Lý Thái Hùng
Cập nhật ngày: 14/04/2011
Tháng 3 năm 2007, Luật sư Lê Quốc Quân đã bị công an Hà Nội bắt giam vô cớ 3 tháng, khiến cho ý định ra tranh cử đại biểu Quốc hội khóa XII (bầu cử vào tháng 5/2007) đã không thực hiện được. Đúng 5 năm sau, tháng 3 năm 2011 vừa qua, lại một lần nữa Luật sư Lê Quốc Quân nộp đơn ứng cử đại biểu quốc hội khóa XIII (bầu cử vào ngày 22 tháng 5/2011) thuộc đơn vị thành phố Hà Nội. Anh là một trong 83 người đã nộp đơn tự ứng cử trên toàn quốc, riêng Hà Nội thì có 30 người nộp đơn. Ngày 30 tháng 3, Luật sư Lê Quốc Quân đã nhận được giấy mời của Ủy ban mặt trận phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy để đến nghe ý kiến của cử tri nơi anh cư trú. Theo nguyên tắc, Luật sư Lê Quốc Quân phải trải qua ba chặng khảo hạch (gồm ý kiến của cử tri nơi cư trú, nơi làm việc và ý kiến sau cùng của Ủy ban mặt trận tổ quốc) thì mới có tên chính thức trong danh sách ứng cử.
Nhưng kết quả của cuộc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú vào ngày 30 tháng 3, Luật sư Lê Quốc Quân đã bị cơ quan Phường dàn dựng một cuộc “đấu tố” trước khi bỏ phiếu truất quyền ứng cử của anh. Bốn ngày sau đó, khi Luật sư Lê Quốc Quân ra xem phiên tòa xét xử Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tại tòa án nhân dân Hà Nội vào sáng ngày 4 tháng 4, thì anh đã bị công an bắt giữ cùng với 40 người khác với tội danh lạ đời là “phá rối trật tự công cộng” dù họ không làm gì cả. Tất cả những người bị bắt đều được công an thả ngay tối khuya hôm đó; nhưng Luật sư Lê Quốc Quân và Bác sĩ Phạm Hồng Sơn thì bị công an chở về nhà lục soát, tịch thu một số tài liệu, máy móc và đọc lệnh tạm giam vào nửa đêm. Việc bắt giữ chắc chắn là đòn bẩn của an ninh nhằm đối với các nhà dân chủ nói chung, và dằn mặt những tiếng nói dân chủ đã “dám” ra tranh cử vào quốc hội nói riêng.
Điều bất ngờ và có lẽ khó chịu nhất của Tổng cục an ninh đối nội thuộc Bộ công an CSVN trong việc bắt giữ Luật sư Lê Quốc Quân lần này, là đã bị làn sóng phản đối mạnh mẽ của giới Công Giáo qua các thánh lễ cầu nguyện cho Lê Quốc Quân và Phạm Hồng Sơn. Các Thánh lễ đã diễn ra tại những Cộng đoàn lớn như tại giáo phận Vinh, Thái Hà, Thái Bình … với nhiều ngàn người tham dự. Ngoài các Thánh Lễ cầu nguyện, Cộng Đoàn Doanh Nhân – Trí Thức Công Giáo và Cộng Đoàn Vinh tại Hà Nội đã ra Tuyên Cáo phản đối công an Hà Nội trong việc bắt giữ Luật sư Lê Quốc Quân; đồng thời kêu gọi tổ chức các sinh hoạt cầu nguyện rộng khắp, liên tục cho đến khi Luật sư Quân được trả tự do.
Ngoài trách nhiệm là Trưởng ban liên lạc của Cộng đoàn Doanh nhân và Trí thức Công giáo Việt Nam, Luật sư Lê Quốc Quân còn là thành viên của Ủy ban Công lý – Hòa bình của Giáo Phận Vinh do Đức Cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp làm chủ tịch. Với những trách nhiệm như vậy, nhà cầm quyền CSVN chắc đã phải liệt kê Luật sư Lê Quốc Quân vào thành phần đối tượng “nguy hiểm” cho sự an nguy của họ vì anh có một khối quần chúng Công Giáo mạnh mẽ hậu thuẫn qua phong trào cầu nguyện tập thể tại các giáo phận. Việc CSVN tiếp tục giam giữ anh, có thể làm bùng phát những cuộc tập trung đông đảo của hàng ngàn giáo dân, từ cầu nguyện tới xuống đường tập thể để phản đối những hành xử phi lý của chế độ.
Do đó, Bộ công an đã cử một phái đoàn đến gặp các Đức Cha để trấn an và đề nghị Hội đồng Giám Mục kêu gọi giáo dân bình tĩnh, không tham gia các buổi lễ cầu nguyện cho Luật sư Lê Quốc Quân. Một phái đoàn khác của Bộ công an thì được cử đến giáo phận Vinh yêu cầu chấm dứt các buổi lễ cầu nguyện, để cho công an điều tra về những liên hệ của Luật sư Quân với các lực lượng phản động. Những thú nhận của Bộ công an đối với các Đức Cha về việc điều tra Luật sư Quân liên hệ đến phản động, cho thấy nhà cầm quyền CSVN lại tái diễn những xảo thuật bắt người điều tra một cách vô lối, tương tự như vụ án hai bao cao xu đối với Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.
Từ chỗ bắt giữ vì tội “phá rối trật tự công cộng” để truy tìm manh mối liên hệ đến những hoạt động chống lại chế độ của Luật sư Lê Quốc Quân, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, cho thấy là thành phần an ninh CSVN đang sống trong não trạng “hoảng loạn”. Não trạng này khá phổ biến từ khi cuộc cách mạng Hoa Lài bùng nổ tại Bắc Phi với những âm hưởng của làn sóng chống đối ôn hòa, bất bạo động đang lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều nơi trong xã hội Việt Nam. Trong đó, phải nói là lực lượng giáo dân công giáo tại một số giáo xứ Hà Nội, Vinh, Thái Bình đã tham gia vào các Thánh lễ cầu nguyện cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ không những đông đảo mà còn đưa ra một tín hiệu rất lớn về sự nhập cuộc của những lực lượng quần chúng.
Vụ bắt giữ Luật sư Lê Quốc Quân vừa qua không phải là sự tình cờ của cơ quan an ninh, mà đã có sự tính toán từ trước của bộ công an, khi họ muốn triệt hạ những tác nhân có khả năng điều hướng khối giáo dân gây những sức ép lên chế độ. Công an CSVN chưa dám trực diện một số vị Linh Mục can đảm vì không muốn tạo ra cuộc đối đầu toàn diện giữa chế độ với khối Công giáo nên chỉ nhắm vào Luật sư Lê Quốc Quân. Công an nghĩ rằng họ dễ dàng triệt hạ Lê Quốc Quân với những tội danh bịa đặt như đã từng cáo buộc Luật sự Cù Huy Hà Vũ; nhưng từ khi Luật sư Quân bị bắt, lực lượng Công giáo đã đứng dậy qua các Thánh lễ và nhiều nơi đã thắp nến cầu nguyện.
Chính thái độ tranh đấu quyết liệt nhưng ôn hòa của tập thể giáo dân công giáo trong hơn 9 ngày vừa qua đã đẩy nhà cầm quyền CSVN vào thế lúng túng. Nếu tiếp tục bắt giữ Luật sư Lê Quốc Quân về tội “gây rối trật tự” thì họ sẽ phải đối đầu với làn sóng chống đối của lực lượng công giáo trên toàn quốc và có thể lan tỏa sang những thành phần quần chúng khác như dân oan, công nhân… Đây là điều mà CSVN rất lo sợ vì có thể sẽ biến thành ngòi nổ của một cuộc cách mạng Hoa Lài tại Việt Nam khi mà sự bực tức của người dân bị đẩy đến cao điểm. Ngoài ra, CSVN cũng không muốn những buổi hiệp thông cầu nguyện lan rộng trên toàn quốc, gây khó khăn và cản trở việc chuẩn bị bầu cử đại biểu quốc hội và Hội đồng đại biểu nhân dân cấp Tỉnh, Thành vào ngày 22 tháng 5 sắp tới.
Cuối cùng, 9 giờ 30 tối ngày 13 tháng 4, công an CSVN đã phải thả Luật sư Lê Quốc Quân và Bác sĩ Phạm Hồng Sơn sau đúng 9 ngày tạm giữ.
Điều này cho ta dẫn đến kết luận:
1/ CSVN thật sự lo sợ những cuộc tụ tập của quần chúng dù là dưới hình thức cầu nguyện, thắp nến ôn hòa;
2/ Chế độ không muốn áp lực quốc tế gia tăng vào lúc kinh tế đang rơi vào chu kỳ suy thoái hiện nay;
3/ Thế đấu tranh mạnh mẽ của người dân đã từng bước buộc chế độ phải nhượng bộ, lùi dần khi toàn khối dân tộc vững bước tiến lên.
Lý Thái Hùng
Ngày 14/4/2011
Ngày 14/4/2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment