Nguyễn Văn Tuấn
Thứ Năm 7-4-2011
Cách đây khoảng 2 tháng, báo chí đưa tin có sức thu hút độc giả rất cao: “Vật lý cơ học của Việt Nam có đi trước thế giới?” . Một anh bạn bên Canada có viết một bài ngắn chỉ ra những sai lầm của tác giả “công trình” đó. Tưởng rằng câu chuyện đã đi vào lãng quên, nhưng nay báo chí lại đưa tin đó! Lần này, người ta còn tổ chức một hội thảo khoa học để thảo luận về đề tài tào lao đó. Thật khó tưởng tượng nổi giới khoa học có nhiều thì giờ để bàn về một câu chuyện mà nói theo tiếng Anh là anecdote như thế.
Trong khoa học, thỉnh thoảng vẫn có những câu chuyện giật gân, nhưng câu chuyện “Vật lý cơ học của Việt Nam có đi trước thế giới” ở Việt Nam thì vượt ra ngoài phạm vi giật gân. Những câu chuyện giật gân trong khoa học thường là những khám phá, phát hiện đi ngược lại quan điểm chính thống. Phần lớn những khám phá giật gân này thường sai sau khi qua thẩm định và tái thẩm định độc lập bởi cộng đồng khoa học. Chỉ có một số rất hiếm là đúng và mở đầu cho một cuộc cách mạng mới trong khoa học, dĩ nhiên là sau một thời gian dài được kiểm chứng. Khi một giả thuyết được kiểm định và chấp nhận, nó sẽ trở thành một paradigm (mô thức) mới – nói theo ngôn ngữ của Thomas Kuhn. Nhưng đó là cách làm khoa học nghiêm chỉnh, hiểu theo nghĩa các kết quả phải được công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt. Còn câu chuyện hiện đang được lan truyền ở Việt Nam (vật lí cơ học của Việt Nam có đi trước thế giới) thì không phải là khoa học, mà là pseudoscience – có lẽ tạm dịch là khoa học dỏm.
Khoa học dỏm khác với khoa học thật ở nhiều điểm. Có thể kể ra vài đặc điểm chính như sau:
Thứ nhất, khoa học dỏm thường có xu hướng thờ ơ trước dữ liệu thật (hoặc chẳng làm thí nghiệm để thu thập dữ liệu) và cơ sở lập luận logic, mà chỉ tập trung vào niềm tin và ý chí.
Thứ hai, những “nghiên cứu” của khoa học dỏm lúc nào cũng mang tính rời rạc, chấp nối. Thông tin thì cắt xén một mớ hoặc dựa vào những tin đồn, hoặc dựa vào những tài liệu khoa học dỏm khác. Họ cũng chẳng thèm tốn công kiểm tra nguồn gốc và tính chính xác của tài liệu mà họ dùng.
Thứ ba, khoa học dỏm thường bắt đầu bằng một giả thiết cảm tính, hay một giả thuyết có thể làm hấp dẫn và kích động công chúng. Điển hình là những phát biểu mang tính tự hào dân tộc, như “ta đây là số 1 trên thế giới”.
Thứ tư, khoa học dỏm không quan tâm đến những tiêu chuẩn về chứng cứ. Đối với khoa học dỏm, người ta không muốn và ít khi nào đề cập đến những tài liệu khoa học xác thực trong các tập san khoa học chuyên môn. Khoa học dỏm không bao giờ trưng bày những bằng chứng khoa học với những tiêu chuẩn khắc khe để làm nền tảng cho những phát biểu của họ.
Thứ năm, khoa học dỏm chủ yếu nhắm vào công chúng không am hiểu khoa học. Vì nhắm vào công chúng nên khoa học dỏm thường đăng bài ở những tạp chí dành cho người không chuyên môn, và do đó, bài báo không có kiểm tra về phương pháp hay tính chính xác.
Đối chiếu những “tiêu chuẩn” trên với “công trình khoa học” cho rằng vật lí cơ học của Việt Nam có đi trước thế giới, chúng ta thấy “công trình” đó hội đủ nhiều điều kiện của một sản phẩm khoa học dỏm.
Thật vậy, cái gọi là “công trình khoa học” đó chưa bao giờ được công bố trên một tập san khoa học nào cả, và chỉ một điều kiện này cũng đủ để nói rằng đó không phải là một sản phẩm của nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh. Thật ra, đối với các chuyên gia cơ học thì "công trình" đó có nhiều sai sót cơ bản, cho nên dù có gửi cho tập san khoa học nghiêm chỉnh thì chắc cũng chẳng bao giờ được bình duyệt, chứ chưa nói đến việc công bố.
Điều kinh ngạc (hay quá khó tin) là những người mang danh khoa học lại tốn thì giờ và tiền bạc để thảo luận về một đề tài khoa học dỏm! Thật khó tin khi trong hội thảo đó có những người mang những chức danh giáo sư, có học vị tiến sĩ khen ngợi một “công trình” mà đã có chuyên gia chỉ ra những sai lầm cơ bản. Nếu họ là những chuyên gia thật sự thì công chúng và người “ngoại đạo” như tôi có lí do để đặt dấu hỏi về khả năng và nhận thức khoa học (chưa nói chuyên môn) của họ. Với đà làm việc và nhận thức của những nhà khoa học như thế thì nền khoa học Việt Nam sẽ còn rất gian nan để có thể hội nhập quốc tế.
Làm khoa học mà mang tự hào dân tộc quá thì không nên. Chưa có đóng góp gì cho chuyên ngành mà đã vội vàng tuyên bố trên báo chí rằng ta đi trước thời đại, đi tiên phong trên thế giới thì quả là khôi hài. Không một nhà khoa học nào dám nói như thế, cho dù công trình của họ thật sự mang tính cách mạng. Hãy để cho cộng đồng khoa học -- chứ không phải báo chí -- đánh giá và phán xét. Những tuyên bố mang tính dân tộc chủ nghĩa dù hàm ý tự hào dân tộc, nhưng trong thực tế thì được nhìn như là một sự tự ti, hay nói theo tiếng Anh là inferiority complex. Mặc cảm tự ti vì sự yếu kém của mình nên phải đi tìm một cái gì đó (chẳng hạn như tự vỗ ngực mình đứng đầu thế giới, hay bằng cấp, thậm chí danh xưng) làm điểm tựa. Chỉ tiếc rằng điểm tựa như thế là dỏm và đóng góp thêm một câu chuyện hài hước -- thay vì đóng góp vào khoa học -- cho thế giới.
NVT
--------------------------------------------------
TB: Dưới đây là ý kiến của một giáo sư cơ học ở Hà Nội về công trình trên:
Câu chuyện KS Nguyễn Văn Thường đã được biết đến từ lâu trong ngành Cơ học VN, và ngộ nhận “phát minh mới” của ông cho cơ học cổ diển đã bị bác bỏ. GS Nguyễn Văn Khang (ĐHBK HN) – hiện là một chủ trì đề tài của NAFOSTED – cũng là một trong những chuyên gia đã cho phản biện chi tíết cụ thể.
Những “phát kiến động trời” gửi tới các cơ quan khoa học như trường hợp của ông Thường ở ta có nhiều và thường xuyên (ở nước ngòai cũng có). Điều lạ là trường hợp của ông được ưu ái hơn nhiều trường hợp khác: thỉnh thỏang lại có văn bản từ cấp trên (kể từ Chính phủ và Quốc hội) yêu cầu các co quan khoa học tổ chức hội thảo xem xét phát minh của ông, và một vài trường hợp khác; Các GS Vật lý có tiếng như Nguyễn Hòang Phương và Nguyễn Văn Hiệu ngợi ca ông (?) VTV đã từng làm chương trình đình đám về ông; báo chí – nay mới nhất là 1 tờ báo điện tử nghiêm chỉnh như VNNet – đăng bài về phát kiến của ông.
Nếu nhứng phát kiến đem đến được công nghệ và sản phẩm mới có giá trị thi trường, thì hãy vận động các cơ sở ứng dụng thực hiện và giá trị thực tế của nó sẽ được nhận thấy ngay. Như thần đèn Lũy chẳng hạn, phát kiến “dời nhà” của ông chẳng là mới với quốc tế, nhưng đó là việc khó không phải ai cũng làm được, và ông đã có những đóng góp thiết thực cu thể cho đời sống và xứng đáng được ngợi ca trên báo chí. Còn nếu là NCCB như của ông Thường – thì phải được viết bài gửi đăng và phản biện khách quan nghiêm túc ở các tạp chí khoa học chuyên ngành (thậm chí ngày nay có thể post thẳng lên Internet) để giới chuyên môn xem xét đánh giá và công nhận – đó là con đường mà mọi nhà khoa học phải đi, kể cả người đã được giải Nobel và Anhxtanh. Không có ai được là ngọai lệ.
Một công trình khoa học chưa qua được con đường đó mà nói là “vượt lên trên thế giới” trên báo chí rõ ràng là lá cải và nhảm nhí.
Tôi đã từng góp ý với lãnh đạo Viện Cơ là giải thích với ông Thường như vậy và cả với các cơ quan cấp trên khi họ gửi công văn đến cho trường hợp đó và cả các trường hợp khác, và bằng văn bản. Nhưng các lãnh đạo khoa học VN (kể cả Liên hiệp Hội KH$KT như vừa rồi) vẫn cứ tổ chức các hội thảo vừa mất thì giờ và tốn kém tiền bạc nhà nước. Có lẽ họ muốn lấy điểm “tầm quan trọng” và “thành tích” của mình với cấp trên ? Ở VN ta làm khoa học nhiều khi cứ như diễn kịch vậy.
PĐC
Những “phát kiến động trời” gửi tới các cơ quan khoa học như trường hợp của ông Thường ở ta có nhiều và thường xuyên (ở nước ngòai cũng có). Điều lạ là trường hợp của ông được ưu ái hơn nhiều trường hợp khác: thỉnh thỏang lại có văn bản từ cấp trên (kể từ Chính phủ và Quốc hội) yêu cầu các co quan khoa học tổ chức hội thảo xem xét phát minh của ông, và một vài trường hợp khác; Các GS Vật lý có tiếng như Nguyễn Hòang Phương và Nguyễn Văn Hiệu ngợi ca ông (?) VTV đã từng làm chương trình đình đám về ông; báo chí – nay mới nhất là 1 tờ báo điện tử nghiêm chỉnh như VNNet – đăng bài về phát kiến của ông.
Nếu nhứng phát kiến đem đến được công nghệ và sản phẩm mới có giá trị thi trường, thì hãy vận động các cơ sở ứng dụng thực hiện và giá trị thực tế của nó sẽ được nhận thấy ngay. Như thần đèn Lũy chẳng hạn, phát kiến “dời nhà” của ông chẳng là mới với quốc tế, nhưng đó là việc khó không phải ai cũng làm được, và ông đã có những đóng góp thiết thực cu thể cho đời sống và xứng đáng được ngợi ca trên báo chí. Còn nếu là NCCB như của ông Thường – thì phải được viết bài gửi đăng và phản biện khách quan nghiêm túc ở các tạp chí khoa học chuyên ngành (thậm chí ngày nay có thể post thẳng lên Internet) để giới chuyên môn xem xét đánh giá và công nhận – đó là con đường mà mọi nhà khoa học phải đi, kể cả người đã được giải Nobel và Anhxtanh. Không có ai được là ngọai lệ.
Một công trình khoa học chưa qua được con đường đó mà nói là “vượt lên trên thế giới” trên báo chí rõ ràng là lá cải và nhảm nhí.
Tôi đã từng góp ý với lãnh đạo Viện Cơ là giải thích với ông Thường như vậy và cả với các cơ quan cấp trên khi họ gửi công văn đến cho trường hợp đó và cả các trường hợp khác, và bằng văn bản. Nhưng các lãnh đạo khoa học VN (kể cả Liên hiệp Hội KH$KT như vừa rồi) vẫn cứ tổ chức các hội thảo vừa mất thì giờ và tốn kém tiền bạc nhà nước. Có lẽ họ muốn lấy điểm “tầm quan trọng” và “thành tích” của mình với cấp trên ? Ở VN ta làm khoa học nhiều khi cứ như diễn kịch vậy.
PĐC
---------------------------------------------
Thúy Nga - Vietnamnet
Cập nhật lúc 04/04/2011 08:19:28 AM (GMT+7)
Ngày 31/3, tại Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam diễn ra tọa đàm: ”Vật lý cơ học của Việt Nam có đi trước thế giới?”.
Cuộc tọa đàm nhằm làm rõ những phát hiện của ông Nguyễn Văn Thường, Hội Vật lý Việt Nam xung quanh lý thuyết cơ học đang dạy cho học sinh phổ thông, đại học, cao học mà ông cho rằng, có những điểm chưa chuẩn xác, là nguyên nhân đưa ra những tính toán sai lầm, làm sập đổ nhà cửa, cầu cống.
Sau hàng chục năm, từ công việc hằng ngày rồi bằng thực nghiệm, ông Thường phát hiện ra, các lực chỉ độc lập với nhau khi chúng vuông góc với nhau.
Từ phát hiện này ông nâng lên thành Nguyên lý độc lập Việt Nam, được in vào sách Cơ học 1 (Bộ GD - ĐT) dạy cho học sinh trung học phổ thông từ năm 2009.
Phát hiện này theo ông, ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống.
Ví dụ, từ trước đến nay trong xây dựng cầu cống, lắp đặt cần cẩu, bằng lý thuyết cũ người ta chỉ tính đến lực kéo và nén nhưng Nguyên lý độc lập của ông Thường còn tính đến cả lực uốn- một lực quan trọng nếu không tính đúng, tính đủ sẽ gây sập đổ cầu cống, nhà cửa, lật cần cẩu.
Phát hiện này đang gây tranh cãi trong giới khoa học, trong các nhà làm sách. Dưới đây là ý kiến của tác giả và các nhà khoa học trong buổi tọa đàm:
Ông Nguyễn Văn Thường- Hội Vật lý Việt Nam: Việt Nam đang đi trước thế giới hàng trăm năm về cơ học
Tôi muốn bắt đầu bằng việc, nếu GS Ngô Bảo Châu không chứng minh được bổ đề toán học Langlans thì có thể hàng trăm năm nữa thế giới mới chứng minh được bổ đề toán học này.
Phát hiện của tôi là với phép phân tích lực, từ trước đến nay chỉ phân tích lực theo hình bình hành, như thế chỉ giải được 2 nghiệm trên 1 mặt phẳng nhưng nếu chuyển sang phân tích lực theo hệ lực vuông góc nhiều tầng, nhiều lớp thì bất cứ bài toán nào cũng giải được 2,3,4...thậm chí “n” nghiệm trên một mặt phẳng.
Từ nghiên cứu của tôi buộc hàng nghìn bài toán phải giải lại với kết quả ngược nhau 1800.
Nếu chúng ta không công bố đề tài này thì thế giới còn có thể chìm đắm trong sự sai lầm chết người.
Trong khi các giáo trình của ta đang dạy rằng, lực kéo nén tiến đến vô cùng và không có uốn thì thực tế, theo nghiên cứu của tôi, lực uốn vẫn xảy ra.
Các vụ sập đổ nhà cửa, cầu cống, lật cần cẩu mà tôi quan sát đều do lực uốn gây ra. Rất nhiều công trình khi xảy ra tai nạn người ta không rõ nguyên nhân vì đã tính toán rất chuẩn theo lý thuyết nhưng dựa vào lý thuyết của tôi thì lý giải được ngay: đó là do lực uốn chúng ta đã bỏ qua, không tính đến.
Ngược lại, những công trình còn đứng vững là do ta áp dụng hệ số an toàn cao (bằng 2,5- có nghĩa đáng xây một cây cầu thì đã thành xây 2 cầu nên không sụp đổ nhưng lại tốn kém). Nếu áp dụng lý thuyết của tôi thì cầu cống vừa an toàn, vừa tiết kiệm tới 20% nguyên vật liệu.
Tôi rất mừng là mới đây sách THPT đã đưa những phát hiện này vào giảng dạy nhưng ở bậc đại học và cao học thì chưa. Tôi chỉ có mong muốn duy nhất là nghiên cứu này nếu đúng phải được công nhận, được áp dụng để giảm các tai nạn thương tâm.
GS. Vũ Quang- Chuyên viên Viện Khoa học giáo dục, Bộ GDĐT: Tôi ghi nhận nghiên cứu của ông Thường
Tôi gặp ông Nguyễn Văn Thường vào năm 1988 rất tình cờ.
Năm đó ông Thường có phát hiện ra những sai sót trong sách giáo khoa và đã lên gặp lãnh đạo của Bộ Giáo dục (lúc này Bộ Đại học và Bộ Giáo dục chưa hợp nhất).
Lãnh đạo Bộ có gửi công văn nhận định cho Viện Khoa học Giáo dục, rồi viện lại chuyển cho bộ môn Vật lý, chúng tôi xem thực nghiệm của ông Thường thì đồng ý ngay.
Đích thân tôi đã dẫn ông Thường đến nhà cụ Ngụy Như Kon Tum, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp. Cụ nói: ”Hay quá!” và đích thân cụ đạp xe đến chỗ GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam để giới thiệu.
Ngay lập tức ông Hiệu tổ chức luôn 2 cuộc hội thảo để đánh giá hiệu quả kinh tế của đề tài.
Về ý kiến của riêng tôi, thí nghiệm của ông Thường có tính chất thuyết phục, phù hợp điều chúng tôi suy nghĩ trước đó.
Đúng là liên kết cứng và động hoàn toàn khác nhau. Về các công thức tính của ông Thường nên để các nhà cơ học phát biểu thêm.
Ông Tô Giang- chuyên viên Viện Khoa học VN, Bộ GDĐT: Thế giới đã biết điều này
Sách giáo khoa vật lý của ta cách đây hơn 20 năm dựa trên sách giáo khoa của Liên Xô (cũ) là chủ yếu.
Về phần cơ học lớp 10 có một vài điểm sai, ví như phép phân tích lực là phép làm ngược lại của tổng hợp lực hay quan niệm liên kết chặt không khác gì liên kết bằng bản lề trong các kết cấu gồm các thanh cứng.
Ông Thường phát hiện ra những sai sót này đã đến tận nhà tôi làm thí nghiệm và tôi cũng công nhận đúng.
Khi làm sách giáo khoa lớp 10 năm 1990 và tài liệu giáo khoa thí điểm ban khoa học kỹ thuật năm 1994 tôi đã tham khảo thêm được một số sách của Pháp, Mỹ nên tôi đã loại bỏ ví dụ về liên kết chặt.
Theo tôi thì thế giới đã biết vấn đề này mặc dù họ không có phát hiện như ông Thường nhưng họ đã tránh các lỗi sai bằng phép chiếu lực lên hai trục dọc tọa độ.
Nói gì thì nói, tôi phục ông Thường ở chỗ, ông đã làm thực nghiệm để tìm ra cái sai trong quan niệm cũ về liên kết và phân tích lực, điều đó rất đáng ghi nhận.
PGS.TS Phạm Bích San – Giám đốc Văn phòng tư vấn phản biện các vấn đề xã hội- Liên hiệp hội: Nên viết thành công trình khoa học
Đây là vấn đề khoa học được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam rất quan tâm song chúng tôi chưa đủ chuyên môn thẩm định nên chưa khẳng định được.
Chúng tôi mong muốn nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí uy tín trên thế giới. Muốn vậy tác giả nên viết thành công trình khoa học, đăng trên tạp chí uy tín thế giới, có hội đồng thẩm định độc lập.
Nếu nghiên cứu của ông Thường được khẳng định tôi nghĩ rằng nó sẽ mang lại lợi ích cực kỳ lớn, đặc biệt là tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu trong xây dựng cũng như đảm bảo an toàn cho hàng loạt công trình.
*
*
Ông Thường đã đăng ký bản quyền tác giả với tác phẩm:”Những phát hiện mới về cơ học và vật lý có liên quan đến một số giáo trình cơ bản tại Hà Nội- Việt Nam 1965-2000” số 348/2005/QTG. Ông cho biết, nghiên cứu của mình có từ năm 1965 nên nếu Anh, Pháp, Mỹ...phát hiện trước năm 1965 thì công trình đó là của họ còn từ 1965 trở về sau thì phải của người VN.
XEM BÌNH LUẬN Ở CUỐI BÀI : http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/15250/vat-ly-viet-nam-di-truoc-the-gioi-.html
.
.
.
No comments:
Post a Comment