Ngô Văn
Cập nhật ngày: 19/04/2011
Sau động đất và sóng thần (tsunami), Nhật Bản hiện đang phải từng giờ, từng ngày đối phó với nguy cơ nổ nhà máy phát điện nguyên tử Fukushima số 1. Sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I không những làm cho người dân Nhật lo sợ mà còn làm bất an cả thế giới. Sự thiệt hại về vật chất của toàn bộ tai nạn vẫn chưa có thể ước tính được vì đang ở trong giai đoạn cứu chữa. Đó là chưa kể đến phần thiệt hại do sự rò rỉ phóng xạ gây nên cho những vùng xung quanh nhà máy. Tuy vậy, các ước tính tạm thời về thiệt hại vật chất do trận động đất và sóng thần gây ra cũng từ 16 đến 25 ngàn tỷ yen (tức từ 200 đến hơn 300 tỷ mỹ kim). So với trận động đất kinh hoàng Hanshin-Awaji cách đây 16 năm, mà người ta thường gọi là trận động đất Kobe, thì số thiệt hại vật chất lần này còn vượt hơn khoảng 10 ngàn tỷ yen. Chính phủ Nhật đang điên đầu vì không biết đào đâu ra ngân sách để chi cho sự thiệt hại này, ngoại trừ vay nợ và tăng thuế ngay lúc nền kinh tế đang sẵn khó khăn.
Khi ở vào tình trạng này rồi thì chắc chắn bất kỳ một đảng nào lên nắm quyền cũng phải đem chính sách viện trợ ODA ra xét lại sao cho hợp lý để không bị người dân phản đối. Lẽ đương nhiên tiền viện trợ cho Việt Nam cũng sẽ bị cắt đi nhiều và việc giải ngân những khoản đã hứa cũng sẽ được kéo dãn ra. Tuy nhiên, người dân Việt bình thường sẽ không cảm thấy mức ảnh hưởng là bao vì đại đa số những người được chia phần đáng kể trong những dự án béo bở từ nguồn viện trợ ODA từ Nhật đều là các quan chức có gốc lớn và gia đình họ.
Trở lại vấn đề nhà máy phát điện nguyên tử Fukushima I, trái với những tiên đoán đen tối lúc đầu, tiến trình chận đứng hiện tượng nóng chảy (meltdown) và rò rỉ các chất phóng xạ đã có vẻ khả quan hơn trước. Với sự góp ý của các chuyên gia cố vấn từ nhiều nước, đội ngũ chuyên viên kỹ thuật của Nhật với kiến thức cao, tay nghề giỏi, tận tâm, trách nhiệm cộng thêm với sự can đảm của những toán cứu hỏa đang tiến từng bước một, và còn phải mất thêm cả tháng trời nữa mới hy vọng hoàn tất. Thành viên các nhóm tình nguyện vào lò nguyên tử sửa chữa được dân chúng tiễn đưa như những phi công Thần Phong thời Thế Chiến II. Ngày 25 tháng 3, trong cuộc họp báo, Thủ tướng Nhật nói rằng việc cứu chữa tuy có tiến triển khả quan, nhưng những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào không sao dự đoán cho chính xác được.
Chính vì quá lo ngại về các trắc trở và ảnh hưởng có thể xảy cho dân chúng quanh vùng, nên chính phủ Nhật đã tăng mức báo động lên cấp 7, tức là cấp cao nhất về tai nạn nguyên tử. Quyết định này đã bị một số chuyên gia chỉ trích vì như vậy là xem tình trạng nguy kịch ngang với tai nạn nguyên tử tại Chernobyl vào thập niên 1980, trong lúc sự rò rỉ phóng xạ tại Nhật còn ít hơn 1/10 sự rò rỉ tại Nga. Cách báo động quá mức có thể tạo hoảng sợ không cần thiết và làm lờn các báo động tương lai. Tuy vậy, công luận thế giới nói chung đều cảm thông với tinh thần trách nhiệm của chính phủ Nhật Bản.
Qua tai nạn nhà máy phát điện hạt nhân Fukushima này, nhiều quốc gia đã hoặc đang có ý định xây nhà máy điện hạt nhận đều khựng lại và mở các cuộc bàn thảo về chính sách nguyên tử quốc gia. Ấn Độ và ngay cả Trung quốc đã cho đông lạnh việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào lúc này để bàn thảo kỹ lưỡng hơn. Riêng Thái Lan còn phản ứng mạnh hơn nữa. Ngày 24/03/2011, Thủ tướng Thái, ông Abhisit Vejjajiva, tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng do sự cố nhà máy phát điện nguyên tử Fukushima I nên nước ông đã quyết định đình chỉ việc tiến hành xây cất 5 nhà máy phát điện hạt nhân được dự tính vào năm 2020, cho đến khi nào nắm chắc được sự an toàn gần như tuyệt đối; thiết lập nhà máy phát diện hạt nhân vào lúc này dễ gặp nhiều rủi ro lớn và tốn rất nhiều ngân sách. Ông Abhisit còn nói thêm là ông đã chỉ thị cho bộ Năng lượng trong vòng hai năm phải tìm phương án khác thay thế.
Ngay tại Hoa Kỳ, nơi có những kiến thức tiên tiến nhất về các biện pháp an toàn, chính sách nguyên tử lực cũng đang được cả nước đưa ra bàn thảo. Giới khoa học và công luận vẫn chưa hài lòng với độ kiên cố của các lớp vỏ bọc khổng lồ quanh các lò phản ứng, các kỹ thuật xả nước giải nhiệt theo sức hút trái đất phòng khi hư máy bơm, các kỹ thuật tắt tự động nếu ghi nhận có rung động địa chấn, v.v. Đặc biệt, các câu hỏi đối với những cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn tại các nhà máy điện nguyên tử và các khu chứa chất thải nguyên tử lại được đặt ra.
Chỉ riêng tại Việt Nam, người ta bỗng thấy viện nguyên tử tuyên bố đã đo độ phóng xạ “trong không khí” tại 2 nơi nhưng chẳng có kế hoạch gì để nghiên cứu, thảo luận lại các tác hại nguyên tử nếu có động đất hoặc thiên tai. Tóm tắt là vẫn chỉ những trò làm dáng và quá coi thường sự hiểu biết của dân chúng mà họ nghĩ là dễ bịt mắt. Trong lúc Ấn Độ, Thái Lan và ngay cả Trung Quốc đều phải dừng lại để lượng giá các tai họa thì các quan chức như ông Nguyễn Nghị Điền, Giám đốc viện Nghiên cứu hạt nhân Đà lạt, vẫn phán tiếp: “Công tác xúc tiến đang rất khẩn trương, Nga và Nhật sẽ viện trợ để xây. Hiện tại Việt Nam và Nga đang đàm phán khẩn trương để xây nhà máy thứ nhất. hai bên cũng chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi’’.
Một lần nữa, dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử đang diễn ra sẽ bất cần các hoạch tính về kinh tế - như nhà máy lọc dầu Dung Quất, và cũng chẳng cần các khảo cứu khoa học - như các khu khai thác Bôxít tại Tây Nguyên. Cụ thể là khi dư luận phản đối lên quá cao thì cho quan chức hứa bừa: nào là sẽ ngưng thi công lập tức để chờ nghiên cứu, chỉ cho thử nghiệm thôi và chờ kết quả mới quyết định, chỉ làm nếu có kết quả kinh tế cao và an toàn, v.v… Nhưng thực tế vẫn tiến hành như bình thường mà chỉ gia tăng xiết chặt các nguồn thông tin và trấn áp thêm nữa các tiếng nói phản biện trong xã hội. Cùng lúc, lãnh đạo Đảng bắt đầu tuyên bố “đây là chủ trương lớn của Đảng”. Và đó là hiệu lệnh cho các cấp bên dưới, từ bộ Thông Tin đến bộ Công An cứ thế mà “khẳng định ý chí chính trị của Đảng”. Mọi kết quả khoa học, dù nghiên cứu công phu và đáng báo động đến mấy, cũng bị xem là “chống lại chủ trương nhà nước” và “phá hoại đoàn kết dân tộc”.
Thế là cứ vài năm, dân chúng Việt Nam lại ôm thêm vào lòng một trái bom nữa trong lúc các quan chức Đảng lại có thêm vài chục tỷ Mỹ Kim tiền vay nợ để chia chác.
Và cứ ít lâu, người ta lại thấy những khuôn mặt lãnh đạo Đảng tròn trịa, chống nạnh trước những vùng bị tai họa, nhếch mép chỉ trích: “Nhân dân bây giờ ỷ lại Nhà nước lắm!”
.
.
.
No comments:
Post a Comment