâm đến các vấn đề xã hội nói riêng?
Linh: Bọn em thật sự thất vọng trước một phiên tòa như vậy.
Tài: Em thấy được là luật pháp của Việt Nam bây giờ có thể nói là họ đã thực hiện luật rừng chứ không còn là luật pháp.
Tâm: Em tin tưởng rằng vụ Cù Huy Hà Vũ sẽ góp phần thức tỉnh nhiều thanh niên Việt Nam hơn. Họ sẽ hiểu rõ hơn về pháp luật Việt Nam hiện nay.
Tài: Vụ án này sẽ góp phần cho người ta biết về thực trạng xã hội của một đất nước độc tài, độc trị. Ngay chính tòa án còn làm sai luật.

Trà Mi: Liệu những gì đang xảy ra với bản thân ông Cù Huy Hà Vũ và những gì đang xảy ra xung quanh phiên tòa này có là lời cảnh cáo đối với những người quan tâm và đòi hỏi dân chủ hay chăng?
Linh: Em tin sẽ có nhiều Cù Huy Hà Vũ hơn nữa, những người dám hy sinh, dám dấn thân cho công cuộc dân chủ ở Việt Nam, cho tự do đích thực. Cuộc cách mạng nào cũng phải đổ máu, nhưng em tin tưởng hoàn toàn ở thắng lợi sau cùng. Ở Việt Nam còn rất lâu nữa mới đạt được một nền tự do-dân chủ như ở Hoa Kỳ, nhưng dân Việt Nam sẽ trưởng thành hơn sau khi được biết những vụ án như vụ xử Cù Huy Hà Vũ. Những vụ này gây ra ảnh hưởng rất lớn trên toàn Việt Nam. Và sức ép dư luận quốc tế về vụ án Cù Huy Hà Vũ sẽ làm cho chính quyền Việt Nam phải dè dặt hơn trong việc xét xử các nhà dân chủ khác.

Trà Mi: Ba người bạn tên Linh, Tài, và Tâm vừa chia sẻ với chúng ta những gì diễn ra bên ngoài phiên tòa xét xử tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ cũng như cảm nhận của những người trẻ có quan tâm đến vụ án này. Còn diễn tiến bên trong phòng xử có gì đáng chú ý? Vụ án này này có ý nghĩa như thế nào về mặt pháp lý và xã hội? Chúng ta hãy nghe ghi nhận của những người hiện diện ngay bên trong phòng xử án và trực tiếp tham gia phiên tòa ngày 4/4 là luật sư Trần Đình Triển và luật sư Hà Huy Sơn, hai luật sư bảo vệ cho tiến sĩ Hà Vũ.
Luật sư Hà Huy Sơn: Ngay trong giai đoạn thủ tục để bắt đầu phiên tòa, tòa đã không công bố chứng cứ hay bất kỳ tài liệu nào nên luật sư chúng tôi không thể làm việc được. Cuối cùng chúng tôi đã rời phòng xử.

Trà Mi: Luật sư Triển, theo ông, những điều gì được coi là đáng chú ý nhất về phiên tòa này ngoài chi tiết mà luật sư Sơn vừa chia sẻ?
Luật sư Trần Đình Triển: Đáng lẽ Hội đồng xét xử phải triệu tập người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, và người bị hại tham gia phiên tòa. Nhưng phiên tòa này không triệu tập bất cứ ai, chỉ có duy nhất bị cáo tại phiên tòa. Chúng tôi đã có một văn bản gửi cho các cơ quan chức năng ở Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, và Liên đoàn Luật sư Việt Nam để tránh tiền lệ sau này.

Trà Mi: Đó là nói về phiên xử ngày 4/4. Còn về bản án đối với tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, theo chính quyền, bản án dành cho ông Vũ nói riêng và những bản án đối với những người khác có các hoạt động tương tự không được nhà nước hoan nghênh như ông Vũ, nhằm răn đe và trừng phạt hành vi “xâm hại lợi ích của nàh nước và nhân dân”. Là lực lượng đối trọng bảo vệ công lý, theo các luật, bản án và phiên tòa của ông Hà Vũ có ý nghĩa ra sao, xét về mặt pháp lý cũng như về mặt xã hội?
Luật sư Trần Đình Triển: Trước hết, đối với điều 88 Bộ Luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tội chống nhà nước, về mặt khoa học pháp lý phải chứng minh được hành vi chống đối đó. Nếu định nghĩa của Hiến pháp Việt Nam rằng nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, và vì dân, thì phải chứng minh được hành vi đó chống nhân dân ở đâu, chống “vì dân” ở đâu, chống “của nhân dân” ở đâu. Nếu mọi tổ chức khác nằm ở thể chế chính trị khác không phải của nhà nước, thì hành vi đó không nằm trong việc “chống nhà nước”. Điều 88 phải có một quy định, thông tư liên tịch giữa bộ công an, bộ tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao. Phải quy định cụ thể về lượng và hình xem hành vi nào là hành vi xâm phạm điều 88. Chứ còn cứ chung chung như thế này là một điều hết sức nguy hiểm.

Trà Mi: Xin nghe ý kiến của luật sư Sơn. Hiến pháp Việt Nam công nhận quyền tự do ngôn luận, nhưng điều 88 lại cấm tuyên truyền chống nhà nước, khiến nhiều người hiểu rằng muốn nói gì thì nói nhưng không được nói những gì ngược lại với nhà nước. Ý kiến của các chuyên gia luật như luật sư Sơn đây, như thế nào?
Luật sư Hà Huy Sơn: Tôi thấy điều 88 không định lượng nhưng mang tính định tính, rất khó ứng xử với điều này. Nó mâu thuẫn với quy định của Hiến pháp, mâu thuẫn với điều 19 của Công ước về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam tham gia năm 1982.
Luật sư Trần Đình Triển: Trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam cũng có nêu rằng trong một sự việc quy định về một vấn đề, văn bản nào có xung đột về mặt pháp lý thì áp dụng văn bản cao hơn. Như vậy, Bộ luật hình Hình sự thấp hơn Hiến pháp mà Hiến pháp quy định quyền tự do ngôn luận. Trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật tố tụng Hình sự cũng quy định là nếu luật pháp Việt Nam có những điều trái với các công ước quốc tế mà Việt Nam có ký kết, tham gia thì thực hiện theo quy ước quốc tế đó. Công ước quốc tế mà luật sư Sơn vừa đề cập đó, Việt Nam đã tham gia. Tuy nhiên, có những phát ngôn xâm phạm đến an ninh quốc gia thì không chỉ Việt Nam mà nước nào cũng quy định. Vậy thì những trường hợp nào không được phát ngôn phải quy định, phải có điều cấm để người ta biết được ranh giới để phát ngôn và góp ý kiến. Nhưng ở đây trong luật pháp Việt Nam không quy định rõ cấm là cấm như thế nào, thế nào là vi phạm vào điều 88.

Trà Mi: Như luật sư Sơn cũng nhận định là có mâu thuẫn giữa luật với Hiến pháp. Trong bối cảnh đó, khi ông tham gia bảo vệ những người dựa trên Hiến pháp để thực hiện quyền tự do ngôn luận mà nhà nước thì lại dựa trên luật để xét xử, ông có hy vọng thành công trong các phiên tòa như thế này, hay không?
Luật sư Hà Huy Sơn: Tôi cũng không hy vọng là sự thành công của nó cao, nhưng tôi có hy vọng làm sáng tỏ những vấn đề mà xã hội quan tâm.

Trà Mi: Trong cuộc trao đổi trước với chúng tôi, riêng luật sư Triển đã khẳng định là ông sẽ thua dù lúc đó chưa chính thức bắt đầu tham gia vụ án. Như vậy có thể nói kết cục phiên tòa này đã không nằm ngoài dự kiến của ông?
Luật sư Trần Đình Triển: Tôi nhận định là không bao giờ có chuyện luật sư biện hộ cho một thân chủ trắng án trong trường hợp bị truy tố theo điều 88 trong bối cảnh điều luật chưa được cụ thể hóa lượng là bao nhiêu.

Trà Mi: Vừa rồi là ý kiến của một số người trẻ quan tâm và chuyên gia pháp lý về ý nghĩa của bản án 7 năm dành cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ về tội tuyên truyền chống phá nhà nước, chiếu theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Quan điểm của các bạn nghe đài ra sao? Mời quý vị chia sẻ và bình luận với độc giả khắp nơi ở phần Ý kiến cuối bài này trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên trên trang web www.voatiengviet.com, trên trang Facebook của đài VOA ở địa chỉ http://www.facebook.com/VOATiengViet, hoặc gửi email về địa chỉ vietnamese@voanews.com. Trà Mi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý vị. Tạp chí Thanh Niên sẽ tái ngộ cùng quý vị và các bạn vào giờ này, tuần sau.

------------------------

Tin liên h


.
.
.

No comments: