Ralf Emmers
Harvard Asia Quarterly
Đại học Công nghệ Nanyang
Người dịch: Phạm Anh Tuấn
Đăng bởi anhbasam on 11/04/2011
Ralf Emmers là giáo sư và người điều phối Chương trình Chủ nghĩa Đa phương và Chủ nghĩa Khu vực [Multilateralism and Regionalism Program] tại trường S.Rajaratnam School of International Studies (RSIS) thuộc Nanyang Technological University, Singapore. Ông là tác giả của Geopoilitics and Maritime Territorial Disputes in East Asia (Routkegde, 2010), Cooperative Security and the Balance of Power in ASEAN and the AFF (Routledge Curzzon, 2003) và Non-Traditional Security in the Asia-Pacific: the Dynamics of Securitization (Marshall Cavendish, 2004).
LỜI DẪN
Căng thẳng xung quanh những tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa đã liên tục gia tăng trong những tháng gần đây cùng với vấn đề chi phối cuộc họp tại Hà Nội hồi tháng 7 năm 2010 của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Vấn đề chủ quyền và phân định đường ranh giới đã không được giải quyết do đó vấn đề này vẫn tiếp tục tồn tại và trở thành yếu tố gây gia tăng căng thẳng nói trên. Khả năng xảy ra xung đột vẫn tiếp tục có thể xảy ra, nhất là khi nhu cầu năng lượng của các nước đang ngày càng gia tăng và đã xuất hiện sự hiện đại hóa quân đội. Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa hải quân và thường xuyên tuyên bố chủ quyền của họ đối với Biển Nam Trung Hoa là không thể tranh cãi. Tương tự, các nước Đông Nam Á không sẵn sàng nhượng bộ trong các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của mình. Mặt khác, các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách đều vẫn tiếp tục nghi ngờ ý đồ của Trung Quốc[1] Kết quả là tình hình ở Biển Nam Trung Hoa đã trở nên mong manh, liên tục có diễn biến mới và có thể nói là rất dễ xảy ra những biến động. Nỗi ngờ vực không được giải tỏa này đã gây tác động trực tiếp tới việc xử lý và giải quyết xung đột ở Biển Nam Trung Hoa, cả trên phương diện tiến bộ đạt được lẫn thiếu sót.
Bài viết này đề cập tình hình xử lý và khả năng các bên có thể giải quyết những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa. Trong bài viết này, việc xử lý một tranh chấp được liên hệ với nỗ lực ngoại giao nhằm phòng ngừa đụng độ vũ trang xảy ra công khai, mặt khác sự giải quyết xung đột được tiến hành theo hướng tìm ra một giải pháp cho những thù địch ngoại giao, kinh tế và quân sự. Cho đến nay từng quốc gia đều chưa nghĩ ra được cách giải quyết nào về mặt ngoại giao do vị thế địa chính trị khác nhau của mỗi nước về mặt lãnh thổ, tiềm năng tài nguyên năng lượng và rủi ro xảy ra bành trướng sức mạnh và tranh giành ảnh hưởng.
Bài viết này khẳng định rằng bước đầu tiên để đi đến xử lý và giải quyết xung đột là chấp nhận một công thức tạm gác lại vấn đề chủ quyền cho tới khi việc cùng nhau khai thác và phát triển nguồn tài nguyên có thể làm dịu đi hoặc thậm chí giúp các bên vượt qua được cái gốc của tình thế nan giải về an ninh là nằm ở những lý do có liên quan đến địa chính trị. Cái khó được thấy là các bên chí ít phải tạm thời tách khả năng cùng nhau khai thác và phát triển tài nguyên ra khỏi vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Sự bế tắc do chỗ các quốc gia tranh chấp đều đưa ra các yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau với sự vận dụng và lạm dụng luật quốc tế là những gì được xem như là điều cản trở chủ yếu việc tạo ra được cái đà tích cực.
Bài viết này gồm hai phần xem xét riêng biệt các bước đi được chọn để đi tới việc xử lý và giải quyết xung đột ở Biển Nam Trung Hoa. Phần thứ nhất nêu bật tiến bộ đạt được trong xử lý và giải quyết xung đột ở Biển Nam Trung Hoa, tiêu biểu là Tuyên bố năm 2002 về Ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa được ký bởi Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, bài viết cũng lưu ý những hạn chế của tuyên bố này và việc các bên đã thất bại trong việc thúc đẩy thực thi nó. Trên phương diện giải quyết xung đột, tình hình tranh chấp lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa nói chung vẫn tiếp tục không có gì thay đổi. Bài viết này bác bỏ sử dụng phân xử bằng trọng tài quốc tế như là kịch bản giải quyết thích hợp mà thay vì thế bài viết tập trung vào sự triển khai các kế hoạch cùng nhau khai thác và phát triển đồng thời tạm gác lại vấn đề chủ quyền.
XỬ LÝ XUNG ĐỘT Ở BIỂN NAM TRUNG HOA
Nhìn chung, tình hình tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa đã phản ánh xu hướng các mối quan hệ trong khu vực. Sự nồng ấm trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á vào đầu những năm 2000 đã góp phần tạo ra sự tiến triển trong xử lý xung đột. Việc ký kết Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Nam Trung Hoa cho thấy rõ các bên liên quan đã theo đuổi các yêu sách của mình theo cách ôn hòa. Tuyên bố này công khai lên án việc sử dụng vũ lực ở Biển Nam Trung Hoa và nó góp phần vào việc làm dịu căng thẳng giữa các nước có yêu sách lãnh thổ. Tuyên bố này còn được thấy là dấu hiệu Trung Quốc mong muốn tôn trọng các nguyên tắc và chuẩn mực ASEAN được nêu trong Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) của ASEAN và Trung Quốc muốn chung sống hòa bình với các nước láng giềng Đông Nam Á. Lập trường hòa giải của Trung Quốc còn được tiếp tục chứng minh khi Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ngoài ASEAN đã ký TAC vào năm 2003. Rút cục tuyên bố năm 2002 đã được thừa nhận là một “bước phát triển có ý nghĩa” bởi vì các bên ký tuyên bố này đã cam kết tiền hành các hoạt động hợp tác và đẩy mạnh khả năng đạt được thỏa thuận về các kế hoạch khai thác và phát triển chung.[2] Chẳng hạn, Tổng thống Phlippine Gloria Arroyo từng tuyên bố rằng thỏa thuận được ký tháng 3 năm 2005 giữa các công ty dầu khí của Trung Quốc, Việt Nam và Philippine nhằm tiến hành các cuộc khảo sát trước khi tiến hành thăm dò dầu khí ở quần đảo Trường Sa là sự triển khai đầu tiên các điều khoản của tuyên bố năm 2002.[3]
Tuy nhiên, bản tuyên bố này vẫn là một bước hụt trong việc thực hiện được mục đích ban đầu đề ra là đạt được một nguyên tắc ứng xử cụ thể mang tính ràng buộc cho Biển Nam Trung Hoa[4]. Nhiều nhà phân tích vẫn hoài nghi việc tuyên bố này khả dĩ cung cấp một khung thể chế bền vững cho việc xử lý xung đột, nhất là do chỗ nó thiếu các cơ chế ngăn ngừa hoặc giải quyết cái gốc của xung đột[5]. Nó giống như một tuyên bố chính trị hơn là một hiệp ước và nó chỉ dựa trên sự đồng thuận và cái “mẫu số chung nhỏ nhất”, cái sự đồng thuận ấy không ràng buộc về pháp lý mà cũng chẳng mang hiệu lực bắt buộc phải thực thi. Mặt khác, cái tuyên bố ấy lại tránh không đả động đến vấn đề chủ quyền bởi lẽ tất cả các nước tranh chấp chủ quyền đều kiên định lập trường về các yêu sách lãnh thổ của mình. Ngoài ra để cho bản tuyên bố này được phê chuẩn thì người ta đã buộc phải có những nhượng bộ lớn và làm cho nội dung của nó “luyễnh loãng” đi trong đó có việc bản tuyên bố này hoàn toàn không nhắc cụ thể đến những gì thuộc về địa lý.
Chẳng có tiến bộ lớn nào đạt được trong xử lý xung đột kể từ năm 2002. Việc không thể thực thi bản tuyên bố này và không thể triển khai tiếp một bộ ứng xử là do nhiều yếu tố. Bắc Kinh dường như chỉ nghĩ tới chuyện ủng hộ một bộ ứng xử đa phương không mang tính ràng buộc và chỉ giới hạn bộ ứng xử đó vào quần đảo Trường Sa đồng thời họ tập trung vào chuyện đối thoại và duy trì sự ổn định khu vực hơn là tập trung vào vấn đề quyền tài phán chủ quyền. Các quốc gia yêu sách chủ quyền đều không muốn nhượng bộ các yêu sách lãnh thổ của mình. Việc thiếu vắng một sự đồng thuận giữa các nước ASEAN về Biển Nam Trung Hoa cũng là điều xác đáng thôi. Mỗi nước thành viên ASEAN lại có một mối bang giao riêng biệt với Trung Quốc và họ không có cùng quan điểm đối với mối đe dọa tiềm tàng của Trung Quốc. Thêm vào đó, bản thân một số nước thành viên lại có yêu sách xung đột nhau về quần đảo Trường Sa, trong khi đó các nước còn lại thì bàng quan với vấn đề chủ quyền. Căn nguyên mất đoàn kết này gây khó khăn cho việc đạt được một lập trường chung và làm suy yếu ASEAN trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.
Sự không cân xứng sức mạnh ở Biển Nam Trung Hoa ngày càng gia tăng do Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân đã đặt câu hỏi về liệu ASEAN có đủ khả năng xử lý tranh chấp hay không. Người ta ngày càng bàn cãi nhiều về việc cách tiếp cận của ASEAN trong xử lý xung đột ở Biển Nam Trung Hoa liệu có làm giảm thiểu tác động của vấn đề phân bố sức mạnh không đồng đều ở đây. Diễn biến phân bố sức mạnh đã không gặp phải đối thủ lẽ ra nằm ở chỗ ASEAN phải thúc đẩy thực thi các cơ chế xử lý xung đột. Thay vì thế tình hình ngày càng leo thang tại đây kể từ cuối năm 2006 và trên đất liền Trung Quốc ngày càng tỏ ra kiên quyết không úp mở khi họ đưa ra những yêu sách lãnh thổ biển.[6] Có một điểm quan trọng cần nhấn mạnh ấy là Trung Quốc không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra sự gia tăng căng thẳng ở Biển Nam Trung Hoa. Những hành động của các quốc gia tranh chấp khác đã tỏ ra chẳng có tác dụng gì trong việc xử lý tình hình.
Chẳng hạn, vấn đề lãnh thổ đã leo thang mạnh hơn do Philippine, Malaysia và Việt Nam đã đệ trình yêu sách lãnh thổ của họ lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp quốc. Các nước đã gia nhập công ước về Luật Biển (UNCLOS) trước năm 1999 phải đệ trình yêu sách bổ sung về các quyền kinh tế nếu thềm lục địa của họ vượt quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở lãnh hải. Trung Quốc đã tức giận phản ứng và gọi việc đệ trình này là một sự vi phạm quyền tài phán và chủ quyền của họ đối với Biển Nam Trung Hoa.[7] Mặc dù có thể lường trước được phản ứng trên của Trung Quốc bởi vì các yêu sách mới đưa ra đã chồng chéo lên yêu sách của chính Trung Quốc, song điểm quan trọng cần lưu ý là Bắc Kinh đã gửi kèm bản đồ hình chữ “U” đứt khút trong công hàm phản đối của họ, do đó đã khơi lại những nghi ngờ từng xảy ra trước đây ở Hà Nội, Kuala Lumpur và Manila[8]. Bắc Kinh đã thành lập Vụ chuyên trách các vấn đề biên giới và hải dương [Department of Boundary and Ocean Affairs] và tăng cường năng lực tuần tra với ý đồ tiếp tục khẳng định chủ quyền của họ đối với Biển Nam Trung Hoa.
Cuối cùng, sự gia tăng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trong địa hạt hàng hải lại càng gây phức tạp cho việc xử lý trang chấp ở Biển Nam Trung Hoa theo cách hòa bình. Vụ rắc rối liên quan đến việc hải quân Trung Quốc quấy rối tàu do thám The Impeccable của Mỹ và các tàu ngư chính hoạt động tuần tiễu tại vùng biển phía nam đảo Hải Nam hồi tháng 3 năm 2009 đã gây thêm lo ngại cho một số nước Đông Nam Á. Tuy Trung Quốc tuyên bố rằng tàu Impeccable đã tham gia “các hoạt động trái phép” tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, song sự cố này còn được hiểu như là một ví dụ cho thấy Trung Quốc có thái độ kiên quyết ở Biển Nam Trung Hoa. Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN [ARF] hồi tháng 7 năm 2010 Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã đối phó lại Trung Quốc trong vấn đề Biển Nam Trung Hoa bằng tuyên bố rằng khu vực này là một “lợi ích quốc gia” của Mỹ, điều này chắc chắn đã được xem là nguyên nhân khiến cho Bắc Kinh lo ngại. Ở Đông Nam Á xảy ra một nỗi lo lắng ấy là việc Trung Quốc và Mỹ ngay càng cạnh tranh mạnh mẽ có thể khiến Trung Quốc trở nên càng kiên quyết hơn trong ngoại giao và trong hoạt động hải quân ở Biển Nam Trung Hoa.[9] Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi lãnh đạo các nước ASEAN đã đề nghị không nhắc tới Biển Nam Trung Hoa trong tuyên bố cuối cùng khi kết thúc cuộc gặp gỡ thượng đỉnh lần thứ hai với sự có mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tháng 9 năm 2010.
CÁC KỊCH BẢN GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT
Sau khi đã xem xét nỗ lực nhằm xử lý xung đột ở Biển Nam Trung Hoa, bây giờ chúng ta hãy tập trung vào các kịch bản giải quyết khác nhau. Vấn đề Biển Nam Trung Hoa khó giải quyết là bởi vì nó có nhiều yếu tố liên quan và còn bởi vì hiện nay các yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau đã lên đến đỉnh điểm. Dùng phân xử bằng trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp không phải là một kịch bản thích hợp. Tất cả các nước yêu sách chủ quyền đều lặp đi lặp lại yêu sách của mình và họ không muốn nhượng bộ trong yêu sách lãnh thổ. Có nước thì từ chối thảo luận vấn đề quyền tài phán chủ quyền đối với các đảo hoặc có nước lại gửi yêu sách chồng chéo của họ tới Tòa án tư pháp quốc tế [ICJ] hoặc Tòa án Quốc tế về Luật biển. Các yêu sách này tương phản lại với các tranh chấp lãnh thổ khác ở Đông Nam Á. Chẳng hạn, hồi tháng 11 năm 2007 Singapore và Malaysia đã đệ trình lên ICJ để phân xử yêu sách chủ quyền của họ đối với đảo [Singapore gọi là Petra Branca còn Malaysia gọi là Pulau Baru Puteh]. Kết thúc 28 năm tranh chấp chủ quyền, tháng 5 năm 2008 tòa đã phân xử Singapore thắng kiện, nhưng đã phân xử hai bãi đá nhỏ hơn có tên là Middle Rocks thuộc về Malaysia.
Rõ ràng không thể dùng pháp lý để giải quyết các yêu sách bất đồng nhau ở Biển Nam Trung Hoa. Leni Stenseth nhận xét rằng “dường như không một quốc gia yêu sách nào đưa ra được một trường hợp dứt khoát trên phương diện pháp lý, còn luật pháp quốc tế dùng để giải quyết tranh chấp thì lại dường như chỉ mang ý nghĩa hạn chế[10].” So với tranh chấp liên quan đến các nước khác, Trung Quốc và Đài Loan đã đưa ra nhiều yêu sách dựa nhiều vào lịch sử nhất đối với Biển Nam Trung Hoa. Song, mặc dù tài liệu sử học và sự đầu tiên phát hiện ra lãnh thổ có thể cung cấp cơ sở để một quốc gia tham gia tranh chấp dùng đó làm lập trường, thế nhưng luật pháp quốc tế kể từ vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Đài Loan đã chứng minh một điều rằng các nguyên tắc nói trên là không đủ để xác định chủ quyền. Thay vì thế, cái tên do người đầu tiên phát hiện ra lãnh thổ đã đặt tạm buộc phải được bổ sung bằng sự liên tục sử dụng và cư ngụ trên lãnh thổ đó. Tên gọi xuất phát từ sự cư ngụ thậm chí có thể thay thế cho những yêu sách dựa trên lịch sử[11]. Thêm vào đó, rất khó chứng minh những yêu sách của Trung Quốc bởi vì theo truyền thống Khổng Giáo thì lãnh thổ được biểu thị dựa trên các vùng có ảnh hưởng chứ không dựa trên những đường ranh giới rõ rệt[12]. Bản thân UNCLOS không thể được đem áp dụng để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ. Trong những trường hợp sử dụng UNCLOS thì UNCLOS quy định rằng “các quốc gia có yêu sách chồng chéo nhau phải giải quyết bằng đàm phán trung thực,”[13] song không có các đường ranh giới hàng hải nào được công nhận ở hầu hết các phần thuộc Biển Nam Trung Hoa và một số quốc gia yêu sách thậm chí đã không chỉ ra được những yêu sách cụ thể. Vì dầu mỏ được hiểu là cái đang bị đe dọa cho nên không chính phủ nào muốn mạo hiểu từ bỏ lợi ích quốc gia tại khu vực này. Thà rằng UNCLOS làm cho vấn đề trở nên dễ hiểu thì lại đi một nhẽ, đằng này trên thực tế nó lại làm cho các tranh chấp trở nên phức tạp và căng thẳng hơn.
Điều nghịch lý là nếu giải thích nghiêm ngặt UNCLOS thì có khi ngăn cản hầu hết sự phát sinh vùng kinh tế đặc quyền (exclusive economic zone – EEZ) dựa trên những đặc điểm của Biển Nam Trung Hoa và do đó giới hạn được tối đa các vùng nằm trong yêu sách chồng chéo nhau. Điều 121, Đoạn 3 nói rằng “Những khối đá nhô lên khỏi mặt nước nếu tự chúng không thể duy trì lâu dài sự cư trú hoặc đời sống kinh tế của con người thì sẽ không có bất cứ vùng kinh tế đặc quyền hoặc thềm lục địa nào,[14]”thay vì thế các khối đá đó chỉ được cho phép một lãnh hải là 12 dặm hải lý. Tuy nhiên, bởi vì không có các hướng dẫn cụ thể để phân biệt một khối đá với một hòn đảo, cho nên các thuật ngữ sử dụng vẫn tiếp tục bị bỏ ngỏ cho sự bất đồng và lợi dụng bởi các bên yêu sách lãnh thổ. Ngoài sự tranh cãi xoay quanh những gì cấu thành một hòn đảo thì cách áp dụng nghĩa của thềm lục địa để yêu sách lãnh thổ cũng đang gặp phải vấn đề tương tự. Mặc dù rất nhiều bên yêu sách đã viện dẫn sự mở rộng thềm lục địa để chứng minh luận cứ của họ, song điều này là “một cơ sở pháp lý chưa đầy đủ để yêu sách các hòn đảo là của mình.”[15] Vùng biển theo định nghĩa của UNCLOS có thể trao quyền khai thác các nguồn tài nguyên ở đó, song không trao bản thân các hòn đảo. Rút cục, chẳng có vị trí nào ở Trường Sa hoặc Hoàng Sa nằm cách bên yêu sách này hoặc bên yêu sách kia 200 dặm hải lý. Điều này có nghĩa là những khu vực được các bên yêu sách tuyên bố là EEZ không tránh khỏi nằm chồng chéo lên nhiều khu vực khác, điều này làm nảy sinh khả năng xung đột tiềm tàng.
MỘT CÁCH TIẾP CẬN KHẢ DĨ CÓ THỂ THÚC ĐẨY GIẢI QUYẾT BẾ TẮC
Do tính chất phức tạp của những yêu sách chủ quyền, những đề xuất thăm dò nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa đều chủ yếu tập trung vào khai thác và phát triển chung kết hợp với việc tạm gác lại vấn đề chủ quyền. Cách tiếp cận này thường được coi là khả năng lựa chọn khả thi nhất để tăng cường hợp tác và ổn định trong vùng. Hiệp định Timor Gap giữa Australia và Indonesia, Hiệp định Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam và những thỏa thuận song phương hiện nay khác về phân định đường ranh giới hàng hải đã được xem là các mô hình dựa vào đó xây dựng các kế hoạch khai thác và phát triển chung cho Biển Nam Trung Hoa.
Các công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc, Việt Nam và Philippine đã ký kết Thỏa thuận Khảo sát Địa chấn Biển chung [Join Maritime Seismic Undertaking – JMSU) vào tháng 3 năm 2005 như một thỏa thuận thương mại về tiến hành khảo sát tiền thăm dò dầu khí tại các khu vực thuộc Trường Sa. Lúc đầu thỏa thuận này chỉ được ký giữa Trung Quốc và Philippine, nhưng sau đó Việt Nam đã quyết định tham gia vào năm 2005. Việc ký thỏa thuận này đảm bảo Manila và Hà Nội chí ít cũng được nằm trong quá trình thăm dò tại những khu vực mà họ đang có yêu sách lãnh thổ chồng chéo với Bắc Kinh. Thỏa thuận được ký bởi các công ty dầu khí quốc gia chứ không phải các chính phủ, điều này đã đơn giản hóa quy trình. Song, sau khi thỏa thuận được ký vào năm 2005 thì đảng đối lập ở Philippine đã chỉ trích thỏa thuận này là một chỉ dấu cho thấy chính phủ đang sẵn sàng làm suy yếu những yêu sách của chính mình về những lãnh thổ đang tranh chấp. JMSU cuối cùng đã hết hiệu lực vào ngày 30 tháng 6 năm 2008. Việc gia hạn sau đó đã bị ảnh hưởng bởi những cáo buộc cho rằng trong lần ký kết đầu tiên Trung Quốc đã hối lộ bên ký kết bằng các khoản cho vay[16].
Ngay cả nếu như một kế hoạch khai thác và phát triển chung cho Biển Nam Trung Hoa được đàm phán thành công, thì khi ấy sự chênh lệch sức mạnh quá lớn và việc thiếu một thỏa thuận bao trùm cho các quyền về chủ quyền của các quốc gia duyên hải vẫn có thể bỏ mặc các bên yếu hơn trong tình thế mong manh trong trường hợp xảy ra những thay đổi về tình hình kinh tế hoặc những thay đổi liên quan đến bối cảnh chiến lược. Do đó, người ta có thể cho rằng một kế hoạch phát triển chung như vậy chỉ có thể thành công nếu như nó được đặt bên trong và được xây dựng xung quanh một hệ thống quản lý hợp tác rộng hơn. Nếu không có một sự dàn xếp sâu sắc hơn thì sự chênh lệch sức mạnh quá lớn có thể sẽ vẫn bỏ mặc các bên yếu hơn trong một tình thế mong manh. Một kế hoạch phát triển chung mà không có cơ cấu thể chế và các cơ chế rộng hơn sẽ chỉ đơn giản tái khẳng định những yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong tình hình có sự phân bố sức mạnh không đồng đều ở Biển Nam Trung Hoa. Các quốc gia Đông Nam Á có yêu sách lãnh thổ chỉ có thể được đưa vào quá trình khai thác ở các khu vực ở đó họ đang có yêu sách chủ quyền chồng chéo với Bắc Kinh. Ở tình huống của JMSU, Valencia khẳng định rằng sự khảo sát chung là một sự thiệt thòi cho Philippine bởi vì sự khảo sát đó đó bao gồm cả một khu vực nằm trong thềm lục địa hợp pháp của Philippine mà Trung Quốc và Việt Nam đều không yêu sách. Mặt khác, thỏa thuận này đã đem lại tính hợp pháp cho “những yêu sách không xác thực về pháp lý” của Trung Quốc và Việt Nam.[17]”
Nói ngắn gọn, việc ký kết một kế hoạch thăm dò và phát triển chung cần được thực hiện sau khi đã có sự đàm phán về một khung khổ cho phép tạm gác lại những yêu sách lãnh thổ hiện hữu và thiết lập một bộ quy tắc ứng xử mang tính quy định ràng buộc các mối quan hệ giữa các quốc gia trong vùng và xử lý các tranh chấp hiện hữu hoặc tiềm tàng. Việc thiết lập một khung khổ như vậy dường như rất khỏ xảy ra trong ngắn hạn và trung hạn. Quả thực, sự bế tắc xuất phát từ những yêu sách chủ quyền chồng chéo đan xen với các chính sách dân tộc chủ nghĩa trong nước vẫn tiếp tục là vật chướng ngại quan trọng đối với việc xử lý và giải quyết xung đột ở Biển Nam Trung Hoa theo cách bền vững.
Người dịch: Phạm Anh Tuấn
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
*Người dịch xin để nguyên cách gọi của tác giả về Biển Đông: Biển Nam Trung Hoa. Bản gốc tiếng Anh trên file PDF: Cebfcrpg_FbhguFrn_UND.CQS
------------------------------------------------
[1] Xem Mark J. Valencia, “In Response to Robert Beckman” RSIS Commentaries 53 Rajaratnam School of International Studies, June 4, 2007.
[2] Zou Keyman, “Joint Development in the South China Sea: a New Aproach,” The International Journal of Marine and Coastal Law 21-1 (2006):101.
[3] Luz Baguiro, “Three Nations Sign Pact for Joint Spratlys Surveys” The Strait Times, March 15, 2005.
[4] Ralf Emmers, “Keeping Waters Calm in the South China Sea”, The Strait Times, Singapore, November 21, 2002.
[5] Xem Jorn Dosch, Managing Hegemonic Stability,” Asian Perspective 31-1 (2007); Clive Schofield và Ian Storey “Energy Security and South East Asia: The Impact on Maritime Boundary and Territorial Disputes,” Harvard Asia Quarterly, 9-4 (2005).
[6] Michael Richardson, “China’s Land and Sea Claims: Balancing Stability and Desire for Expansion,” The Strait Times, September 7, 2009.
[7] Ian Storey, “China – Vietnam;s Years of Friendship Turns Fractionous,” The Strait Times, Singapore, May 26, 2009.
[8] Giáo sư Robert Beckman đã nêu vấn đề này tại hội thảo do RSIS và Viện Xã hội học Thượng Hải đồng tổ chức tại Singapore ngày 11 tháng 9 năm 2009.
[9] Barry Wain, “South China Sea: ASEAN caught in a Tight Spot,” The Strait Times, September 16, 2010.
[10] Leni Stenseth, National and Foreign Policy – The Case of China’s Nansha Rhetoric (Dissertation submitted to the Department of Political Science, University of Oslo, 1998), 10.
[11] Bob Catley and Makmur Keliat, Spratlys: The Disputes in the South China Sea (Aldershot, UK: Ashgate Publishing, 1997) 35.
[12] Joshnia P. Rowan, “The U.S. – Japan Security Alliance, ASEAN and the South China Sea Dispute,” Asian Survey 45-3 (2005): 426.
[13] Erik Kreil, “Energy Issues in the South China Sea Region,” in Cooperative Monitoring in the South China Sea, ed. John C. Baker and David G. Wiencek (Westport, CT: Praeger; 2003), 38.
[14] Xem Điều 121 (3) của Công ước UNCLOS năm 1982 trong Văn bản Chính thức của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và các Phụ lục và Bảng chú dẫn. New York, Liên Hợp Quốc, năm 1983.
[15] Leszek Buszynski và Iskandar Sazlan, “Maritime Claims and Energy Cooperation,” Contemporary Southeastasia 29-1 (2007): 147.
[16] Ian Storey, “Trouble and Strife in the South China Sea Part II: the Philippines and China, China Brief [The Jamestown Foundation] 12-9, April 28, 2008, 6.
[17] Xem Valencia, “In Response to Robert Beckman”.
.
.
.
No comments:
Post a Comment