Friday, April 15, 2011

VĂN HÓA TRANH LUẬN, NỖI XẤU HỖ CỦA VĂN HÓA VIỆT (Nguyễn Quang Lập)


Nguyễn Quang Lập
15.04.2011
Trong một cuộc gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội đã nói: “Báo chí đã thực sự đóng góp rất lớn vào thành công của kỳ họp, đồng thời đóng góp rất lớn và phát triển của đất nước khi mà tranh luận xã hội đã đi cùng với phát triển trước những vấn đề lớn của đất nước, bước đầu đã hình thành văn hóa tranh luận trên báo chí…” Một lời khen đắng ngắt, trải qua gần hai thế kỉ báo chí nước nhà mới hình thành văn hóa tranh luận, quá buồn nhưng có vẻ như lời khen hơi quá.
Liệu chúng ta đã hình thành văn hóa tranh luận hay chưa? Câu hỏi thật khó trả lời. Không phải không có những cuộc tranh luận có văn hóa, nhiều là đằng khác nhưng nó quá ít, như muối bỏ bể, nếu xét trên cái nền chung văn hóa tranh luận nước nhà hiện thời. Những đạo lý lỗi thời tồn đọng từ xưa tới nay trong tâm thức người Việt, nguyên nhân của sự bất bình đẳng trong tranh luận, nói khác đi, khó có thể có văn hóa tranh luận khi mà sự vâng lời, tính tuân thủ, thói quen chấp hành vô điều kiện giữa lớn và bé, cao và thấp, to và nhỏ đang là triết lý sống của người Việt.
Chưa bàn đến việc đó, ngay cả khi hoàn toàn được quyền tranh luận bình đẳng, không có sự cản trở nào của đạo lý cổ truyền hay các luật lệ đương thời, thì người ta cũng không đủ được bình tĩnh để bảo toàn cuộc tranh luận, không chóng thì chầy nó trở thành cuộc cãi lộn, chửi rủa, thóa mạ nhau. Mục đích tối thượng của tranh luận là tìm kiếm chân lý đã không được coi trọng, người ta đánh đồng liêm sĩ với chân lý, bảo vệ ý kiến của mình không còn là bảo vệ một chân lý khoa học mà bảo vệ liêm sĩ của cá nhân mình, khốn thay.
Đấy là lý do để người ta không chịu tranh luận mà ngụy biện, tháu cáy lí lẽ, bẻ quẹo các khái niệm và đổ vấy đối phương bằng sự chụp mũ trắng trợn và thô bạo. Một nhà văn hóa đã nói: “Việc cá thể hóa một tranh luận là điểm khởi đầu hoàn hảo để biến nó thành chiến tranh.” Hoàn toàn chính xác. Một khi đánh đồng sự đúng sai với phẩm hạnh hay trình độ của người tranh luận thì kết cục tất yếu của mọi cuộc tranh luận sẽ là khinh rẻ và thù hằn nhau, không thể khác.
Kể từ khi văn hóa mạng phát triển, các cuộc tranh luận ngày càng lâm vào tình trạng hỗn loạn, lắm khi không còn ra thể thống gì nữa. Một người lấy tên thật phải đối phó với hàng trăm, hàng ngàn kẻ lấy nick name ảo. Có nhiều lý do để người ta lấy nick ảo, nhưng với những kẻ giấu tên thật chỉ để chửi nhau, thóa mạ nhau cho dễ thì người có tên thật khác nào đương cự với đám đông những kẻ ném đá giấu tay. Xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc chửi rủa, thóa mạ bất tử. Không cần phải lý lẽ, nếu mày nói ngược lại điều tao muốn thì mày bị ăn chửi. Thật không gì tệ hại hơn.
Về một bài viết nổi tiếng của giáo sư toán học Ngô Bảo Châu đã làm cho anh quá mệt mỏi không phải vì những chỉ trích nghiêm túc, chỉ vì anh không thể nói chuyện được với những kẻ “mở miệng là chửi bậy, viết đi viết lại cũng chỉ dăm câu đại loại “Đèo mạ cái thứ nực cười ….muốn ỉa quá!” và “thóa mạ anh bằng thứ ngôn từ hàng chợ, gọi anh là “giáo sư cừu gặm cỏ”. (Theo nhà báo Trương Duy Nhất).
Có lẽ đó là lý do Ngô Bảo Châu buộc phải đóng cửa blog Thích học toán của mình, cũng là lý do vì sao văn hóa tranh luận nước nhà bị coi là nỗi xấu hổ của văn hóa Việt.
.
.
Bài đọc thêm:

I’m Sorry Eleven – Văn hóa Xin lỗi
Hiệu Minh
Ở nước mình, xin lỗi là ghê gớm lắm. Mỗi lần phải xin lỗi cảm thấy như bị mất gì lớn lao, sợ mất chức, mất tiền, mang tiếng, nên ít người thích mở mồm dù phạm lỗi hai năm rõ mười. Văn hóa như thế nên thất thoát cả tỷ đô la, chả thấy ai “lấy làm tiếc”.
Trong khi Tây thấy chuyện xin lỗi rất tự nhiên vì họ đã quen như thế. Nhưng sống một thời gian trong môi trường ta thì đám mũi lõ mắt xanh cũng bắt chước.

Nhớ thời làm ở Hà nội, Tổng Cua quen anh bạn người Đức, giỏi tiếng Việt hơn cả người bản xứ. Hắn mà nói, nếu không nhìn mặt, thì không thể biết đây là Tây ăn rau muống. Rất lạ, hắn chửi tục cực kỳ, mở mồm là văng đ. nam., đ. bắc, mẹ… nghe ghê cả người. Góp ý thì lão nhăn răng “Đ. mẹ, mình không chửi trước thì đứa khác cũng đ. má mình thôi”.
Lần đầu sang VN, anh đi xe đạp, không may va vào một chân dài. Anh sorry rối rít thì người đẹp bản xứ nổi cơn tam bành “Tây đéo gì mà đi ngu thế”. Anh vội vàng “Xin em tha lỗi”. “Lỗi cái mẹ gì, đền cái quần giá mấy triệu bị bôi bẩn của bà đây”. Bị một bọn đầu gấu vây quanh, sợ bị đòn hội đồng, anh nghiến răng móc túi.
Rút kinh nghiệm lần sau đi chợ Hôm, anh không may chạm vai một tay lang thang. Biết mình có lỗi nhưng tay “Tây lai ta” này quắc mắt “Đi đứng kiểu mẹ gì thế”. Biết là động vào Tây cũng mệt, tay anh chị kia chuồn thẳng.
Từ đó anh suy ra, ở VN không cần xin lỗi. Cứ văng tục, chửi thề, dọa phủ đầu đối phương là dễ thoát nạn. Lịch sự có khi bị ăn đòn hay mất tiền. Có lỗi nhưng thấy đứa nào vạch lỗi của mình ra thì cho nó vào tù, đếm kiến vài năm, tha hồ học kiểu xin lỗi của đầu gấu.
Nói tóm lại, nhiều người không biết xin lỗi, không học được văn hóa xin lỗi và dạy luôn cả Tây thói xấu này.

Nhưng khi sang Tây thì dân ta quá lịch sự, chuyện không có gì mà xin lỗi tới cả chục lần, do môi trường văn hóa chăng.

Có chuyện vui thế này. Dành cho các bạn biết tiếng Anh vì trò chơi chữ : too – two, for – four, sick – six, then – ten. Phần dịch tạm dành cho các bạn IT English – i tờ tiếng Anh.

Ông Việt Nam mới học tiếng Anh vô tình đụng phải ông Tây trong metro nên nói: “I’m sorry – Xin lỗi”, ông Tây cũng lịch sự: “I’m sorry too – Tôi cũng xin lỗi”.
Ông Việt Nam nghe xong vội vàng: “I’m sorry three – Tôi xin lỗi ba lần”, ông Tây nghe thấy lạ quá hỏi: “What are you sorry for? – Anh xin lỗi về cái gì chứ”.
Ông VN làm luôn: “I’m sorry five – Tôi xin lỗi năm lần”. Ông Tây lo lắng hỏi ông Việt Nam “Sorry, are you sick – Xin lỗi, ông có ấm đầu không”.
Ông VN vẫn thản nhiên “I’m sorry seven – Tôi xin lỗi bẩy lần”.
Ông Tây tức lắm trợn mắt hỏi “Sorry, do you intend to count to eight? – Xin lỗi, ông định đếm đến tám chắc”. Ông Việt Nam kiên nhẫn “I’m sorry nine – Tôi xin lỗi 9 lần”.
Ông Tây ngọng luôn “Sorry, then..then…- Thế thì, thế thì”. Ông Việt Nam vớt vát “I’m sorry eleven…- Tôi xin lỗi 11 lần”.
Lão Tây phải ngừng. Nếu tiếp tục hỏi thì có lẽ tay VN này sẽ sorry hundred…
Chúc cả nhà vui cuối tuần
HM. 14-03-2011

.
.
.

No comments: